Chúa Nhật tuần VI mùa Phục Sinh
« Đó là Thần Khí sự thật, Đấng mà thế gian không thể đón nhận, vì thế gian không thấy và cũng chẳng biết Người . Còn anh em biết Người vì Người luôn ở giữa và trong anh em » (Ga 14,17-18).
Về cuối mùa Phục sinh, nhất là quãng thời gian từ Lễ Chúa Giêsu Lên Trời cho đến Lễ Hiện Xuống các bài Tin mừng đề cập nhiều đến vai trò của Chúa Thánh Thần. Ngài được mệnh danh là Đấng Bào Chữa, Bảo Trợ, Đấng Ban Sự Sống, Thầy dạy chân lý với chức năng soi trí mở lòng giúp các tín hữu đạt tới sự thật toàn vẹn. Ngài được phái đến để canh tân bộ mặt trái đất.
Trong số các tên gọi ấy, tronng bài Tin mừng của Chúa Nhật thứ VI Phục sinh, Đức Giêsu nhấn mạnh đến chiều kích sự thật : « Đó là Thần Khí sự thật, Đấng mà thế gian không thể đón nhận, vì thế gian không thấy và cũng chẳng biết Người . Còn anh em biết Người vì Người luôn ở giữa và trong anh em » (Ga 14,17-18). Tất cả các sứ mệnh của Giáo hội từ thuở sơ khai cho đến tận thế đều được đặt dưới sự nâng đỡ và hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Ngài là cứu cánh giải thoát khỏi mọi nỗi sợ hãi, bắt bớ, nguy khó hay quyền lực của thế gian. Chính Đức Giêsu đã căn dặn các môn đệ của mình luôn đặt niềm tin tưởng cậy trông vào Thánh Thần mà không phải lo lắng nên nói làm sao trước tòa án người đời. Do vậy, làm chứng cho sự thật là sứ mạng được Giáo hội thực thi như tiếng nói ngôn sứ của mọi thời đại.
Vai trò này rất cần thiết, vì chưng con người thường có khuynh hướng đem mình ra làm quy chiếu để biện minh cho hành động hay quan điểm của mình. Cứ nhìn vào những gì diễn ra hiện nay thì thấy rất rõ: cuộc khủng hoảng dai dẳng tại Syria vẫn chưa có lối thoát, vì chưng các bên có liên quan vẫn không dựa trên sự thật là chấm dứt chiến tranh với sự tàn phá khốc liệt mà người dân nước này đã phải hứng chịu nhiều năm qua. Người ta không nhìn vào mục đích sớm giải thoát đó vì chưa đạt được thỏa thuận sao cho có lợi và có vị thế cho mình. Hay vấn đề hạt nhân tại bán đảo Triều Tiên chúng ta cũng thấy thiếu vắng sự thật ngay ở mục đích kiếm tìm phát triển vũ khí hủy diệt của Bắc Triều Tiên, trong khi đó các bên có vai trò chế tài như Trung Quốc, đồng minh thân cận của Bắc Triều Tiên thì vẫn đặt nặng mối lợi kinh tế và chính trị hơn là đưa ra giải pháp khách quan. Rất thường tình cùng một thực tại nhưng được các bên đối lập cũng đưa ra quan điểm là lập luận hoàn toàn trái ngược cũng chỉ vì người ta không tôn trọng sự thật. Một vấn đề khác nữa cũng thường thấy nơi phương tiện truyền thông đại chúng là muốn bảo vệ cho lập trường chính trị đảng phái hoặc là muốn thu hút dư luận trong việc câu khách nên thường khai thác các sự kiện theo hướng bỏ ngỏ lấp lửng hoặc cố tình hướng đến một cái nhìn khác…
Thường tình, kẻ mạnh muốn áp đặt luật chơi và đem ra những lý lẽ theo chiều hướng ấy. Điều này thấy rõ rệt từ cấp độ quốc tế, quốc gia, cộng đồng, gia đình hay nơi cá nhân. Đôi khi chính những kitô hữu chúng ta cũng chấp nhận thái độ thỏa hiệp vì sợ liên lụy, đụng chạm, mất mối làm ăn, hay bị lỡ cơ hội có được công việc béo bở. Sự cho qua thường với một lập luận ru ngủ lương tâm là bản thân mình chẳng làm được gì cả, rằng tất cả mọi người đều thế, rằng công việc buôn bán hay trong địa vị này nọ thì không thể khác được…
Những gì Đức Giêsu dạy bảo các tông đồ trong bối cảnh thời xưa vẫn là sứ mạng đòi buộc mỗi tín hữu dấn thân làm chứng cho Tin mừng, sự thật và phẩm giá con người. Muốn được như vậy chúng ta lại cần đến Thánh Thần, Đấng ngự trong tâm hồn để hướng dẫn, dậy bảo và tăng thêm sức mạnh cho chúng ta. Xin Ngài hãy đến để canh tân bộ mặt trái đất.
TKM, Nhóm Suy niệm BC