Thứ Năm tuần XI Thường Niên (Mt 6, 7-15)
Bài Tin Mừng hôm nay trình thuật lại việc Chúa Giê-su dạy các môn đệ cầu nguyện. Chắc hẳn ai trong chúng ta cũng đều nghĩ rằng đó là việc làm quá quen thuộc vì được các Ki-tô hữu lặp đi lặp lại qua các buổi đọc kinh mỗi ngày hoặc qua những lời cầu xin cho những nhu cầu trong đời sống của chúng ta.
Tuy nhiên, hôm nay, Chúa Giê-su đã hướng dẫn chúng ta cách cầu nguyện thực sự khác hẳn với việc lặp đi lặp lại những lời cầu xin bên ngoài môi miệng nhưng được xuất phát từ trái tim của người cầu xin. Đó không phải đơn thuần là một cuộc xin - cho hay là sự đòi hỏi cho những nhu cầu từ phía người xin nhưng là một cuộc gặp gỡ đích thực từ hai phía giữa con người và Thiên Chúa, trong đó chúng ta nâng tâm hồn lên, mở rộng lòng mình ra để đón nhận Ngài đi vào cuộc đời của mình. Chính từ những giây phút ấy, chúng ta mới hiểu được ý nghĩa của lời kinh Lạy Cha mà Chúa Giê-su đã dạy chúng ta.
“Lạy Cha chúng con là Đấng ngự trên trời...”
Quả là lời kinh tuyệt vời. Đây là lời cầu nguyện mà Chúa Giê-su dạy các tín hữu đặt trong mối tương quan phụ tử với Thiên Chúa. Chỉ khi ý thức được mối tương quan gần gũi này, chúng ta mới có thể có một cuộc gặp gỡ thật sự thâm sâu với Ngài. Lúc đó, người con có thế dốc bầu tâm sự với Cha mình, thân thưa với Người về những niềm vui, nỗi buồn trong cuộc sống của mình hay nhưng mong ước cho bản thân và người khác. Và khi chúng ta ý thức mình là những người con của Cha chung trên trời thì cùng lúc chúng ta ý thức được rằng những người khác cũng là anh em với chúng ta. Chính từ cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa là Cha trong lời cầu nguyện đã dẫn chúng ta đi đến cuộc gặp gỡ với tha nhân trong tình huynh đệ giữa những người con của cùng một Cha trên trời.
Quả thật, cuộc gặp gỡ nào cũng cần phải có sự cởi mở, mở rộng tấm lòng để đón nhận người khác. Khi chúng ta đi đến gặp gỡ những người anh em của mình thì cùng lúc chúng ta mở lòng ra để đón nhận họ và sẵn sàng tha thứ cho những lỗi lầm của họ. Chỉ như thế, chúng ta mới thực sự gặp gỡ được Cha của mình - Đấng đang hiện diện nơi những người anh em đó. Và như thế, cầu nguyện không phải là “lải nhải” những lời xin xỏ cách vô thức nhưng là đi đến gặp gỡ Thiên Chúa và gặp gỡ tha nhân trong đời sống thường ngày.
Giuse Nguyễn Văn Hữu, Nhóm Suy niệm BC