CHÚA NHẬT XVI TN – A
Mt 13,24-43
Nói đến Tin Mừng Mátthêu là nói đến năm bài giảng lớn: Bài giảng trên núi, bài giảng về sứ mạng truyền giáo, bài giảng bằng các dụ ngôn, bài giảng về Giáo Hội, và bài giảng về thời cánh chung. Tất cả năm bài giảng lớn này tuy trình bày những khía cạnh khác nhau, nhưng đều nói về một đề tài chung là Nước Trời. Trong bài giảng bằng các dụ ngôn, thánh sử Mát Thêu đã ghi lại bảy dụ ngôn mà Chúa Giêsu đã trình bày. Tin Mừng hôm nay là ba dụ ngôn nằm trong: bài giảng bằng các dụ ngôn.
Chúa Giêsu đã dùng các dụ ngôn để giảng dạy dân chúng. Qua ba dụ ngôn này, Chúa Giêsu đã phác họa hình ảnh Nước Trời quả thật là một mầu nhiệm. Khởi sự là nhỏ bé, nhưng Nước Trời được lớn dần cả về lượng (dụ ngôn hạt cải), cũng như về phẩm (dụ ngôn men trong bột). Và, Nước Trời không phải là một thực tại xa với, nhưng được khởi đi từ chính cuộc sống này: Nước Trời tại thế (dụ ngôn cỏ lùng). Trong bài viết này, xin được chia sẻ về dụ ngôn đầu tiên: dụ ngôn cỏ lùng.
Nói đến tên “cỏ lùng” có lẽ nhiều người không hình dung ra được. Ở Việt Nam, cỏ này có tên là cỏ lồng vực. Với đặc điểm nước ta là quốc gia nông nghiệp, chắc chắn nhiều người sẽ biết thứ cỏ này. Đây là thứ cỏ khi còn nhỏ rất giống cây lúa, người ta chỉ phân biệt được nó khi nó lớn, vì thân to, lá dài và ăn rễ sâu. Loại cỏ này làm hại lúa vì nó hút hết màu đất. Thế mà trong dụ ngôn, khi đầy tớ phát hiện có cỏ, và ngỏ ý muốn đi nhổ cho khỏi hại đến lúa thì ông chủ lại không đồng ý. Điều này trái ngược hoàn toàn với cách làm của nhà nông, vì người ta sẽ nhổ càng sớm càng tốt. Qua đó, chúng ta thấy việc làm của ông chủ thật bất hợp lý. Bất hợp lý ở chỗ, ông biết nguồn gốc cỏ từ đâu mà ra: là do kẻ thù gieo vào; khi đầy tớ muốn nhổ thì ông lại không cho nhổ, lẽ ra thà bật rễ của một khóm lúa còn hơn bị cỏ ăn hết màu đất của nhiều khóm lúa; và theo kinh nghiệm của nhà nông, nếu không diệt tận gốc thì vụ sau nó sẽ tiếp tục mọc; rồi một bất hợp lý nữa, nếu để đến mùa gặt thì thợ gặt lại phải tốn công tách lúa với cỏ. Tuy nhiên, nhờ lời giải thích của Chúa Giêsu ở cuối Tin Mừng mà chúng ta hiểu được ý nghĩa của dụ ngôn. Như vậy, Chúa Giêsu có ý kể dụ ngôn này để cho chúng ta có một cái nhìn đúng về Nước Trời.
Thay vì người ta cứ đi tìm kiếm Nước Trời ở mãi đâu đâu, thì hôm nay Chúa Giêsu cho thấy Nước Trời đang hiện diện ở chính thế gian này. Thế gian này được gọi là Nước Trời tại thế, và Nước Trời tại thế không phải là một “mảnh đất” toàn thiện, bởi vì ngoài những hạt giống tốt là con cái Nước Trời, thì vẫn có cỏ lùng là là ma quỷ. Đúng như vậy, thế giới này, Giáo Hội này vẫn luôn tồn tại kẻ xấu và người tốt, người công chính và kẻ tội lỗi. Thiên Chúa không phải là nguyên nhân tạo ra kẻ xấu và kẻ tội lỗi, nhưng theo lời Tin Mừng thì ma quỷ chính là nguyên nhân tạo ra.
Qua đây, Chúa Giêsu cho chúng ta thấy điều gì? Với việc minh định rằng, cho dù mảnh ruộng thế gian được chính Con Người - Con Thiên Chúa gieo hạt giống là con cái Nước Trời, thì sự thật rằng vẫn có những con cái làm tôi cho ma quỷ và sự dữ. Họ làm tôi cho ma quỷ và sự dữ bởi vì đã bị chính ma quỷ gieo rắc “cỏ lùng” là sự xấu vào trong con người của họ. Đó chính là câu trả lời cho câu hỏi tại sao trên đời này và trong chính Giáo Hội vẫn có nhiều người xấu.
Thiên Chúa có thể ra tay diệt trừ sự xấu làn nên những kẻ xấu, để ngăn chặn tầm ảnh hưởng của họ đến những con người công chính. Nhưng không, Thiên Chúa vẫn kiên nhẫn chờ đợi cho đến ngày tận thế. Điều đó nói lên lòng thương xót và nhẫn nại chờ đợi của Thiên Chúa, như Lời Chúa trong sách khôn ngoan đã nói: “Chúa xử khoan hồng, vì Người làm chủ được sức mạnh” (Kn 12,18). Khi đối diện với những con người chuyên làm điều và ác bất công, ảnh hưởng đến cộng đồng, có lẽ ai trong chúng ta cũng mong họ bị Thiên Chúa sớm ra tay trừng phạt. Nhưng, Thiên Chúa lại nhìn họ với một ánh mắt và trái tim nhân từ, là để cho họ có cơ hội trở về và cơ hội ấy kéo dài cho đến ngày tận thế.
Về phía người tín hữu, một khi Thiên Chúa đã lấy lòng nhân từ mà đối xử và kiên nhẫn chờ đợi kẻ tội lỗi, thì chúng ta đừng bao giờ hy vọng thế giới này hết kẻ xấu và người tội lỗi. Cho đến khi nào trời đất này qua đi, nghĩa là đến ngày tận thế, thì mới vắng bóng sự dữ và người tội lỗi. Như thế, để cho mỗi người chúng ta phải xác định: cuộc sống này không bao giờ hoàn hảo. Một khi thế giới này chưa qua đi, thì chúng ta còn phải sống và chiến đấu với những sự dữ, sự xấu và bất công. Tuy nhiên, cũng như ma quỷ gieo rắc cỏ lùng vào trong ruộng tốt thế nào, thì những người xấu và tội lỗi, họ cũng bị gieo rắc lối sống ấy như vậy. Người tín hữu của Chúa được mời gọi đấu tranh với cái xấu chứ không loại trừ người xấu, bởi họ cũng chỉ là những người do yếu đuối nhất thời và bị ảnh hưởng mà thôi. Thiên Chúa đã kiên trì chờ đợi cho đến mùa gặt mới loại trừ “cỏ lùng”, thì người Kitô hữu chúng ta cũng được mời gọi phải nhẫn nại chờ đợi sự hoán cải của tha nhân tội lỗi. Hơn nữa, phải góp phần tích cực biến đổi họ trở nên tốt, vì “thánh nhân nào cũng có quá khứ, tội nhân nào cũng có tương lai”. Trông chờ ơn Chúa, chúng ta phải hy vọng vào những điều tốt đẹp sẽ xảy đến.
Bản thân mỗi người Kitô hữu, được Thiên Chúa gìn giữ để theo đuổi đời sống công chính đó là một ân ban. Tuy nhiên, cũng phải xác định rằng, đối với chúng ta, không ai được ơn miễn nhiễm với tội lỗi. Nghĩa là bất kỳ lúc nào mình cũng có thể trở nên người xấu, vì ma quỷ luôn rình mò để gieo rắc những sự dữ, như kẻ xấu gieo rắc cỏ lùng. Ma quỷ có thể gieo rắc sự dữ vào trong mình qua: những mánh lới làm ăn, qua những tư tưởng bất đồng, qua những tham lam ích kỷ, nhưng thành kiến đố kỵ, … Như vậy, bản thân mỗi người vừa là “lúa” vừa là “cỏ lùng”, bởi vì bên cạnh sự nỗ lực để theo đuổi đời sống tốt lành thánh thiện, thì vẫn còn đó những yếu đuối của kiếp người. Vì thế, người tín hữu phải luôn sống tỉnh thức để khỏi sa vào những mánh lới của ma quỷ, như lời Chúa trong thư thứ nhất của thánh Phê-rô đã mời gọi: “Anh em hãy chuẩn bị lòng trí, hãy tỉnh thức, hãy hoàn toàn đặt niềm trông cậy vào ân sủng sẽ được mang đến cho anh em trong ngày Đức Giê-su Ki-tô tỏ hiện” (1Pr 1,13).
Có một đặc điểm rất nhỏ trong dụ ngôn, nhưng lại phản ánh một thực tại của con người trong thế giới. Người đầy tớ khi phát hiện đã đến thưa với ông chủ “Ông có muốn chúng tôi ra đi gom lại không?” (13,28b). Chỉ là một người đầy tớ giục gì làm đó, mà đã ý thức và chủ động xin chủ loại bỏ cỏ lùng trong ruộng. Điều đó nói lên khát vọng của con người mọi thời đại, dù giàu sang hay bần cùng, dù làm chủ hay làm tớ,… đều mong ước tìm về cái thiện. Đó là một khát vọng chân chính, và đẹp ý Thiên Chúa. Nước Trời tại thế sẽ hoàn tất cách tốt đẹp nếu tất cả cùng sống những chuẩn mực Nước Trời đòi hỏi, mà chỉ sống được những chuẩn mực ấy khi có động lực là những khát vọng chân chính. Vì thế, tất cả mọi Kitô hữu đều được mời gọi hãy sống với những khát vọng tốt đẹp và chu toàn bổn phận mà Nước Trời đòi hỏi ngay ở thế gian này. Với những khát vọng chính đáng, chúng ta sẽ được Thánh Thần nâng đỡ, như lời của thánh Phao-lô đã nói: “Thần Khí nâng đỡ chúng ta là những kẻ yếu hèn…..Thần Khí cầu thay nguyện giúp chúng ta” (X. Rm 8,26-27).
Xin Chúa thương dẫn dắt và không ngừng gieo rắc trong tâm hồn mỗi người chúng ta những hạt giống, hạt giống của những khát khao tìm về Chân, Thiện, Mỹ. Amen.