Trong một cuộc trò chuyện với linh mục Dòng Tên Antonio Spadaro, chủ bút tập san La Civiltà Cattolica công bố ngày 10/11/2016 được hãng tin Zenit của Tòa Thánh trích dẫn, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chia sẻ kinh nghiệm của mình đối với công việc dọn bài giảng.
Thói quen mà ngài thường làm, đó là : « Tôi bắt đầu vào trưa ngày hôm trước. Tôi đọc bản văn của ngày hôm sau, nhìn chung, tôi chọn một trong hai bài đọc. Sau đó, tôi đọc lớn tiếng đoạn mình đã chọn. Tôi cần nghe được âm điệu, lắng nghe những lời. Tiếp theo, tôi ghi chép lại những lời được đánh động nhất vào cuốn sổ mà mình sử dụng. Sau nữa, thời gian còn lại trong ngày, những lời và ý tưởng qua qua lại lại thì tôi làm cái mình cần làm : tôi suy niệm, ngẫm nghĩ, nếm thử những thứ đó ».
Đức Thánh Cha cũng thú nhận rằng: “Một số ngày, tôi trở về vào buổi tối và không có gì trong đầu, tôi chẳng có ý tưởng cho điều mình nói ngày mai. Lúc đó, tôi làm điều thánh Ignatio nói : tôi đi vào giấc ngủ trên đó. Và khi tỉnh dậy, ngay lập tức nguồn cảm hứng đến với mình ».
Thêm vào đó, Đức Thánh Cha cũng vận dụng cả đến kiến thức văn chương trong bài giảng, vì theo ngài « Văn chương đọc được cả tâm hồn con người, giúp hiểu được lòng mong muốn, vẻ huy hoàng cũng như sự khốn khổ. Đó không phải là lý thuyết. Nó giúp giảng giải, biết được con tim… ».
Theo Đức Thánh Cha, bài giảng cũng luôn cần có chất « chính trị » vì đối tượng nghe là ở ngay giữa một dân tộc cụ thể : « Tất cả những gì chúng ta làm đều có một chiều kích chính trị và liên quan đến việc xây dựng văn minh. Có thể nói rằng ngay cả khi trong tòa giải tội, khi bạn ban phép tha tội, bạn cũng xây dựng thiện ích chung ».
Trong khi đó, ngài phân biệt cách rạch ròi giữa bài giảng và thuyết trình : « Bài giảng là loan báo Lời Chúa, thuyết trình là giải thích Lời Chúa. Bài giảng là loan báo, là làm thiên thần. Thuyết trình là làm tiến sĩ ».
Đức Thánh Cha cũng nêu lên yếu tố quan trọng của bài giảng đó là gắn liền với sứ mạng mục tử, với đời sống cầu nguyện của mục tử và với Lời Chúa.
Tạ Ân Ban