Sứ điệp truyền thông 50 và lòng thương xót

Thứ bảy - 23/01/2016 14:01  3134
2016-01-22 Vatican Radio
 
Thứ Sáu (22/01), Sứ điệp của ĐTC nhân kỷ niệm lần thứ 50 Ngày Truyền Thông Thế Giới với chủ đề: Truyền thông và Lòng Thương Xót.
 
Trích lời của Shakespeare, Tin Mừng và Cựu Ước, ĐTC nhắc nhở chúng ta – những Ki-tô hữu rằng “mọi lời nói và cử chỉ của chúng ta cần phải biểu lộ bằng lòng trắc ẩn, sự cảm thông và tha thứ đối với tất cả mọi người”. Nếu tâm trí và hành động của chúng ta được bao bọc bằng lòng quảng đại và tình yêu Thiên Chúa thì công việc truyền thông của chúng ta sẽ được Thiên Chúa phù giúp.
 
Sứ điệp nhấn mạnh: Với tư cách là con cái Thiên Chúa, chúng ta được mời gọi liên kết với mọi người, không phân biệt bất cứ ai. ĐTC khẳng định truyền thông có sức mạnh để kiến tạo những nhịp cầu nối, để tăng cường sự tương tác, để chữa lành những ký ức bị tổn thương, và để làm cho xã hội thêm phong phú và triển nở. Trong cả lãnh vực thể lý cũng như trong lãnh vực kỹ thuật số, lời nói và hành động của chúng ta sẽ giúp tất cả chúng ta thoát khỏi những vòng lẩn quẩn của lên án và báo thù mà chúng đang tiếp tục gài bẫy các cá nhân cũng như quốc gia, khiến họ thù ghét nhau”.
 
ĐTC mời gọi tất cả mọi người thiện chí hãy tái khám phá sức mạnh lòng thương xót để chữa lành những mối quan hệ bị thương tích để tạo lập hòa bình và hòa hợp nơi mỗi gia đình và cộng đồng. Thậm chí cả những vết thương cố hữu và thù oán dai dẳng ẩn mình dưới vỏ bọc truyền thông và tái hòa giải. Tuy nhiên, lòng thương xót có thể kiến tạo một hướng đối thoại mới.
 
Cách riêng, ngôn ngữ chính trị và ngoại giao cũng sẽ được soi sáng nhờ lòng thương xót mà không bao giờ mất đi niềm hy vọng. ĐTC kêu mời các nhà chính trị và lập luật cũng như những nhà truyền thông và dẫn dắt dư luận đặc biệt cẩn trọng trong lời nói và hành động với những người có suy nghĩ và hành động khác mình. Thậm chí, kể cả những người bị coi là tội lỗi như bạo lực, tham nhũng bóc lột. Chúng ta phải dùng lời lẽ nhẹ nhàng và lòng thương xót để chinh phục cõi lòng họ hơn là dùng những lời lẽ khắt khe và bảo thủ mà có thể dẫn đến xa cách những người chúng ta mong muốn hoán cải họ.
 
Truyền thông đích thực có nghĩa là nghe, lượng giá, tôn trọng và có thể trao đổi những điều còn thắc mắc và nghi ngờ. Đối với mạng lưới trực tuyến xã hội, chúng ta phải nhớ rằng không phải công nghệ đảm bảo truyền thông đích thực, nhưng bằng cõi lòng người và năng lực sử dụng những phương tiện tùy ý chúng ta cách khôn ngoan sáng suốt.
 
ĐTC tóm lại bằng việc khuyến khích mọi người “Để coi xã hội không như một diễn đàn nơi những người xa lạ ganh đua và cố vượt lên hàng đầu, nhưng như một ngôi nhà hay một gia đình – nơi cánh cửa luôn luôn mở và là nơi mọi người được chào đón”.
 
Dưới đây là bản văn Sứ điệp chi tiết:
 
Anh chị em thân mến!
 
Năm Thánh Lòng Thương Xót mời gọi tất cả chúng ta suy nghĩ về mối liên hệ giữa Truyền thông và Lòng Thương Xót. Giáo hội, trong sự kết hiệp với Đức Ki-tô –hiện thân Lòng Thương Xót của Chúa Cha, được mời gọi thực thi lòng thương xót như nét độc đáo của tất cả những gì Giáo hội là và làm. Chúng ta nói và làm những gì thì mọi lời nói và hành động của chúng ta cần phải diễn tả lòng nhân từ, sự dịu dàng và lòng tha thứ của Thiên Chúa cho mọi người. Tình yêu cần phải có sự tương giao với nhau, nhờ tình yêu mới có được sự cởi mở và sẻ chia. Nếu lòng trí và hành động của chúng ta được thấm đượm lòng bác ái và tình yêu thánh thiêng thì việc truyền thông của chúng ta sẽ cảm được lòng người nhờ sức mạnh quyền uy của Thiên Chúa.
 
Với tư cách là con cái của Thiên Chúa, chúng ta được mời gọi hiệp thông với mọi người, không loại trừ bất cứ ai. Trong một đường hướng đặc biệt, những cử chỉ và lời giáo huấn của Giáo hội đều chuyển tải lòng thương xót, để đụng chạm vào trái tim của mọi người và để bảo vệ họ trên hành trình hoàn thiện cuộc sống lữ hành mà Chúa Giê-su đã được Chúa Cha trao phó. Điều này có nghĩa rằng chúng ta phải sẵn sàng đón nhận hơi ấm của Mẹ Giáo hội và sẻ chia hơi ấm đó cho tha nhân, có thư thế Chúa Giê-su mới có thể được mọi người nhận biết và yêu mến. Hơi ấm đó là những gì mang lại sự đảm bảo cho lời nói chứa Đức tin; nhờ việc loan truyền và làm chứng của chúng ta sẽ lóe lên tia sáng hy vọng thổi vào cuộc sống của mọi người.
 
Truyền thông có sức mạnh để góp xây những nhịp cầu nối, để nối kết mọi cuộc gặp gỡ, và như vậy sẽ làm cho xã hội triển nở. Thật đẹp đẽ biết bao khi mọi người biết lựa chọn lời lẽ và cử chỉ cách cẩn trọng hầu tránh được những sai lầm, để chữa lành những ký ức đau thương và xây đắp hòa bình và hòa hợp cho nhân loại. Những lời nói có thể xây nên những nhịp cầu nối giữa các cá nhân, gia đình, nhóm người hay xã hội lại với nhau. Điều này có thể diễn ra trong cả lãnh vực thể lý lẫn lĩnh vực kỹ thuật số. Vì thế, những lời nói và hành động phải làm thế nào để giúp chúng ta tránh khỏi những vòng lẩn quẩn của lên án và báo thù đang tiếp tục giương cạm các cá nhân và quốc gia, khiến họ biểu lộ lòng oán ghét nhau. Lời lẽ của người Ki-tô hữu phải là nguồn khích lệ không ngừng để truyền thông, và thậm chí trong những trường hợp họ bị quy kết phạm tội cách chắc chắn, thì chúng ta cũng đừng bao giờ tuyệt giao mọi mối quan hệ và liên kết với họ.
 
Với lý do này, tôi muốn kêu mời tất cả mọi người thiện chí hãy tái khám phá sức mạnh của lòng thương xót hầu chữa lành mọi mối quan hệ bị thương tích và để khôi phục lại hòa bình và hòa hợp nơi mọi gia đình và cộng đồng. Tất cả chúng ta đều biết rằng biết bao vết thương cố hữu và oán hận dai dẳng có thể đánh lừa chúng ta và trá hình dưới vỏ bọc của truyền thông và tái hòa giải. Trong mọi trường hợp, lòng thương xót đều có thể tạo ra một hướng đối thoại mới. Shakespeare đã diễn đạt điều đó cách hùng hồn khi ông nói: “Phẩm chất của lòng thương xót không gượng ép hay miễn cưỡng, nó rớt xuống như những giọt mưa nhẹ từ trời và đọng lại những nơi đất thấp”.
 
Cách riêng, ngôn ngữ chính trị và ngoại giao cũng được soi sáng nhờ lòng thương xót mà sẽ không bao giờ mất đi niềm hy vọng. Tôi kêu mời các nhà chính trị và lập luật cũng như những nhà truyền thông và dẫn dắt dư luận đặc biệt cẩn trọng trong lời nói và hành động với những người có suy nghĩ và hành động khác mình. Thậm chí, kể cả những người bị coi là tội lỗi như bạo lực, tham nhũng bóc lột. Chúng ta phải dùng lời lẽ nhẹ nhàng và lòng thương xót để chinh phục cõi lòng họ hơn là dùng những lời lẽ khắt khe và bảo thủ mà có thể dẫn đến xa cách những người chúng ta mong muốn hoán cải họ. Chúng ta thật dễ chiều theo những cám dỗ khai thác những tình trạng như thế phát sinh những ngọn lửa nghi kỵ, bất tín nhiệm, sợ hãi và oán ghét nhau. Trái lại, cần can đảm hướng mình tới tiến trình hòa giải. Nhờ sự táo bạo mang tính sáng tạo và tích cực đó sẽ cống hiến những giải pháp đích thực cho những xung đột cố hữu và mở ra cơ hội để xây đắp một nền hòa bình bền lâu. “Phúc thay ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương. Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch, vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa. Phúc thay ai xây dựng hòa bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa” (Mt 5, 7-9).
 
Chúng ta có thể và phải biết đánh giá những tình trạng của tội ác – như bạo lực, tham nhũng và bóc lột, nhưng chúng ta không được xét đoán cõi lòng họ, duy chỉ Thiên Chúa mới thấu suốt nơi sâu thẳm cõi lòng họ. Nhiệm vụ của chúng ta là khuyên bảo những người lầm lỗi để họ chừa bỏ sự dữ. Tin Mừng theo thánh Gio-an nói cho chúng ta biết rằng “chân lý sẽ giải thoát các con” (Ga 8,32). Chân lý tối hậu là chính Đức Giê-su Ki-tô – Lòng Thương Xót của Người chính là tiêu chuẩn thước đo chân lý, trong khi chúng ta loan báo chân lý nhưng lại kết án cách bất công. Nhiệm vụ trước nhất của chúng ta là sống theo chân lý và trong tình bác ái (Ep 4,15). Chỉ dùng lời nói chứa tình bác ái và hành động với lòng thương xót mới có thể chạm đến được những cõi lòng tội lỗi. Còn những lời nói và hành động khắc nghiệt và cố chấp chỉ làm cho những người mà ta muốn hoán cải thêm xa lánh mà thôi!
 
Cần có cái nhìn về một xã hội bắt nguồn từ lòng thương xót. Nhưng chúng ta hãy thử và nhớ lại trải nghiệm những mối liên hệ đầu tiên của mình trong gia đình. Cha mẹ đã yêu thương chúng ta và coi trọng chúng ta. Một cách tự nhiên, cha mẹ muốn những điều tốt nhất cho con cái họ. Gia đình là một nơi mà chúng ta luôn được chào đón (Lc 15,11-32). Tôi muốn khuyến khích mọi người để thấy xã hội không phải như một diễn đàn mà những người xa lạ ganh đua và cố gắng đạt được vị trí chop đỉnh, nhưng xã hội giống như một ngôi nhà hay một gia đình – nơi cánh cửa luôn luôn mở và mọi người đều được chào đón.
 
Để điều này có thể xảy ra, trước tiên chúng ta phải nghe. Truyền thông có nghĩa là sẻ chia những nhu cầu nghe và đồng thuận. Nghe bao hàm rộng hơn rất nhiều so với lắng nghe. Lắng nghe là nhận thông tin, trong khi nghe là truyền thông, và kêu mời sự gần gũi. Nghe cho phép ta đưa ra những lẽ phải, chứ không đơn giản chỉ là người nghe thụ động. Nghe cũng có nghĩa là chia sẻ những thắc mắc và những điều còn nghi ngờ.
 
Việc nghe chẳng bao giờ dễ dàng. Nghe có nghĩa là chú ý, mong muốn để hiểu, để lượng giá, để tôn trọng và để cân nhắc những gì người khác nói. Nó bao hàm một thứ đọa đày hoặc tự hiến, như khi chúng ta cố gắng bắt chước ông Mô-sê đứng trước đám bụi đang cháy: Chúng ta phải bỏ dép ra khi đặt chân lên “Đất Thánh” (x. Xh 3,5). Biết làm thế nào để nghe là một đặc ân, nó là một quà tặng mà chúng ta cần phải cầu xin và cố gắng nỗ lực để thực hiện.   
 
Thư điện tử, điện tín, hay mạng xã hội cũng mang đầy đủ hình thái nhân bản. Chúng ta phải nhớ rằng không phải công nghệ đảm bảo truyền thông đích thực, nhưng bằng cõi lòng người và năng lực sử dụng những phương tiện tùy ý chúng ta cách khôn ngoan sáng suốt. Những mạng lưới truyền thông xã hội có thể tạo điều kiện thuận lợi cho các mối liên hệ và thúc đẩy những điều có lợi cho xã hội, nhưng chúng cũng có thể dẫn tới sự phân cực và chia rẽ giữa các cá nhân cũng như nhóm người với nhau. Thế giới kỹ thuật số là một sân chơi chung, một nơi mà chúng ta có thể vươn lên hay có thể bị lép vế dưới người khác, và cả những sự cạnh tranh không lành mạnh nữa. Tôi cầu mong trong Năm Lòng Thương Xót này, nhân loại sống với nhau bằng lòng thương xót có thể mở ra cho chúng ta sự tương tác nồng nhiệt hơn, như vậy chúng ta có thể biết và hiểu được người khác tốt hơn.
 
Truyền thông, bất cứ nơi đâu và bằng cách nào nó diễn ra là đã mở rộng chân trời truyền thông cho mọi người. Đây là một tặng phẩm của Thiên Chúa. Tôi thích nói đến sức mạnh này của truyền thông hơn như là “sự gần gũi”. Sự tương tác giữa truyền thông và lòng thương xót sẽ là hoa trái đạt tới mức độ mà nó phát sinh ra một sự gần gũi với sự quan tâm, an ủi, chữa lành, đồng hành. Trong một thế giới phân cực và cục bộ, thì truyền thông mang lòng thương xót sẽ giúp tạo ra một tình anh em gần gũi lành mạnh, tự do giữa chúng ta với Thiên Chúa và tất cả anh chị em của chúng ta trong một gia đình nhân loại chung.

Vatican, 24/01/2016

Tác giả: Giuse Đỗ QC chuyển ngữ

Nguồn tin: News.va

***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập138
  • Máy chủ tìm kiếm56
  • Khách viếng thăm82
  • Hôm nay12,986
  • Tháng hiện tại531,489
  • Tổng lượt truy cập69,591,363
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây