Chúa Nhật 6 Phục Sinh năm A
Cv 8,5-8.14-17; 1Pr3,15-18; Ga 14,15-21
Nếu Chúa nhật tuần trước là một thánh lễ truyền chức cho những người được tuyển chọn thì Chúa nhật tuần này chúng ta thấy Chúa Thánh Thần là Đấng Bảo Trợ sẽ tiếp tục được ban cho những người đó một cách minh nhiên. Không những thế, Chúa Thánh Thần còn ngự xuống trên những người tin theo và lãnh nhận phép rửa nhân danh Đức Giêsu Kitô. Cụ thể là:
Sau khi những người có đủ tư cách đạo đức được dẫn tới với các tông đồ để xin các ngài đặt tay hiến thánh thì Thánh Thần đã ngự xuống trên họ. Ngay lập tức họ trở nên người nhà của Thiên Chúa. Có Chúa Thánh Thần ngự nơi tâm hồn, những cộng sự viên này đã hăng hái lên đường làm chứng và loan báo Tin mừng về Đức Giêsu chịu khổ nạn nhưng đã Phục sinh với một tinh thần đầy nhiệt huyết, vui tươi.
Việc loan báo Tin mừng là một bằng chứng xác thực Đức Giêsu đã sống lại. Tuy nhiên, đây lại là một thách đố không nhỏ đối với những kẻ không tin, nhất là đối với những nhà lãnh đạo Dothái, các kinh sư và người Pharisêu. Nhóm người này không thể chấp nhận một chàng thanh niên con bác thợ mộc lại là người có nguồn cội từ thiên giới. Bởi thế, các tông đồ cũng như các cộng sự của các ngài rất vất vả trong việc minh chứng Đức Giêsu là Con Thiên Chúa đã đến trần gian để cứu vớt nhân loại khỏi cảnh lầm than khốn cực.
Các tông đồ đã nhận lệnh từ chính Đức Giêsu Phục sinh nên phải ra sức làm cho Tin mừng được loan báo tới khắp mọi miền trên toàn thế giới. Cách thức mà các ngài rao giảng luôn mang tính ôn hòa, không hề manh nha tinh thần bạo động. Theo sự chỉ dẫn của tông đồ Phêrô thì những người làm nhiệm vụ rao giảng Tin mừng phải luôn luôn sẵn sàng trả lời cho bất cứ ai chất vấn về niềm hy vọng của mình. Cho dù đối phương có hành xử thế nào thì vẫn phải đồng hành với họ trong sự hiền hòa và kính trọng chứ không phải là sự thách thức. Có như thế các ngài mới có thể rao giảng về một Đức Giêsu Kitô đã chết, nhưng nhờ Thần Khí, Ngài đã được Phục sinh. Bằng không thì lời rao giảng sẽ chẳng ăn nhập gì đối với những người ra sức chống đối các ngài.
Một điều đáng lưu ý là: để có được sự hiếu hòa như vậy đối với những người không tin thì không ai khác ngoài Đức Giêsu mới có thể tuyên bố, Thầy sẽ xin Chúa Cha và Người sẽ ban cho anh em một Đấng Bảo Trợ khác đến ở với anh em luôn mãi.
Quả thật, chính Đức Giêsu là Đấng trung gian trong việc xin Chúa Cha gửi Thánh Thần tình yêu của Ngài đến với các môn đệ và với mỗi chúng ta ngày hôm nay. Ngài sẽ không để chúng ta phải mồ côi nhưng luôn luôn đồng hành cùng chúng ta trong mọi biến cố cuộc đời. Còn bản thân chúng ta, chúng ta chỉ có việc đón nhận và loan báo Tin mừng về một Đức Giêsu chịu đóng đinh, chịu chết và đã Phục sinh.
Như vậy, sau khi được tuyển chọn và lãnh nhận Thánh Thần, cùng với sự tác động của Người, những cộng sự viên của Thiên Chúa chính thức lên đường. Các ngài ra đi loan báo Tin mừng một cách hăng say, không mệt mỏi. Các ngài quên cả việc chăm lo cho bản thân, thậm chí có những người còn đánh đổi cả mạng sống của mình chỉ với một mục tiêu duy nhất là làm cho thế giới nhận biết tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa đối với nhận loại. Kết quả là có rất nhiều người tin theo và chịu phép rửa nhân danh Đức Giêsu Kitô.
Chúng ta cũng là những người tin theo và được tuyển chọn qua bí tích Rửa tội. Chúng ta cũng đã được lãnh nhận Thánh Thần và trở nên nhân chứng tình yêu của Đức Kitô qua việc lãnh nhận bí tích Thêm Sức. Thế nhưng, chúng ta đã thực sự sống đúng với tư cách mà mình đã lãnh nhận chưa hay chúng ta chỉ là người khua chiêng gõ mõ, đánh trống bỏ dùi?
Xin Thánh Thần tình yêu là Đấng Bảo Trợ soi sáng cho mỗi người chúng ta qua thánh lễ này, biết suy xét lại đời sống đức tin của bản thân để có thể bước đi trong ánh sáng Phục sinh của Đức Kitô hầu làm cho danh Ngài được rạng rỡ vinh quang.
Lam Ngã