Thứ 5 CN I PS Năm C (Mc 16,15-20)
Chúng ta thường nói: bản chất của Giáo hội là truyền giáo. Vậy truyền giáo bắt nguồn từ đâu? Đi tìm câu trả lời, bài Tin Mừng cho thấy, lệnh truyền đó bắt nguồn từ lời sai đi của Chúa Giê-su sau khi Ngài phục sinh. Ngài hiện ra với Nhóm 11, Ngài nói: “Các con hãy đi khắp thế gian, rao giảng Tin Mừng cho mọi tạo vật. Ai tin và chịu phép rửa, thì sẽ được cứu độ, ai không tin, sẽ bị luận phạt”. Lệnh truyền ấy mang những khía cạnh sau: tính phổ quát, hiệp nhất, ơn cứu độ phổ quát và truyền giáo công việc của Chúa Thánh Thần.
Trước tiên, sứ mạng truyền giáo luôn mang tính phổ quát, vì dành cho mọi dân tộc trên thế giới, không bị giới hạn bởi ngôn ngữ, không gian và thời gian. Sứ mạng truyền giáo được Thiên Chúa sai đến muôn dân để nên “bí tích cứu độ phổ quát” cho hết mọi người: “Các con hãy đi khắp thế gian, rao giảng Tin Mừng cho mọi tạo vật”.
Thứ đến, sứ mạng truyền giáo của Chúa bắt nguồn từ tình yêu vĩnh cửu của Thiên Chúa Ba Ngôi, nên “tự bản chất, Giáo Hội lữ hành phải truyền giáo, vì chính Giáo hội bắt nguồn từ sứ mạng của Chúa Con và Chúa Thánh Thần, theo ý định của Chúa Cha” (AG.2). Vì thế, mục đích tối hậu của việc truyền giáo là làm cho mọi người trên thế giời hiệp thông với Chúa Cha và Chúa Con trong Chúa Thánh Thần. Nhờ lãnh nhận bí tích Rửa tội, người ki-tô hữu được hiếp nhất với nhau trong cùng một đức tin và cùng gọi Thiên Chúa là “Cha”.
Sau nữa, sứ mạng truyền giáo được bắt nguồn từ chính tình yêu Thiên Chúa đối với mọi người, theo như thánh Phao-lô, “Thiên Chúa muốn cho mọi người được cứu độ và đạt tới sự nhận biết chân lý” (1Tm 2,4) và trong chân lý có ơn cứu độ. Như thế, Thiên Chúa muốn mọi người được ơn cứu độ nhờ nhận biết chân lý. Những ai biết đón nhận chân lý hoặc tin và chịu phép rửa thì sẽ được cứu độ. Còn đối với những người Do thái thời đó vì lòng cứng tin, khước từ lời gọi của Chúa Giê-su phục sinh thì họ sẽ bị lên án. Do vậy, ơn cứu độ phổ quát dành cho tất cả mọi người, ngay cả những người chưa được rửa tội, miễn là họ sống ngay lành theo ý định của Chúa.
Cuối cùng, sứ mạng truyền giáo là con đường của Chúa Thánh Thần, Người là chủ xướng mọi công cuộc truyền giáo và bảo vệ con đường ấy. Ngày nay, Giáo hội kế thừa truyền thống và tiếp tục thi hành lệnh truyền của Chúa Giê-su phục sinh là rao giảng Tin Mừng cho người nghèo, người đau khổ và tiến bước trên chính con đường Chúa Ki-tô đã đi là nghèo khó, vâng lời và phục vụ trong yêu thương.
Nhìn vào cuộc đời và sự nghiệp của thánh sử Mác-cô, tác giả sách Tin mừng mà chúng ta mừng kính hôm nay như một tấm gương trong công việc truyền giáo. Ngài đã theo thánh Phao-lô trong hành trình truyền giáo lần thứ nhất và theo đến tận Rô-ma. Ngài cũng là thông ngôn của thánh Phê-rô và đã soạn lời giảng của thánh Phê-rô thành sách Tin Mừng. Xin Chúa cho mỗi người chúng ta luôn ý thức mình là một thành phần trong Giáo hội, noi gương thánh nhân và có trách nhiệm thực hiện lệnh truyền giáo của Chúa Giê-su phục sinh đã để lại cho Giáo hội chúng ta: “Các con hãy đi khắp thế gian, rao giảng Tin Mừng cho mọi tạo vật”, Amen!
NVC, Nhóm Suy niệm BC