ĐTC: Đổi mới để đón mừng Giáng Sinh

Chủ nhật - 23/12/2018 19:47  956

Đài phát thanh Vatican tiếng Việt ngày 21.12.2018 đã nhận định về Hướng đi theo tinh thần của Đức Thánh Cha Phanxicô để cải tổ Giáo Triều Rô-ma. Ngài Vạch rõ khuyết điểm, hướng đi mới qua các diễn văn của mình.

untitled

Nhìn lại các diễn văn dành cho việc cải tổ Giáo triều. Đầu tiên là diễn văn ngày 21.12.2013 nêu bật ba đặc tính những người phục vụ trong các cơ quan tòa thánh phải có. Đó là khả năng chuyên môn, tinh thần phục vụ và đời sống thánh thiện.

 

Trước tiên là khả năng chuyên môn, bao gồm cả việc nghiên cứu, học hỏi và cập nhật. Đây là điều kiện cơ bản để làm việc tại Tòa thánh. Dĩ nhiên, khả năng chuyên môn là do sự huấn luyện và một phần do sự thủ đắc. Để được vậy, ngay từ đầu cần có một căn bản tốt.

Đặc tính thứ hai là phục vụ, phục vụ Giáo hoàng và các giám mục, giáo hội hoàn vũ và giáo hội địa phương. Trong các cơ quan tòa thánh, người ta học hô hấp đặc biệt hai triều kích của Giáo hội: chiều kích hoàn vũ và địa phương thấu nhập vào nhau.

 

Nếu không có khả năng chuyên môn thì dần dần người ta sa vào sự tầm thường. Những hồ sơ trở thành những phúc trình theo khuôn mẫu và những thông báo không có men sự sống, không có khả năng tạo ra những chân trời cao cả. Đàng khác một khi thái độ không phải phục vụ các các giáo hội địa phương và các giám mục của các giáo hội ấy, thì cơ cấu giáo hội tăng triển như một sở quan thuế nặng nề, thanh tra và hạch hỏi, không để cho Chúa Thánh Linh hoạt động và dân Chúa được tăng trưởng.

 

Thêm vào hai đức tính khả năng chuyên môn và tinh thần phục vụ, tôi muốn kể đến một đức tính thứ ba đó là đời sống thánh thiện. Chúng ta biết rõ đây là điều quan trọng nhất trong hệ thống các giá trị. Thực vậy, nó ở nơi nền tảng và chất lượng phục vụ. Sự thánh thiện có nghĩa là đời sống được chìm đắm trong Thánh Linh, cởi mở tâm hồn đối với Thiên Chúa, cầu nguyện liên lỉ, khiêm tốn sâu xa, bác ái huynh đệ trong tương quan với các đồng nghiệp. Thánh thiện cũng có nghĩa làm việc tông đồ, làm việc bác ái kín đáo, trung thành, nhiệt thành và có tiếp xúc trực tiếp với dân Chúa. Đây là điều không thể thiếu được đối với các linh mục.

Sự thánh thiện trong các cơ quan tòa thánh cũng có nghĩa là phản kháng lương tâm chống lại thói nói hành nói xấu. Chúng ta có lý khi nhấn mạnh đến sự phản kháng lương tâm. Nhưng có lẽ chúng ta cũng phải thực thi điều này để bảo vệ chúng ta chống lại một luật bất thành văn trong môi trường của chúng ta. Rất tiếc, môi trường này là môi trường nói hành nói xấu. Vì thế tất cả chúng ta hãy thực thi việc phản kháng lương tâm và xin anh chị em chú ý tôi không muốn làm một diễn văn luân lý ở đây. Những vụ nói hành nói xấu làm hại chất lượng con người, công việc và môi trường chung quanh.

 

I. Buổi tiếp kiến thứ hai ngày 22.12.2014, Đức Thánh Cha liệt kê 14 thứ bệnh cần bài trừ khỏi những người phục vụ tại giáo triều Rô-ma.

Các cơ quan tòa thánh họp thành một cơ thể duy nhất có thể có những bệnh tật cần chữa lành. Trong ý hướng chuẩn bị dọn mình xưng tội chuẩn bị họp mừng lễ Chúa Giáng Sinh, Đức thánh Cha đã liệt kê một loạt các căn bệnh mà những vị làm việc trong Giáo Triều Rô-ma có thể mắc phải và cần phải thanh tẩy.

 

Giáo triều phải được cải tiến, luôn cải tiến trong tình hiệp thông, thánh thiện và khôn ngoan để chu toàn sứ mạng. Nhưng Giáo Triều cũng như mỗi thân thể con người cũng có thể bị bệnh hoạt động không tốt, bị yếu liệt. Ở đây tôi muốn liệt kê một vài căn bệnh có thể thường xảy ra trong đời sống của Giáo triều của chúng ta. Đó là những bệnh tật và cám dỗ làm suy yếu việc phục vụ của chúng ta đối với Chúa. Tôi nghĩ rằng, danh sách các bệnh này sẽ giúp chúng ta như các đấng tu hành trong sa mạc thường làm danh sách mà chúng ta nói đến hôm nay. Danh sách này giúp chúng ta chuẩn bị lãnh nhận bí tích hòa giải là một bước tiến tốt cho tất cả chúng ta để chuẩn bị lễ Giáng Sinh. Dưới đây, chúng tôi xin nhắc lại một số trong 14 thứ bệnh Đức Thánh Cha muốn tố giác:

1. Bệnh ảo tưởng

Trước tiên là tưởng mình là bất tử miễn nhiễm hoặc thậm chí là không thể thiếu được, rồi lơ là những kiểm điểm cần thiết và thông thường. Một Giáo triều không tự phê bình, không canh tân và không tự cải tiến thì đó là một cơ thể đau yếu. Một cuộc viếng thăm một nghĩa trang có thể giúp chúng ta nhớ đến cuộc sống bao nhiêu người, cuộc sống của vài người chúng ta nghĩ họ là bất tử, miễn nhiễm và không thể thay thế được. Đó là bệnh của người giàu có trong Phúc Âm nghĩ rằng mình sống vĩnh viễn và cả những người trở thành người chủ nhân ông cảm thấy mình cao trọng hơn mọi người, chứ không phải là người phục vụ tất cả mọi người. Bệnh này thường xuất phát từ bệnh quyền bính, từ mặc cảm là những người ưu tuyển, từ thái độ tự yêu mình, say mê nhìn hình ảnh của mình mà không nhìn thấy hình ảnh của Thiên Chúa nơi khuôn mặt của những người khác, đặc biệt là những người yếu đuối và túng thiếu nhất. Thuốc chữa bệnh dịch này là ơn Thánh. Ơn cảm thấy mình là người tội lỗi và thành tâm nói rằng: chúng ta chỉ là những đầy tớ vô dụng, chúng ta đã làm những gì chúng ta phải làm.

 

2. Bệnh kế hoạch hóa thái quá và duy hiệu năng

Khi tông đồ kế hoạch mọi cái một cách tỉ mỉ và tưởng rằng khi thực hiện việc kế hoạch hóa hoàn toàn thì mọi sự sẽ thực sự tiến triển. Như thế, họ trở thành một kế toán viên hay một nhà kinh doanh. Chuẩn bị mọi sự là điều tốt và cần thiết, nhưng không bao giờ được rơi vào cám dỗ muốn đóng kín và lèo lái tự do của Chúa Thánh Linh, Đấng luôn luôn lớn hơn, quảng đại hơn mọi kế hoạch của con người. Người ta rơi vào căn bệnh này vì ở lại thoải mái trong các lập trường tĩnh và bất biến của mình thì vẫn là điều dễ dàng và ung dung hơn. Trong thực tế, Giáo hội tỏ ra trung thành với Chúa thánh linh hơn theo mức độ Giáo hội không chủ trương điều hành và thuần hóa Thánh Linh. Thánh Linh là sự tươi mát, sáng tạo và mới mẻ.

 

3. Bệnh cạnh tranh và háo danh

Khi cái vẻ bề ngoài quần áo và huy chương trở thành ưu tiên của cuộc sống, quên đi lời Thánh Phao-lô: anh em đừng làm gì vì cạnh tranh và háo danh, nhưng mỗi người với tất cả sự khiêm tốn hãy coi người khác hơn mình. Mỗi người đừng tìm tư lợi, nhưng hãy tìm lợi ích của người khác nữa. Đó là căn bệnh đưa chúng ta trở thành những con người giả dối và sống một thứ thần bí giả hiệu, một chủ thuyết yên tĩnh giả tạo. Chính thánh Phao-lô đã định nghĩa: họ là những kẻ thù của thập giá Chúa Ki-tô vì họ kiêu hãnh vì những điều mà lẽ ra họ phải hổ thẹn và chỉ nghĩ đến những điều thuộc về trần thế này.

 

4. Bệnh tâm thần phân liệt trong cuộc sống

Đó là bệnh của những người sống hai mặt, hậu quả của sự giả hình và sự tầm thường và dần dần trở nên trống rỗng về tinh thần mà các văn bằng tiến sĩ và các bằng cấp khác không lấp đầy được. Một thứ bệnh xảy ra cho những người bỏ bê công việc mục vụ mà chỉ chú trọng đến công việc bàn giấy, đánh mất sự tiếp xúc với thực tại, với những con người cụ thể. Như thế, họ tạo cho mình một thế giới song song. Trong đó, họ gạt sang một bên tất cả những gì họ nghiên khắc dạy người khác và bắt đầu sống một cuộc sống kín đáo và thường là tháo thứ. Sự hoán cải là rất cần thiết và không thể thiếu được đối với bệnh rất nặng này.

 

5. Bệnh ngồi lê đôi mách, lẩm bẩm và nói hành

Tôi đã nói nhiều về bệnh này và không bao giờ cho đủ. Đó là một bệnh nặng thường bắt đầu bằng cuộc chuyện trò và nó làm cho con người thành người gieo rắc cỏ lùng, cỏ dại như Satan. Trong nhiều trường hợp, họ trở thành người điềm nhiên giết người, giết hại danh thơm tiếng tốt của đồng nghiệp và anh em cùng dòng. Đó là bệnh của những người hèn nhát, không có khả năng nói thẳng mà chỉ nói sau lưng. Thánh Phao-lô đã cảnh giác: anh em hãy làm mọi sự mà đừng lẩm bẩm, không do dự để không có gì đáng trách và tinh tuyền. Hỡi anh em, chúng ta hãy giữ mình khỏi nạn khủng bố nói hành, nói xấu.

 

6. Bệnh thần thánh hóa giới lãnh đạo

Đó là bệnh của những kẻ dua nịnh cấp trên hy vọng được ân huệ của họ. Họ là nạn nhân của công danh sự nghiệp và của thái độ xu thời, tôn kính con người chứ không tôn kính Thiên Chúa. Đó là những người khi phục vụ chỉ nghĩ đến điều mà họ phải đạt được chứ không nghĩ tới điều mà họ phải làm, những người bủn xỉn, nhỏ nhặt và bất hạnh và chỉ hành động vì ích kỷ. Bệnh này có thể xảy ra cho cả cấp trên khi họ chiêu dụ cộng tác viên để được sự tuân phục, trung thành và tùy thuộc về tâm lý. Nhưng kết quả cuối cùng là một sự đồng lõa thực sự.

 

7. Bệnh tích trữ

Đó là khi tông đồ tìm cách lấp đầy khoảng trống trong con tim của mình bằng cách tích trữ của cải vật chất không phải là cần thiết nhưng chỉ để cảm thấy an toàn. Trong thực tế, không có gì là vật chất có thể mang theo mình vì khăn liệm không có túi và tất cả kho tàng vật chất của chúng ta dù có thực đi nữa, không bao giờ có thể lấp đầy khoảng trống, trái lại, càng làm cho nó khẩn trương và sâu đậm hơn. Chúa lặp lại với những người ấy: tôi bảo nay tôi giàu có, tôi chẳng cần gì nữa, nhưng ngươi không biết mình là một kẻ bất hạnh, khốn nạn, một kẻ nghèo, mù lòa và trần trụi. Vậy, ngươi hãy hoán cải.

 

8. Bệnh những nhóm khép kín

Trong đó, sự thuộc về một nhóm nhỏ trở nên quan trọng hơn, mạnh hơn sự thuộc về cả thân mình, và trong một số trường hợp mạnh hơn thuộc về chính Chúa Ki-tô. Cả căn bệnh này cũng luôn bắt đầu bằng ý hướng tốt là tiêu khiển với các bạn bè. Nhưng với thời gian nó trở nên xấu, thành bệnh ung thư đe dọa sự hài hòa của cả thân thể và tạo nên bao nhiêu điều ác, gương mù, nhất là cho những anh em bé nhỏ hơn của chúng ta. Sự tự hủy diệt hay là những viên đạn của bạn đồng ngũ chính là nguy hiểm tinh tế nhất. Đó là sự ác đánh từ bên trong như Chúa Ki-tô đã nói: nước nào chia rẽ bên trong thì sẽ bị tàn lụi.

Những căn bệnh và cám dỗ ấy cũng là nguy cơ của mỗi ki-tô hữu, mỗi giáo xứ, cộng đoàn, dòng tu, các phong trào giáo hội trên bình diện cá nhân và cộng đoàn.

 

II. Năm sau đó ngày 21.12.2015, Đức Thánh Cha đã liệt kê danh sách 12 đức tính cần thiết cho những người phục vụ trong Giáo Triều và tất cả những người giúp cho sự thánh thiện, làm cho giáo hội được phong phú. Ngài mời gọi các tổng giám mục, các bề trên và các cơ quan liên hệ bổ sung thêm danh sách các đức tính. Trong số các đức tính đó có: tinh thần truyền giáo và mục vụ, khả năng thích hợp và tinh tế, linh đạo và tình người, gương mẫu và trung thành, hợp lý và dễ mến, thận trọng và cương quyết, bác ái và sự thật, lương thiện và trưởng thành, tôn trọng và khiêm tốn, quảng đại và quan tâm, can đảm và mau mắn, đáng tín nhiệm và điều độ.

 

Tất cả các đức tính trên đây có thể là sự vắn tắt về lòng thương xót. Lòng thương xót không phải là một tình cảm chóng qua, nhưng là tin mừng là sự chọn lựa của những người muốn có tâm tình của trái tim Chúa Giê-su, của người muốn nghiêm túc bước theo Chúa, Đấng yêu cầu chúng ta: các con hãy có lòng thương xót như Cha các con (x. Lc 6,36). Vì vậy ước gì lòng thương xót hướng dẫn những bước đường chúng ta, soi sáng các cuộc cải tổ và những quyết định của chúng ta. Ước gì lòng thương xót là cột trụ nâng đỡ hoạt động của chúng ta, dạy chúng ta khi nào chúng ta phải tiến bước và khi nào chúng ta phải bước lui.

 

III. Trong buổi tiếp kiến thứ Tư sáng ngày 22.12.2016, Đức Thánh Cha đã bày tỏ về việc cải tổ các cơ quan trung ương Tòa thánh. Ngài nói đến ý nghĩa việc cải tổ các cơ quan trung ương là để cho nó phù hợp hơn với Tin mừng, với những dấu chỉ thời đại, hướng tới điều thiện hảo và phục vụ giáo hội của Giám mục Rô-ma. Giáo Triều Rô-ma không phải là một bộ máy bất động và cải tổ là dấu hiệu sinh động của Giáo hội đang lữ hành. Vì thế, Giáo triều luôn luôn cần được cải tổ. Cuộc cải tổ chỉ hữu hiệu nếu được thực hiện với những người được đổi mới, chứ không phải với những người mới mà thôi. Không chỉ hài lòng với những vấn đề nhân sự, nhưng cần làm sao để các nhân viên Tòa thánh canh tân về tinh thần, nhân bản và khả năng chuyên môn. Trong thực tế, sự thường huấn không đủ, còn cần có sự hoán cải và thánh tẩy trường kỳ. Nếu không có sự thay đổi não trạng thì nỗ lực cải tổ sẽ vô hiệu. Đức Thánh Cha ám chỉ tới những chống đối, kháng cự đến cuộc cải tổ ngài đang thực hiện. Có những kháng cự công khai thường nảy sinh từ thiện chí và đối thoại chân thành. Có những kháng cự thầm kín nảy sinh từ những tâm hồn sợ hãi hoặc chai đá, được nuôi dưỡng bằng những lời chống rỗng. Miệng nói là sẽ thay đổi nhưng thực tế lại muốn mọi sự như trước. Mà cũng có những kháng cự ác ý nảy sinh từ tâm trí méo mó và ý hướng xấu, được biện minh bằng những lời cáo buộc, nấp sau những truyền thống, những vẻ bề ngoài và những hình thức.

 

Trong diễn văn, Đức Thánh Cha đã trình bày 12 tiêu chuẩn hướng dẫn việc cải tổ Giáo Triều Rô-ma. Đó là cá nhân tính tức là hoán cải bản thân; mục vụ tính – hoán cải mục vụ; thừa sai tính; hợp lý; hoạt động tốt; tân tiến; điều độ; nguyên tắc; phụ đới; công nghị tính; công giáo tính. Các chức sắc và nhân viên được chọn từ khắp nơi trên thế giới và thuộc mọi giai tầng của xã hội, kể cả giáo dân và phụ nữ, khả năng chuyên môn và tính chất tiệm tiến. Điều tối cần thiết là các cơ quan phải có chính sách thường huấn cho các nhân viên để tránh tình trạng rỉ sét và rơi vào công chức. Đàng khác, phải tuyệt đối xóa bỏ thói quen thăng chức để huyền chức.

 

IV. Cuối năm ngoái ngày 21.12.2017, khi tiếp kiến giáo triều Rô-ma lần thứ 5, Đức Thánh Cha kêu gọi mọi người hành động theo tinh thần quyền tối thượng phục vụ của người kế vị thánh Phê-rô. Cụ thể ngài nói đến vai trò đối ngoại của Giáo triều Rô-ma, cộng tác với người kế vị thánh Phê-rô trong việc phục vụ giáo hội hoàn vũ, cũng như trong tương quan đối ngoại với thế giới, các dân nước, các giáo hội Ki-tô và tôn giáo khác.

 

Tính chất phổ quát phục vụ của các cơ quan trung ương tòa thánh phát xuất và nảy sinh từ đặc tính Công Giáo của sứ vụ Phê-rô. Một Giáo triều khép kín vào mình thì phản bội sự hiện hữu của mình và rơi vào tình trạng tự tham chiếu chính mình, và sẽ bị hủy diệt. Dùng hình ảnh các phó tế được kêu gọi trở thành tai mắt của các giám mục giúp ngài mưu ích cho toàn thân mình, cho cộng đồng giáo hội. Tương quan của những người trong giáo triều Rô-ma với người kế vị thánh Phê-rô là tương quan hiệp thông con thảo, vâng phục để phục vụ dân thánh của Chúa. Sự hiệp thông với Phê-rô tăng cường và củng cố sự hiệp thông giữa mọi phần tử. Trong chiều hướng trên đây, Đức Thánh Cha tố cáo những người hành động trong những nhóm nhỏ mưu mô. Họ như thứ bệnh ung thư tự tham chiếu mình. Thứ ung thư thâm nhập cả vào các cơ quan trong giáo hội. Chúng ta hãy cảnh giác chống lại một nguy hiểm khác, nguy hiểm trong giáo hội sự tín nhiệm, hoặc những kẻ lợi dụng tình mẫu tử của Giáo hội, tức là những người được tuyển chọn kỹ lưỡng để tăng cường sức mạnh cho thân mình và cho sự cải tổ, nhưng rồi họ không hiểu được trách nhiệm cao cả của họ để cho mình bị hư hỏng vì những tham vọng hoặc hư danh. Khi họ bị loại trừ một cách tế nhị thì họ tự tuyên bố một cách sai lầm là những người tử đạo của chế độ của một giáo hoàng không được thông tin đầy đủ của bè phái cũ thay vì đấm ngực nhìn nhận tội lỗi của mình.

 

Tiểu Bôi biên tập

***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập207
  • Máy chủ tìm kiếm28
  • Khách viếng thăm179
  • Hôm nay33,758
  • Tháng hiện tại877,018
  • Tổng lượt truy cập69,936,892
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây