Nói đến từ “đại thụ”, ai cũng liên tưởng tới bậc cao niên vị vọng, đầu râu tóc bạc, có thần có thế... Cách đây quá nửa thế kỷ, giáo phận Bùi Chu thân yêu của chúng ta có một “đại thụ” về âm nhạc, mà ngày nay các tác phẩm của Ngài vẫn còn vang lên trong thánh đường các xứ họ, nhất là Tuần chín ngày kính Đức Mẹ Vô Nhiếm, Tuần chín ngày kính thánh Đaminh, dịp lễ kính thánh Giuse 19 tháng 3, mồng 1 tháng 5 và nhiều lễ kính các vị thánh khác... Thời nay, cả “rừng” âm nhạc bát ngát vẫn không lấn át được các tác phẩm của Ngài.
“Đại thụ” đó đã được Chúa gọi về ngày 01/02/1959 (tức 24 tháng 12 năm Kỷ Hợi) khi Ngài mới 37 tuổi đời, 9 năm trong thiên chức Linh mục. Đó chính là Cha Giuse Phạm Xuân Thu.
Ngài sinh năm 1922 tại giáo xứ Sa Châu. Sau khi thụ phong Linh mục năm 1950, Đức cha Phêrô Phạm Ngọc Chi cử Ngài về giúp giáo xứ Long Châu khoản 6 tháng, rồi chuyển về giáo xứ Lạc Đạo (lúc đó Đức Cha Giuse Vũ Duy Nhất đang làm thầy xứ). Sau biến cố 1954, các cha di cư vào Nam gần hết, Ngài phải coi sóc tới 16 giáo xứ. Giữa năm 1956, cha được bề trên cử về Bùi Chu làm văn phòng giáo phận, và phục vụ các giáo xứ miền Bùi Chu – Phú Nhai, dạy Chủng viện Mẫu Tâm, đồng thời chuẩn bị cho việc tổ chức Năm thánh Phú Nhai (1958) nhân kỷ niệm 100 năm Đức Cha Thánh Vinh dâng giáo phận Bùi Chu cho Đức Mẹ và 100 năm Đức Mẹ hiện ra tại Lộ Đức.
Thời đó, các bài thánh ca tiếng Việt có rất ít, Cha đã tập trung sáng tác để đáp ứng nhu cầu phụng vụ. Chỉ trong vòng 4-5 năm, Cha đã sáng tác được rất nhiều bài hát, Cha “xuất xưởng” đến đâu, giáo dân thuộc đến đó, vì bài hát của Cha sáng tác rất hay, dễ học, dễ nhớ. Tất cả đều theo thể loại nhạc chính thống, còn gọi là “nhạc vuông”, tức là mỗi bài có 2 đoạn, mỗi đoạn có 4 câu, (giống như thể loại thơ thất ngôn bát cú); những bài hát ngắn chỉ có một đoạn 4 câu, (giống như thể loại thơ thất ngôn tứ tuyệt), hầu hết theo giọng trưởng.
Khi Ngài sáng tác xong một bài hát, muốn in ra để “phát hành” thì thật là khó khăn. Sau khi nhà in Thánh Gia Bùi Chu bị đóng cửa, trong Tòa Giám mục chỉ còn vài chiếc máy “rơ-minh-tông” đánh chữ, nhưng không đánh được nốt nhạc. Muốn in ra các bản nhạc, chỉ còn một cách duy nhất là “in” bột, tức là dùng 2/3 bột gạo xay thật mịn trộn với 1/3 bột sắn (bột cát căn), cho nước đủ thấm, dùng tay nhào nặn thật kỹ, cán thật phẳng, thật đều lên một cái khay bằng gỗ có bờ be xung quanh dày khoảng 1cm, diện tích tương xứng với trang giấy in. Bản gốc phải tìm người viết chữ đẹp, đều, chuẩn, viết bằng bút giông với mực tím pha thật đặc. Úp bản gốc vào khuôn in, dùng ống nứa thật thẳng lăn đi lăn lại nhẹ nhàng cho mực thấm vào bột rồi lật bản gốc ra. Sau đó lại úp bản giấy trắng vào khay, dùng ống lăn cho mực thấm ngược lên. Cứ thế, mỗi bản gốc in được khoảng 7-8 bản, nhiều lắm là được 10 bản (tùy theo chất lượng mực và độ đặc của bản gốc), rồi sau đó phải nhào nặn lại bột và thay “bản gốc” khác. Như vậy, nếu muốn in 100 bản phải có từ 10 đến 15 “bản gốc” và phải nhào nặn lại bột với số lần tương ứng. Tất cả đều đòi hỏi kỹ thuật tỉ mỉ ngay từ khi nhào bột: Nếu bột khô quá thì khi in bột sẽ “uống” hết mực, không “trả lại”, nếu bột nhão quá thì in bị nhòe; nếu lăn nhẹ tay quá thì mực không đủ độ thấm vào giấy, nếu lăn mạnh quá bột bên dưới bị rạn hoặc bị chạy dẫn đến dòng chữ bị xệch xoạc…
Trước khi bài hát được “phát hành”, chính tác giả phải dạy cho anh em Chủng sinh Mẫu Tâm hát thuộc, sau đó anh em mang bài hát về quê dạy lại cho cộng đoàn, rồi cộng đoàn dạy chuyền cho nhau, sao chép bài hát chuyền cho nhau, thế hệ này chuyền cho thế hệ khác, cứ thế…cứ thế…Tuy cho đến nay chẳng còn ai giữ được “bản gốc” nào, mà các bài hát ấy vẫn “sống” cùng giáo dân Bùi Chu hơn 60 năm nay và chắc chắn còn lâu hơn nữa. Nhiều bài đã được các hội kèn đồng phối khí đưa vào phục vụ một cách nhuần nhuyễn.
Điều đặc biệt là Ngài sáng tác các bài hát trong bối cảnh xã hội và giáo hội Công giáo có đầy hiềm khích, nhưng ca từ trong các bài hát luôn sáng sủa, đĩnh đạc - kể cả các bài hát sinh hoạt, không thấy có từ nào phạm đến “chính chị chính em” mà vẫn rực lên khí thế hào hùng:
“…Mặc cho chước thù lôi, nhưng lòng không núng.
Quyết hy sinh máu đào bênh vực đạo Chúa toàn năng”.
(Bài Đức tin Bùi Chu)
Nói về âm nhạc, chẳng ai phong học hàm học vị cho Ngài, mà chính các tác phẩm của Ngài đã tự phong Ngài là “Đại thụ” âm nhạc trong giáo phận Bùi Chu, vì trước Ngài không có ai và sau Ngài cũng chưa có ai có những tác phầm như Ngài.
Trong tâm tình tạ ơn Chúa, Đức Mẹ và tri ân Cha tác giả, người viết bài này có ước nguyện:
1. Với các ca đoàn, các bài hát:
- Thánh Đaminh (Con dòng sang vang danh bao công đức…)
- Đức tin Bùi Chu (Đức tin người Công giáo …)
- Đèn Đức Tin (Bùi Chu đây vườn trân châu…)
- Mẹ Vô Nhiễm (Be-na-đet-ta, Ta là Mẹ vô nhiễm…)
- Mẹ Bùi Chu (Kính mừng Mẹ khiết trinh…)
- Thánh Giuse Công nhân (Lạy Thánh Giuse công nhân…)
- Thánh Giuse vinh hiển (Chào mừng Thánh Giuse vinh hiển) vv...
Trong các dịp Đại lễ quan thầy, xin đừng cho là các bài hát này cộng đoàn đã thuộc, đã hát thường xuyên, ca đoàn không hát nữa, phải tìm bài khác. Ca đoàn nên hát chủ công mời cộng đoàn cùng hát hiệp thông thì thật là sốt sắng và ý nghĩa.
2. Về việc bảo tồn di sản quý báu của Cha tác giả.
Hiện nay còn Cha cố Giuse Phạm Xuân Thi là cháu ruột của Cha tác giả. Tuy đã xấp xỉ bát tuần, nhưng Cha vẫn còn minh mẫn, vẫn nối được cái “Zen” âm nhạc của Cha Chú. Xin Cha tổ chức tập hợp các tác phẩm của Cha Chú, in thành tập để lưu lại mai sau, giúp cộng đoàn có tài liệu “chuẩn” trong khi hát.
Xin Chúa thưởng công bội hậu cho Cha tác giả và chúc lành cho chúng con.
Tác giả: Đaminh Đinh Năng