Thánh Đaminh - Con người thời đại

Thứ sáu - 09/08/2024 09:58  711
images 1Chúng ta biết, mặc dầu là tổ phụ của một Dòng chuyên việc giảng thuyết, Thánh Đa Minh không phải là nhà Thuyết Giáo bẩm sinh. Ngài đã phải nỗ lực nhiều để trở thành nhà Thuyết Giáo. Nếu Đức Giêsu có 30 năm ẩn dật ở Nazarét, thì Đa Minh khởi sự giảng thuyết khi đã 35 tuổi, sau một tiến trình dài chuẩn bị có định hướng trong học hành và cầu nguyện. Tiếp theo đó là 10 năm du thuyết theo sự thúc đẩy của Thánh Thần. Cha Đa Minh đã hình thành những kinh nghiệm sâu sắc để truyền thụ cho môn sinh mình trong sáu năm cuối đời. Xin mở lại những trang sử, để theo dõi những chặng đường tâm linh của Ngài, khởi từ chiếc nôi gia đình.

Thánh Đa Minh sinh ngày 24-6-1170 tại Caleruega thuộc giáo phận Osma, miền Castille, nước Tây Ban Nha. Thân phụ ngài là bá tước Felix de Guzman, thân mẫu là chân phước Gioanna de Aza. Ba anh em trai đều thụ phong linh mục, người anh cả Antôniô làm tuyên úy bệnh viện, còn anh thứ Mannes, sau vào Dòng Thuyết Giáo của em mình.

Thời đại thánh Đa Minh so với thời chúng ta đang sống có nhiều nét giống nhau. Đó là thời đô thị hóa: thời thương mại và đồng tiền được đề cao, thời xuất hiện nhu cầu tri thức với sự ra đời của các đại học; thời thay đổi cơ chế xã hội từ nông nghiệp sang thủ công nghiệp, và là thời xuất hiện những tín hiệu của dân chủ.

Chọn lựa của thánh Đa Minh cùng với các dòng hành khất bấy giờ, chính là phục hưng giá trị sự nghèo khó của tin mừng. Ngài đưa anh em đến trường học. Ngài sống và tổ chức cộng đoàn du thuyết để hiện diện tại mọi hang cùng ngõ hẻm…

Cha thánh Đa Minh được tuyên dương là tôn sư Hội thánh, vì tuy không để lại những bộ sách lớn, nhưng ngài đã thúc đẩy, đã để lại cho con cái cũng như những người đương thời, niềm khát vọng say mê học hỏi và khám phá chân lý cứu độ. Đó là một nhu cầu cần thiết trong hoàn cảnh giáo hội đương thời, khi xuất hiện của các lạc giáo. Và đó cũng là nhu cầu của các môn đệ Đức Kitô trong mọi.

Vì thế, khi chiêm ngắm thánh nhân, nhất là qua thời đại của ngài, chúng ta nhận ra những dấu chỉ thời đại mà dù đã gần 10 thế kỉ, vẫn còn sống động và phù hợp với thời đại của chúng ta. Để qua những dấu chỉ đó, trong giờ tĩnh tâm này, chúng ta cùng lắng đọng tâm hồn để nghe tiếng Chúa và nhìn lại đời sống của chúng ta trong suốt thời gian đã qua; đồng thời chiêm ngưỡng đời sống đạo đức cũng như học nơi thánh Đaminh như một con người với trái tim mục tử; một con người thắp sáng ngọn đuốc chân lý; và một con người của loan báo Tin Mừng.


1. Thánh Đaminh – Con người với trái tim mục tử
 
Mở đầu tông huấn Đức Ki-tô đang sống, Đức Thánh cha Phan-xi-cô đã khẳng định “Chúa Kitô đang sống! Người là niềm hy vọng của chúng ta, và là tuổi trẻ đẹp nhất của thế giới này. Tất cả những gì Người chạm đến đều trở nên tươi trẻ, mới mẻ, tràn đầy sức sống. Thế nên, lời đầu tiên cha muốn nói với mỗi Kitô hữu trẻ là: Chúa Kitô đang sống và Người muốn con cũng được sống!”. Thật vậy, Đức Ki-tô là Thiên Chúa hằng sống và là nguồn sống, nên Ngài luôn tươi trẻ, luôn mới trong tâm hồn mỗi người chúng ta. Những lời Ngài dạy vẫn vang vọng khắp nơi và vẫn sống động trong mỗi cộng đoàn. Thánh Đaminh chính là một dấu chỉ sống động và luôn sống của một Đức Ki-tô luôn mới như vậy, khi thánh nhân đáp lại tiếng gọi để trở thành một vị mục tử với trái tim của Chúa, để canh tân Giáo hội và đưa nhiều linh hồn về với Chúa.

