Năng động sống cộng đoàn các môn đệ

Thứ năm - 02/05/2019 04:58  1747

PHẦN TU ĐỨC

NĂNG ĐỘNG SỐNG CỘNG ĐOÀN MÔN ĐỆ:

Kể Lại Cho Nhau Nghe Kinh Nghiệm Gặp Gỡ Đấng Phục Sinh

 (Lc 24,13-35)

 

Đức Giêsu trực tiếp huấn luyện các môn đệ trong một tiến trình dài lâu, nhằm giúp các ông nhận hiểu tầm nhìn và sứ mạng cứu độ của Người; một số môn đệ thân tín còn được Người tách riêng ra và đưa lên núi cao, đi vào một tiến trình đào luyện riêng. Thế nhưng, khi sứ mạng đến trong thực tế, Đức Giêsu bước vào cuộc khổ nạn thập giá, các môn đệ vẫn gặp khủng hoảng và thất vọng. Tảng đá che kín cửa mộ Đức Giêsu như thể khép lại viễn tượng tương lai của các môn đệ. Cộng đoàn bắt đầu tan vỡ. Người ở lại buồn chán trong không gian sống tù túng và bế tắc; người ra đi lặng lẽ buồn rầu, rời bỏ cộng đoàn về quê, như hai môn đệ trên đường Emmaus. Đức Giêsu phục sinh đồng hành với mỗi người môn đệ, đưa họ trở lại cộng đoàn. Cộng đoàn hồi sinh với ơn bình an và sức sống mới.

 

Hai người trong nhóm môn đệ rời bỏ cộng đoàn, về quê (Lc 24,13-35). Trời sáng nhưng lòng họ tối. Họ vừa đi vừa nói chuyện với nhau, nhưng xem ra họ đang độc thoại hơn là đối thoại, hơn là trò chuyện, một cuộc độc thoại phối hợp của hai người trẻ thất vọng, vì mất phương hướng. Hành trình của các ông diễn ra trong buổi sáng, nhưng lòng thì u tối. Bước đi cô quạnh ồn ào. Đức Giêsu phục sinh hiện ra, tiến đến gần và cùng đi với họ (24,15). Người đến để lắng nghe, để thấu cảm và để mở lòng họ đi vào cuộc đối thoại, một cuộc trò chuyện đích thực, khởi đi từ kinh nghiệm và tình cảnh của chính hai môn đệ.

 

Hai môn đệ, hai người trẻ vỡ mộng và thất vọng: “Người là một ngôn sứ đầy uy thế trong việc làm cũng như lời nói trước mặt Thiên Chúa và toàn dân… Phần chúng tôi, trước đây vẫn hy vọng rằng chính Người là Đấng sẽ cứu chuộc It-ra-en. Hơn nữa, những việc ấy xảy ra đến nay là ngày thứ ba rồi.” (24,19.21). Ngày thứ ba rồi. Hết hy vọng rồi. Hai môn đệ không vượt qua giới hạn của kinh nghiệm, bế tắc trong những vấn đề của bản thân, mù tối và điếc lác trước những vấn đề đang xảy ra xung quanh, không lắng nghe được lời của những phụ nữ và các môn đệ khác (24,22-24).

 

Nào Đấng Kitô lại chẳng phải chịu khổ hình như thế, rồi mới vào trong vinh quang của Người sao?” (24,26).  Như các môn đệ, trước hết chúng ta cần chấp nhận sự thật này, chấp nhận trong Đức Giêsu Kitô. Thứ đến, môn đệ cần được thầy dạy dỗ; vẫn là những đoạn sách thánh thường đọc, nhưng chúng ta cần được chính Đức Giêsu giải thích: “…Người giải thích cho hai ông những gì liên quan đến Người trong tất cả Sách Thánh” (24,25-27). Sau cùng, hãy ở lại hiệp thông với Người; hãy nài xin Người ở lại với nhóm, với cộng đoàn, với giáo xứ, với Giáo hội: “Mời ông ở lại với chúng tôi, vì trời đã xế chiều, và ngày sắp tàn.” (24,29).

 

Khi hiệp thông nên một cộng đoàn qua cử hành Thánh Thể, hai môn đệ nhận ra Đấng Phục Sinh. Kinh nghiệm “lòng bừng cháy” trên đường và nhận ra Người khi Người bẻ bánh giúp hai môn đệ mở toang cánh cửa hy vọng, vượt qua kinh nghiệm bản thân để sống tầm nhìn và sứ mạng của thầy mình. Ngày đã tàn, trời đã tối, nhưng lòng họ bừng sáng: “Ngay lúc ấy, họ đứng dậy, quay trở lại Giê-ru-sa-lem…” (24,33). Được đổi mới sức sống, hai môn đệ trở về hiệp thông và xây dựng cộng đoàn theo tầm nhìn và sứ mạng của Đấng Phục Sinh (24,35).

 

Hồi tâm.

  1. Khi dấn thân phục vụ trong Hội đồng mục vụ giáo xứ, có khi nào tôi cũng rời bỏ cộng đoàn như hai môn đệ trên đường Emmaus, tự cô lập bản thân hoặc thu hẹp mình nơi một nhóm vài người cùng quan điểm?
  2. Tôi thường cảm nghĩ thế nào về Giáo hội phẩm trật, thường có tâm tình và thái độ tích cực hay tiêu cực về các Đấng bản quyền hoặc về cha xứ? Tôi đang cảm nghĩ như người thuộc về cộng đoàn hay như một người ngoài cộng đoàn?
  3. Tôi thường tương tác, cư xử thế nào với các thành viên Hội đồng mục vụ giáo xứ? Tôi có thấy mình là người xây dựng cộng đoàn?

 

Lm. Toma Vũ Ngọc Tín, SJ.

 

PHẦN QUẢN TRỊ MỤC VỤ

MỘT NGƯỜI BÊN HỮU, MỘT NGƯỜI BÊN TẢ...

