Tuần VI mùa Phục Sinh A
Cv 8,5-8.14-17; 1 Pr 3,15-18; Ga14,15-21
Khi yêu, bao giờ người ta cũng muốn ở với nhau, làm những gì tốt nhất cho nhau. Nếu phải đi xa, phải vĩnh biệt, người ta sẽ để lại cho nhau một điều gì đó làm kỉ niệm. Cha mẹ thường để lại cho con cái tài sản nếu có, hoặc những di ngôn ý nghĩa để con cái không chỉ nhớ tới cha mẹ qua di sản hay di ngôn ấy mà còn coi đó như một lý tưởng, một động lực để phấn đấu. Thiên Chúa là tình yêu và Đức Giêsu chính là hiện thân của tình yêu Thiên Chúa. Vì thế, Ngài cũng không muốn rời xa các môn đệ. Khi phải bỏ thế gian để về với Chúa Cha, Ngài đã làm tất cả những gì có thể cho các ông, và nhất là ở lại với các ông một cách thiêng liêng vô hình.
Trước hết, Ngài ở lại với các ông qua di ngôn tuyệt vời: “Đây là lệnh truyền của Thầy là anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em”. Tuân giữ giới răn của Ngài là ở lại với Ngài, ở lại trong Ngài, và cũng ở lại trong Chúa Cha, Đấng đã sai Ngài đến trần gian. Vì thế, Đức Giêsu tha thiết mời gọi các môn đệ ở lại trong tình yêu của Ngài, đặt ra điều kiện cho tình yêu của các môn đệ đối với Ngài: “Nếu anh em yêu mến Thầy, anh em sẽ giữ các điều răn của Thầy”. Giữ các điều răn của Chúa, đón nhận và thực hiện di ngôn yêu thương của Chúa, chính là ở lại trong tình yêu Chúa, là dấu chỉ yêu mến Chúa và là môn đệ của Chúa.
Thứ đến, Ngài ở lại với các môn đệ qua sự hiện diện của Thánh Thần, Đấng mà chính Ngài cầu xin cùng Chúa Cha ban cho các môn đệ: “Thầy sẽ xin Chúa Cha và Người sẽ ban cho anh em một Đấng Bảo Trợ khác đến với anh em luôn mãi. Đó là Thần Khí sự thật, Đấng mà thế gian không thể đón nhận.” Thánh Thần đóng vai trò vô cùng quan trọng trong đời sống của Giáo hội nói chung và nơi mỗi tín hữu nói riêng. Người sẽ soi sáng cho Giáo hội, cho mỗi tín hữu nhận ra sự hiện diện của Chúa, cho họ hiểu được những gì Chúa dạy, hướng dẫn họ trong mọi nẻo đường cuộc đời, nhất là khi gặp khó khăn thử thách. Chính Ngài là sức mạnh, là nguồn ủi an, là ánh sáng chiếu soi giúp các tín hữu nhận ra thánh ý Chúa, là nguồn khích lệ để các tín hữu can đảm thực thi thánh ý Chúa.
Vì Thánh Thần chính là dấu chỉ sự hiện diện hữu hiệu của Đức Giêsu và vì Thánh thần giữ vai trò làm linh hồn của Giáo hội, của mỗi tín hữu nên sau khi được cử từ Giêrusalem xuống Samari, Phêrô và Gioan đã cầu nguyện cho các tín hữu nhận được Thánh Thần. Rồi hai ông đã đặt tay trên các tín hữu ở đây để họ nhận được Thánh Thần. Nhờ sự hiện diện của Thánh Thần, các tín hữu ai nấy đều mạnh mẽ can đảm làm chứng cho Chúa Giêsu và rao giảng Tin mừng của Ngài cho mọi người.
Sau cùng, Ngài ở lại với các môn đệ qua chính các bí tích, trong đó bí tích Thánh Thể là bằng chứng về sự hiện diện và sống động cụ thể và đầy yêu thương nhất. Ngài không ở lại trong một thời gian ngắn nào đó, nhưng ở lại luôn mãi, ở lại cho đến ngày tận thế: “Thầy không bỏ anh em mồ côi. Thầy đến cùng anh em.” Quả thế, ngay cả sau khi từ cõi chết sống lại, Ngài đã đến với các môn đệ. Nhiều lần hiện ra và ăn uống với các ông để động viên, khích lệ, ủi an: “Phần anh em, anh em sẽ được thấy Thầy, vì Thầy sống và anh em cũng sẽ được sống. Ngày đó, anh em sẽ biết rằng Thầy ở trong Cha Thầy, anh em ở trong Thầy, và Thầy ở trong anh em.”
Đức Giêsu yêu mến các môn đệ, yêu mến Giáo hội bằng tình yêu của Chúa Cha. Ngài không muốn rời xa các môn đệ, nhưng muốn ở lại với họ mãi mãi, để các ông không mồ côi. Ngài ở lại qua các giới răn, đặc biệt là giới răn yêu thương; Ngài ở lại qua sự hiện diện của Thánh Thần; đặc biệt là ở lại qua bí tích Thánh Thể. Nguyện xin cho các tín hữu cảm nghiệm được tình yêu của Ngài để cũng biết yêu thương như Chúa. Xin cho mỗi người luôn có tâm hồn rộng mở để đón nhận Thánh Thần và sẵn sàng để Thánh Thần hướng dẫn, nhất là xin cho mỗi tín hữu luôn có tâm hồn xứng đáng cho Chúa Giêsu Thánh Thể ngự vào. Amen!