Anh em phải coi chừng

Thứ bảy - 02/12/2023 03:37  376
Chúa Nhật I mùa Vọng năm B
Is 63,16b-17.19b; 64,2b-7; 1Cr 1,3-9; Mc 13,33-37

mua vongHôm nay, chúng ta bước vào Chúa Nhật I mùa vọng khởi đầu cho năm Phụng vụ mới. Mùa vọng là mùa của hy vọng, đợi chờ và cũng là mùa chuẩn bị để kỷ niệm con Thiên Chúa giáng trần lần thứ nhất và là mùa để mỗi người hướng lòng trông đợi Chúa Cứu thế đến lần thứ hai trong Vinh quang. Vì thế, Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta: “Anh em phải coi chừng, phải tỉnh thức, vì anh em không biết khi nào thời ấy đến” (Mc 13,33).

“Coi chừng” là gì? Theo từ điển Tiếng Việt, “coi chừng” là chú ý giữ gìn, đề phòng điều không hay có thể thình lình xảy ra. Tại sao phải “coi chừng”? Thưa, người tín hữu phải coi chừng bởi vì thời đại hôm nay có rất nhiều thứ gây mê khiến họ rất dễ quên Lời Chúa. Con người đã tạo ra đủ thứ đáng yêu, đáng quý, tiện nghi hấp dẫn… Nền văn minh hiện đại như cuồng phong mãnh liệt đang cuốn hút con người, nhất là giới trẻ. Những thú vui hạ đẳng như: ma túy, sách báo, phim ảnh xấu đã len lỏi vào cuộc sống, làm cho con người sống lâng lâng trong một thế giới ảo; để rồi không còn khả năng sống đời thực của mình nữa, đặc biệt là tiền bạc, danh vọng và tình dục. Chúng là những thứ gây nghiện biến chúng ta thành nô lệ và đánh mất chính mình. Trong khi đó, của cải vô giá là Lời Chúa, Thánh Lễ và các Bí tích dường như con người lại xem nhẹ như không. Từ đó, lương tâm con người trở nên chai lì, như ngủ lì trong vũng bùn nhơ nhớp đó và không còn cảm thức về tội. Vì thế, Lời Chúa hôm nay còn mời gọi chúng ta phải tỉnh thức. “Tỉnh thức” để làm gì?

Trước hết, “Tỉnh thức” để chúng ta nhìn lại chính mình đang nghiện những thứ gì và đang bị thứ gì xiềng xích? Tỉnh thức ở đây không phải là thái độ thụ động chong đèn ngồi chờ, không làm gì cả, nhưng là một thái độ tích cực: Trung thành với nhiệm vụ trao phó. Tích cực đầu tư làm lợi những nén bạc Chúa trao và sẵn sàng đón Chúa đến như người đầy tớ luôn sẵn sàng đón ông chủ vào bất cứ giờ nào (x.Mc 13,35-36). Anh em hãy tỉnh thức, tỉnh thức để khám phá ra Chúa đang hiện diện sống động trong đời ta, như là nguồn mạch và cùng đích.

Tỉnh thức để nhận ra mình là ai, cần phải nối kết với nguồn sống nào? Như lời Thánh Phaolô mời gọi các tín hữu: “Thiên Chúa là Đấng trung thành, Người đã kêu gọi anh em đến hiệp thông với Con của Người là Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta” (1Cr 1,9). Nếu không tỉnh thức, chúng ta dễ hiệp thông với các “thần” khác. Khi hiệp thông với các “thần” khác không phải là Đức Giêsu thì: “Tất cả chúng con đã trở nên như người nhiễm uế, mọi việc lành của chúng con khác nào chiếc áo dơ. Tất cả chúng con héo tàn như lá úa, và tội ác chúng con đã phạm, tựa cơn gió, cuốn chúng con đi” (Is 64,5). Chúng ta nên nhớ rằng, ngày nay có rất nhiều nguy cơ huỷ hoại con người. Nhất là những nguy cơ núp dưới dáng vẻ đầy cuốn hút và hấp dẫn bên ngoài. Tỉnh thức để nhạy bén với vẻ đẹp ẩn dấu của tình yêu chân chính và gia đình hạnh phúc. Phải tỉnh thức và hãy tập tỉnh thức bằng suy tư, cầu nguyện và hành động dựa vào Lời Chúa để hiệp thông với Đức Giêsu. Chỉ có nối kết, hiệp thông với Đức Kitô là nguồn sống vĩnh hằng thì chúng ta mới có sự sống đời đời và hạnh phúc đích thực.

Tiếp đến, tỉnh thức để sống đời công chính. Sống công chính là sống ngay thẳng, ăn ở tốt lành theo lề luật của Thiên Chúa và thương yêu anh chị em mình như giáo huấn của Người. Nếu không tỉnh thức sống công chính, chúng ta dễ rơi vào đời sống bất chính. Bởi vì, cuộc sống con người đầy những cạm bẫy bất ngờ, những cám dỗ tinh vi kèm theo lời mời ngọt ngào nhưng lại rất độc. Có những điều chúng ta nghĩ bình thường, chẳng sao đâu, vậy mà thực tế chúng lại giết chết tâm hồn ta. Người Kitô hữu chúng ta tin rằng vũ trụ này sẽ có ngày cùng tận, lịch sử này sẽ kết thúc bằng biến cố Đức Kitô quang lâm. Nhưng khi nào chuyện đó xảy ra, chẳng ai biết được. Thật ra cái bất ngờ chỉ đáng sợ, khi Người đến mà đèn chúng ta đã cạn dầu, và những nén bạc Chúa giao vẫn còn bị chôn giấu. Cái chết của mỗi người chúng ta cũng là một bất ngờ, yếu tố bất ngờ của giờ chết là lý do đòi hỏi ta phải luôn tỉnh thức để sẵn sàng: sẵn sàng trong việc trung thành với bổn phận hằng ngày đối với Chúa, với tha nhân và bản thân.

Cuối cùng, tỉnh thức để sống trong niềm vui. Vui như trẻ thơ mong ngóng mẹ đi xa trở về sẽ cho quà nó, sẽ đón rước nó và ôm ấp nó…. Niềm vui và hy vọng phải là động lực thúc đẩy chúng ta thêm tin tưởng, lạc quan sống hết mình với cuộc sống hôm nay. Tin vào Chúa là Ông Chủ của vũ trụ, là Cha yêu thương hằng ôm ấp, bảo vệ và đón chúng ta trong Ân sủng vinh quang muôn đời.

Lạy Chúa Giêsu, xin đánh thức chúng con. Xin đưa chúng con ra khỏi cơn mê mà tự sức chúng con không sao thoát ra được. Xin nuôi dưỡng chúng con niềm tin vững vàng, niềm hy vọng nồng cháy và lòng mến yêu tha thiết, để tất cả những gì chúng con làm đều nhằm chuẩn bị cho ngày Chúa trở lại - Amen.

Tác giả: Lm. Jos. Duy Trần

***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập494
  • Thành viên online1
  • Máy chủ tìm kiếm21
  • Khách viếng thăm472
  • Hôm nay69,574
  • Tháng hiện tại189,061
  • Tổng lượt truy cập71,555,407
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây