Chúng tôi có chung một Ông Nội
Thứ năm - 18/08/2016 05:06
2437
Ông nội của chúng tôi không ai xa lạ chính là Đức Cha Giuse Hoàng Văn Tiệm. Vì sao một Giám mục lại được nhiều chủng sinh, tu sĩ gọi chung là Ông nội cách gần gũi, thân thiết như vậy? Rất đơn giản thôi, đó là vì khi sinh thời, Đức cha đã sáng tác và dạy cho chúng tôi một bài hát có tựa đề “Em thương ông nội”, bài hát có một không hai trên thế giới, kể về hình dáng và những việc làm ngộ nghĩnh của một người Ông. Kể từ đó danh xưng ‘Ông nội’ của chúng tôi cũng ra đời, nhưng đó không chỉ là danh từ suông mà danh xưng đó còn gắn liền với tính cách gần gũi, thân thương và con người hiền hậu, dễ gần của Đức Cha cố Giuse nữa.
Nhớ về Đức Cha thì còn nhiều kỷ niệm để mà kể lắm. Đó là những buổi tối lúc người còn sống, các Cha, các Thầy và Nữ tu vẫn quây quần đọc kinh Mân Côi trong vườn Ave. Hay nhiều buổi sinh hoạt trong "tủ lạnh" (một phòng hội nhỏ có máy điều hòa), những ngày nóng bức, Đức Cha thường tổ chức đọc kinh ở đây và trước khi đọc thế nào cũng có vài tiết mục sinh hoạt bỏ túi, nếu được mời mà không hát được Đức Cha sẽ mở lối cho, “không hát thì đọc một kinh rồi về chỗ”. Các Thầy thì đã được quan tâm từ trước vì được mệnh danh là ‘con ngươi của Giám Mục’. Riêng các nữ tu chúng tôi, nhờ Ông nội quan tâm đến đời sống tri thức, đức tin mới được học chương trình Thần học. Nhờ những năm ngồi dưới trường Thần học Têrêxa Avila, sau này khi đi làm việc mục vụ tại các giáo xứ mới biết mở sách tìm hiểu vấn đề khúc mắc về: giáo lý, luân lý, hay tín lý... Những trưa tan học về, nhiều lần được gặp Ông nội ngồi tại sảnh gần cổng ra vào Tòa giám mục, bầy cháu tức khắc lao nhao chạy tới, “Chúng cháu chào Ông nội”. Đáp lại là nụ cười nhân hậu của Ông nội và bao giờ cũng có câu hỏi quen thuộc kèm theo: “Các cháu đói chưa? - Chúng cháu đói lắm rồi! - Vậy thì các cháu về nhanh lên không hết cơm…” Những phút ngắn ngủi ấy Ông nội luôn làm cho chúng tôi no dạ bằng những chiếc kẹo, cái bánh ngài đã giấu sẵn đâu đó, hoặc ít ra cũng là những chuỗi cười giòn tan của người.
Ôi những kỷ niệm nhỏ mà thân thương, dễ mến làm sao, một người không thuộc giáo phận hoặc chưa biết mặt Đức Cha, thấy cảnh tượng thân thiết đó giữa chúng tôi với Ông nội, họ sẽ bất ngờ khi biết rằng đó là một Giám mục. Đối với nhiều người mà nói, càng đứng ở địa vị cao, tước hiệu lớn càng ít người dám tới gần, Ông nội của chúng tôi cũng là một Tu sĩ càng hiểu câu ‘Bề trên luôn là người cô đơn’. Vì thế, chính Đức cha đã tìm cách phá đi hàng rào ngăn cách người trên kẻ dưới bằng thái độ hiền hòa, phong cách giản dị không cầu kỳ, kiểu cách mỗi khi đến với người khác. Tình cờ tôi được chứng kiến, một chiều Đức Cha đi dạo quanh khuôn viên Tòa giám mục, (đây là thói quen thường ngày của Ngài). Có một phụ nữ quê mùa, chừng 55 hay 60 tuổi xin được gặp, không khó khăn gì, Đức Cha ngồi ngay xuống tường hoa trong sân và mời bà ngồi bên cạnh mà trình bày điều cần nói. Nhìn cảnh đó, tôi nhớ tới Mục tử Giêsu trong lúc đi rao giảng đã gọi Giakêu đang ở trên cây, “xuống đi vì hôm nay tôi sẽ ngụ tại nhà ông”. Ông nội đã đi xuống với chiên con trong giáo phận mỗi khi họ cần như thế đó.
Những kỷ niệm về Ông vẫn còn in đậm trong lòng, thế mà nay đã giỗ mãn tang rồi. Vậy mới biết cái chết như kẻ trộm bất chợt đến lúc nào mà ta không ngờ, giờ ta không biết. Diễn tả về cái chết, Samuel Johnson (1709 - 1784) một nhà thơ, nhà văn, nhà luân lí học, phê bình văn học, người đóng góp nhiều cho nền văn học Anh, đã viết như sau: “Quan trọng không phải anh chết như thế nào mà anh đã sống như thế nào. Việc chết đi không quan trọng, nó diễn ra nhanh lắm”. Phải nói là ‘quá nhanh’ đối với con dân giáo phận Bùi Chu khi nhận được tin về sự ra đi của Chủ chiên hôm 17/08/2013, hôm qua còn vui cười… nay đã giỗ 3 năm. Nhưng đoàn cháu chúng tôi biết, Ông nội đã sống cuộc đời rất đẹp. Sự thành công hay cái đẹp của đời Ông, không phải là đạt được vị thế một Giám mục, xây được nhiều tòa nhà, làm được bao nhiêu việc lớn… nhưng là hình tượng một Mục tử thân cận với chiên con của mình.
Mỗi chúng ta thường có những ấn tượng khác nhau khi nghĩ về một con người, nhất là khi người đó không còn bên ta nữa. Ông nội đã đi xa, sẽ không có thêm những kỷ niệm nào khác ngoài những ấn tượng còn lưu đọng trong tim người còn sống mà thôi. Hôm qua, thánh lễ giỗ rất trang trọng, sốt sắng có sự hiện diện 9 Giám mục, Linh mục đoàn trong ngoài giáo phận, các nam nữ Tu sĩ, chủng sinh và giáo hữu về hiệp thông cầu nguyện. Nhìn bức hình Ông đang cười thật hiền từ, gợi lên trong tôi ước nguyện: “Lạy Chúa, xin cho tất cả các Mục tử của Chúa, cũng biết phá bỏ hàng rào ngăn cách, trở nên dễ gần, dễ thương như Ông nội đã giỗ ba năm của chúng con hôm nay. Mục tử không chỉ ngồi trong bốn bức tường, những nơi sang trọng, nhưng là đi xuống, đi ra tìm tới với chiên con của mình. Đó mới là hình tượng đẹp đẽ, vững chắc mà các Mục tử và Bề trên cần kiến dựng trong lòng con dân của mình”. Con đường Đức Giêsu đã mở là đi xuống chứ không chỉ có đi lên và mời gọi các Mục tử kế tục Ngài đặt bước trên lối đó mà theo. Vì chính bằng cách đó,Ngài đã đi vào lòng nhân loại hôm qua, hôm nay và mãi mãi.
Tác giả: Nt. Scholastica, Đaminh Bùi Chu