Thứ Năm Tuần Thánh
Thánh lễ Tiệc Ly vào chiều thứ Năm tuần Thánh, Hội Thánh khai mạc Tam Nhật Vượt Qua và tưởng niệm bữa tối sau hết của Chúa Giêsu, trong đó Người thiết lập Giao Ước Mới bằng Mình và Máu Thánh Người dưới hai hình thái bánh và rượu (QCSL x. việc cử hành Tam Nhật Thánh).
Trong thánh lễ Tiệc Ly, nơi nào giáo dân đã được chuẩn bị, có thể tổ chức nghi thức rửa chân cho những người đàn ông đã được tuyển chọn, để nói lên ý nghĩa phục vụ và bác ái của “Chúa Kitô là Đấng đã đến không phải được người ta phục vụ mà để phục vụ và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người” (Mc 10,45).
Quả nhiên, chính trong Phép Thánh Thể mà mầu nhiệm đức ái này được sáng ngời ở điểm cao nhất, mầu nhiệm đức ái mà Đức Giêsu Kitô đã bày tỏ trong Bữa Tiệc Ly, bằng việc rửa chân cho các môn đệ của Người.
Để bảo vệ tính thánh thiêng của Phụng Vụ thánh, không làm các mâm bánh, trái cây, đồ ăn; làm hình tượng các con chiên bằng các loại thực phẩm để rước và trưng bày trên gian cung thánh trước mặt giáo dân trong thánh lễ Tiệc Ly. Càng không được xông hương các đồ ăn và những hình tượng con vật đó. Tuy nhiên, ở một số nơi theo truyền thống có thể làm một hình tượng con chiên có tính thẩm mỹ nhằm diễn tả, liên tưởng đến con chiên tinh tuyền, con chiên hiền lành chịu hiến tế là Đức Giêsu Kitô.
Theo Huấn Thị về Bí Tích Cứu Độ, những lễ vật cụ thể phải luôn diễn tả được rõ ràng quà tặng thật sự mà Chúa trông chờ nơi chúng ta: đó là một tâm hồn thống hối ăn năn và lòng mến Chúa yêu người, làm cho ta xứng hợp với hy lễ của Đức Kitô, Đấng đã nộp chính mình vì chúng ta. Hơn nữa, các lễ vật cụ thể phải được dâng tiến một cách xứng hợp. Cho nên tiền bạc, cũng như những tặng vật khác dành cho người nghèo, nhất là các phẩm vật đã được thu góp trong Mùa Chay như hoa trái của việc sám hối, phải được đặt để vào một nơi thích hợp, ngoài bàn tiệc thánh thể. Để riêng tiền bạc và, nếu có những tặng vật khác, nên dâng những tặng vật này ngoài cử hành Thánh Lễ (x. HTBTCĐ 70).
Tuyệt đối không được phép cử hành Thánh Lễ trong một nơi được dùng vào mục đích ăn uống, hoặc bất cứ nơi nào có thức ăn, những người tham dự Thánh Lễ cũng không được phép ngồi vào bàn ăn trong lúc cử hành (x. HTBTCĐ 77).
Thứ Sáu Tuần Thánh
Hôm nay, Chiên Vượt Qua của chúng ta là Đức Kitô chịu hiến tế, nên Hội Thánh cử hành Cuộc Thương Khó của Chúa, suy tôn và kính thờ Thánh Giá Chúa, vì nhờ Thánh Giá, ơn cứu độ được ban cho cả thế giới. Nghi thức này được cử hành vào ban chiều (x. QLTQ về Năm Phụng Vụ I. Tam Nhật Vượt Qua).
Theo truyền thống của một số giáo phận, hôm nay có thể rước tượng Chúa vác Thánh Giá kết hợp ngắm Đàng Thánh Giá trọng thể, đọc đoạn, đóng đanh, ngắm đứng, dâng hạt, tháo đanh, táng xác Chúa và than vãn… Hội Thánh và các vị chủ chăn khuyến khích và cổ võ những hình thái đạo đức này. Tuy nhiên, khi cử hành các việc đạo đức, cần tránh những lối phô trương, giả tạo, gây ồn ào, chia trí… Những việc đạo đức đích thật rất có giá trị nhằm duy trì đức tin, quy tụ được nhiều người đến với Giáo Hội và dẫn đưa đến việc tham dự vào phụng vụ.
Thứ BẢY Tuần Thánh
Hôm nay, Hội Thánh ở bên mồ Chúa, để suy niệm việc Chúa chịu thương khó, chịu chết và xuống ngục tổ tông, đồng thời thinh lặng cầu nguyện chờ đợi Chúa Phục Sinh (QCSL x. việc cử hành Tam Nhật Thánh).
Một số nơi có truyền thống là phân chia cho các đơn vị, các giới hay hội đoàn tổ chức đi rước tới mồ Chúa, than hang đá, cầu nguyện rồi hôn chân Chúa. Cũng có nơi tổ chức ngắm dấu đanh.
Câu hỏi đặt ra là trong ngày Thứ Bảy Tuần Thánh, toàn thể Giáo Hội thinh lặng, cầu nguyện chờ đợi Chúa Phục Sinh. Vậy giáo xứ có tổ chức các cuộc rước rầm rộ, đánh trống, thổi kèn không? Cộng đoàn có tổ chức luôn phiên đi đàng Thánh Giá không? Thưa không.
Nên nhớ rằng: các việc đạo đức phải có cùng nhiệp điệu, cùng thời khắc với các mầu nhiệm mà Giáo Hội cử hành hôm nay qua các nghi thức Phụng vụ.
Lm. Giuse Trần Thiện Tĩnh
Trưởng Ban Phụng vụ Gp. Bùi Chu