CHÚA NHẬT XI THƯỜNG NIÊN - B
Ed 17,22-24; 2Cr 5,6-10; Mc 4,26-34
Mầu nhiệm Nước Thiên Chúa là nội dung rao giảng chính yếu của Chúa Giêsu, thường được Ngài diễn tả qua các dụ ngôn. Bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu kể cho chúng ta hai dụ ngôn về Nước Thiên Chúa: dụ ngôn hạt giống tự mọc lên và dụ ngôn hạt cải trở thành cây lớn. Trong đó, Chúa Giêsu dùng những câu chuyện thực tế của đời sống thường ngày để diễn tả mầu nhiệm cao cả Nước Thiên Chúa.
Dụ ngôn hạt giống tự mọc lên (Mc 4,26-29) là một câu chuyện rõ ràng, nói lên một sự thật trong cuộc sống nông nghiệp. Chúa Giêsu dùng câu chuyện hiển nhiên này để nhấn mạnh một sự thật về Nước Thiên Chúa và mời gọi người nghe giữ một thái độ thích hợp đối với hành động của Thiên Chúa trong giai đoạn hiện tại. Nước Thiên Chúa như một hạt giống mang trong nó khả năng và sức mạnh tiềm tàng, nên một khi được gieo xuống đất, sẽ mọc lên cách mạnh mẽ bất kể thời gian, điều kiện thời tiết hay sự ý thức của con người. Chắc chắn nó sẽ từng bước mọc lên, trổ đòng đòng để sau cùng thành những bông lúa trĩu hạt, sẵn sàng cho mùa thu hoạch.
Chúa Giêsu muốn khuyến khích các môn đệ chú tâm đến nhiệm vụ của họ là gieo vãi hạt giống Lời Chúa một cách quảng đại, mặc dù hạt giống ấy không có vẻ gì là đang phát triển. Sự tin tưởng vào tình thương và quyền năng của Thiên Chúa là một đòi hỏi tiên quyết dành cho những sứ giả Tin Mừng. Người ta sẽ không đạt tới mục đích của công cuộc loan báo Tin Mừng bằng những hành động nôn nóng và bất an. Bởi vì, Nước Thiên Chúa không phải là chuyện của con người phàm trần, mà trước hết là của chính Thiên Chúa. Điều quan trọng là sau khi đã hoàn thành việc gieo vãi hạt giống, người ta cần phải biết kiên nhẫn chờ đợi trong niềm tin tưởng vào sự quan phòng của Thiên Chúa, và hướng cái nhìn của mình về mùa thu hoạch chắc chắn sẽ tới: “Người ấy đem liềm hái ra gặt, vì đã đến mùa”.
Dụ ngôn thứ hai của bài Tin Mừng hôm nay (Mc 4,30-32) được dẫn nhập bằng hai câu hỏi:“Chúng ta ví Nước Thiên Chúa với cái gì đây? Lấy dụ ngôn nào mà hình dung được?”. Điều đó chứng tỏ việc trình bày về thực tại Nước Thiên Chúa là một việc khó khăn và không đơn giản. Chúng ta có thể tượng tượng là các môn đệ đang chờ đợi Chúa sẽ phác họa nên một bức tranh thật vĩ đại và huy hoàng, nhưng rồi họ phải kinh ngạc mà nghe Chúa trả lời: “Nước ấy giống như hạt cải”. Trong cách nghĩ của cư dân xứ Palestina, hạt cải được coi là thứ hạt giống nhỏ nhất. Câu chuyện dụ ngôn tập trung sự chú ý của người nghe vào sự khác biệt hẳn giữa một bên là sự khởi đầu vô cùng nhỏ bé và bên kia là sự kết thúc thật sự lớn lao. Đó là một điều đáng ngạc nhiên. Hạt cải nhỏ bé “nhưng khi gieo rồi, nó mọc lên thành cây rau lớn nhất, và đâm những cành to, đến nỗi chim trời có thể tới núp bóng được”.
Trong bài đọc I (Ed 17,22-24), ngôn sứ Êdêkien cũng đã dùng những hình ảnh này vào thời dân Israel đang bị lưu đày bên Babylon: Cây hương nam cao nhất ám chỉ Nabuchodonosor và đế quốc của ông (x. Đn 4,9.11.18). Nó sẽ bị Thiên Chúa chặt xuống. Một chồi non được Thiên Chúa trồng và lớn lên thành cây hương nam vĩ đại ám chỉ dân Israel. Họ sẽ được Thiên Chúa cho hồi hương và đất nước họ sẽ thịnh vượng. Tất cả những cây rừng khác ám chỉ các vua và các nước khác sẽ nhận biết uy quyền của Thiên Chúa và vinh quang của Israel. Và đáp ca (Tv 91) cũng so sánh người hiền đức như một cây chà là được vun trồng trong nhà Chúa, lớn lên và trổ sinh hoa trái như cây hương bá đất Liban. Qua đó cho thấy dụ ngôn về hạt cải rất nhỏ bé gieo xuống đất, nhưng dần dà lớn lên thành cây to đến nỗi chim trời cư ngụ dưới bóng, chính là hình ảnh biểu tượng của Nước Thiên Chúa sẽ trở thành nơi quy tụ muôn dân.
Như vậy, hai dụ ngôn trong bài Tin Mừng cùng làm nổi bật mầu nhiệm về tình thương quan phòng của Thiên Chúa, Đấng sẽ làm cho Nước của Ngài đạt đến sự hoàn thành viên mãn. Khi kể hai dụ ngôn này, Chúa Giêsu muốn nhắn nhủ chúng ta đừng sờn lòng nản chí vì chưa được thấy ngay những hiệu quả của sứ điệp Tin mừng. Điều cần thiết đối với người Kitô hữu là ươm mầm những giá trị của Nước Thiên Chúa, bắt đầu từ những điều nhỏ mọn, bình dị, để những giá trị đó dần lớn lên, lan toả, mang lại ích lợi cho nhiều người. Đồng thời, chúng ta sống thái độ bình an, khiêm nhường, kiên nhẫn chờ đợi trong sự tín thác hoàn toàn vào Thiên Chúa và sức mạnh của Tin Mừng.
Thánh Phaolô đã cảm nghiệm được lời Chúa dạy, và ngài nói trong bài đọc II (2 Cr 5,6-10): Giữa những gian truân khổ sở của cuộc đời, ngài luôn bày tỏ niềm tin tưởng, cậy trông vào Chúa. Bởi vì sống ở đời này cũng như bị “lưu lạc xa Chúa”. Trong khi chờ đến ngày chúng ta sẽ thoát cảnh lưu đày mà về với Chúa, “chúng ta hãy cố gắng sống sao cho đẹp lòng Chúa, Bởi tất cả mọi người chúng ta đều phải phơi bày trước toà án của Đức Kitô, để mỗi người lãnh lấy thành quả đời sống mình” và “ai gieo giống nào thì sẽ được gặt giống ấy” (Gl 6,7-9).
Lạy Chúa, Nước của Chúa với sức mạnh nội tại luôn âm thầm phát triển và đem lại những kết quả phi thường giữa thế giới hôm nay. Xin Chúa thương biến đổi chúng con trở nên những tông đồ nhiệt thành và quảng đại gieo vãi hạt giống Lời Chúa vào trong mảnh đất trần gian, làm cho cuộc sống này thấm nhuần những giá trị Tin Mừng. Và như vậy, chúng con tin tưởng hướng đến mùa gặt bội thu cho Giáo Hội và cho mỗi người chúng con. Amen.
Tác giả: Lm. GB Vũ Quốc Đạt