Nói đến Chúa Giê-su, hay nói đến Đaminh cũng như thời đại của các ngài, chúng ta sẽ thường có suy nghĩ về những con người của quá khứ, về những gì là xưa cũ, thậm chí không còn giá trị. Tuy nhiên, như đã nói, Đức Ki-tô thì luôn mới, những lời Ngài nói vẫn còn nguyên giá trị, cũng như thời đại của Thánh Đaminh vẫn có những yếu tố vẫn còn thời sự cho đến ngày hôm nay, nhất là chúng ta ngày nay cũng giống như thánh nhân xưa, đang đứng trước những ngưỡng của của sự thay đổi về mọi mặt trong đời sống. Nếu thánh Đaminh ngày xưa sống ở thời đại mà nhu cầu học vấn cao, hay trước sự chuyển đổi từ nông nghiệp sang thủ công nghiệp, thì chúng ta cũng đang đứng trước ngưỡng cửa của một nên công nghệ số, thời đại của internet và công nghệ cao. Nếu ngày xưa, thánh nhân sống trong một thời đại mà vấn đề nhân bản xuống cấp, đồng tiền được đề cao và tôn sùng, thì nhìn vào xã hội chúng ta ngày nay đâu khác gì, khi mà con người ngày nay tôn thờ chủ nghĩa tự do cá nhân (mình thích thì mình làm thôi), đề cao lợi ích kinh tế trên nhân phẩm và sự sống; cũng như sống trong một nền văn minh tiêu thụ, văn hóa sự chết mà Giáo hội đang lên án. Cũng vậy, về mặt tôn giáo, nếu thánh nhân phải đối mặt với các bè rối chống phá Giáo hội, mà mạnh nhất là bè rối Albigense, thì ngày nay, trong thời đại được coi là đỉnh cao của tri thức nhân loại, Giáo hội cũng phải chống chọi với rất nhiều những chủ thuyết, những bè rối mới như chủ nghĩa vô thần mới, hay chủ nghĩa tương đối, mà hệ quả là gần đây trên báo đài đưa tin ở Mỹ hay Trung Quốc, đang có những phong trào bài tôn giáo, đập phá ảnh tượng, nhà thờ và thay ảnh tượng Chúa bằng ảnh tượng lãnh đạo độc tài. Như thế, khi nhìn lên thánh Đaminh trong thời đại của Ngài, chúng ta cũng thấy thấp thoáng đau đó hình bóng những vấn nạn thời của ngài ẩn núp đâu đó trong chính thời chúng ta dưới những vỏ bọc khác, thậm chí nguy hiểm và tinh vi hơn, nên chúng ta cần phải tỉnh thức và cầu nguyện nhiều hơn.
           
Vì thế, cũng như thánh Đaminh đã đáp lại tiếng Chúa kêu gọi mà mặc lấy trái tim mục tử để chăm sóc, để cứu chữa những con chiên lạc hay chính chúng ta về với Giáo hội của Chúa, chúng ta cũng noi gương ngài, mặc lấy trái tim của Chúa, một trái tim biết yêu thương, một trái tim biết rung cảm trước thế giới và trước con người, một trái tim biết thương xót và tha thứ. Nhất là như chúng ta thấy thế giới đang quay cuồng trước con đại dịch và trước rất nhiêu thiên tai chưa từng thấy, con người khắp nơi đang hoang mang và đau khổ, hay gần hơn là đâu đó giữa cộng đoàn, trong gia đình chúng ta, vẫn còn những con tim chai đá, vẫn còn những tâm hồn nguội lạnh, vẫn còn những con người đau khổ buồn phiền, thì hơn bao giờ hết, Chúa và thánh Đaminh cũng kêu mời mỗi người chúng ta hãy tiếp bước ngài, mặc lấy một trái tim biết thương xót để sẵn sàng cúi xuống, chạm tới những tâm hồn, những hoàn cảnh đang cần đến chúng ta, hay đơn giản là cầu nguyện cho thế giới, cho giáo hội và cho mỗi chúng ta trước những làn sóng tàn phá khủng khiếp của ma quỷ nơi những phong trào, tư tưởng sai lạc, hay trước những thiên tai bệnh dịch đang hoành hành kháp nơi, hoặc cầu nguyện cho cộng đoàn chúng ta, những người đau khổ xung quanh hay trong chính gia đình chúng ta, để thế giới sớm được bình an của Chúa Thánh Thần, và con người ngày một xích lại gần nhau hơn, không còn cách ly, kì thị hay chia rẽ.


