Mục vụ Ngày của Chúa tại Việt Nam
Thứ bảy - 12/09/2015 04:29
1955
Phần đông giáo dân Việt Nam hiện nay còn khá trung thành với luật giữ Chúa Nhật “Ngày của Chúa”. Tuy nhiên, giữ thì giữ đó, nhưng hiểu ý nghĩa nội dung Chúa Nhật là việc cử hành mầu nhiệm Phục sinh của Chúa Kitô, và đồng thời là hiện thực hóa cuộc phục sinh của mỗi tín hữu thì chưa biết người ta hiểu được bao nhiêu.
Yếu tố căn bản của Chúa Nhật là Cộng Đoàn Thánh Thể tập hợp. Do đó, điều quan hệ là phải làm cho người giáo dân cũng như chính linh mục ý thức: không phải liệu sao tham dự hay cử hành một thánh lễ để cho xong nợ với Chúa, nhưng phải hết sức cố gắng tham dự vào cộng đoàn Chúa nhật, yếu tố của một cộng đoàn đức tin rộng lớn mà mọi người giáo dân hay linh mục đều là thành phần. Vì thế:
* Rất nên làm cho long trọng các thánh lễ ngày Chúa nhật.
* Không nên cử hành nhiều thánh lễ quá với sự cần thiết mục vụ đòi hỏi [1].
* Tránh tổ chức những lễ nhóm, lễ tư trong ngày Chúa nhật, mỗi khi thấy có thể sát nhập một cách hữu ích vào với cộng đoàn lớn địa phương [2].
Việc tham dự thánh lễ Chúa nhật là đối tượng của một điều giáo luật (GL.1247), nhưng đừng quá nhấn mạnh đến khía cạnh luật buộc, và phải hết sức đề cao ý nghĩa thâm sâu của việc cử hành Ngày của Chúa dựa theo truyền thống bắt nguuồn từ các Tông đồ, và dọc dài qua lịch sử Hội Thánh suốt 20 thế kỷ nay. Mang danh Kitô hữu, ấp ủ Chúa Kitô phục sinh trong mình, mà không thiết tha cử hành mầu nhiệm phục sinh thì sao cho danh chính ngôn thuận? Phải giáo dục cho người giáo dân hiểu biết cần đi lễ đúng giờ để tham dự thánh lễ từ đầu đến cuối. Thánh lễ gồm phụng vụ Lời Chúa và phụng vụ Thánh Thể, là một khối bất khả phân. Quan niệm đến trước phần dâng lễ và liền sau Phúc Âm cũng kể là tròn điều luật buộc, là một quan niệm đã lỗi thời.
Nghỉ việc Chúa nhật không trực tiếp thuộc Phụng vụ, cho nên cũng không thể kể là yếu tố chính của Chúa nhật. Đó chỉ là một đòi hỏi tất nhiên của cộng đoàn Thánh Thể trong các giáo xứ có đông giáo dân. Theo nguyên tắc, Hội Thánh không cần đòi hỏi Chúa nhật phải là một ngày nghỉ việc, miễn là trong ngày đó, giáo dân được đảm bảo có đủ thời gian để tham dự các cử hành phụng vụ và lo việc thánh hóa bản thân cách đặc biệt hơn.
Việc phụng tự Ngày của Chúa trong cách thực hành thời xưa, còn gồm đêm vọng hay canh thức, trong đó người ta hát xướng, cầu nguyện, và trong nhiều dịp còn cử hành bí tích rửa tội hay truyền chức nữa. Giáo Hội Roma chỉ quen giữ hai đêm đặc biệt trước lễ Phục Sinh và lễ Hiện Xuống.
Việc Rửa Tội đang được cổ võ để cử hành vào Chúa nhật, lễ Trọng. Có thể tổ chức ăn khớp với phần phụng vụ Lời Chúa trong Thánh lễ ban mai hoặc ban chiều. Tuy nhiên, cũng không nên luôn làm như vậy vì sợ thánh lễ sẽ quá dài. Bởi vậy, một giờ nào khác, vào buổi chiều hoặc một ngày lễ Trọng đặc biệt nào đó trong tháng sẽ là thời cơ rất tiện để tổ chức những buổi rửa tội tập thể long trọng
Thói quen có xông hương trong thánh lễ Chúa Nhật cần duy trì và phát huy để tăng thêm nét trang trọng và sốt sắng. Việc rảy nước thánh cũng rất nên được thực hành trong các Chúa nhật mùa Phục sinh và Chúa nhật thường niên để thay thế phần thống hối đầu lễ. Vì nó nhắc các tín hữu nhớ lại bí tích rửa tội của mình.
Sách Giáo lý của các thánh Tông đồ [3] viết: “Chúa nhật, anh em hãy vui mừng lên, vì ai âu sầu trong ngày của Chúa là phạm tội vậy”. Thánh lễ Chúa nhật phải làm sao cho người giáo dân có được cảm tưởng vui mừng đó, sao cho sự hân hoan của Chúa Phục sinh tràn ngập tâm hồn họ, để họ đi biểu dương và chia sẻ cho những người chung quanh: trong gia đình cũng như ngoài xã hội. Bầu khí hân hoan vui mừng này được cổ nhân đánh dấu bằng hai tập tục sau đây: khắp nơi không đâu ăn chay Chúa nhật, và ngày đó người ta đứng mà cầu nguyện. Chính vì ta đã được sống lại cùng với Chúa Kitô và vì ta phải tìm kiếm những sự ở trên cao, nên trong ngày Phục Sinh, để nhắc nhở ơn trọng đại đã được, ta đứng thẳng người lên [4].
Hiện tại ở Việt Nam, Chúa nhật còn là một ngày sinh hoạt đặc biệt của giáo xứ nữa. Các đoàn thể hội họp, hoạt động; Các thiếu nhi và giới trẻ học giáo lý hay giải trí lành mạnh. Tất cả những hoạt động đó có thể góp phần vào việc tạo bầu khí vui tươi nhộn nhịp cho khung cảnh giáo xứ. Rất nên duy trì và phát triển thêm.
Nhiều giáo họ, cộng đoàn, hay điểm truyền giáo tại vùng sâu miền xa ở Việt Nam nhiều khi vì hoàn cảnh mà vắng bóng linh mục. Trong những trường hợp ấy càng cần cũng phải cử hành Chúa nhật: một thầy Phó tế, thầy đọc sách, hay thừa tác viên ngoại thường rất có thể là chủ tọa viên một buổi phụng vụ Lời Chúa và khi Đấng Bản Quyền cho phép có thể cho người ta rước lễ [5].
Lm. Giuse Trần Thiện Tĩnh, ĐCV Bùi Chu
[1] : x. Thánh Bộ NGHI LỄ, Huấn thị về Mầu nhiệm Thánh Thể, Ngày 25.5.1967, số 26.
[2] : x. Thánh Bộ NGHI LỄ, Huấn thị về Mầu nhiệm Thánh Thể, Ngày 25.5.1967, số 27.
[3] : Didaché dei Apostoli
[4] : S. BASILE, Traité du S. E. 27
[5] : TRẦN NGỌC QUỲNH, Chủ Nhật, Ngày của Chúa, BPV. 24 (1974) 20-23