Làng Báo Đáp (Hồng Quang - Nam Trực - Nam Định) là làng Công giáo toàn tòng thuộc Giáo xứ Báo Đáp, Giáo phận Bùi chu. Mỗi dịp Trung thu đến, hình ảnh con trẻ nô nức đón trăng với chiếc đèn ông sao đã trở thành ký ức đi vào lòng của biết bao thế hệ người Việt. Nhưng, ít ai biết những chiếc đèn ông sao ấy được sản xuất từ Báo Đáp, một Giáo xứ miền quê trù phú, nơi thắp sáng và truyền giữ những giá trị văn hóa truyền thống ngày Trung thu.
Chúng tôi về Báo Đáp trong những ngày cuối tháng 7 âm lịch. Hình ảnh dễ nhận thấy là sự tấp nập của bà con giáo dân đang trong những ngày cuối vụ làm đèn Trung thu. Người lớn, trẻ con, ai nấy đều bận rộn, từng đoàn xe chất đầy đèn ông sao đang được vận chuyển, tỏa đi khắp nơi trên mọi miền tổ quốc.
Giữa khí thế người người, nhà nhà tấp nập, chúng tôi may mắn được Cụ Phiệt, một bậc cao niên trong làng dẫn giải và giới thiệu cho biết: Ở Việt Nam, duy nhất làng Báo Đáp là có nghề làm đèn Trung thu thủ công, nghề đã có từ lâu và đặc biệt phát triển từ sau giải phóng. Ngày trước, điều kiện kinh tế còn khó khăn, những chiếc đèn làm ra không được bắt mắt như bây giờ, chỉ đơn giản làm bằng giấy, nhuộm mầu, cả những chiếc “tua rua” cũng chỉ được làm bằng lông gà, lông vịt. Những năm gần đây, sau nhiều thời kỳ thay đổi và phát triển, chiếc đèn Trung thu sản xuất tại Báo Đáp được làm đẹp hơn, bắt mắt hơn, đủ sức cạnh tranh với các món đồ chơi cho trẻ em trong dịp tết Trung thu, có xuất xứ từ Trung Quốc.
Hiện nay, dân số Báo Đáp vào khoảng hơn 5000 người, hầu hết bà con đều tham gia làm đèn trong dịp tết Trung thu, ước tính mỗi gia đình trung bình làm khoảng 2 đến 3 vạn chiếc. Như thế, mỗi dịp Trung thu, hàng triệu chiếc đèn ông sao được sản xuất và phân phối ra thị trường trong cả nước. Thăm gia đình Ông Nguyễn Hồng Lạc, thuộc xóm 1 Báo Đáp, chúng tôi mới hiểu rõ hơn quy trình làm ra chiếc đèn ông sao và đằng sau nó là biết bao công lao, mồ hôi cùng sự kiên trì khéo léo của các nghệ nhân nơi đây.
Một chiếc đèn ông sao được bắt đầu sản xuất từ sau tháng 3 âm lịch với việc chuẩn bị các vật dụng, đặc biệt là việc chọn và ngâm nứa - vật dụng chính để tạo nên bộ khung cho chiếc đèn. Nứa ngâm đủ ngày sau đó phơi khô, chẻ ra thành từng nan nhỏ với kích cỡ khác nhau tùy loại đèn to nhỏ, sau đó được vót cẩn thận và đem buộc thành từng cụm gồm 10 nan. Dưới sự khéo léo của người thợ, các nan đan lại với nhau tạo ra bộ khung cứng cáp cho chiếc đèn. Sau khi đã có khung, những chiếc đèn sẽ được trang trí với giấy bóng kính mầu, riềm, tua rua, cờ, chân chống…. Như thế, để có chiếc đèn ông sao hoàn chỉnh, các nghệ nhân phải mất ròng rã trong gần 6 tháng với biết bao mồ hôi cùng sự kiên trì và khéo léo. Đàn ông, phụ nữ, người già, trẻ con, ai cũng có việc và có thể tham gia cùng làm đèn ông sao. Mỗi chiếc đèn bán ra thị trường, bà con lãi từ 1000 đến 2000đ, ông Lạc cho biết thêm.
Tạm biệt Giáo xứ và bà con Báo Đáp trong cảnh hoàng hôn, hình ảnh ngôi Nhà thờ mới của Giáo xứ, uy nghiêm tráng lệ, sừng sững đứng giữa làng hòa lẫn cùng sắc đỏ sắc xanh từ những chiếc đèn ông sao, chúng tôi tin rằng chính những hình ảnh trên đã minh chứng rõ nét cho sự phát triển bền vững của một Giáo xứ trù phú đang từng ngày vươn lên mạnh mẽ.