 

“Người hỏi bà: ‘Bà muốn gì?’ Bà thưa: ‘Xin Thầy truyền cho hai con tôi đây, một người ngồi bên hữu, một người bên tả Thầy trong Nước Thầy’” (Mt 20,21)

 

Dẫn vào

Trong một trận chiến cam go, nếu có bên nào hoặc tấn công “xông bên trái đánh bên phải một cách hăng hái”, hoặc “tích cực phòng vệ hết bên phải rồi đến bên trái” đều có thể gọi đó là cuộc chiến “tả xung hữu đột” (左衝右突); nghĩa là, liên tục tấn công hoặc chống đỡ đủ mọi phía. Còn quy tắc “nam tả, nữ hữu” thì khác (dựa vào lý thuyết âm dương trong triết học cổ đại).[1] Phải, mọi sự vật trong đời đều có “âm dương”; thật vậy, trong dương có âm, trong âm có dương.[2] Cùng hiện hữu trong một thực tại, âm dương cân bằng thì sự vật tồn tại cách ổn định.[3]

 

Tuy nhiên, “ngồi bên tả bên hữu một ai...” thì lại là “câu chuyện rất khác”, bởi đó: (1) không phải là trận chiến cam go mà là chiến trận “cực kỳ cam go” và hết sức dai dẳng; (2) không phải chỉ cần có sự thăng bằng để tồn tại mà còn “cần phải tồn tại để tạo sự quân bình”. Thật vậy, ngồi bên tả bên hữu Đức Ki-tô có vẻ là một khát vọng trần thế “rất tự nhiên” của người mẹ Gia đình Dê-bê-đê dành cho hai người con yêu quý của mình. Khuynh hướng này phải chăng vẫn mãi còn, hoặc thậm chí, còn mãi một cách tinh vi hơn xưa, tồn tại ở nhiều nơi trong Giáo hội hiện nay: nơi các đoàn hội giáo xứ, đặc biệt nơi quý chức ban thường vụ hội đồng mục vụ giáo xứ? Vì thế, khát vọng được ngồi bên tả bên hữu Đức Ki-tô là có thật; điều quan yếu phải thực hiện: nâng khát vọng tự nhiên ấy lên thành “‘siêu khát vọng’: được ở bên Chúa trên thiên đàng”.

 

Ngồi bên tả bên hữu Đức Ki-tô...

Trên đường đi Giê-ru-sa-lem, Thầy Giê-su báo trước cuộc tử nạn, các tông đồ lại chỉ nghĩ đến vinh quang trần thế; lúc “bà mẹ của các con ông Dê-bê-đê đến gặp Đức Giê-su” thì chỉ mải tìm danh vọng, chỉ muốn xin địa vị cho hai người con của bà, khi Thầy Giê-su được “vinh quang...”: “Xin Thầy truyền cho hai con tôi đây, một người ngồi bên hữu, một người bên tả Thầy...”.[4]

 

Ta tự vấn xem có khi nào quý chức hội đồng mục vụ giáo xứ quên đi nhiệm vụ của mình: “Nắm bắt tình hình chung của giáo xứ, nhất là hiện trạng đời sống đức tin và phong hóa trong giáo xứ, hội đồng mục vụ giáo xứ cùng với linh mục chính xứ (và dưới sự hướng dẫn của ngài): (1) góp phần tích cực trong việc hoạch định chương trình mục vụ, đề ra phương thức và phân công thực hiện; (2) phối hợp hài hòa các công tác của các đơn vị mục vụ trong sự tôn trọng tính tự lập của từng đơn vị; (3) theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện, và báo cáo kết quả; (4) góp phần giải quyết những vấn đề (hài hòa những khác biệt, xóa dần những xung khắc, giải tỏa những bất đồng) trong tinh thần liên đới, tương trợ và hiệp thông; (5) góp phần chia sẻ trách nhiệm trong việc quản trị tài sản giáo xứ;[5] (5) tích cực bồi dưỡng tri thức, nâng cao tinh thần, tạo thêm năng lực làm việc tập thể và dấn thân phục vụ trong yêu thương”.[6]

 

Thế nhưng, như các môn đệ trên đường đi Giê-ru-sa-lem với Thầy Giê-su, không hoàn toàn đồng cảm được với Thầy Giê-su, mà chỉ toan tính chuyện chức tước, quyền hành ai trên ai, “những xôi thịt chợ đời” vẫn hằn đậm vết “thường xuyên hoặc thỉnh thoảng”, thì những thành viên quý chức hội đồng mục vụ giáo xứ, khi thi hành bổn phận của mình, có khi nào chỉ lo trục lợi “cách tinh vi” cho danh dự “hão” của gia đình hay bản thân! Ta xem lại.

 

Được ở bên Chúa trên Thiên Đàng

Khẳng định về sự tồn tại của thiên đàng, Thánh kinh cho biết thiên đàng là một nơi có thật.[7] Vượt ra ngoài giới hạn của trái đất, ngoài phạm vi các tinh vân vũ trụ, thiên đàng là nơi Chúa ngự trị. Vậy nói khác đi, Chúa ở đâu thiên đàng ở đấy. Vì thế, với trách nhiệm của mình, quý chức HĐMVGX một mặt hãy siêng năng cầu nguyện để được ở bên Chúa “hôm nay và ngày mai”, mặt khác tìm cách giới thiệu Chúa, đưa lời của Người vào “... đời sống đức tin và phong hóa trong giáo xứ”.[8] Nghĩa là, dưới sự hướng dẫn của cha xứ, quý chức hội đồng mục vụ giáo xứ hãy: (1) “góp phần tích cực trong việc hoạch định chương trình...”; (2) “phối hợp hài hòa các công tác...”; (3) “theo dõi, đôn đốc, kiểm tra...”; (4) “góp phần giải quyết những vấn đề...”; (5) “góp phần chia sẻ trách nhiệm...”; (5) “tích cực bồi dưỡng tri thức...”.[9] Tính khái quát của vấn đề này có thể tìm thấy trong độ sâu hiểu biết về vai trò diện rộng của những thừa tác viên quản trị mục vụ: 

... nếu Mục vụ tổng quát trong nhãn quan quản trị mục vụ ý thức về sự liên ngành của các môn học trong mục vụ, thì các từ ngữ trong chương này là dịp để trình bày đôi điều về sự liên ngành đó trong lãnh đạo mục vụ, quản trị mục vụ, cung cách phục vụ, và vai trò của người phục vụ.[10]

 

Chuyện minh họa

 

Dựng nhà xong, một người nọ chặt tre làm máng nước, chặt cây làm thùng đựng tiền. Máng tre dẫn nước từ suối vào trong nhà để sử dụng. Thùng đựng tiền thì ngày ngày nhận tiền bỏ vào cũng như được lấy ra để tiêu xài. Công dụng và ý nghĩa của hai vật dụng là thế. Triết lý sống của gia đình này là vậy. Vâng, cuộc đời quả là vậy, là thế. Quan niệm thế nào sẽ nhìn cuộc đời như vậy; suy nghĩ thế nào sẽ sống như thế. Hiểu biết trách nhiệm và bổn phận mà chu toàn thì sẽ sống tốt; định hướng đời mình đúng sẽ trực chỉ thiên đàng. Yêu mến thiên đàng không tùy thuộc vào việc ngồi bên tả bên hữu theo quan niệm trần thế cho bằng làm sao chắc chắn được ở bên Chúa trên thiên đàng.

 

Vì thế, nếu có ba loại người trong đời, thì hãy chắc chắn cả ba đều có thể là “bạn hữu” của ta: (1) “người yêu ta” làm ta được ấm áp, được nâng đỡ; (2) “người ghét ta” khiến ta cẩn trọng, khiêm tốn hơn; và (3) “người lạnh lùng với ta” dạy ta cách tự lập. Nếu như có người chỉ vì một điểm tốt của ta mà tha thứ cho ta tất cả những điểm không tốt, thì ta hãy trân trọng sự tốt lành của người ấy. Nếu như có người chỉ vì một một điểm xấu của ta mà muốn hại ta, thì ta hãy luôn cẩn trọng, khiêm tốn. Nếu như có người chẳng quan tâm điểm tốt, điểm xấu của ta, thì ta hãy xem đó là dịp tốt để học cách tự lập. Không nên tranh giành việc được ngồi bên tả bên hữu..., nhưng hãy quan trọng việc được ở bên Chúa cả đời này lẫn đời sau.

 

Để kết: Câu hỏi giúp thảo luận

  1. Bạn có ước nguyện gì cụ thể khi dấn thân phục vụ trong giáo xứ, giáo hạt, giáo phận...?
  2. Khi thi hành nhiệm vụ trong giáo xứ, bị cám dỗ tranh giành những “lợi lộc trần thế...”, quý chức các hội đồng, hội đoàn giáo xứ cần phải làm gì để “được ở bên Chúa” cả đời này lẫn đời sau?

20-4-2019, GTHH

 

PHẦN MỤC VỤ

ĂN ĐỂ HOÀ NHẬP VÀO SỰ SỐNG

VÀ TÌNH YÊU

 

Lời mở

Ăn là hành động ta làm hằng ngày trong đời sống. Cha ông chúng ta thường dạy: “Ăn để sống” chứ không phải “sống để ăn”. Nhưng hầu như người ta ít khi tìm hiểu xem “sống là gì, và sống như thế nào mới đáng ăn”, nên cũng không biết “ăn là gì và ăn như thế nào mới đáng sống”.

 

1. Ăn là gì?

Xét về mặt sinh học, ăn là hành động đưa lương thực vào hệ tiêu hoá để thu nhận, biến đổi, phân giải các thức ăn về mặt vật lý, hoá học, chiết xuất các chất dinh dưỡng có ích từ đồ ăn và bài tiết ra ngoài những thứ không cần thiết cho cơ thể[11].

 

Đây là một tiến trình phức tạp với nhiều công đoạn, từ việc nhai đồ ăn trong miệng để nước bọt chuyển hoá tinh bột thành đường nhờ các men tiêu hoá. Trong dạ dày, thức ăn được đảo trộn với dịch vị có chứa các men tiêu hoá protein. Ruột non là phần dài nhất và quan trọng nhất của hệ tiêu hoá. Nhờ các men tiêu hoá của tuyến tuỵ và túi mật hỗ trợ, thức ăn được phân giải thành các chất dinh dưỡng đơn và được hấp thu vào dòng máu nhờ các nhung mao ở ruột non. Cuối đường tiêu hoá là ruột già, có nhiệm vụ xử lý các chất thải không tiêu hoá được, tạo thành phân để tống ra ngoài, qua hậu môn[12].

 

Khi hiểu được tiến trình tiêu hoá, ta sẽ thấy việc tiêu tốn quá nhiều thời giờ, tiền bạc để tìm ăn những món ngon, vật lạ, đặc sản đều không xứng hợp với nền văn hoá sự sống. Đưa vào dạ dày rồi, tất cả thức ăn sẽ được tự động phân giải thành chất đơn như Carbon, Hydro, Oxy, Nitơ, Calci, Kali, Sắt, Đồng, Chì, Kẽm… mà 4 chất đầu đã chiếm tới 96% trọng lượng cơ thể. Dù ăn thật nhiều chất dinh dưỡng nhưng cơ thể chỉ thu nhận và dự trữ những chất cần thiết cho sự sống và loại bỏ những chất dư thừa. Nếu  cơ thể không thải được chúng ra ngoài, sự sống sẽ bị tổn thương.

 

Điều hiểu biết này cũng nhắc nhở chúng ta phải ăn uống theo khoa học và đừng vội tin những lời đồn thổi, những “kinh nghiệm dân gian”: ăn con này, cây nọ để chữa  một số bệnh tật nan y hiện đăng tải đầy trên mạng internet. Nhiều người đã chết hay bệnh trở nên nặng hơn vì những kiểu ăn uống liều lĩnh này.

 

2. Con người ăn gì và ăn như thế nào?

Những người thời sơ khai cách đây 2-3 triệu năm chỉ biết ăn tươi nuốt sống những thú vật mình bắt được. Thức ăn lúc đó là những lá cây, quả rừng và thịt thú vật. Khi con người đứng thẳng (homo erectus) khám phá ra lửa cách đây khoảng 800.000 năm, họ thấy thịt nướng ăn ngon hơn, lành hơn và giữ được lâu hơn. Con người sống theo bản năng nên chỉ ăn để sống và dành hầu hết thời gian sống để tìm thức ăn.

 

Con người hiện đại biết suy tư (homo sapiens), xuất hiện cách nay 40.000 năm, đã tự tạo ra lửa để chế biến đồ ăn và tìm ra ý nghĩa của việc ăn uống. Đời sống an lành và nhàn rỗi hơn khi con người thuần hoá được các thú vật thành gia súc (như heo, bò, trâu, gà…) để ổn định nguồn thịt và thuần dưỡng được các loại lúa để ổn định nguồn tinh bột cho cơ thể (lúa gạo vào khoảng 3500 năm TCN, lúa mì khoảng 3000 năm TCN). Con người có thêm thời gian để học hành, nghỉ ngơi, phát triển nghệ thuật và suy tư về những giá trị của tinh thần.

 

Nền văn minh Hy Lạp, La Mã ở Tây Phương và Trung Hoa ở Đông Phương đã đưa việc ăn uống tiến một bước dài. Xã hội lúc này đã phân hoá thành các dân tộc với nhiều giai cấp như vua chúa, quan quyền, tăng lữ, nhà buôn và dân chúng, nên đồ ăn cũng được phân loại cao thấp và ý nghĩa bữa ăn cũng khác nhau. Tần Thuỷ Hoàng (259 TCN – 210 TCN), người đã xây dựng Vạn Lý Trường Thành, thống nhất Trung Quốc (221 TCN) còn mơ ước tìm được “của ăn trường sinh bất tử” chứ không phải chỉ ăn được những củ nhân sâm hay hà thủ ô ngàn năm[13].

 

Các tôn giáo còn đem lại ý nghĩa cho việc ăn uống và thể hiện niềm mơ ước của con người: ăn để sống mãi mãi. Con người không còn chỉ ăn uống cho mình, nhưng qua các tôn giáo thờ kính tổ tiên, họ còn làm các bữa cúng giỗ để tưởng nhớ người đã khuất. Con người cũng dành những lễ vật cao quý cho thần linh để cầu xin ơn thoát khỏi những tai họa thiên nhiên, đền bù tội lỗi và các ân huệ khác. Việc ăn uống từ đó mang lại sự nối kết giữa những con người sống với nhau và với thế giới của tinh thần để dẫn con người đến sự sống kỳ diệu, phi thường của thần linh.

 

Mỗi tôn giáo dạy cho tín hữu của mình nên ăn gì, kiêng gì và tại sao phải làm như vậy. Các triết gia cũng bắt đầu suy tư về đồ ăn cho thể xác và thức ăn cho tinh thần. Họ cho thể xác đối nghịch với tinh thần, nên chủ trương sống nghiêm khắc với chính bản thân (phái khắc kỷ), ăn uống đạm bạc, không chiều theo thú vui và dục vọng để thể xác càng nhẹ nhàng thì tinh thần càng thanh thoát. Người theo đạo Phật “cấm sát sinh” vì tin rằng mỗi sinh vật có thể là ông bà, cha mẹ, bạn hữu của mình đầu thai ở kiếp này nên khuyên chỉ ăn thực vật. Người theo đạo Thiên Chúa lại được quyền ăn mọi thứ sinh vật và thực vật trên trái đất theo lời Chúa dạy (x. St 1,28-29).

 

3. Ăn theo văn hoá Công giáo

Trong tinh thần hội nhập văn hoá được Đức thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đề ra  trong Tông huấn Giáo Hội tại châu Á (năm 1999), người Công giáo Việt Nam hiểu rằng ăn là hoà nhập vào sự sống và tình yêu của Thiên Chúa với muôn loài.

 

Ăn là hoà nhập vào một cộng đồng hay một gia đình: từ gia đình riêng tư có cha mẹ, ông bà, con cháu, đến gia đình rộng lớn hơn là dân tộc, nhân loại, vũ trụ và lớn hơn cả là gia đình Thiên Chúa. Mỗi thành phần trong cộng đồng đều có trách nhiệm xây dựng và hy sinh cho nhau như những tế bào sống trong cùng một thân thể vĩ đại, nhiệm mầu. Khi đưa lương thực vào hệ tiêu hoá để chuyển đổi chúng thành dòng máu  nuôi sống mình, là con người liên kết với vạn vật trong vũ trụ và mọi người trên trái đất. Cơm bánh, rau củ, hoa trái, thịt cá… được hoà trộn thành một chất liệu chung tạo nên sự sống. Sự hiệp thông như mời gọi mỗi cá nhân, mỗi thành phần bỏ đi những cái riêng tư ích kỷ để hoà nhập vào cuộc sống chung và đón nhận trách nhiệm đối với muôn loài.

 

Việc hoà nhập vào sự sống phải dẫn chúng ta tôn trọng tuyệt đối sự sống của tha nhân. Vì thế, ta không thể trở thành những kẻ “giết người” khi bán những thứ hàng độc hại hay sản xuất những nông sản còn tồn đọng chất độc, khi ướp cá tôm, hoa trái bằng hoá chất nguy hiểm. Thánh Phaolô đã diễn tả sự hoà nhập đó: “Khi ta nâng chén chúc tụng mà cảm tạ Thiên Chúa, há chẳng phải là chúng ta dự phần vào máu Đức Kitô ư? Và khi ta cùng bẻ Bánh Thánh, đó chẳng phải là dự phần vào Thân Thể Người sao? Bởi vì chỉ có một tấm bánh và tất cả chúng ta chia sẻ cùng một bánh ấy, nên tuy nhiều người, chúng ta cũng chỉ là một thân thể” (1Cr 10,16-17).

 

Việc hoà nhập này dẫn mỗi “người ăn” tham gia vào một “giao ước thiêng liêng”, một hợp đồng tinh thần mà mỗi bên cam kết sẽ thực hiện vì họ mắc nợ lẫn nhau. Khi ăn là ta mắc nợ với cha mẹ, ông bà, tổ tiên và cả nhân loại: nợ mồ hôi, nước mắt, sức lực, máu xương, trí tuệ và cả sinh mạng nên ta phải trả nợ cho con người, cho đất nước và nhân loại bằng đời sống tích cực học hành, làm việc thay vì chỉ ăn để sống cho mình.

 

Ta mắc nợ với muôn loài về sự sống, tình yêu chúng dành cho ta: bao nhiêu ngọn rau, tôm cá chết đi để ta được sống, trong khi chúng cũng yêu quý sự sống chẳng thua kém con người. Như thế, mỗi giây phút ta sống đều quý giá, linh thiêng, nên ta phải trân trọng, bảo vệ và phát huy để biểu lộ lòng biết ơn đối với muôn loài.

 

Người Công giáo không tin rằng những sinh vật là tiền kiếp của con người và phải chịu trách nhiệm theo luật nhân quả. Một con kiến đốt ta, một con chó cắn ta chỉ hành động theo bản năng và chúng không có ý thức và ý chí khi thực hiện hành động ấy, nên chúng không thể chịu trách nhiệm về việc làm của mình. Hơn nữa, người Công giáo khi ăn chúng để tạo nên sự sống cho mình thì cũng là giúp chúng được chia sẻ sự sống vĩnh hằng và phi thường với con người. Như thế, ăn là cứu độ muôn loài!

 

Ăn còn là hoà hợp trong tình yêu. Để tạo nên sự sống cho ta, nhiều người phải mòn mỏi vất vả làm việc, thậm chí đón nhận cả cái chết. Họ đổ biết bao giọt mồ hôi, nước mắt, sức lực ở chợ đời để đem về cho ta con cá, bát cơm. Có người phải vùi thân trên biển vì cơn bão bất ngờ. Có người phải cụt tay chân vì quả mìn còn sót lại trên đồng ruộng. Bao chiến sĩ đã hy sinh thân mình để bảo vệ từng tấc đất quê hương để dân tộc ta mới có được vườn rau, ruộng lúa. Động lực khiến tất cả hy sinh cho ta chính là tình yêu. Muôn loài, muôn vật, muôn người đều yêu ta.

 

Đó chẳng phải là thứ tình cảm yêu đương giữa nam nữ như người ta thường hiểu, nhưng là tình yêu trong sáng, quảng đại làm thành bản chất thiêng liêng của muôn loài. Những bông hoa khoe sắc, toả hương mà chẳng đòi một đồng xu nhỏ, cũng chẳng cần biết ai là người tốt hay kẻ xấu. Những ngọn rau, tôm cá hy sinh sự sống mà chẳng cần biết ai là người công chính hay kẻ gian tà. Chúng bắt chước “Cha Trên Trời cho mặt trời mọc lên soi sáng cho kẻ xấu cũng như người tốt và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất lương” (Mt 5,45). Hiểu được và cảm nhận được tình yêu đó, ta mới sẵn sàng chia sẻ tiền bạc, tài năng, tình yêu, sự sống cách quảng đại và vô vị lợi cho bất cứ ai. Sống như thế ta mới đáng ăn như những người con của Trời và anh em ruột thịt của muôn loài.

 

Trong lịch sử nhân loại, dân tộc Do Thái đã nhận được lương thực từ trời mà họ gọi là “manna” trong suốt 40 năm khi họ đi trong sa mạc Sinai để tìm về Đất Hứa. Đó chỉ là hình ảnh báo trước về “tấm bánh trường sinh từ trời xuống” (Ga 6,51) là Đức Giêsu Kitô, Ngôi Lời Thiên Chúa làm người, để muôn loài có thể đón nhận Người và đạt được sự sống vĩnh hằng, kỳ diệu của Thiên Chúa.

 

Đức Giêsu đã nhiều lần làm các phép lạ hoá bánh và cá ra nhiều, chữa lành bệnh tật, cho kẻ chết sống lại, chia sẻ cho tất cả tông đồ và môn đệ quyền năng ấy nếu họ tin tưởng, đón nhận, kết hợp với Người và “ăn” Người để làm nên một thân thể nhiệm mầu, có chung một sự sống phi thường của Thiên Chúa. Những người tín hữu Công giáo cũng đã ăn theo “giao ước mới” được Đức Giêsu thiết lập (x. Mc 14,22-24; Dt 9,11-15) để thực hiện bữa ăn “agape” (bác ái) khi cùng bẻ bánh ăn chung với nhau (x. Cv 2,42.46; 20,7). Tuy nhiên, nhiều người vẫn chỉ đón nhận tấm bánh theo hình thức bên ngoài của bí tích Thánh Thể, nên họ chưa thật sự phát huy hiệu quả phi thường của tấm bánh Giêsu trong đời sống.

 

 Lời kết

Trong nền văn minh tình yêu và văn hoá sự sống, con người  không còn chỉ đạt tới điểm “ăn ngon, mặc đẹp”, nhưng “ăn thần, mặc thánh”, nghĩa là ăn để phát huy đời sống tinh thần, để trở nên thần thánh, vượt ra khỏi vật chất, không gian và thời gian cho những giá trị vĩnh hằng. Như thế, niềm mơ ước của Tần Thuỷ Hoàng tìm được của ăn trường sinh bất lão đã được chúng ta biến thành hiện thực nhờ Đức Giêsu Kitô, vì Người thật sự là “bánh hằng sống từ trời xuống” (Ga 6,51). Lịch sử của Giáo hội Công giáo đã và đang làm chứng về điều đó. Bạn có bao giờ mơ ước ăn được tấm bánh đó không?

 

Câu hỏi gợi ý

1. Bạn có những suy tư gì về việc ăn của con người và của chính mình?

2. Bạn dự tính thay đổi bữa ăn của gia đình mình như thế nào để thể hiện việc hoà nhập vào sự sống và tình yêu?

 

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn

 

PHẦN HUẤN GIÁO

Phần IV: GIÁO DÂN TRONG CHIẾU KÍCH RAO GIẢNG TIN MỪNG CHO THẾ GIỚI

TÍNH TRẦN THẾ CỦA GIÁO DÂN TRONG SỨ MỆNH HỘI THÁNH RAO GIẢNG TIN MỪNG CHO THẾ GIỚI

 

“Con không xin Cha cất họ khỏi thế gian, nhưng xin Cha gìn giữ họ khỏi ác thần. Họ không thuộc về thế gian cũng như con đây không thuộc về thế gian… Như Cha đã sai con đến thế gian, thì con cũng sai họ đến thế gian. Vì họ, con xin thánh hiến chính mình con, để nhờ sự thật họ cũng được thánh hiến.” (Ga 17:14-19)

 

Trong bài 11 ở trên, chúng ta đã minh định rằng: việc rao giảng Tin Mừng là một trong các nhiệm vụ chính mà Hội Thánh của Đức Ki-tô phải thực hiện. Để chu toàn được nhiệm vụ này, tương tự như trong nhiệm cục cứu độ của chính Đức Giê-su, nhập thể là một đòi hỏi không thể thiếu của Hội Thánh. Lời cầu nguyện của Đức Giê-su cho các Tông Đồ trước hết, và cho toàn thể Hội Thánh nói chung, đã được thánh sử Gio-an ghi lại trong chương 17, sẽ mãi mãi là kim chỉ nam cho sự hiện diện của mọi phần tử Hội Thánh sống trên trần thế. Nếu các linh mục và tu sĩ làm toát lên yếu tố ‘không thuộc về thế gian’ của Hội Thánh, thì nơi các Ki-tô hữu giáo dân sẽ đề cao như nòng cốt yếu tố ‘không cất họ khỏi thế gian… con sai họ đến thế gian’. Chính vì thế mà Tông Huấn Người Ki-tô Hữu Giáo Dân số 15 đã mạnh dạn minh xác: “Phẩm giá của bí tích Thánh Tẩy có một dạng thức khác, làm cho người giáo dân khác biệt với linh mục và tu sĩ nam nữ, nhưng không tách biệt khỏi họ. Công Đồng Va-ti-can II đã chỉ ra rõ dạng thức đó là tính cách trần thế như sau: “Tính cách trần thế chính là tính cách riêng và đặc thù của các Ki-tô hữu giáo dân” (xem LG số 32)” (CFL 15)

 

1/ Tính cách trần thế là gì?

 

Để có thể hiểu được ý mà Công Đồng muốn nói khi đề cập tới ‘tính cách trần thể’, ta không nên chỉ đơn giản hình dung đó là việc ‘sống đạo ở giữa đời’, nhưng phải được hiểu trong ánh sáng của mầu nhiệm nhập thể, như Đức Giê-su đã từng sống khi còn ở trần gian. Trước hết, dầu hoàn toàn thuộc về Chúa Cha và sống trong tác động của Chúa Thánh Thần, Ngôi Hai đã nhập thể để trở thành một con người giống chúng ta mọi đàng, đồng thời Người cũng đã lãnh nhận và sống cách tròn đầy và sung mãn nhất tất cả những gì là tính nhân bản và xã hội tốt đẹp của cuộc sống nhân loại. Kinh thánh cho ta biết rằng: Người đã sống giống chúng ta mọi đàng ngoại trừ tội lỗi. Còn hơn thế nữa, việc nhập thể của Người không dừng lại ở việc mặc lấy xác phàm để sống giống chúng ta mọi đàng, nhưng còn mang một sứ mệnh vô cùng quan trọng và cao quí, là đem các giá trị Tin Mừng của tình yêu Thiên Chúa vào mọi thực tại trần thế của nhân loại, để cứu chuộc và thăng hoa nó tới giá trị vĩnh cửu.

Cũng tương tự như thế, Hội Thánh, trong tư cách là chi thể của nhiệm thể Đức Ki-tô, không bao giờ tách mình ra khỏi các thực tại trần gian. Trần thế là một phần không thể thiếu của Hội Thánh hữu hình, một phần cấu tạo cơ bản của Hội Thánh trong chính bản chất thánh thiện tự tại nhất của mình. Trước hết ta biết rằng: trần thế, trong đó có các thực tại đa diện của nó, là công trình do chính Thiên Chúa sáng tạo, cho nên nó rất cao đẹp; ngay từ khi được tạo dựng, nó đã hàm chứa rất nhiều giá trị chân chính. Tuy nhiên, lịch sử đã cho thấy: nó đồng thời cũng là một thực tại đổ vỡ, bị nhấn chìm trong tội lỗi và cần được cứu chuộc. Thế cho nên, Hội Thánh, tuy sống giữa và sống bằng các thực tại trần thế, nhưng vẫn không thể nào để mình bị chìm ngập trong trần gian, và bị hoàn toàn đồng hóa với nó. Ta có thể lấy câu ca dao Việt Nam bình dân để ví von kiếp sống các Ki-tô hữu với bông hoa sen mọc lên giữa đầm lầy: ‘gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn’. Bông sen rực rỡ, tuy sống trong bùn và hút các chất dinh dưỡng từ bùn, nhưng lại không hề bị lây nhiễm mùi tanh hôi và vẻ nhơ bẩn của vũng bùn đen.

Rồi còn hơn thế nữa, trong sứ mệnh cao cả mà Hội Thánh đảm nhận từ Đức Giê-su trước khi về trời là lên đường loan báo Tin Mừng cho toàn thể nhân loại khắp tứ phương thiên hạ, Hội Thánh hiểu rằng mình chỉ có thể chu toàn mệnh lệnh này nếu, mình không tự tách khỏi các thực tại trần gian. Hội Thánh thấy mình được sai đi vào trong trần thế, mình phải đồng hành với những bước đi gập gềnh của con người qua các thế hệ, và tiếp nhận những gì là giá trị chân thực của thực tại này như một phần của sức sống mình, hầu cứu chuộc nó. Yếu tố ở giữa ‘đời’ và đồng hành với cuộc sống nhân loại là một đòi hỏi không thể thiếu (sine qua non) cho sự tồn vong của Hội Thánh. Chính điều này đã là nền tảng cho thái độ mục vụ tích cực mà Công Đồng Va-ti-can II muốn cho Hội Thánh dấn bước, khi gọi Hội Thánh chính là Lumen Gentium – Ánh Sáng Muôn Dân.

 

2/ Ki-tô hữu Giáo Dân sống tính trần thế

 

Trong Hội Thánh của Đức Ki-tô, tất cả mọi phần tử đều là chi thể của một Đức Ki-tô – Thiên Chúa thật và người thật - nên đều phản ảnh nơi mình cả hai diện ‘thánh thiện’ và ‘trần thế. Tuy nhiên, nếu thánh hiến tính là đặc điểm được giới giáo sĩ và tu sĩ nhấn mạnh hơn, thì trần thế tính chính là điểm nhấn của các phần tử Ki-tô hữu giáo dân, khi mà đời sống họ được dìm sâu trong các thực tại trần thế. Đương nhiên, họ luôn phải là con cái Thiên Chúa, là đền thờ của Chúa Thánh Thần và là chi thể sinh động của Nhiệm Thể Đức Ki-tô, thế nhưng họ sống và làm lớn lên tất cả các thiên chức ấy ngay giữa các thực tại trần thế. Như đã từng xảy ra cho Ngôi Hai Thiên Chúa khi nhập thể làm người, các yếu tố trần thế, không những không hề làm giảm thiểu địa vị cao quí của các Ki-tô hữu giáo dân, mà còn làm cho họ thể hiện được tất cả sức mạnh Tin Mừng nơi mình ngay giữa lòng nhân loại hôm nay. Và còn hơn thế nữa, như Ngôi Hai đã cứu chuộc nhân loại bằng cách sống và sử dụng các phương tiện trần thế như thế nào, thì Ki-tô hữu giáo dân cũng tham gia vào công trình cứu độ và thánh hóa loài người như thế; nghĩa là họ sống giữa đời, và sử dụng ngay các phương tiện trần thế để thánh hóa thế gian. Như thế, nhờ dấn mình vào trần thế, yêu mến và sống sâu xa các giá trị của nó, Ki-tô hữu giáo dân làm cho thế gian được cứu độ và thăng hoa, khi chính họ sống và thể hiện các giá trị Tin Mừng của Đức Giê-su nhập thể ngay trong đời sống hàng ngày của mình.

 

3/ Sống Tin Mừng giữa đời

 

Từ nhiều năm trước Công Đồng Va-ti-can II (đặc biệt trong thế kỷ 17 với các trước tác lừng danh của Thánh Phan-xi-cô Sa-lê), người ta đã bắt đầu đề cập tới khái niệm ‘người giáo dân sống thánh giữa đời’. Khởi đầu, quan niệm này có thể chỉ hàm ý cho rằng: sự thánh thiện (đồng nghĩa với việc sống trong sạch, giữ các bổn phận tôn giáo, và làm tông đồ bác ái), thay vì chỉ dành riêng cho giới giáo sĩ và tu sĩ, cũng có thể được người giáo dân thực hiện ngay trong cuộc sống bận rộn giữa đời của họ. Ngày nay, khi Công Đồng nói tới ‘nên thánh’, từ ngữ này đã mang nội dung Tin Mừng nguyên thủy rõ nét hơn (như đã từng được Phao-lô và các Tông Đồ sử dụng trong các cộng đoàn tín hữu sơ khai), đó là: sự thánh thiện và ơn gọi nên thánh được đặt nền tảng trên bí tích Thánh Tẩy, và được sinh động nhờ các bí tích khác, nhất là bí tích Thánh Thể. Thật vậy, khi lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy, mọi tín hữu trở thành Ki-tô, tức được tham dự vào sự thánh thiện của chính Đức Giê-su. Thánh Âu-tinh còn nói cách mạnh mẽ hơn rằng: “hãy ngạc nhiên và vui mừng vì chúng ta trở thành Ki-tô hữu”, đã trở thành các thánh trong cộng đoàn dân thánh (xem 1 Cr 1:1-9). Và để hiện thực được sự thánh thiện Tin Mừng này, ‘trần gian’ chính là nơi mà mỗi Ki-tô hữu và đoàn dân thánh này sống và thực hiện ơn gọi nên thánh của mình; và điều này là đặc biệt đúng, và cần được nhấn mạnh cách riêng cho các Ki-tô hữu giáo dân. Thực vậy, Tông Huấn Christi Fideles Laici số 17 đã minh định như sau: “Giáo dân phải tự thánh hóa bản thân trong cuộc sống thường ngày, với nghề nghiệp và giữa lòng xã hội. Để có thể đáp ứng được ơn gọi, giáo dân phải coi cuộc sống hàng ngày của họ như một cơ cấu để kết hiệp với Thiên Chúa và chu toàn thánh ý Ngài, đồng thời coi đó như cơ hội phục vụ tha nhân bằng cách đưa họ về hiệp thông với Thiên Chúa trong Đức Ki-tô”. Cũng chính trong ý thức này mà Hội Thánh đã mạnh dạn lên tiếng kêu gọi: “Ước mong các Hội Thánh địa phương, nhất là các Giáo Hội trẻ, hãy lưu tâm tìm ra, trong số các thành viên của mình, những người nam và nữ đã cống hiến những chứng tá về việc nên thánh giữa các hoàn cảnh như thế (giữa đời và trong bậc hôn nhân), để có thể làm gương mẫu cho người khác. Và khi có cơ hội, đề nghị phong chân phước và hiển thánh cho những người ấy” (CFL số 17).

 

Thế cho nên Hội Thánh luôn nhắn nhủ các Ki-tô hữu giáo dân rằng: “Các hình ảnh trong Phúc Âm nói về muối men và ánh sáng, mặc dầu được Đức Giê-su sử dụng để nói về mọi môn đệ của Người không trừ một ai, thế nhưng chúng được ứng dụng một cách hoàn toàn đặc biệt cho các người giáo dân sống giữa đời” (CFL số 15). Và thực hiện được điều này chính là việc canh tân chân chính nhất mà Công Đồng Va-ti-can II mong muốn được chứng kiến Hội Thánh sớm thể hiện nơi các giáo dân chân chính của mình.

 

Câu hỏi gợi ý:

 

  • Bạn có hiểu, tại sao Thánh Phao-lô lại gọi các tín hữu của ngài, ngay cả khi họ còn vướng mắc nhiều lỗi phạm và nết xấu, là ‘các thánh’không? (xin xem chương I thư gửi giáo đoàn Cô-rin-thô).
  • Bạn hãy thử xác định, có khác biệt nào giữa việc nên thánh của các ‘giáo sĩ’ và ‘tu sĩ’ với việc nên thánh của các giáo dân?
  • Tình trạng sống giữa đời của giáo dân cản trở hay trợ giúp họ nên thánh? Tại sao?
  •  

Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty SBD

 


[1] (1) “Âm” (): bên trái là bộ “phụ” () (núi đất); bên phải phía trên là “kim” () (hình nóc nhà); bên phải phía dưới là “vân” () (bị che khuất). Theo đó, “âm” chỉ phía mặt trời bị che khuất, nên tối tăm, cây cối không phát triển. (2) “Dương” (): bên trái là bộ “phụ” () (núi đất); bên phải phía trên là “nhật” () (mặt trời đã lên khỏi đường chân trời; bên phải phía dưới là “vật” () (mang hình các tia sáng rọi xuống). Theo đó, “dương” chỉ phía có ánh sáng mặt trời chiếu vào, nên sáng rỡ.

[2] Thuyết âm dương trình bày hai mặt của một thực tại, đối lập nhau nhưng lại hòa quyện và thống nhất với nhau trong muôn vật, không loại trừ nhau mà tạo điều kiện tồn tại cho nhau, là động lực của tiến hóa và phát triển.

[3] Thuyết âm dương cũng cho rằng đàn ông là “dương”, đàn bà là “âm”. Trong hữu thể người, phía trên là dương phía dưới là âm, phía sau lưng là dương phía trước bụng là âm, phía tay trái là dương phía tay phải là âm.

[4] Mt 20,21.

[5] X. BGL 1983, đ. 537.

[6] Ta, “Điều 11: Nhiệm vụ của hội đồng mục vụ giáo xứ” trong Thần học mục vụ, Tập 1 (Hà Nội: Nxb. Tôn Giáo, 2015), 761-2.

[7] X. Ga 3,13; Cv 1,9-11; 2 Cr 12,1-4; 1 Tx 4,17; Kh 4,1; Tv 14,2; 103,11; G 26,7; Is 14,13.

[8] Ta, “Điều 11: Nhiệm vụ của hội đồng…”, 761-2.

[9] Ibid.

[10] “Vai trò phục vụ này được trình bày qua các từ ngữ: mục vụ (pastoral)thừa tác vụ (ministry), thừa tác viên (minister)phục vụ (service)lãnh đạo (leadership)và quản trị (management). Theo đó, các thuật ngữ chuyên ngành quản trị kinh doanh có thể sẽ là: đại diện, lãnh đạo, liên lạc, hòa giải, thu thập và tiếp nhận thông tin, phổ biến thông tin, cung cấp thông tin, quyết định, giải quyết xáo trộn, phân phối tài nguyên, đàm phán…. Tóm lại, tuy có không ít những điểm tương đồng, quản trị mục vụ và quản trị kinh doanh có sự khác biệt rất căn bản về lý do, mục đích (và thường khi cả phương thế) của việc phục vụ” (Ta, Mục vụ tổng quát..., 7).

[11] X. A.Roberts, Atlas Giải phẫu Cơ thể Người, NXB Y học, 2015, tr.78.

[12] X. A.Roberts, Atlas Giải phẫu Cơ thể Người, NXB Y học, 2015, tr.350-361.

[13] X. Bài Thẻ Tre 2000 năm, gọi là “Tần giản”, khai quật vào năm 2002 ở cổ thành Lý Da, Hà Nam, có niên đại 222 TCN – 208 TCN tiết lộ mật lệnh tìm tiên dược của Tần Thuỷ Hoàng, Internet, ngày 12/3/2018, Sơn Tùng

Tác giả: UBGD trực thuộc HĐGMVN

***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập251
  • Máy chủ tìm kiếm74
  • Khách viếng thăm177
  • Hôm nay32,848
  • Tháng hiện tại1,027,113
  • Tổng lượt truy cập79,030,564
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây