“Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi sám hối ăn năn” (Lc 5,32)
Tin Mừng Luca được biết đến như là một Tin Mừng khắc họa cách rõ nét nhất về hình ảnh của một Thiên Chúa nhập thế - Ngài luôn gần gũi với mọi người thuộc mọi cấp bậc và địa vị khác nhau, dù đó là những người bệnh tật, tội lỗi hay những người bị xã hội khinh chê xa cách. Qua đó, tác giả Luca muốn làm nổi bật lên hình ảnh của một Thiên Chúa Tình yêu đầy lòng khoan nhân và thương xót, luôn mở rộng cánh tay để sẵn sàng đón nhận con cái của người thực lòng muốn trở về.
Đoạn trích Tin Mừng hôm nay tường thuật lại việc Đức Giêsu và các môn đệ của Người gặp gỡ, tiếp cận một người thu thuế, tên là Lêvi. Đây là một hành động, theo truyền thống văn hóa của người Do thái, không thể chấp nhận được. Vì với người Do thái, những người làm nghề thu thuế cho chính quyền Rôma, là những người đáng bị khinh ghét đến nỗi “
cái mép áo của những hạng người này, họ cũng không dám chạm tới” (William Barclay). Họ cho rằng những người làm nghề này thì chẳng khác gì với những tên trộm cướp, bóc lột, những kẻ phản quốc, phản dân, là kẻ tội lỗi. Do đó, đặt bản văn trong bối cảnh văn hóa Do thái, ta sẽ không lấy làm ngạc nhiên khi những người Pharisêu và những kinh sư thuộc nhóm này lẩm bẩm trách mắng các môn đệ và Đức Giêsu : “
Sao các ông lại ăn uống với bọn thu thuế và quân tội lỗi?” (Lc 5,30).
Đức Giêsu là người Do thái, ắt hẳn Người biết và hiểu rõ truyền thống này. Tuy nhiên, Người không nhìn theo lối nhìn của người đời, không suy nghĩ theo tư tưởng nhóm biệt phái; bởi với Người, những người làm nghề như Lêvi là những “bệnh nhân” cần một thầy thuốc đến để chữa trị: “
Người khỏe mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần” (Lc 5,31). Họ cần một vị thầy thuốc! Hiểu được nỗi lòng sâu kín, thấu cảm được những “bệnh tật” của những người thu thuế này, chính Người, vị thầy thuốc nhân lành, đã đến gặp gỡ, chữa trị, “đồng bàn” tức là làm bạn với họ; thậm chí Người còn kêu mời Lêvi trở thành môn đệ của Ngài “
Anh hãy theo tôi”. (Lc 5,27).
Như thế, vượt lên trên mọi thành kiến của người phàm, Thiên Chúa là Đấng đầy lòng khoan dung và thương xót, vẫn luôn ghé mắt dõi theo và gần gũi với mọi người. Dù người đó là ai, trong tình trạng thế nào đi chăng nữa, Ngài vẫn luôn mở lòng mời gọi mọi người đến với Ngài, vì “
tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi sám hối ăn năn” (Lc 5,32). Quan trọng là người đó có thái độ nào đối với lời mời gọi ấy, và có thực sự can đảm, quyết tâm từ bỏ và quay trở về với Ngài hay không mà thôi.
Bùi Minh Quốc