2. Thánh Đaminh – Ngọn đuốc soi chân lý
 
Ngọn đuốc là một biểu tượng của thánh nhân mà chúng ta đã quá quen trong chuyện tích của ngài. Ngài chính là ngọn đuốc Chúa dùng để đem ánh sáng Lời Chúa đến cho mọi người. Chân lý hay sự thật chính là điều mà CHúa Giê su đã dùng cả đời để sống và đã chết để làm chứng đúng như lời Ngài đã trả lời quan tổng trấn khi được hỏi về mục đích Ngài đến thế gian “Tôi đến để làm chứng cho sự thật”. Thánh Đaminh đã tiếp bước Thầy Giêsu, bước theo con đường của Thầy, can đảm làm chúng cho sự thật và trở thành một ngọn đuộc sáng soi chiếu giúp mọi người nhận ra chân lý và trở về với Chân Lý thật. Thánh nhân đã dùng lời Chúa loan báo về sự thật và dùng chính đời sống chứng tá của mình để làm chứng cho sự thật, dẫu gặp phải biết bao chống đối hiểm nguy, ngay cả đến tính mạng. Chúng ta biết ma quỷ nó sợ Thiên Chúa vì Thiên Chúa là Chân Lý, là sự thật và nó cũng sợ các thánh vì các ngài là những chứng nhân, là những ngọn đuốc soi chân lý, nên nó dùng các bè rối, các thế lực của thế gian để chống lại các ngài, tìm cách lôi kéo các ngài nói sai sự thật cũng như tìm cách bách hại các ngài. Nhưng trải qua dòng lịch sử, Giáo hội vẫn trung thành gìn giữ châ lý mà Chúa đã để lại cho chúng ta nhờ sức mạnh của Chúa Thánh Thần, dù có những lúc chòng chành tưởng sụp đổ.

Ngày nay cũng thế, chưa bao giờ Giáo hội hết bị bách hại vì Giáo hội luôn là nơi dám nói và làm chứng cho chân lý. Chúng ta thấy rất rõ con người ngày càng dung túng và nuôi dưỡng sự giả dối để phục vụ cho những lợi ích mang tính vật chất cá nhân. Sự giả dối len lỏi và xâm nhập vào mọi môi trường, mọi mặt của đời sống, từ xã hội cho đến tôn giáo, từ các tổ chức ngoài xã hội cho đến đâu đó nơi chính cộng đoàn giáo xứ giáo họ chúng ta. Sự giả dối đầu độc và khiến chúng ta sa ngã lúc nào mà chúng ta không biết. Chẳng hạn, nơi học đường những hành vi quay cóp, đút lót, mua điểm, bán bằng, hay tham nhũng vẫn nhanh nhản mà chẳng ai còn áy náy lương tâm; hay những hành động phản giáo dục nơi chính gia đình chúng ta khi nhiều ông bố bà mẹ vô tình dạy con cái nói dối và đổ trách nhiệm ngay từ nhỏ khi thay vì nhận lỗi cho con lại đi đổ lỗi cho cái bàn, cái ghế khi nó bị ngã; rồi trong chính cộng đoàn giáo xứ giáo họ, đâu đó vẫn có những hành động hay việc làm dung túng cho sự giả dối. Sự giả dối làm xói mòn lương tâm chúng ta và tàn phá nền tảng xã hội và giáo hội nhưng nhất là nó khiến cho con người mất dần niềm tin. Đó là điều mà ma quỷ rất vui thích và mong muốn. Thánh Đa minh đã không chấp nhận sự giả dối, nên ngài đã chống lại các bè rối, là đại diện cho sự giả dối xuyên tạc của ma quỷ, một sự thật giả tạo và nhờ Lời Chúa soi sáng để làm chứng cho sự thật cũng như giúp mọi người nhận ra đâu mới là Chân Lý đích thực.

Chúng ta cũng vậy, là con cháu của cha thánh, Giáo hội rất cần những tiếng nói cho sự thật, giáo hội cần lắm những tâm hồn dám can đảm làm chứng và sống cho sự thật. Là chi thể của Đức Ki-tô, chúng ta được mời gọi nên thánh, nghĩa là làm chứng cho sự thật và sống cho sự thật. Vì thế, noi gương bắt chước thánh nhân, mỗi người chúng ta hãy cố gắng sống sự thật như Lời Chúa dạy, mỗi ngày trở nên những đốm sáng, những ngọn đuốc chiếu soi chân lý như thánh Đaminh xưa. Làm được như vậy là chúng ta đang chiến thắng ma quỷ và góp phần giúp thế giới, giúp Giáo hôi và cộng đoàn ngày một trở thành những nơi có Chúa là Chân Lý hiện diện và khi chúng ta biết sống cho sự thật, chắc chắn chúng ta sẽ thấy hạnh phúc bình an vì Chúa luôn thêm sức, ở bên và ban ơn cho chúng ta đúng như một người đã nói: “Bạn hãy nói sự thật thì bạn sẽ không bao giờ phải lo lắng về những gì mình đã nói”


3. Thánh Đaminh – Con người của loan báo Tim Mừng
 
Khi lãnh nhận Bí tích Rửa Tội, chúng ta được tái sinh, được gia nhập Hội Thánh và trở nên con cái Thiên Chúa. Cũng vậy, khi được Rửa tội, chúng ta được dự phần vào ba chức năng Tư tế, ngôn sứ và vương đế của Đức Ki-tô và thực thi ba sứ vụ đó trong bậc sống của mỗi người. Hơn nữa, khi được Rửa tội, chúng ta cũng lãnh nhận sứ mạng riêng của người giáo dân đó chính là sứ mạng loan báo Tin Mừng, có nghĩa là đem Chúa đến cho mọi người. Thánh Đaminh đã trở nên một con người của Lời Chúa và dùng chính Lời Chúa và kinh Mân Côi để cải hóa người khác, dẫn đưa nhiều linh hồn lầm lạc trở về với Giáo hội, cũng như đạp tan bè rối Albigense. Là một kitô hữu, nhất là một hội viên của huynh đoàn, chúng ta đã sống với Lời Chúa như thế nào? Chúng ta đã thật sự đọc suy gẫm và sống Lời Chúa giữa đời? Đó chính là một thách đố đối với mỗi người chúng ta những cũng là một cơ hội, và trên hết là một ơn gọi, một sứ mạng mà Chúa kêu mới chúng ta thi hành mỗi ngày. Thật đáng buồn khi nhiều gia đình Công Giáo không có trong nha mình một cuốn Lời Chúa, thật đáng buồn khi những giờ kinh gia đình, những giờ đọc Lời Chúa trong gia đình ngày càng trở nên xa lạ với các gia đình, nhất là các gia đình trẻ. Chúng ta bị kéo theo guồng xoáy của công ăn việc làm mà quên mất thứ lương thực nuôi dưỡng linh hồn là chính Lời Chúa và Thánh Thể. Và khi chúng ta ngày càng trở nên xa lạ với Lời Chúa thì chắc chắn chúng ta ngày càng trở nên xa lạ, dửng dưng với nhà thờ, vô cảm với người khác, cũng như quên mất sứ mạng riêng của mình là loan báo Tin Mừng. Chúng ta cũng sẽ chẳng bao giờ thực hành chức năng của một người Công giáo là tư tế, nghĩa là tham gia cử hành phụng vụ, là vương đế, nghĩa là quản trị gia đình, cộng đoàn, và là ngôn sứ, chính là việc học hiểu Lời Chúa và loan báo Lời Chúa cho mọi người. Mọi người ở đây là chính con cái của mình, là chính những người trong gia đình mình và bên cạnh mình. Đó là một thực trạng mà chúng ta, mỗi người cần can đảm nhìn nhận và xét lại. Để rồi sau cuộc tĩnh tâm này, những giây phút này không qua đi một cách vô ích, nhưng ước chi chúng ta ý thức hơn về sứ mạng của mình và bổn phận của mình là một người có đạo, một người cha, một người mẹ, hay một người con trong gia đình hay nơi cộng đoàn. Qua đó, chúng ta biết yêu mến Lời Chúa hơn, gắn kết với Lời Chúa hơn, và dùng chính Lời Chúa để nuôi dưỡng gia đình, nuôi dưỡng cộng đoàn, cũng như dùng Lời Chúa để loan báo cho những người xung quanh để mỗi ngày Lời Chúa được lan tỏa và bén rễ sâu trong tâm hồn nhiều người như thánh Đaminh đã làm khi xưa.

Trên đây là một số những chia sẻ hết sức đơn sơ và thực tế, để qua đó, mỗi người chúng ta cùng chiêm ngưỡng thánh tổ phụ Đaminh, một con người của thời đại, dù đã cách xa nhưng những công việc, những gương sáng của ngài vẫn chiếu tỏa nơi chúng ta, và vẫn cần chúng ta tiếp tục thắp lên ngọc đuốc để soi sáng chân lý là chính Lời Chúa, để Lời Chúa mỗi ngày được chiếu soi trong tâm hồn chúng ta và lan tỏa đến người khác mà chúng ta đang cùng sống và gặp gỡ mỗi ngày.

Tác giả: Thất Nguyễn

***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập412
  • Máy chủ tìm kiếm64
  • Khách viếng thăm348
  • Hôm nay33,962
  • Tháng hiện tại224,703
  • Tổng lượt truy cập75,932,969
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây