Tôi chỉ có một đời để sống...
Thứ sáu - 01/11/2024 04:49
167
Nơi vùng trời và đất nơi ta sống, bốn mùa xuân, hạ, thu, đông lần lượt tới với mỗi cá thể, đem theo sắc thái vẻ đẹp độc đáo. Khi ánh sáng dịu dàng của mùa hạ dần lui về, nhường chỗ cho cảnh nắng thu rực rỡ, sự kết hợp tinh tế của trời đất đã tạo ra một mùa thu với sức quyến rũ đầy bí ẩn. Thu là mùa cuốn hút đó, không nồng nàn như hè, cũng không lạnh buốt như đông, mà mang đậm vẻ nhẹ nhàng, ngọt ngào, như bó hoa cúc trong nắng sớm. Với tác động của ánh nắng và gió thu, thảm cây cối và khung cảnh thiên nhiên dần chuyển sang một tông màu vàng, báo hiệu sự chuyển mình của tự nhiên, một lần nữa đón nhận chu kỳ sống mới. Những chiếc lá xanh cỏ từ từ biến thành những phiến lá vàng óng, từ từ rơi xuống và trải đều dưới chân, mỗi cơn gió nhẹ nhàng làm cho chúng nhảy múa, tạo ra một vẻ đẹp tuyệt vời và phù phiếm của mùa thu. Đi bộ dưới những hàng cây rụng lá, ta trở thành một phần của thiên nhiên, cảm nhận hạnh phúc mênh mông và tình yêu đối với cuộc sống. Đối với nhiều người, cảnh tượng những chiếc lá rơi trên mặt đất gợi lên những cảm xúc u buồn, nhưng cũng đồng thời mang đến cảm giác thanh thản, nhẹ nhàng, giống như việc chiếc lá đang rời xa những gánh nặng của mình. Điều tưởng chừng như bình thường và tầm thường như việc chiếc lá rơi cũng chứa đựng những ý nghĩa sâu xa, là sự tiếp tục cho cuộc sống, đón nhận những thay đổi tích cực hơn.
Nhưng, với mỗi người Kitô hữu, khoảng thời gian này của đất trời khiến lòng người mang bao tâm tình tri ân, bước vào Tháng cầu cho các tín hữu đã qua đời. Phụng vụ của Giáo Hội những ngày này mang đến một ý nghĩa thật đẹp. Ngày đầu tháng 11, mẹ Giáo Hội mời gọi con cái mình hướng lên trời cao để tôn vinh các Thánh, là những người nam người nữ, ‘con cái Thiên Chúa’ (x.1Ga 3.1) và là môn đệ Đức Ki-tô công khai cũng như ‘thầm kín’, ‘sống rải rác khắp nơi trên địa cầu, ở mọi nơi mọi thời, thuộc đủ mọi dân tộc, quốc gia và ngôn ngôn ngữ’ (Kh 7,9). Sang ngày mồng Hai, các tín hữu được mời gọi cầu nguyện cho các tín hữu đã qua đời. Không những thế, trong suốt cả tháng 11 này, con cái Chúa nơi trần gian sống với tâm tình của tháng tri ân, hướng về những người đã ra đi trước về cõi vĩnh hằng.
Trong tháng tri ân này, ta thấy nơi đất thánh, một hình ảnh được gợi nên thật đẹp. Ai cũng chăm lo làm sao để mộ phần được sạch đẹp và ấm cúng. Ngoài những đóa hoa rung rinh trên những nấm mồ, người ta có thể thấy những khói hương nghi ngút hoặc ánh nến lunh linh. Đất thánh lúc này thực sự là một mảnh đất xinh đẹp không quá đáng sợ khiến người ta xa tránh. Nét đẹp bên ngoài ấy thể hiện tấm lòng người còn sống muốn nhớ về những linh hồn đã khuất. Giữa đất trời mênh mông, người chết và người sống ở gần nhau, cùng nhau dâng lên Thiên Chúa hy lễ xá tội duy nhất là Đức Kitô trong thánh lễ. Một hình ảnh có chút thơ mộng nói lên sự liên đới chặt chẽ mọi người, dù còn đứng trên mặt đất hay đã nằm dưới nấm mồ. Thật vậy, niềm hy vọng phục sinh và sống đời đời là sợi dây bền chặt nối kết các Kitô hữu với nhau và với Đức Kitô. Niềm hy vọng đó thôi thúc chúng ta không ngừng mở rộng tình hiệp thông, ngõ hầu ơn cứu độ của Thiên Chúa được nhân rộng thêm nơi mọi người. Như thế, mầu nhiệm hiệp thông là một mầu nhiệm năng động mà mọi người đều đóng góp.
Nét đẹp nơi đất thánh còn là tình người với nhau. Nơi đất thánh, chúng ta không chỉ cầu nguyện cho người đã khuất, mà còn là nơi diễn tả tình liên đới của những người còn sống. Thành viên trong gia đình, đoàn thể trong xứ cùng nhau hiện diện nơi đất thánh để dâng về Chúa biết bao nguyện cầu. Lúc này đất thánh không còn là mảnh đất lạnh lùng âm u, nhưng là nơi ấm áp tình người. Rồi mỗi người nhận thấy phận mình mong manh; trước cái chết, chỉ có Thiên Chúa mới cứu được chúng ta. Nhờ thế, tự nhủ với lòng, tôi sẽ sống tốt hơn với Chúa, với tha nhân. Qủa vậy, ta được sinh ra trên đời để phụng sự Chúa và phục vụ tha nhân hầu mong đạt tới sự sống đời đời và hạnh phúc vĩnh cửu mai sau. Có nhiều con đường phụng sự Thiên Chúa và phục vụ tha nhân. Người thì phụng sự Thiên Chúa và phục vụ tha nhân trong ơn gọi tu trì, người thì phụng sự Thiên Chúa và tha nhân trong ơn gọi hôn nhân gia đình. Dù ở trong ơn gọi nào đi nữa, tất cả chúng ta đều phải sống một đời thánh thiện trong sạch, luôn sẵn sàng lắng nghe và thực thi ý Chúa. Hy vọng nơi đất thánh luôn trổ sinh những nét đẹp thánh thiêng như thế!
Mỗi người có thể cảm nhận thêm nhiều nét đẹp nơi đất thánh. Hãy nhìn di ảnh trên phần mộ của người đã khuất để nhớ về một con người từng hiện diện với chúng ta. Họ cũng muốn liên lạc với chúng ta. Cầu chúc cho nhau trong tháng 11 này, chúng ta hạnh phúc bước vào đất thánh để nài xin Chúa cứu lấy các linh hồn nơi luyện ngục. Đàng khác, người chết nằm đây muốn nhắc nhở chúng ta : “Hodie mihi, cras tibi” : hôm nay phiên tôi, ngày mai đến phiên anh. “Hôm nay” (hodie) là một ngày nhất định, rõ ràng, tại đây và lúc này, ai cũng phải công nhận rằng người thân yêu của chúng ta đã ra đi về đời sau, và được chôn vùi trong lòng đất. Còn chữ “Ngày mai” (cras) là một ngày bất định, mông lung, mờ mịt không biết bao giờ mới đến như người ta nói :”Sinh hữu hạn, tử bất kỳ”. Đây là điều bắt buộc chúng ta phải động não vì nó liên quan đến số phận đời đời của chúng ta. Khi ra đất thánh, chúng ta hãy mang lấy tâm niệm “mortuis morituri” nghĩa là “người sẽ chết tưởng niệm người đã chết”. Việc tưởng niệm đến sự chết là điều hữu ích giúp chúng ta sống tốt lành hơn vì kẻ trước người sau ai cũng phải chết. Ngày hôm nay ta hãy nhớ tới sự chết, không chỉ trong tháng này mà là từng giây từng phút trong cuộc đời,noi gương các vị khổ tu xưa, mỗi lần gặp nhau, họ thường chào nhau với câu : “memento morti” : ngươi hãy nhớ đến sự chết. Hẳn là ai cũng muốn cho mình có một ngày chết rất tốt đẹp, một ngày đáng mừng, không muốn ngày chết là ngày thê lương đáng phải nhận lấy câu nguyền rủa của Chúa Giêsu : “Thà rằng nó đừng sinh ra thì hơn” (Mt 26,24). Tương lai thì còn xa, nhưng tương lại nằm trong hiện tại. Giờ chết của chúng ta lệ thuộc vào giờ phút hiện tại bởi vì “cây tốt thì sinh quả tốt” (x. Mt 7,17-18). Cứ nhìn vào cuộc sống hiện tại thì có thể biết giờ chết của ta sẽ ra như thế nào vì theo Kinh thánh thì “Trẻ đi lối nào, thì già đi lối đó”. Cái cây đã nghiêng về phía nào thì sẽ đổ về phía ấy. Một điều chắc chắn nữa là ngay sau khi chết mỗi người sẽ phải thanh toán với Chúa về cuộc sống của mình theo nguyên tắc “hữu công tắc thưởng, hữu tột tắc trừng” như sách Huấn ca đã nói: “Trong ngày mệnh chung, trả cho con người theo lối họ đã sống, đối với Đức Chúa, là chuyện thật dễ dàng” (Hc 11,26)
Trong niềm tin vào lòng Chúa xót thương, ta phó thác linh hồn họ cho Chúa Giêsu Kitô, Đấng đã chiến thắng tử thần.
Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng sống, xin đoái thương đón những linh hồn nơi luyện ngục về chốn bình an. Xin nhận lời chúng con nguyện cầu cho họ được hưởng nhan thánh Chúa. Xin Chúa đừng lãng quên thân bằng quyến thuộc của chúng con. Amen.
Thiết nghĩ, nên tìm hiểu đôi nét về việc cầu cho các tín hữu đã qua đời.
1. Nhiều linh hồn chết trong ơn nghĩa với Chúa, nhưng vẫn đang còn chịu sự thanh luyện
Trong Vương quốc của Thiên Chúa hằng sống – thành Giê-ru-sa-lem trên trời, có những người công chính đã được nên hoàn thiện (Kh 21,27) nhờ được thanh luyện như “băng qua lửa” (1Cr 3, 15). Có nhiều tranh luận và những cuộc bút chiến về sự tồn tại của nơi thanh luyện “purgare” dành cho các linh hồn dù được ơn nghĩa với Chúa nhưng vẫn còn phải chịu những hình phạt bởi tội. Vào thế kỷ IV, thánh Ê-pi-pha-ni-ô chống lại tư tưởng của phái A-ri-ô, khi nhóm này chủ trương không có luyện ngục và cầu nguyện cho những người chết là vô ích. Vào thời Trung cổ, nhiều giáo phái từ chối tin vào sự tồn tại của luyện ngục, như lạc giáo Albigenses, Voudoir.
Giáo lý Hội thánh Công giáo, số 1030 viết:
Những người chết trong ân sủng và tình thân nghĩa của Thiên Chúa, nhưng chưa được thanh luyện hoàn toàn, thì tuy họ chắc chắn sẽ được cứu độ muôn đời, họ còn phải chịu thanh luyện sau khi chết, để đạt được sự thánh thiện cần thiết hầu tiến vào hưởng niềm vui thiên đàng.
Như thế, luyện ngục không phải là nơi chốn linh hồn bị luận phạt, là nơi Thiên Chúa diễn tả tình thương của mình dành cho con người, Người khao khát tẩy rửa các linh hồn để họ có thể thông hiệp trọn vẹn với Người trong Thiên Quốc. Hơn nữa, vì Thiên Chúa là tình yêu, nên lòng thương xót vô biên của Thiên Chúa còn lớn hơn sự phán xét công minh của Người. Sự chuyển cầu của những người còn sống có thể giúp các linh hồn đang chịu thanh luyện mau chóng đạt đến sự thánh thiện vẹn toàn. (Tông Huấn Giáo Lý Ân Xá - Indulgentiarum Doctrina, số 3)
2. Các linh hồn không thể tự cầu nguyện cho mình, mà chỉ còn cậy nhờ vào lời cầu nguyện của các tín hữu
Thánh vịnh 88 (lời than vãn “tối tăm” nhất trong các lời than vãn) là tiếng kêu van từ sâu tận của một tâm hồn đang thổn thức, não nề. “Lạy Chúa là Thiên Chúa cứu độ con, trước thánh nhan, đêm ngày con kêu cứu. Nguyện cho lời kinh vọng tới Ngài, xin lắng nghe tiếng lòng thổn thức”. Đây là lời than vãn của một người còn sống, một tâm hồn tuyệt vọng và “tràn ngập đau khổ”. Tuy nhiên khi thánh vịnh 88 cất lên, ta cảm giác như đang được nghe khúc ai ca của một kẻ đang nằm dưới mồ mả vì vịnh gia liên tục ví mạng sống của mình như “âm phủ gần kề”, thân xác mình như những tử thi khác bị “vùi trong mồ mả”, “bị Chúa quên đi” và “không được tay Ngài săn sóc”. Thật khổ sở, vịnh gia cảm thấy mình bị giam cầm trong vương quốc của kẻ chết, bị khóa chặt trong ngục tù Sheol và chỉ còn một mình trong bóng tối. Lời than vãn “tối tăm” ấy vô hình trung gợi lên những hình dung về trạng thái con người sau khi chết tuy rằng nó còn tương đối mơ hồ.
Trong Cựu Ước, cái chết cũng mang một viễn tượng buồn thảm, nó “thảm” như những gì vịnh gia đã cảm nhận. Các tổ phụ cho rằng người chết xuống âm ti, ở đó không có ánh sáng, những linh hồn phải sống một đời sống trì trệ, không thể ca ngợi Thiên Chúa. Điều này chúng ta cũng thấy rõ trong bài ca của vua Khít-ki-gia. “trong chốn tử vong, không người ca tụng Chúa, và trong nơi âm phủ, chẳng ai ngợi khen Ngài. Kẻ xuống mồ cũng dứt niềm trông cậy vào lòng Chúa tín trung.” (Is 38,18). Ngoài một đời sống trì trệ và đờ đẫn, các tổ phụ còn cho rằng người chết cũng không thể thực hiện ý định của trần gian và vịnh gia cũng nhắc đến điều này: “Đừng tin tưởng vào nơi hàng quyền thế […]. Họ tắt hơi thở là trở về cát bụi, dự định bao điều: ngày ấy tiêu tan.” (Tv 145). Chính Thiên Chúa đã dùng cánh tay của Người lấy lại hơi thở (sinh khí – ruah) là thứ làm cho con người sống.( x. Sự Chết Đối Với Các Tổ Phụ, Để làm giàu kiến thức kinh thánh (Hà Nội: Tôn Giáo, 2012), tr.127). Khi con người xuống âm ti, họ không thể làm được gì cả, họ trông lên Chúa nhưng không thể van xin và ca tụng, họ bất lực trong một đời sống trì trệ, họ chỉ còn biết trông chờ vào tình thương của Thiên Chúa mà thôi.
Theo thánh Tôma Aquinô, những kẻ ở trong luyện ngục mặc dầu ở “trên” chúng ta do tính không thể phạm tội, nhưng vẫn ở tình trạng dưới chúng ta nếu chúng ta xem xét sự đau khổ mà họ phải chịu. Về phương diện này họ không ở trong tình trạng có thể cầu nguyện cho chúng ta, đúng hơn là chúng ta phải cầu nguyện cho họ.( Summa Theologiae II, q.83, a.11)
3. Bản chất của Hội thánh là sự hiệp thông
Thánh Âu Tinh cho rằng, linh hồn của những người hiếu trung không bị tách ra khỏi Hội thánh của Thiên Chúa, vì vậy những lời cầu nguyện và việc làm của những người còn sống sẽ hữu ích với những người đã qua đời (Thành đô Thiên Chúa XX.9). Trong Kinh Tin Kính sau khi tuyên xưng “Hội Thánh hằng có ở khắp thế này” chúng ta tuyên xưng mầu nhiệm “các thánh thông công”. Thánh Tôma Aquinô cũng nói rằng, các tín hữu làm thành một thân thể duy nhất, nên điều thiện hảo của người này được truyền thông cho người khác. Vì vậy mà giữa các “tình trạng Hội thánh” có sự hiệp thông với nhau. Hội thánh lữ hành luôn tưởng nhớ đế Hội thánh đau khổ trong Thánh lễ, bằng lời cầu nguyện và những hy sinh bác ái để chuyển cầu cho họ. Tất cả chúng ta đều là con cái của Thiên Chúa và hợp thành một gia đình trong Đức Kitô, nên khi chúng ta hiệp thông với nhau trong đức mến hỗ tương và trong cùng một lời ngợi khen Chúa Ba Ngôi Chí Thánh, chúng ta sống phù hợp với ơn gọi thâm sâu của Hội Thánh.(GLCG số 947, 958, 959)