Tuần cầu nguyện cho sự hiệp nhất Kitô hữu
Suy niệm và cầu nguyện dựa trên Lời Chúa
(18 – 25/1/2018)
Đức Giêsu phải băng qua miền Samari
Tin Mừng theo thánh Gioan (Ga 4,1-6)
Khi ấy nhóm Pharisêu nghe tin Đức Giêsu thâu nạp và làm phép rửa cho nhiều môn đệ hơn ông Gioan. (Thực ra, không phải chính Đức Giêsu làm phép rửa, nhưng là các môn đệ của Người). Biết thế, Đức Giêsu bỏ miền Giuđê mà trở lại miền Galilê. Do đó, Người phải băng qua Samari. Vậy, Người đến một thành xứ Samari, tên là Xykha, gần thửa đất ông Giacóp đã cho con là ông Giuse. Ở đấy, có giếng của ông Giacóp. Người đi đường mỏi mệt, nên ngồi ngay xuống bờ giếng.
Suy niệm
Đức Giêsu và các môn đệ đi từ Giuđêa đến Galilê. Samari nằm giữa hai vùng đất này. Người Do Thái luôn có thành kiến với vùng đất Samari và những con người ở đây. Vùng đất Samari mang tiếng xấu vì sự lai tạp về chủng tộc và tôn giáo. Việc tìm một con đường thay thế để tránh đặt chân vào vùng đất Samari cũng là điều không có gì bất thường.
Tin Mừng theo thánh Gioan muốn diễn tả điều gì khi nói rằng: “Do đó, Người phải băng qua Samari?” Vượt lên trên những vấn đề địa lý, đây chính là sự chọn lựa của Đức Giêsu: “băng qua Samari” mang ý nghĩa Người phải gặp người khác, một người thường bị xem là mối đe dọa.
Mâu thuẫn giữa người Do Thái và người Samari đã là quá khứ. Người miền nam đòi tập trung việc thờ phượng Thiên Chúa tại Giêrusalem (1V 12), và cha ông của người Samari đã phá vỡ điều đó. Sau này, khi người Asyri xâm chiếm vùng đất Samari và trục xuất rất nhiều dân cư, họ đã mang đến vùng đất này vô số những dân tộc ngoại bang, mỗi dân tộc với những thần minh của họ (2 V 17,24-34). Đối với người Do Thái, người Samari trở thành một thứ dân “lai tạp và ô uế”. Sau này trong Tin Mừng Gioan, khi người Do Thái muốn hạ thấp uy tín của Đức Giêsu, họ đã buộc tội Ngài rằng: “Chúng tôi bảo ông là người Samari và là người bị quỷ ám thì chẳng đúng lắm sao?” (Ga 8,48).
Đến lượt mình, người Samari cũng không chấp nhận người Do Thái (Ga 4,8). Nỗi đau của quá khứ đã trở nên sâu đậm hơn, khi vào khoảng năm 128 TCN, thủ lãnh của người Do Thái là Gioan Hyrcanus, đã phá hủy đền thờ được xây dựng bởi người Samari, nơi thờ phượng của họ tại đỉnh núi Garizin. Ít nhất một lần, Tin Mừng Luca đã tường thuật lại việc Đức Giêsu không được tiếp đón tại một thành phố thuộc miền Samari, chỉ đơn giản vì Người đang trên đường đi lên Giêrusalem (Lc 9, 52). Vì thế, sự đối kháng này xuất phát từ cả hai phía.
Gioan đã làm rõ việc Đức Giêsu “băng qua Samari” chính là sự lựa chọn của Người; Người vươn ra khỏi dân tộc của Người. Với hành động này, Người muốn chỉ ra rằng việc tự tách mình khỏi những người khác biệt với mình và chỉ tương quan với những người giống mình là đang tự làm nghèo nàn chính bản thân mình. Việc đối thoại với những người khác biệt sẽ giúp ta lớn lên.
Lời nguyện
Lạy Thiên Chúa muôn dân,
xin dạy chúng con biết băng qua Samari để đến gặp anh chị em của chúng con ỡ những giáo hội khác.
Xin cho chúng con đến đó với một con tim rộng mở, để chúng con có thể học được nhiều điều từ mỗi giáo hội và mỗi nền văn hóa.
Chúng con tuyên xưng Ngài là nguồn mạch của sự hiệp nhất
Xin ban cho chúng con sự hiệp nhất mà Đức Kitô đã muốn cho chúng con. Amen.
Ngày thứ Hai
Thờ phượng Chúa Cha trong thần khí và sự thật
Tin Mừng theo thánh Gioan (Ga 4,7-15)
Khi ấy, người phụ nữ Samari nói với Chúa Giêsu: "Thưa ông, tôi thấy ông thật là một ngôn sứ. Cha ông chúng tôi đã thờ phượng Thiên Chúa trên núi này; còn các ông lại bảo: Giêrusalem mới chính là nơi thờ phượng Thiên Chúa". Ðức Giêsu phán:
"Này chị, hãy tin tôi: đã đến giờ các người sẽ thờ phượng Chúa Cha, không phải trên núi này hay tại Giêrusalem. Các người thờ Ðấng các người không biết; còn chúng tôi thờ Ðấng chúng tôi biết, vì ơn cứu độ phát xuất từ dân Dothái. Nhưng giờ đã đến và chính lúc này đây giờ những người thờ phượng đích thực sẽ thờ phượng Chúa Cha trong thần khí và sự thật, vì Chúa Cha tìm kiếm những ai thờ phượng Người như thế. Thiên Chúa là thần khí, và những kẻ thờ phượng Người phải thờ phượng trong thần khí và sự thật".
Suy niệm
Trước cuộc gặp gỡ của Đức Giêsu với người phụ nữ Samari, Ngài đã có mặt tại Giêrusalem. Trước đó, những người Pharisêu đã bắt đầu loan tin rằng Đức Giêsu đã làm phép rửa cho nhiều môn đệ hơn cả Gioan Tẩy Giả. Và có lẽ tin đồn này cũng gây ra những căng thẳng và khó chịu. Có lẽ đó cũng chính là lý do mà Đức Giêsu quyết định rời khỏi nơi ấy.
Đến bên bờ giếng, Đức Giêsu quyết định dừng lại. Người cảm thấy mệt sau chuyến hành trình. Sự mệt mỏi đó cũng có thể do những tin đồn về Người. Khi Đức Giêsu đang nghỉ ngơi, một người phụ nữ Samari đến bên bờ giếng để múc nước. Cuộc gặp gỡ này diễn ra tại giếng Giacóp: nơi chốn mang tính biểu tượng cả trong đời sống thường nhật và trong cả đời sống tâm linh của người dân trong Kinh Thánh.
Cuộc đối thoại giữa Đức Giêsu và người phụ nữ Samari bắt đầu với câu hỏi về nơi thờ phượng Thiên Chúa. Người phụ nữ Samari hỏi rằng: “Cha ông chúng tôi đã thờ phượng Thiên Chúa trên núi này; còn các ông lại bảo Giêrusalem mới chính là nơi phải thờ phượng Thiên Chúa”. Đức Giêsu liền trả lời: “không phải trên núi này hay tại Giêrusalem… giờ đây những người thờ phượng đích thực sẽ thờ phượng Chúa trong thần khí và sự thật, vì Chúa Cha tìm kiếm những ai thờ phượng Người như thế.” (Ga 4,21-24).
Điều này vẫn tiếp tục xảy ra, thay vì chung tay tìm kiếm sự hiệp nhất, sự tranh đấu và mâu thuẫn lại in hằn lên mối tương quan giữa các giáo hội. Đó cũng chính là kinh nghiệm của giáo hội tại Braxin trong những năm gần đây. Các giáo hội quá đề cao những điểm mạnh của chính họ, cũng như nhấn mạnh đến lợi ích dành cho những người gia nhập để thu hút thêm nhiều thành viên mới. Một vài người nghĩ rằng giáo hội càng lớn, thì số lượng thành viên phải càng lớn, mà sức mạnh của nó càng nhiều thì họ càng ở gần Chúa hơn, họ xem bản thân họ như những người thờ phượng đích thực của Thiên Chúa. Và kết quả chính là sự bạo lực và thiếu tôn trọng với các tôn giáo cũng như các truyền thống khác. Cách thức cạnh tranh theo kiểu tiếp thị này vừa gây ra sự ngờ vực giữa các giáo hội vừa tạo ra sự thiếu tin tưởng của xã hội đối với toàn thể cộng đồng Kitô giáo. Khi cuộc chiến nổi lên, giáo hội “khác” đã trở thành kẻ thù.
Ai mới là những người thờ phượng đích thực? Người thờ phượng đích thực không để cho cái luận lý “đâu là người tốt hơn và đâu là kẻ tệ hơn” của cuộc chiến ảnh hưởng đến đức tin. Chúng ta cần “những bờ giếng” để tựa vào, để nghỉ ngơi và để xua đi những mâu thuẫn, tranh chấp và bạo lực, ta cần những nơi mà chúng ta có thể học biết rằng người thờ phượng đích thực thì thờ phượng trong Thần Khí và Sự Thật.”
Lời nguyện
Lạy Thiên Chúa, Đấng tràn đầy ân sủng, Các giáo hội của chúng con thường bị dẫn dắt lựa chọn luận lý của sự tranh chấp, xin tha thứ tội ngạo mạn của chúng con. Chúng con đã quá mệt mỏi với nhu cầu trở nên thứ nhất này. Xin cho chúng con được nghỉ ngơi bên giếng nước.
Xin phục hồi chúng con bằng dòng nước hiệp nhất múc ra từ những lời nguyện cầu của chúng con.
Nguyện xin Thần Khí là Đấng bay lượn trên mặt nước hỗn mang, đem đến sự hiệp nhất từ những khác biệt của chúng con. Amen.
Ngày thứ Ba
Cuộc gặp gỡ trong niềm tin
Tin Mừng theo thánh Gioan (Ga 4,16-19)
Khi ấy Chúa Giêsu bảo người phụ nữ Samari: "Chị hãy gọi chồng chị, rồi trở lại đây." Người phụ nữ đáp: "Tôi không có chồng." Đức Giêsu bảo: "Chị nói: "Tôi không có chồng" là phải, vì chị đã năm đời chồng rồi, và người hiện đang sống với chị không phải là chồng chị. Chị đã nói đúng."Người phụ nữ nói với Người:" Thưa ông, tôi thấy ông thật là một ngôn sứ.
Suy niệm
Người phụ nữ Samari trả lời với Đức Giêsu rằng: “Tôi không có chồng”. Lúc này, chủ đề của cuộc đối thoại này là về đời sống hôn nhân của người phụ nữ. Có một sự thay đổi liên quan đến nội dung của cuộc nói chuyện từ vấn đề nước uống đến vấn đề vợ chồng. “Chị hãy gọi chồng chị, rồi trở lại đây” (Ga 4,16), nhưng Đức Giêsu biết rõ người phụ nữ đã có năm đời chồng, và người đàn ông hiện tại không phải là chồng của cô ta.
Hoàn cảnh của người phụ nữ này là thế nào? Có phải chồng của cô ta đã đòi ly hôn? Cô ta phải chăng là một quả phụ? Cô ta đã có con hay chưa? Những câu hỏi này tự nhiên trổi dậy khi ta đối diện với trình thuật này. Tuy nhiên, dường như Đức Giêsu quan tâm đến một chiều kích khác trong hoàn cảnh của người phụ nữ, Ngài biết rõ cuộc sống của người phụ nữ nhưng vẫn cho cô ta một lối mở, Ngài vẫn trò chuyện với cô ta. Đức Giêsu không nhấn mạnh lý giải về mặt đạo đức câu trả lời của cô ta, nhưng dường như muốn đưa cô ta bước ra ngoài. Và kết quả là thái độ của cô ta đối với Đức Giêsu dần thay đổi. Ở thời điểm này, những chướng ngại về khác biệt văn hóa và tôn giáo đã lui dần về phía sau để nhường chỗ cho một điều quan trọng hơn: một cuộc gặp gỡ trong niềm tin. Hành động của Đức Giêsu trong lúc này cho phép chúng ta mở ra những cánh cửa mới và đẩy đến những câu hỏi xa hơn nữa: những câu hỏi thách thức những thái độ đã khinh miệt và cô lập người phụ nữ ấy; và những câu hỏi về những sự khác biệt mà chúng ta phải đối mặt trên con đường đến sự hiệp nhất mà chúng ta đang tìm kiếm và vì thế mà chúng ta cầu nguyện.
Lời nguyện
Lạy Đấng trổi vượt trên hết thảy
Có danh xưng nào khác mà chúng con có thể gọi Ngài đây ?
Bài ca nào có thể được hát lên cho Ngài?
Chẳng ngôn từ nào có thể diễn tả được Ngài
Tâm trí nào có thể nhận biết Ngài đây ?
Không trí tuệ nào có thể hiểu thấu được Ngài
Duy mình Ngài là Đấng chẳng thể diễn tả được, vì tất cả mọi điều được nói ra đều phát xuất từ Ngài
Duy mình Ngài là Đấng chẳng thể hiểu được, bởi tất cả ý nghĩ đều từ Ngài mà đến.
Mọi loài thọ tạo đều cao rao Ngài, cả kẻ phát ngôn lẫn kẻ lặng câm.
Muôn người khao khát Ngài, hết thảy thế nhân mong mỏi ước ao Ngài.
Mọi loài hiện hữu cầu nguyện với Ngài
Và mọi hữu thể chiêm ngắm vũ trụ của Ngài đều dâng lên Ngài khúc tịnh ca.
Xin thương xót chúng con, hỡi Đấng trổi vượt trên thảy
Có danh xưng nào khác mà chúng con có thể gọi Ngài đây ?
Ngày thứ Tư
Bỏ lại vò nước ... để nhận ra những quà tặng của người khác
Tin Mừng theo thánh Gioan (Ga 4, 25-28)
25 Khi ấy, Người phụ nữ Samari thưa: "Tôi biết Đấng Mêsia, gọi là Đức Kitô, sẽ đến. Khi Người đến, Người sẽ loan báo cho chúng tôi mọi sự."26 Đức Giêsu nói: "Đấng ấy chính là tôi, người đang nói với chị đây."
27 Vừa lúc đó, các môn đệ trở về. Các ông ngạc nhiên vì thấy Người nói chuyện với một phụ nữ. Tuy thế, không ai dám hỏi: "Thầy cần gì vậy?" Hoặc "Thầy nói gì với chị ấy? "28 Người phụ nữ để vò nước lại, vào thành và nói với người ta:29 "Đến mà xem: có một người đã nói với tôi tất cả những gì tôi đã làm. Ông ấy không phải là Đấng Kitô sao? "30 Họ ra khỏi thành và đến gặp Người.
Suy niệm
Cuộc gặp gỡ giữa Đức Giêsu và người phụ nữ Samari chỉ ra rằng một cuộc đối thoại với những người khác biệt, những người xa lạ hay những người không quen biết có thể là món quà trao ban sự sống. Nếu người phụ nữ tuân theo luật lệ trong văn hóa của cô ta, thì cô ta sẽ bỏ đi khi trông thấy Đức Giêsu lại gần bên giếng nước. Vì một lý do nào đó, mà hôm ấy cô ta không tuân theo những luật lệ sẵn có. Cả Đức Giêsu và người phụ nữ đều phá vỡ những quy tắc ứng xử mẫu mực. Qua bước đột phá này, cả hai lại chỉ cho chúng ta thấy việc thiết lập một mối quan hệ mới là hoàn toàn có thể.
Khi Đức Giêsu hoàn tất công việc của Chúa Cha, đến phần mình, người phụ nữ Samari bỏ lại vò nước của cô ấy, điều này có nghĩa cô ấy có thể bước xa hơn trong cuộc đời của mình. Cô ấy không còn bị giam hãm trong cái vai trò mà xã hội đã áp đặt lên mình. Trong Tin Mừng thánh Gioan, người phụ nữ ấy là người đầu tiên tuyên xưng Đức Giêsu là Đấng Mêsia. “Bước đột phá” là điều rất cần thiết cho những ai khao khát lớn lên và thêm khôn ngoan trong đức tin.
Việc người phụ nữ Samari đã bỏ lại vò nước phía sau biểu trưng cho việc cô ấy đã tìm thấy một quà tặng lớn hơn và tốt hơn thứ nước mà cô ta đến lấy, và một vị thế tốt hơn giữa cộng đồng của cô ta. Người phụ nữ nhận ra món quà cao cả hơn mà người Do Thái lạ mặt, Đức Giêsu, đã trao tặng cho cô ta.
Việc nhận ra giá trị, nhận ra điều tốt, thậm chí là thánh thiện vốn là không thể biết đối với chúng ta, nó thuộc về người khác. Tuy nhiên, việc nhận ra những quà tặng của người khác như sự tốt lành hay thánh thiện chính là một bước đi cần thiết đến sự hiệp nhất vô hình mà chúng ta tìm kiếm.
Cầu nguyện
Lạy Thiên Chúa tình yêu
Xin giúp chúng con học biết từ Đức Giêsu và người phụ nữ Samari, rằng việc gặp gỡ người khác sẽ mở ra một chân trời ân sủng mới cho chúng con.
Xin giúp chúng con phá bỏ những giới hạn và chấp nhận những thách đố.
Xin giúp chúng con bước ra khỏi nỗi sợ hãi để bước theo tiếng gọi của Con Ngài. Chúng con cầu xin nhờ Đức Giêsu Kitô. Amen.
Ngày thứ Năm
Mọi người đều cần được giúp đỡ
Tin Mừng theo thánh Gioan (Ga 4,7.8-11)
7 Có một người phụ nữ Samari đến lấy nước. Đức Giêsu nói với người ấy: "Chị cho tôi xin chút nước uống!"9 Người phụ nữ Samari liền nói: "Ông là người Dothái, mà lại xin tôi, một phụ nữ Samari, cho ông nước uống sao? " Quả thế, người Dothái không được giao thiệp với người Samari.10 Đức Giêsu trả lời: "Nếu chị nhận ra ân huệ Thiên Chúa ban, và ai là người nói với chị: "Cho tôi chút nước uống", thì hẳn chị đã xin, và người ấy đã ban cho chị nước hằng sống."11 Chị ấy nói: "Thưa ông, ông không có gầu, mà giếng lại sâu. Vậy ông lấy đâu ra nước hằng sống?
Suy niệm
Đức Giêsu cần giúp đỡ. Sau một chuyến đi dài, cái mệt đã ập đến. Kiệt sức trong cái nóng ban trưa, Ngài cảm thấy đói và khát (Ga 4, 6). Hơn nữa, Đức Giêsu lại là người lạ; Ngài đang ở trên đất khách và giếng nước thì thuộc về dân tộc của người phụ nữ. Đức Giêsu khát và người phụ nữ đã chỉ ra rằng Ngài không có gầu để múc nước. Ngài cần nước và cần sự giúp đỡ của người phụ nữ: mọi người đều cần giúp đỡ!
Nhiều người Kitô hữu nghĩ rằng, một mình, họ có mọi câu trả lời và họ không cần sự giúp đỡ từ bất cứ ai. Chúng ta sẽ đánh mất nhiều điều nếu chúng ta cứ ở mãi trong não trạng này. Không ai trong chúng ta có thể tự mình chạm đến đáy giếng sâu của sự thánh thiêng, nhưng đức tin luôn đòi hỏi chúng ta đào sâu vào mầu nhiệm này. Chúng ta không thể làm điều này một mình. Chúng ta cần sự giúp đỡ của các anh chị em Kitô hữu khác. Chỉ khi đó chúng ta mới có thể chạm đến sâu thẳm của mầu nhiệm Thiên Chúa.
Dù cho chúng ta có thuộc về bất cứ giáo hội nào, một điểm chung của đức tin chính là Thiên Chúa là một mầu nhiệm vượt ra khỏi trí hiểu của chúng ta. Việc tìm kiếm sự hợp nhất các Kitô hữu đưa chúng ta nhận thức rằng không có một cộng đoàn nào có đầy đủ mọi phương tiện để chạm đến dòng nước thánh thiêng sâu thẳm này. Chúng ta cần nước, mọi người đều cần được giúp đỡ! Càng lớn lên trong đức tin, chia sẻ những gầu nước và góp vào những đoạn dây, chúng ta càng có thể múc nước tận giếng sâu của sự thánh thiêng.
Những truyền thống văn hóa nhân loại dạy chúng ta phải học hỏi sự thông thái nơi những bậc cao niên, và cũng như từ sự tò mò và ngây thơ của con trẻ. Khi chúng ta sẵn sàng chấp nhận rằng chúng ta cần đến nhau, chúng ta trở nên trẻ nhỏ, mở lòng ra để học hỏi. Và đó chính là cách mà Nước Thiên Chúa mở ra cho chúng ta (Mt 18,3). Chúng ta phải làm như Đức Giêsu đã làm. Chúng ta phải đi bước trước trong việc tiến vào những vùng đất xa lạ, nơi chúng ta sẽ trở thành những người lạ, và để gieo trồng khao khát học hỏi từ những điều khác biệt.
Lời nguyện
Lạy Thiên Chúa là dòng suối nước Hằng Sống
Xin giúp chúng con hiểu rằng càng nhiều đoạn dây chúng con góp vào, thì gàu nước của chúng con càng chạm sâu hơn đến nguồn nước thánh thiêng!
Xin thức tỉnh chúng con trước sự thật rằng những quà tặng của người khác là cách biểu đạt mầu nhiệm khôn lường của Chúa.
Xin cho chúng con biết cùng nhau ngồi lại bên thành giếng để uống nước của Ngài, là nguồn nước quy tụ chúng con trong hòa bình và hiệp nhất.
Chúng con cầu xin điều ấy nhân danh Đức Giêsu Kitô, Con Chúa, Đấng đã xin người phụ nữ Samari chút nước khi Người đang khát. Amen.
Ngày thứ Sáu
Đức Giê su hứa ban nguồn nước hằng sống
Tin Mừng theo thánh Gioan (Ga 4, 11-15)
11 Lúc ấy, người phụ nữ Samari nói: "Thưa ông, ông không có gầu, mà giếng lại sâu. Vậy ông lấy đâu ra nước hằng sống?12 Chẳng lẽ ông lớn hơn tổ phụ chúng tôi là Giacóp, người đã cho chúng tôi giếng này? Chính Người đã uống nước giếng này, cả con cháu và đàn gia súc của Người cũng vậy."13 Đức Giêsu trả lời: "Ai uống nước này, sẽ lại khát.14 Còn ai uống nước tôi cho, sẽ không bao giờ khát nữa. Và nước tôi cho sẽ trở thành nơi người ấy một mạch nước vọt lên, đem lại sự sống đời đời."
15 Người phụ nữ nói với Đức Giêsu: "Thưa ông, xin ông cho tôi thứ nước ấy, để tôi hết khát và khỏi phải đến đây lấy nước."
Suy niệm
Cuộc đối thoại mà ban đầu Đức Giêsu xin nước uống đã trở thành cuộc đối thoại Đức Giêsu hứa ban nguồn nước. Cũng trong Tin Mừng Gioan, sau này Đức Giêsu một lần nữa cũng xin nước uống. “Ta khát”, đó là những gì Ngài nói trên thập giá và cũng từ thập giá Đức Giêsu trở nên nguồn nước đã được hứa ban, nguồn nước tuôn chảy từ cạnh sườn bị đâm thâu của Ngài. Trong bí tích rửa tội, chúng ta nhận lãnh nguồn nước này, nhận lãnh sự sống này từ Đức Giêsu và nguồn nước đó đã tuôn trào nơi chúng ta để sự sống được trao ban và chia sẻ cho người khác.
Dòng nước thanh tẩy chảy vào cuộc đời trở nên chứng nhân nối kết của tình yêu Kitô hữu bằng hành động, một sự cảm nếm trước sự sống đời đời mà Đức Giêsu đã hứa. Những cử chỉ cụ thể mà những con người bình dị thực hiện chính là những gì chúng ta cần để lớn lên trong tình huynh đệ. Họ làm chứng cho Tin Mừng và giá trị của mối hiệp thông huynh đệ.
Lời nguyện
Lạy Ba Ngôi Thiên Chúa, theo gương mẫu của Đức Giêsu
Xin làm cho chúng con nên chứng nhân tình yêu của Ngài.
Xin giúp chúng con trở nên khí cụ của công bằng, hòa bình và tình đoàn kết.
Ước gì Thánh Thần của Ngài hướng dẫn chúng con thực hiện những hành động cụ thể để xây dựng sự hiệp nhất. Ước gì những bước tường ngăn cách trở nên những nhịp cầu.
Chúng con cầu xin điều ấy nhân danh Đức Giêsu Kitô trong sự hiệp nhất với Chúa Thánh Thần. Amen.
Ngày thứ Bảy
Kitô giáo là “con đường”
Tin Mừng theo thánh Gioan (Ga 4, 13-15)
Khi ấy, 13Đức Giêsu nói với người phụ nữ Samaria: "Ai uống nước này, sẽ lại khát.14 Còn ai uống nước tôi cho, sẽ không bao giờ khát nữa. Và nước tôi cho sẽ trở thành nơi người ấy một mạch nước vọt lên, đem lại sự sống đời đời."
15 Người phụ nữ nói với Đức Giêsu: "Thưa ông, xin ông cho tôi thứ nước ấy, để tôi hết khát và khỏi phải đến đây lấy nước."
Suy niệm
Người Kitô hữu phải xác tín rằng việc gặp gỡ và trao đổi kinh nghiệm với giáo hội khác, thậm chí là với những truyền thống tôn giáo khác, có thể thay đổi chúng ta và giúp chúng ta chạm đến sự sâu thẳm của giếng nước. Bước đến với những người xa lạ với khát khao uống từ mạch giếng của họ sẽ mở ra cho chúng ta “những kỳ công của Thiên Chúa” mà chúng ta hằng cao rao.
Trong hoang địa, dân Thiên Chúa thiếu nước, và Thiên Chúa đã đưa Môsê và Aharon đến để khiến nước tuôn trào từ mạch đá. Và cũng cùng một cách như thế, Thiên Chúa thỏa mãn nhu cầu của chúng ta thông qua những người khác. Khi, vì nhu cầu, chúng ta kêu cầu Thiên Chúa như người phụ nữ Samari đã hỏi Đức Giêsu “Lạy Ngài, xin hãy cho tôi nước này”, chắc hẳn Thiên Chúa đã đáp lại lời nguyện cầu của chúng ta bằng việc đặt những điều chúng ta cầu xin vào tay của những người thân cận quanh ta. Và chúng ta cũng cần hướng về phía họ để hỏi “Xin cho tôi nước uống.”
Đôi khi câu trả lời cho những nhu cầu của chúng ta đã có sẵn trong đời sống và lòng tốt của những người xung quanh. Tôn giáo không tách biệt khỏi phần còn lại của cuộc sống, cũng như của toàn bộ hệ thống văn hóa. Vì thế, tôn giáo là một phần trong hệ thống văn hóa của nhân loại. Và chúng ta nhớ rằng, Kitô giáo trước tiên được mời gọi phải là “Con Đường” (Cv 9,2). “Con Đường” hay “con đường tốt để hiện hữu” chính là con đường mà Thiên Chúa sử dụng để mang lại sự đồng tâm nhất trí cho mọi phần nhỏ của cuộc sống.
Lời nguyện
Lạy Chúa là Chủ Tể sự sống, Đấng hằng chăm sóc muôn loài thụ tạo và hằng kêu gọi chúng con thực thi công lý và hòa bình,
Ước gì sự an toàn của chúng con không đến từ binh lực nhưng đến từ sự tôn trọng.
Ước gì sức mạnh của chúng con không phải là sức mạnh của bạo lực, nhưng là của tình yêu.
Ước gì sự giàu có của chúng con không ở nơi tiền bạc, nhưng là trong chia sẻ.
Ước gì con đường của chúng con không phải là tham vọng, nhưng là sự công bình.
Ước gì chiến thắng của chúng con không đến từ thù hận, nhưng trong sự thứ tha.
Và ước gì sự hiệp nhất của chúng con không đến từ việc kiếm tìm quyền lực, nhưng từ đời chứng nhân mỏng giòn để thực thi thánh ý Ngài.
Ước gì với lòng tự tin cởi mở, chúng con biết bảo vệ phẩm giá của mọi loài thụ tạo, biết chia sẻ lương thực của tình đoàn kết, công bằng và bình an, hôm nay và mãi mãi.
Chúng con cầu xin điều ấy nhân danh Đức Giêsu, Con Chí Thánh của Cha, anh cả của chúng con; dù đã từng là nạn nhân của bạo lực, nhưng ngay cả khi bị treo cao trên thập giá, Người vẫn ban cho chúng con ơn tha thứ. Amen.
Ngày thứ Tám
Chứng nhân bằng lời nói và hành động
Tin Mừng theo thánh Gioan (Ga 4,27-30.39-40)
27 Vừa lúc đó, các môn đệ trở về. Các ông ngạc nhiên vì thấy Người nói chuyện với một phụ nữ. Tuy thế, không ai dám hỏi: "Thầy cần gì vậy? " Hoặc "Thầy nói gì với chị ấy? "28 Người phụ nữ để vò nước lại, vào thành và nói với người ta:29 "Đến mà xem: có một người đã nói với tôi tất cả những gì tôi đã làm. Ông ấy không phải là Đấng Kitô sao? "30 Họ ra khỏi thành và đến gặp Người.
39 Có nhiều người Samari trong thành đó đã tin vào Đức Giêsu, vì lời người phụ nữ làm chứng: ông ấy nói với tôi mọi việc tôi đã làm.40 Vậy, khi đến gặp Người, dân Samari xin Người ở lại với họ, và Người đã ở lại đó hai ngày.
Suy niệm
Với con tim đã được biến đổi, người phụ nữ Samari lên đường thi hành sứ vụ. Người phụ nữ loan báo với dân tộc của mình rằng cô đã thấy Đấng Mêsia. Nhiều người đã tin vào Đức Giêsu vì “lời chứng của người phụ nữ” (Ga 4, 39). Sức mạnh lời chứng của cô ấy nảy sinh từ sự biến đổi cuộc sống do cuộc gặp gỡ giữa cô ấy và Đức Giêsu. Chúng ta cảm ơn thái độ mở ra của người phụ nữ, cô ấy đã nhận ra nơi người lạ mặt “một mạch nước vọt lên, đem lại sự sống đời đời” (Ga 4, 14).
Truyền giáo là yếu tố chính của đức tin Kitô giáo. Mỗi người Kitô hữu được mời gọi loan truyền danh Thiên Chúa. Đức Giáo hoàng Phanxicô đã nói với các nhà truyền giáo “dù anh chị em đi đâu, hãy nhớ rằng Thánh Thần Thiên Chúa đã ở đó trước chúng ta”. Truyền giáo không có nghĩa là phải gia nhập đạo. Người thực sự loan truyền Đức Giêsu sẽ đến với người khác trong đối thoại yêu thương, cởi mở để học hỏi lẫn nhau, và tôn trọng sự khác biệt. Sứ vụ của chúng ta đòi hỏi chúng ta phải học cách uống nước từ nguồn nước hằng sống, nhưng không chiếm hữu giếng nước. Giếng nước ấy không thuộc về riêng chúng ta. Hơn thế, chúng ta múc lấy sự sống từ giếng nước, giếng nước hằng sống được trao ban bởi chính Đức Kitô.
Sứ vụ của chúng ta phải là công việc của cả lời nói và hành động. Chúng ta cố gắng sống những gì chúng ta rao giảng. Lời chứng của người phụ nữ đã dẫn đưa cộng đồng của cô đến niềm tin vào Đức Giêsu bởi vì anh chị em của cô đã nhìn thấy sự nối kết chặt chẽ giữa lời nói và sự biến đổi bên trong của cô.
Nếu lời nói và hành động của chúng ta đáng tin cậy, thì cả thế giới sẽ lắng nghe và tin theo. “Làm cách nào họ có thể tin nếu họ không thực sự lắng nghe?” (Rm 10, 14).
Lời nguyện
Lạy Thiên Chúa là dòng suối nước hằng sống, xin làm cho chúng con nên những chứng nhân cho sự hiệp nhất trong cả lời nói và cuộc sống của mình.
Xin giúp chúng con hiểu rằng chúng con không phải là những người sở hữu giếng nước.
Và xin cho chúng con sự khôn ngoan để đón nhận nơi những người khác cùng một ân sủng như chúng con có được.
Xin biến đổi con tim và cuộc sống chúng con để chúng con có thể thực sự trở nên những người mang lấy Tin Mừng.
Xin luôn dẫn đưa chúng con đến gặp gỡ người khác. như gặp gỡ chính Ngài.
Chúng con cầu xin điều ấy nhân danh Đức Giêsu Kitô Con Chúa, trong sự hiệp nhất với Chúa Thánh Thần. Amen.
Ban Phụng Vụ Giáo Phận
(Sưu tập và biên soạn)