Mùa Vọng: Lắng nghe tiếng lòng

Thứ năm - 13/12/2018 02:31  1751

Trong cuộc sống thường ngày, thinh lặng để lắng nghe tiếng lòng dường như là một chuyện xa vời với nhiều người, thậm chí là một nỗi sợ hãi với biết bao bạn trẻ ngày hôm nay. Không chỉ người trẻ, giáo dân, hay bất cứ một tầng lớp trí thức hoặc bình dân nào, mà đối với cả linh mục, tu sĩ, cũng có những khó khăn đối với vấn đề thinh lặng để lắng nghe tiếng lòng, để nghe được “tiếng Chúa” rõ hơn. Một tập sinh đã thốt lên rằng: “Thinh lặng là một điều đáng sợ đối với tôi”. Tại sao ta sợ thinh lặng?

00 00 avent1Phải chăng vì: Thinh lặng tạo cho ta một cảm giác cô đơn, cô độc, như bị bỏ rơi, thế giới xung quanh ta như đang chết? Thinh lặng đưa ta trở về với chính ta, đối diện với con người thật của ta. Trong bầu khí thinh lặng tuyệt đối, ta như đang soi mình trước một tấm gương trong suốt, ở đó ta thấy toàn bộ con người thật với những vết nhơ, với những khiếm khuyết mà ta đang cố che giấu. Trong thinh lặng hoàn toàn, tất cả bị lột mặt nạ, ta trở nên trần trụi trong cô đơn. Một sự hụt hẫng bất ngờ bao trùm tâm chí, một sự sợ hãi vồ về, thậm chí nỗi chán ghét chính mình có thể xâm lẫn vào suy nghĩ của ta. Thực ra, ta sợ thinh lặng vì ta không muốn đối diện với con người thật của ta, vì ta muốn khoác lên cuộc đời ta một tấm vải màn che đậy quá khứ, che đậy lỗi lầm của ta. Đó là một chiếc bẫy tinh vi của thần dữ, nó ngăn cản ta thăng tiến trong đời sống thiêng liêng. Để trưởng thành và triển nở hơn trong đời sống đức tin, kết hiệp mật thiết hơn với Thiên Chúa, ta cần một hay nhiều cuộc hoán cải tâm linh. Làm sao ta có thể hoán cải được, nếu ta không nhìn ra con người thật của mình, nếu ta không trở về với chính mình, không nhìn sâu vào cõi lòng mình?

Thinh lặng bên ngoài và thinh lặng nội tâm là hai thinh lặng khác nhau nhưng không tách rời nhau. Để có được thinh lặng nội tâm, ta cần có thinh lặng ngoại cảnh. Thinh lặng để nghe được tiếng lòng là một điều hết sức quan trọng trong cuộc đời mỗi người chúng ta. Không biết cõi lòng mình ước muốn điều gì, chờ đợi điều gì, ta khó có được một định hướng đúng đắn cho bước đường phía trước mà ta đang tiến đến! Thiếu định hướng cuộc sống ta khó đạt đến được hạnh phúc thật mà ta khát vọng! Nhưng lắng nghe tiếng lòng là gì? Làm sao nghe được tiếng lòng?

Cõi lòng ta không nói, không lên tiếng bằng cách phát ra những âm thanh hay lời nói; nhưng có một âm thanh không tiếng động và nó tạo nên một tiếng nói không âm thanh. Lời nói không âm thanh này mách bảo ta một điều gì đó, làm cho tâm trí ta xao xuyến, bồn chồn, hay an ủi ta, làm ta bình tĩnh hơn,… Đó chính là tiếng lòng. Tiếng lòng không có âm thanh hay lời nói, nên ta chỉ nghe được bằng đôi tai nội tâm. Chính vì tất cả diễn ra trong nội tâm: một cuộc đối thoại hay độc thoại đang diễn ra trong chính cõi lòng của ta, nên ta chỉ nghe được khi ta trở về cõi lòng của chính mình, trở về chốn thinh lặng tuyệt đối.

Có nhiều người sống trong cô đơn, nhưng họ ít khi nghe được tiếng lòng, vì tâm trí họ bay bổng với thế giới bên ngoài, tìm lối thoát ra khỏi sự cô đơn. Họ càng tìm kiếm, cõi lòng càng động, nên họ không phân biệt được đâu là tiếng lòng đang vang lên trong sâu thẳm tâm can của họ, và đâu là tham vọng. Cũng giống như một con tàu giữa biển khơi, gặp cơn bão táp lớn, mọi thuỷ thủ lo sợ và tìm cách chống cự với cơn bão để giữ thăng bằng cho con tàu. Khi cơn bão qua đi, biển trở về thinh lặng, các thuỷ thủ hồi tâm nhận ra mình còn sống sót, nhận ra sự sống là quý giá biết bao, nhận ra những kinh nghiệm cần thiết cho hành trình tương lai. Khi sóng biển không còn, các thuỷ thủ có thể nghe được tiếng gió từ xa, nghe được tiếng động dù rất nhẹ của một con muỗi, và chính trong lúc đó, một niềm mơ ước cho tương lai thổn thức trong đáy lòng của họ. Thổn thức đó chính là tiếng lòng. Ta có thể nhận ra tiếng lòng trong cuộc thập tử nhất sinh, hay trong thinh lặng nội tâm sâu thẳm. Đó là những khoảnh khắc cho ta nghe rõ tiếng lòng.

Lắng nghe tiếng lòng là một bước quan trọng trong kinh nghiệm thiêng liêng và đức tin. Tiếng lòng thúc đẩy ta hướng về điều thiện, tìm lẽ công chính và những điều tốt đẹp cho chính mình và cho tha nhân, thôi thúc ta đến gần Thiên Chúa hơn. Cuộc sống càng ồn ào và dao động, cõi lòng càng nhiều sóng, ta càng rời xa con người thật của mình và không còn có thể nhận ra ta đang đeo mặt nạ để chạy theo hư ảo của thế gian. Không bao giờ trễ, và cũng không bao giờ uổng phí thời gian khi ta quyết định dừng lại, tìm về chốn thinh lặng của chính ta, nghĩa là thinh lặng nội tâm trong bầu khí thinh lặng của ngoại cảnh để lắng nghe tiếng lòng. Lắng nghe được tiếng lòng, nghĩa là xác định được điều mà cõi lòng đang ao ước, ta sẽ tìm ra ánh sáng phiá trước con đường ta đang đi và nhờ đó, ta không lo sợ lạc bước, hay đi mà không định hướng đúng. Định hướng được đường đi cho cuộc đời mình một cách đúng đắn, ta bước đi một cách thanh thoát lúc nào ta không hay; ta nhận ra những chướng ngại vật trên đường đi chỉ là một trò đùa làm cho cuộc sống thêm phong phú và thi vị, vì mọi giải pháp luôn có sẵn, chỉ cần ta nhận ra bằng cách lắng nghe cõi lòng mình.

Mùa vọng là thời gian đợi chờ một “niềm hy vọng” đang đến. Niềm hy vọng đó là gì? Mỗi người có một câu trả lời riêng; vì cùng một ơn cứu độ Thiên Chúa muốn cho tất cả mọi người, nhưng mỗi người với tự do của mình đón nhận bằng những thái độ và cách thức đáp trả khác nhau. Lắng nghe tiếng lòng để biết mình thực sự mong muốn điều gì cũng là một cách đáp trả tình yêu của Thiên Chúa và nhận ra ơn gọi đích thực của đời mình. Thần Khí của Thiên Chúa luôn hoạt động nơi tâm can con người và nói với con người qua tiếng lòng.

MCJ

***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập410
  • Thành viên online1
  • Máy chủ tìm kiếm35
  • Khách viếng thăm374
  • Hôm nay42,540
  • Tháng hiện tại902,901
  • Tổng lượt truy cập78,906,352
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây