Tháng 11, nhớ đến các tín hữu an nghỉ

Thứ tư - 25/10/2017 15:07  4459
Giáo hội dành riêng tháng Mười Một để cầu nguyện cho các tín hữu đã qua đời. Đây là bổn phận của các tín hữu còn sống do mối liên hệ của các thánh cùng thông công. Hơn nữa, trong mối liên hệ ruột thịt, những tín hữu ra đi trước chúng ta trong đó có cả ông bà cha mẹ, tiền nhân và những người thân thuộc. Cách riêng tại Việt Nam chúng ta với truyền thống đề cao ông bà tổ tiên, nghĩa vụ đối với người thân quá cố ngay từ khi nhắm mắt xuôi tay đến việc ma chay và giỗ chạp là rất quan trọng. Nhân tháng đặc biệt này, người viết muốn dành chút ít thời gian để nói về đề tài liên quan đến việc lo hậu sự cho người quá cố theo hình thức truyền thống đó là an táng. Có rất nhiều hình thức lo hậu sự cho người quá cố tùy theo tập quán khác nhau của người dân tại mỗi địa phương: một số nơi quen với việc thủy táng, hỏa táng hoặc có nơi khác lại xẻ thi hài của người quá cố để cho đám súc vật kền kền ăn thịt…Tuy nhiên, chúng ta thấy phần đa trên thế giới chọn hình thức thông dụng là an táng.
 
00 00 tombe
 
Riêng đối với các kitô hữu, hình thức này còn mách bảo chúng ta về kiếp phận mong manh của con người: sinh ra từ cát bụi và rồi lại trở về cát bụi. Khi đứng trước mộ phần của người thân, chúng ta cũng nghĩ ngay đến một mai này sẽ đến lượt mình đi vào lòng đất mẹ. Nhờ vậy, quãng thời gian còn lại của cuộc đời phải được sử dụng sao cho thật ý nghĩa trong việc sinh ích lợi cho bản thân và cho người khác cũng như tránh để bị lãng phí trong sự vô bổ. Ngoài ra, hình thức an táng sẽ làm cho người quá cố không bị rơi vào quên lãng đối với người còn sống. Khi đứng trước mộ phần của người thân, chúng ta sẽ nghĩ ngay đến cuộc đời của họ khi sinh tiền, những gương sáng mà họ đã để lại, những việc tốt lành mà họ đã thực thi, những mối liên hệ đầy tình người mà họ đã duy trì được với người thân thuộc và với tha nhân…Đặc biệt, khi viếng nơi an nghỉ của các tín hữu đã lìa cõi thế, chúng ta sống chặt chẽ tín điều các thánh cùng thông công vì tin tưởng rằng các kitô hữu còn sống cũng như qua đời với tư cách là chi thể của Đức Kitô có mối liên hệ chặt chẽ với nhau và tất cả đều hướng đến đích điểm là được phục sinh viên mãn vào ngày sau hết nhờ công trạng cứu chuộc của Đức Giêsu Kitô.   
 
Quy luật “sinh ra từ cát bụi rồi trở về cát bụi” cũng nhắc nhở người còn sống tránh đi những hình thức rườm rà trong việc hậu sự đối với người thân qua đời. Bổn phận này cần biểu lộ được tình cảm chân chất phát xuất từ con tim của mình chứ không phải là dịp để phô trương cho mọi người xung quanh về cách tổ chức công phu và tốn kém. Nếu khi còn sống các bậc cha mẹ bị con cháu lãng quên hoặc đối xử lạnh nhạt để khi qua đời mới được bù đắp lại bằng ma chay chu đáo và mồ cao mả đẹp thì cũng chẳng sinh ích lợi gì. Tại một số nơi trên thế giới, người ta không quá chú trọng đến hình thức liên quan đến việc an táng và lập phần mộ cho người thân qua đời mà vẫn không hề tỏ ra bất kính đối với các ngài. Hầu hết các gia đình chỉ sử dụng một huyệt mộ cũng như một bia mộ cho tất cả các thành viên. Sau đó năm sinh và năm mất của những người quá cố lần lượt được khắc khi trên bia mộ duy nhất đó. Tại một số nghĩa địa khác, phần mộ gia đình được xây nổi trên mặt đất giống như lăng và phân chia thành từng ngăn dành cho người quá cố an nghỉ. Thậm chí, phần mộ của thầy Roger, đấng sáng lập Cộng đoàn Đại kết Taizé chỉ được vây quanh bằng mấy cục đá và chỉ có một thánh giá bằng gỗ trên đó khắc ghi tên tuổi của ngài.   
 
Tóm lại, lo chuyện hậu sự cho người quá cố và đặc biệt là người thân của mình luôn là việc bác ái được đề cao trong giáo huấn của Giáo hội được nêu trong kinh “Thương người có mười bốn mối” và cũng hợp với đạo lý làm người của mọi sắc dân trên toàn thế giới mà chúng ta không thể bỏ qua. Đây cũng là sự tôn trọng phẩm giá của mọi nhân vị từ khi chào đời cho đến khi nhắm mắt xuôi tay. Tuy nhiên sự tôn trọng này cần phát xuất từ tận đáy lòng chứ không hề khuôn sáo bằng dáng vẻ hình thức cầu kỳ bề ngoài. Xét về chiều kích siêu nhiên, việc cầu nguyện cho ông bà cha mẹ và các bậc tiền nhân là bổn phận của các tín hữu còn sống. Đức tin kitô giáo dạy chúng ta tin tưởng rằng thân xác hư nát của những tín hữu đã qua đời khi còn sống đã tin và sống theo Tin mừng của Đức Kitô sẽ được sống lại vào ngày sau hết để chung hưởng niềm hoan lạc, hạnh phúc đích thực và sự sống đời đời trong Nước Trời như chúng ta vẫn tuyên xưng trong Kinh Tin kính: “Tôi tin xác loài người ngày sau sống lại. Tôi tin hằng sống vậy. Amen”. 
 
Tăng Kỳ Mục
***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập286
  • Máy chủ tìm kiếm50
  • Khách viếng thăm236
  • Hôm nay50,125
  • Tháng hiện tại963,469
  • Tổng lượt truy cập78,966,920
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây