Dấu chỉ của tình yêu

Thứ hai - 18/07/2022 03:47  724
Thứ Hai tuần XVI Thường Niên
Mt 12,38-42

jesus with phariseesTrong bài Tin Mừng hôm nay, nhóm luật sĩ và biệt phái đến yêu cầu Chúa Giêsu làm cho họ xem một dấu lạ. Tuy nhiên, Chúa Giêsu không những không đáp ứng yêu cầu của họ, mà còn gọi họ là thế hệ “gian ác và ngoại tình”, vì họ đòi hỏi một dấu lạ bề ngoài, như thể muốn nhốt chặt Thiên Chúa và chương trình cứu độ của Ngài vào trong những khuôn khổ chật hẹp của một mối tương quan ma thuật, tự động, dựa theo tương quan nhân quả, được điều chỉnh và kiểm soát bởi quyền lực của con người.

Chúa Giêsu không muốn cho họ một dấu lạ nào, ngoại trừ dấu lạ ông Giôna, một ngôn sứ được Thiên Chúa sai đi rao giảng cho dân thành Ninivê. Lúc đầu, ông không muốn đến đó vì ông cho rằng họ là dân ngoại tội lỗi không đáng vào Nước Trời. Ông đi trốn trên một con tàu, nhưng tàu lại gặp bão, ông bị ném xuống biển, và bị cá nuốt trong bụng cá ba ngày đêm. Ông được con cá thả ra trên bãi biển, từ đó ông hiểu được ý định cháy bỏng của Thiên Chúa muốn cứu độ tất cả mọi dân, và ông đã đi rao giảng cho dân thành Ninivê ăn năn sám hối, từ bỏ nếp sống cũ tội lỗi mà trở về cùng Thiên Chúa. Ngôn sứ Giôna đã trở thành một dấu chỉ về tình yêu cứu độ của Thiên Chúa cho dân thành Ninivê.

Cũng vậy, Chúa Giêsu trở thành dấu chỉ duy nhất về tình yêu cứu độ của Thiên Chúa cho mọi thế hệ, ở mọi nơi mọi thời. Lời rao giảng đầu tiên của Người: “Hãy sám hối và tin vào Tin Mừng”, là lời kêu gọi hoán cải tâm hồn thực sự, để có một quả tim mới sẵn sàng nghe và chấp nhận ý muốn của Thiên Chúa cho mọi người được hưởng ơn cứu độ. Chúa Giêsu chỉ cho thế hệ của Người thấy rằng Nữ Hoàng Shêba, mặc dù là dân ngoại, đã nhìn nhận ra nơi sự khôn ngoan của vua Salômôn những dấu chỉ của tình yêu của Thiên Chúa, và những người dân thành Ninivê, vốn là những dân ngoại và những kẻ tội lỗi cứng lòng, khi đối diện với lời công bố về tai họa của ngôn sứ Giôna, họ đã tin vào tình yêu tha thứ của Thiên Chúa và ăn năn hối cải.

Trải nghiệm của ngôn sứ Giôna ở trong bụng cá ba ngày là một ám chỉ rõ rệt về cuộc Vượt Qua của Chúa Giêsu; Nhờ cái chết và sự phục sinh của Người, dân tuyển chọn và dân ngoại trở thành một dân duy nhất được cứu chuộc (x. Ep 2,11-19) và được hiệp nhất trong phép rửa (x. Rm 6). Hội Thánh là bí tích cứu độ phổ quát của Thiên Chúa, trong trạng thái truyền giáo thường xuyên, được gửi đến cho mọi người, kêu gọi họ đến với Chúa Kitô. Khi chịu bách hại, Hội Thánh sống lại cuộc khổ nạn cứu chuộc của Chúa; khi được đón nhận, Hội Thánh trải nghiệm tính hiệu quả nơi sự Phục Sinh của Người; và trong sự lớn lên của các tín hữu, Hội Thánh nhìn thấy những hiệu quả dồi dào của lòng thương xót và tha thứ của Thiên Chúa, nơi Chúa Giêsu Kitô là Thầy và Hôn Thê của Hội Thánh.

Sự hiện diện của các Kitô hữu trong thế giới tham gia vào sứ mạng của Chúa Giêsu, cũng là một dấu chỉ hữu hình và hiệu quả của ơn cứu độ diễn ra trong lòng những con người. Vì thế, người Kitô hữu luôn được mời gọi để nhận ra những dấu chỉ yêu thương ấy trong cuộc sống của mình, không những qua những chúc lành và may mắn, mà còn qua những mất mát, khổ đau, thua thiệt nữa. Đồng thời, người Kitô hữu cũng được mời gọi để trở thành những dấu chỉ yêu thương của Thiên Chúa cho mọi người chung quanh. Để giữa những tăm tối, đọa đày, bách hại trong cuộc sống, người Kitô hữu vẫn tiếp tục chiếu sáng niềm tin yêu hy vọng giữa thế giới hôm nay. Amen.

Tác giả: Lm. Gioan B. Vũ Quốc Đạt

***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập351
  • Máy chủ tìm kiếm59
  • Khách viếng thăm292
  • Hôm nay32,848
  • Tháng hiện tại1,021,771
  • Tổng lượt truy cập79,025,222
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây