Thứ 7 tuần 5: Phép lạ do lòng trắc ẩn
Thứ sáu - 10/02/2017 05:13
1372
St 3,9-24; Mc 8,1-10
Có người đã nhận định rằng thế giới hôm nay thật giàu có về vật chất nhưng lại rất nghèo khó về tình thương; rất tiến bộ về khoa học kỹ thuật nhưng lại thụt lùi về luân thường đạo lý. Nền văn minh mà chúng ta đang nắm giữ chính là nền văn minh của sự chết.
Nhìn vào cuộc sống hôm nay, người ta dễ dàng nhận thấy dường như ai nấy đều lo thu vén cho bản thân mà không màng tới tha nhân hay cộng đồng. Cái danh, cái lợi, cái thú đã lấn át cái lương tâm chân chính và khóa chặt con người trong chính mình mà chẳng màng tới phẩm giá, sự sống và hạnh phúc của người bên cạnh. Sự giầu sang quyền quý đã biến người ta thành những kẻ điếc lác và đui mù trước cái đau, cái khổ, cái khốn cùng của tha nhân. Đối diện với những cá nhân hay tập thể giàu có, quyền lực và địa vị lại là hàng triệu người cùng khổ, cô đơn, bệnh tật, nghèo đói đủ loại…. đang cần đến sự cảm thông, chia sẻ, yêu thương...
Đức Giêsu đã đem đến cho nhân loại một nền văn minh sự sống, văn minh tình thương, lòng trắc ẩn trước nỗi đau khổ cùng cực của anh em đồng loại. Là Thiên Chúa và là người trọn vẹn, Đức Giêsu đã thấu cảm cái đói, cái khát, cái khổ đau và buồn sầu của con người. Ngài không chỉ cảm thông mà còn cảm nếm nỗi đau khổ của người khác. Ngài đau cái đau của họ, Ngài khổ cái khổ của họ. Bài Tin Mừng hôm nay cho thấy Đức Giêsu đã cảm nhận cơn đói mệt lả của đám đông đi theo Ngài trong hoang địa: “Ta thương đám đông, vì này đã ba ngày rồi, họ không rời bỏ Ta và không có gì ăn. Nếu Ta để họ đói mà về nhà, họ sẽ mệt lả giữa đường, vì có nhiều người từ xa đến”. Chính lòng trắc ẩn đã thúc đẩy Ngài thực hiện phép lạ hóa bánh ra nhiều để nuôi đám đông đang đói khát, mệt mỏi. Chỉ với bảy chiếc bánh và mấy con cá nhỏ của các môn đệ mà Đức Giêsu đã làm cho khoảng bốn ngàn người ăn no nê và còn thừa đến bảy thúng đầy.
Ở đây Đức Giêsu đã không làm phép lạ từ không ra có, nhưng Ngài đã dùng số ít ỏi bánh và cá của các môn đệ như một điều kiện cần để phép lạ có thể xảy ra. Làm như vậy không phải Ngài bất lực, nhưng Ngài muốn chúng ta biết sống sẻ chia. Sẻ chia không chỉ những cái dư thừa nhưng cả những thứ cần thiết của cuộc sống như của ăn, áo mặc, sự hiểu biết, tôn trọng, một nụ cười thân thiện, một cái bắt tay làm hòa, một lời hỏi thăm khích lệ…. Sẻ chia chính là dấu chỉ của tình thương, dấu chỉ của cảm thông, dấu chỉ của lòng trắc ẩn, là một tác động tích cực xây dựng nền văn minh tình thương, văn minh sự sống cho nhân loại hôm nay. Sự sẻ chia của chúng ta dù rất nhỏ bé nhưng với lòng chân thành sẽ được Thiên Chúa kích hoạt và làm cho nên vĩ đại, lớn lao đem lại niềm vui và hạnh phúc cho mọi người.
Hơn ai hết Mẹ Maria đã tiên phong ra khỏi chính mình để trải mình ra cho Thiên Chúa và tha nhân. Đi tới đâu Mẹ gieo rắc niềm vui và an bình tới đó. Ở đâu có Mẹ, ở đấy con người được sẻ chia, nâng đỡ, biến đổi. Ở đâu có Mẹ ở đấy lòng yêu thương trắc ẩn của Thiên Chúa được thể hiện. Chính vì vậy Mẹ đã biến Lộ Đức trở thành thánh địa, nơi gặp gỡ linh thiêng giữa Thiên Chúa và con người cũng như giữa con người với nhau.
Lạy Mẹ Maria, trong ngày quốc tế bệnh nhân hôm nay, chúng con nhờ Mẹ dâng lên Thiên Chúa các bệnh nhân trên toàn thế giới, xin Chúa thương an ủi, chữa lành. Đặc biệt chúng con dâng lên Mẹ “khối u tâm hồn” là bệnh vô cảm đang như một đại dịch mà mỗi chúng con đã mắc phải. Xin Mẹ giúp chúng con năng chạy với Chúa Giêsu để nhận lãnh tình thương của Ngài hầu chúng con có thể quảng đại cho đi, vui vẻ chia sớt để Chúa có thể thực hiện những phép lạ vĩ đại, đem lại niềm vui và hạnh phúc cho mọi người. A men.
Tác giả: Nt. Dòng Trinh Vương