Đối thoại... một giấc mơ

Thứ năm - 29/07/2021 21:25  622
anh 1 1389776831056“Chúng ta đã từng học bay trên bầu trời như chim, học cách bơi dưới nước như cá, nhưng cho đến nay con người vẫn không thể học được cách đi trên mặt đất cùng nhau như anh em” (M. Luther King).

Chúng ta đang sống trong thời đại mà nhiều người quen gọi là “công nghệ 4.0” hay “thế giới phẳng” mà chẳng hiểu nội hàm của nó thực chất là gì… Những cụm từ cửa miệng được nhiều người dùng cho “sang mồm” để thể hiện thứ đẳng cấp và tự hào hão huyền của con người ngày nay. Một não trạng được gieo vào lòng nhiều người, mảnh đất màu mỡ của kiêu ngạo, rằng nếu không biết về công nghệ, không tiếp cận các phương tiện hiện đại, thì chỉ là những kẻ quê mùa, làm chậm đà phát triển của xã hợi, rồi phải nói như vậy cho nó “sang mồm” dù thật ra số người hiểu về khoa học, về công nghệ 4.0 hay thế giới phẳng thật ra rất hạn chế, mà lại không phải là những kẻ thích chê, thích lên án người khác là chậm tiến, vì nếu biết thực chất về sự tiến bộ và phát triển, người ta sẽ nhìn nó dưới nhiều góc cạnh, để rồi cũng với những mặt tích cực, họ không phủ nhận những mặt tiêu cực, để từ đó, họ sẽ khiêm tốn chứ không phải vỗ ngực giương oai, cũng như chấp nhận một thực tế không kém phũ phàng đã và đang diễn ra trên khắp thế giới, mà do ảnh hưởng tiêu cực của sự phát triển khoa học, công nghệ vô nhân tính, vô đạo đức, nhiều thế hệ đang nhấn chìm cuộc đời mình trong sự băng hoại về đạo đức, khiến những cuộc đối thoại giữa con người với con người chỉ là những ước mơ đẹp mà chẳng bao giờ thành hiện thực

Con người là một hữu thể suy tư và có khả năng suy tư. Nhờ suy tư, nhờ tò mò và thắc mắc, con người không ngừng đặt câu hỏi về mọi vấn đề và tìm tòi câu trả lời cho mọi sự, đó chính là động lực của sự phát triển. Con người trong lịch sử không ngừng học hỏi, kế thừa để phát triển và chế tạo ra đủ thứ theo ý mình muốn và theo nhu cầu nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển. Lịch sử văn minh nhân loại là một chuỗi những thành tựu đáng kinh ngạc về mọi mặt, từ thế hệ này qua thế hệ khác, con người tích lũy kiến thức, học hỏi qua kinh nghiệm và có những phát minh, những tư tưởng đáng nể để bảo tồn và làm tròn đầy sự hiện hữu của mình như một sinh vật thượng đẳng và thông minh nhất. Tuy nhiên, dường như con người không bao giờ thỏa mãn và không bao giờ hài lòng và dừng lại với những gì mình đã và đang có, trái lại luôn không ngừng tìm cách học hỏi và tìm mọi cách để phát triển bản thân, hoàn thiện xã hội. Bằng chứng là từ xuất phát điểm chỉ là những kẻ ăn lông ở lỗ, du thủ du thực, ăn sống nuốt tươi, thế nhưng, dần dần với khả năng sáng tạo và suy tư đáng kinh ngạc, con người dần phát triển và phát triển không ngừng, và cho đến ngày hôm nay và có lẽ về sau nữa, ai cũng sẽ phải sững sờ trước sức phát triển quá nhanh quá mạnh của con người trong mọi lĩnh vực, nhất là kinh tế, khoa học công nghệ, để đáp ứng những nhu cầu không ngừng gia tăng và ngày càng tinh vi của con người thế hệ mới. Tuy nhiên, khi nhiều người vẫn sống trong ảo tưởng rằng con người sẽ phát triển không ngừng và không ngừng phát triển để có thể làm bá chủ thế giới và vũ trụ thiên nhiên, tới mức họ nghĩ rằng những tiến bộ, nhất là kinh tế và khoa học công nghệ có thể đáp ứng mọi nhu cầu, thỏa mãn mọi ước mơ, lấp đầy mọi hố sâu ngăn cách, diệt trừ cái ác và đau khổ… thì cũng là lúc tham vọng ngông cuồng của con người bị lung lay và sụp đổ… Nhìn vào thực tế cuộc sống, chúng ta không lên án những tiến bộ và khả năng của con người, nhưng dường như càng phát triển, hố sâu ngăn cách giàu nghèo càng lớn, càng phát triển, con người càng kiêu ngạo và nghĩ rằng mình là chủ thế giới, là chúa tể, thay quyền Chúa Trời để quyết định tất cả, chi phối tất cả, khai thác tất cả theo ý mình, sử dụng tất cả theo sở thích của mình…

