Câu chuyện cuối tuần: Truyền thông sạch
Thứ sáu - 28/10/2016 15:43
2044
Ô nhiễm môi trường sinh thái, thực phẩm bẩn, bạo lực gia tăng và tham nhũng hoành hành là những mối lo ngại của người dân Việt Nam hiện nay nói chung và cũng là mối lo âu của cả các vị chủ chăn nói riêng được đề cập đến trong thư chung hồi đầu tháng Mười sau khi kết thúc khóa họp thường niên tại Trung tâm Mục vụ TGP Sài Gòn. Cũng trong mối quan ngại này, thư gửi gia đình của giáo phận Phan Thiết còn nói đến một thứ ô nhiễm văn hóa. Tất cả những chi tiết đó được tổng hợp lại làm thành những đường nét tô đậm bức tranh đầy ảm đạm của hiện tình Việt Nam. Hơn lúc nào hết, người dân Việt bày tỏ khát vọng lúc này về một môi trường sinh thái sạch, môi trường văn hóa lành mạnh, an toàn thực phẩm đạt tiêu chuẩn sạch. Cũng theo chiều hướng đó, người viết còn có mong muốn về một môi trường truyền thông sạch.
Sở dĩ đề cập đến đề tài này là vì trong khi cảnh đời của người dân miền Trung nói riêng lênh đênh theo triều cường của cơn lũ ùa tới xối xả nhấn chìm tất cả trong biển nước mênh mang thì cơn bão tố công luận nói chung tại Việt Nam cũng bùng nổ gây hoang mang cho toàn dân chúng bởi tâm bão xuất phát từ loạt bài đánh vào thứ tiêu dùng mang tính quốc hồn quốc túy của người Việt trong nước cũng như hải ngoại đó là nước mắm truyền thống của một tờ báo vốn thu hút lượng độc giả vào bậc nhất từ xưa tới nay.
Nước mắm là thứ không thể thiếu đối với bất kỳ một gia đình nào từ bậc nghèo khó mạt hạng cho đến hàng giầu sang lắm bạc nhiều tiền. Nhu cầu sử dụng loại nước chấm này không chỉ dừng lại thị trường từng vùng miền trong nước nhưng còn vươn ra đến cả những cộng đồng người Việt ở hải ngoại. Tưởng chúng khó gây được thiện cảm đối với người nước ngoài vì nặng mùi ấy và rất đổi bình thường đối với chúng ta dùng để nêm nếm đồ ăn khi nấu bếp hay tăng thêm vị đậm đà trên bàn ăn nhưng thực sự nước mắm đã ăn vào máu thịt của người Việt. Cũng giống như mùi nồng nặc của phô mai thực sự là cực hình đối với người Á hay Phi nhưng lại là mùi vị khoái khẩu không thể thiếu đối với người Tây. Do đó, đối với những ai ở nơi đất khách quê người khi không được thưởng thức món nước chấm tinh túy này thì phải nói là thèm đến tột độ. Hẳn còn nhớ, vụ ô nhiễm môi trường biển miền Trung làm cá chết hàng loạt và việc sản xuất muối cũng buộc phải ngưng hồi đầu tháng Tư vừa rồi đã gây nên cơn sốt nước mắm của người Việt tại Mỹ: các gia đình đổ xô đi mua nước mắn khiết cho mặt hàng này tại các siêu thị sạch banh.
Trở lại tâm bão tác động mạnh trên công luận vụ nước mắm truyền thống gây ra bởi một tờ báo tên tuổi. Có thể nói hàng loạt bài về chủ đề này đã đánh trúng tâm lý người tiêu dùng tại Việt Nam khi mà vụ cá chết không chỉ ở vùng biển miền Trung mà ngay tại thủ đô ngàn năm văn hiến. Làm sao không sợ khi mà tại Việt Nam những người chết trẻ do căn bệnh ung thư ngày một nhiều ? Người ta biết rõ nguyên nhân là ô nhiễm môi trường, nguồn nước cũng như thực phẩm bẩn tẩm hóa chất nhưng hoàn toàn bế tắc không lối thoát: không ăn cũng chết mà ăn vào thì chấp nhận cái chết từ từ. Dù tờ báo đó sau khi gây hoang mang cho giới tiêu dùng nước mắm truyền thống đã chính thức lên tiếng xin lỗi nhưng một loạt bài báo về chủ đề này được phổ biến đều đặn và bài bản cùng lúc lại quảng cáo cho một sản phẩm nước mắm công nghiệp của một thương hiệu khác khiến độc giả không thể không nghi ngờ về thái độ chân thành để có thể cho đây thực sự là sơ ý chứ không hề có sự toan tính. Việc công kích sản phẩm truyền thống bấy lâu đã tạo được độ tin cậy nơi người tiêu dùng đồng thời lại ca ngợi sản phẩm cùng chủng loại của một thương hiệu mới làm cho công chúng phải đặt vấn đề về đạo đức nghề nghiệp của những người làm truyền thông qua vụ này.
Truyền thông có sức mạnh độc tôn của nó nhưng không thể sử dụng để gây hoang mang cho giới độc giả, lại càng không thể cố tình tạo nên những cơn địa chấn công luận bằng những bài giật gân, hay càng không thể bóp méo sự thật với dụng ý đạp đổ và gây tổn hại không thương tiếc để giúp loại đối thủ cạnh tranh nhằm trục lợi. Để phát huy thế mạnh trong lĩnh vực truyền thông nhằm mang lại ích lợi thực sự cho mọi người, tính xác thực và tôn trọng sự thật cần phải được mỗi hãng báo đài hay truyền hình cũng như người làm truyền thông đặt thành tiêu chí ưu tiên số một. Cũng như các môi trường khác, công chúng cần lắm một môi trường truyền thông sạch.
Tăng Kỳ Mục