Chúng ta không thể phủ nhận cùng với sự văn minh tiến bộ, vẫn còn đó những cuộc xung đột và chiến tranh đáng tiếc mà hậu quả của nó để lại quá nhiều đau khổ và thiệt hại cho chính con người. Trong thời đại văn minh mà vẫn còn đó quá nhiều bạo lực và tội ác: trộm cắp, giết người, tội ác vẫn xuất hiện dày đặc từ thực tế trên mặt báo và trong cuộc sống khiến cuộc sống của nhiều người phải luôn sống trong sợ hãi, đói nghèo, đau khổ mà được trang trí và tô vẽ dưới một vỏ bọc là sự bình an giả tạo mà nhiều người vẫn ra rả tuyên truyền và yên tâm vùi mình trong đó đến mưc quên mất thực tại đau thương mà nhiều người đang phải trải qua do sự vô cảm của một số người và sự tàn bạo của một số người đang thản nhiên cho mình cái quyền phá hủy môi trường và cân bằng sinh thái hay làm ăn bất chấp chuẩn mực đạo đức chỉ vì tư lợi của một nhóm người thượng đẳng ích kỉ. Khi con người lấy mình làm trung tâm và chuẩn mực cho mọi sự thì chẳng còn gì là chân lý để phân biệt thiện ác, tốt xấu, cũng chẳng có gì là nền tảng cho những cuộc hôn nhân vốn là những khế ước mà nay chỉ còn là những hợp đồng thuận mua vừa bán, hay ở dở đi, và biết tìm đâu những hiệp ước được thực hiện trên tinh thần nhân đạo và vì con người một cách vô vị lợi…


Con người không hài lòng với những gì mình đạt được và không ngừng vươn lên, đó là điều không thể phủ nhận và đáng mừng. Con người đã sáng chế ra rất nhiều thứ và biến những khả năng tưởng không thể thành có thế, biến những việc tưởng không dễ thành những điều dễ không tưởng chỉ với những thao tác hết sức đơn giản, với sự phát triển chóng mặt của công nghệ thông tin mọi thứ dương như trở nên đơn giản đến không tưởng khi mọi thứ có thể số hóa và đơn giản hóa, con người như không còn ranh giới, vì ở bất cứ nơi đâu và bất cứ thời điểm nào mọi người đều có thể giao tiếp và gặp gỡ nhau, có thể làm ăn kinh doanh với nhau mà chẳng cần gặp mặt… Tuy nhiên, trong vòng xoáy của kinh tế thị trường và khoa học công nghệ đặt nền tảng trên thứ tự do cá nhân cực đoan, không thiếu những hội nghị quốc tế về hòa bình hay phát triển bền vững vì con người đã được thực hiện nhưng việc những hiệp ước đó chỉ dừng lại ở những kết quả hết sức khiêm tốn, thậm chí thất bại, bởi trong một thế giới mà cái lợi đã che mờ và trở thành thang giá trị hay tiêu chuẩn để đánh giá mọi hành vi, thì khả năng đối thoại để cùng nhau hành động vì thiện ích chung của con người theo đó cũng giảm đi thậm chí biến mất, bởi rất khó để những tập đoàn hay quốc gia giàu có thể ngồi lại với nhau để có thể đề ra một đường hướng chung và vì mọi người. Trái lại, với bản tính ích kỉ và chỉ nhắm đến cái lợi trước mắt của một nhóm người, mà họ sẵn sàng phá bỏ hiệp ước, vi phạm thỏa thuận để tự ý ngồi trên luật pháp và hành xử một cách bất công và tàn nhân với môi sinh và đồng loại. chính vì thế mà M. Luther King đã nhận định rất trí lý về sự khả năng và sự ngông cuồng của con người, sẵn sàng bất chấp tất cả để phục vụ cho lợi ích ích kỉ của mình khi ông phát biểu: “Chúng ta đã từng học bay trên bầu trời như chim, học cách bơi dưới nước như cá nhưng cho đến nay con người vẫn không thể học được cách đi trên mặt đất cũng nhau như anh em.” Đúng như thế, con người dường như có thể làm được mọi sự, nhưng con người vẫn phải đau khổ và phải chết, chấp nhận sự bất lực của mình trong việc chống lại cái chết và coi đó như định mệnh không thể tránh khỏi. Con người có thể học và làm được đủ thứ nhưng con người vẫn thất bại trong việc tìm kiếm hòa bình, bởi con người vẫn phải đối diện và sống chung với đau khổ và cái ác…

Dù cho ngày nay, con người không chỉ bay trên bầu trời, mà đã đi vào vũ trụ đến các hành tinh, con người cũng không chỉ biết bơi như cá nhưng còn có thể lặn sâu dưới lòng biển và biến biển khơi thành nhà của mình, nhưng có một sự thật mà con người phải nhìn nhận là con người vẫn chưa thể và có lẽ không thể đi cùng nhau trên mặt đất như anh em bởi con người thích nói về tình yêu, vì tình yêu là chủ đề được viết nhiều nhất nhưng lại chạy trốn tình yêu khi tình yêu gõ cửa, và thích làm những việc ngược lại với tình yêu khi tàn ác và bất công với nhau. Con người thích nói về công bằng nhưng có lẽ con người mãi là hữu thể bất công và tham lam nhất, độc ác nhất và bệnh hoạn nhất trong mọi sinh vật… nên dù tưởng như đi cùng với phát triển là bình an thì thay vì hạnh phúc và hòa bình lại là bất công, đau khổ, bạo lực và chiến tranh lan tràn mọi ngóc ngách của cuộc sống, thậm chí ngày một tinh vi và đội lốt dưới nhiều vỏ bọc mỹ miều của nhân đạo và công bằng. Vì thế, có lẽ đối thoại và hòa bình mãi chỉ là một giấc mơ đẹp mà con người thích thêu dệt và trao tặng nhau mà thôi, bởi phát triển có nghĩa lý gì khi vẫn còn đói nghèo, vẫn còn bất công, văn minh nghĩa lý gì khi vẫn còn đầy dẫy bạo lực chiến tranh, công nghệ có phát triển đến mức nào mà không nhằm phục vụ con người, nhằm giúp con người nhân bản hơn, bác ái hơn… thì dù nó có đẳng cấp cỡ nào cũng chỉ là vô ích, vô nhân và mãi chỉ là một loại “hổ giấy” mà thôi. Hòa bình - thịnh vượng, công bằng - bác ái mãi chỉ là nỗi đau đáu và một giấc mơ chưa tròn, thậm chí là hão huyền của con người nếu con người vẫn muốn lấy mình là trung tâm và đặt lợi ích và tự do cá nhân lên thành những “ông thần” thì nỗi ưu tư của nhà bác học thiên tài Abert Einstein mãi là sự thật và  chí lý, theo ông: “Chừng nào vẫn còn một đứa trẻ bất hạnh trên trái đất, thì chẳng có khám phá hay tiến bộ nào đáng gọi là lớn lao”  và như một lời trăn trối cho thế hệ tương lai, ông khuyên con người, dù là ai cũng “đừng cố gắng trở nên người thành đạt, mà hãy nỗ lực trở thành người có giá trị”, bởi chỉ khi sống có giá trị, con người mới có thể sống vì người khác, chỉ khi đó con người mới có thể ngồi lại với nhau để lắng nghe để thấu hiểu, để đối thoại và chung tay góp sức vì thiện ích chung và vì giấc mơ hòa bình, hạnh phúc cho mọi người khắp nơi trên trái đất dấu yêu này!

Tác giả: Ha Lặng

***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập268
  • Máy chủ tìm kiếm26
  • Khách viếng thăm242
  • Hôm nay79,783
  • Tháng hiện tại1,029,053
  • Tổng lượt truy cập71,056,810
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây