Sinh hoa kết trái, trở nên môn đệ Chúa

Thứ ba - 11/09/2018 05:39  1826
PHẦN TU ĐỨC

SINH HOA KẾT TRÁI VÀ TRỞ NÊN MÔN ĐỆ ĐỨC GIÊSU (Ga 15,1-17)

Dựa vào đâu để hoạt động của Hội đồng Mục vụ Giáo xứ sinh hoa kết trái? Chúa Giêsu dùng hình ảnh cây nho để diễn tả mối tương quan của Người với mỗi người môn đệ chúng ta. Chính trong tương quan này mà đời sống người môn đệ sinh hoa kết trái. Nhưng trước khi đi vào tương quan cụ thể ấy, chúng ta hãy ngắm nhìn toàn cảnh cây nho trong mối liên hệ với Người trồng nho: “Thầy là cây nho thật, và Cha Thầy là người trồng nho.” (Ga 15,1).

Chúa Cha là người trồng nho. Ngài không chỉ trồng cấy, nhưng còn chăm sóc đến từng cành nho. Niềm hy vọng và lao tác của Ngài, tất cả đều hướng đến hoa trái. Qua hoa trái, Ngài được tôn vinh: “điều làm Chúa Cha được tôn vinh là: anh em sinh nhiều hoa trái và trở thành môn đệ của Thầy” (Ga 15,8). Hoa trái người trồng nho mong chờ là gì? Và chúng ta quan tâm nỗi niềm mong chờ của Người trồng nho như thế nào? Hoa trái của cây nho hẳn là trái nho. Nhưng nước trái nho trở nên rượu nho mà Chúa Giêsu dùng để nói lên “tình yêu đến cùng” của Người nơi Mầu Nhiệm Thánh Thể. Như thế, hoa trái của cây nho không dừng lại nơi cành nho, nhưng còn xa hơn nữa. Hoa trái ấy biểu hiện sức sống từ chính thân nho và được Đức Giêsu đón nhận để trao dâng và sẻ chia đến cùng.

Dù chúng ta là ai, đảm nhận chức vụ nào trong cộng đoàn giáo xứ, chúng ta cũng là “cành nho” chứ không phải là “thân nho”. Đã là cành thì phải gắn liền với thân để tiếp nhận sức sống và sinh hoa kết trái: “Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái…; Ai không ở lại trong Thầy, thì bị quăng ra ngoài như cành nho và sẽ khô héo” (Ga 15,5-6). Vì thế, để sinh hoa trái, chúng ta được mời gọi “ở lại” trong Đức Giêsu, như cành nho gắn liền với thân nho. Ở lại trong nhau, đó là ngôn ngữ của tình yêu, một tình yêu kết nối chúng ta như cành nho gắn liền với thân nho và với Người trồng nho: “Chúa Cha yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy” (Ga 15,9). Nhờ gắn bó với Đức Giêsu, chúng ta được thanh luyện: “Anh em được thanh sạch rồi nhờ lời Thầy đã nói với anh em” (Ga 15,3).

Ở lại trong Đức Giêsu bằng cách giữ điều răn của Người: “Nếu anh em giữ các điều răn của Thầy, anh em sẽ ở lại trong tình thương của Thầy.” (Ga 15,10). Lề luật (nomos) là một nguyên tắc dành cho nhiều người, có khi xơ cứng và lạnh lùng qua chữ nghĩa; trong khi đó, điều răn (entolê) là lời dặn dò của một người dành cho một người trong một tương quan sống động và đặc thù. Trong bữa tiệc ly, Đức Giêsu trao ban cho chúng ta điều răn của Người; Người dặn dò các môn đệ trong khung cảnh bữa tiệc ly, sau một hành trình đồng hành với nhau đủ dài để tin tưởng và ghi khắc tình yêu, nghĩa là trong khung cảnh “tình yêu đến cùng”. Giữ điều răn của Đức Giêsu có nghĩa là để cho Lời của Người ở lại và thấm sâu vào tâm hồn và cuộc sống của chúng ta. Lời của Đức Giêsu vừa có chức năng cắt tỉa, làm cho chúng được nên thanh sạch, vừa như là nhựa sống, kết nối chúng ta với Người và làm cho đời sống chúng ta sinh hoa trái. Nhờ gắn bó với Đức Giêsu, chúng ta có thể cầu nguyện và chuyển cầu: “nếu anh em ở lại trong Thầy và lời Thầy ở lại trong anh em, thì muốn gì, anh em cứ xin, anh em sẽ được như ý” (Ga 15,7).

mua nho ninh thuan vao thang mayĐể sinh nhiều hoa trái, chúng ta phải trở nên môn đệ của Đức Giêsu; để trở nên môn đệ Đức Giêsu, chúng ta phải ở lại trong Người; và để ở lại trong Người, chúng ta phải đón nhận Lời của Người như là nhựa sống, như là lương thực nuôi sống chúng ta. Hội đồng Mục vụ Giáo xứ qui tụ những thành viên năng động và tích cực trong cộng đoàn giáo xứ. Bởi đó, hơn ai hết, chúng ta không chỉ được mong chờ trở nên môn đệ Đức Giêsu và làm cho đời sống và việc phục vụ của mình sinh hoa kết trái, mà còn, qua đời sống và việc phục vụ có sức cảm hoá ấy, xây dựng cộng đoàn Kitô hữu sống “yêu thương nhau”. Đó chính là hoa trái mà Người trồng nho và cùng Cây Nho mong đợi.

Hồi tâm.
  1. Trong đời sống của mình, tôi ưu tiên dành thời gian đọc-lắng nghe lời Chúa như thế nào?
  2. Trong việc phục vụ của mình, tôi dựa vào đâu để quyết định, dựa vào đâu để sắp xếp thứ tự ưu tiên các việc phục vụ trong giáo xứ?
  3. Trong Hội đồng Mục vụ Giáo xứ và trong giáo xứ, có ai hay có hoạt động nào giúp tôi gắn bó với lời Chúa; có ai hay có hoạt động nào cản trở tôi gắn bó với lời Chúa?
Lm Vũ Ngọc Tín SJ.

PHẦN QUẢN TRỊ MỤC VỤ

CÁC VỊ CHUYÊN TRÁCH CÁC LÃNH VỰC MỤC VỤ
“SAO CÁC ANH ĐỨNG ĐÂY…”

“‘Sao các anh đứng đây suốt ngày không làm gì hết?’ Họ đáp: ‘Vì không ai mướn chúng tôi’” (Mt 20,6-7).

Dẫn vào
Mới đây, vào dịp giúp Tĩnh tâm “20-23/8/2018”, trong các bài nói chuyện về chủ đề “Người trẻ và sứ mạng loan báo Tin Mừng” với Linh mục đoàn TGP. Sài Gòn-TP. HCM, Đức Cha Giu-se Trần Văn Toản, Giám mục phó GP. Long Xuyên, đã rất khéo léo khi nhắc các linh mục tháp tùng các bạn trẻ đừng đánh mất chính mình về lý tưởng, sự thật, tình yêu, tự do, tính cộng đoàn, và sự dấn thân.[1] Theo đó, các linh mục nói chung đều thấy chính mình cũng có trách nhiệm này đối với giới trẻ, giới trẻ thời đại @, giới trẻ của thời đại lòng Chúa xót thương. Ngoài ra, không ít người còn thấy đây cũng là trách nhiệm được ủy thác đặc biệt cho các thành viên hội đồng mục vụ giáo xứ, các vị chuyên trách các lãnh vực mục vụ.

Sao các anh đứng đây suốt ngày không làm gì hết
Trong cách trình bày của bài trước, “Các thành viên hội đồng mục vụ giáo xứ với tinh thần Cộng đồng Ki-tô nhỏ (SCC)”, các uỷ viên hội đồng mục vụ giáo xứ đã biết câu trả lời cho câu hỏi: “Sao các anh đứng đây suốt ngày không làm gì hết…”.[2] Nhưng rồi, có người cho rằng, vẫn có tình trạng chồng chéo nhau trong bổn phận, giẫm lên chân nhau trong trách nhiệm, ùn đẩy việc cho người khác khi gặp khó khăn. Thật ra, “… các anh đứng đây suốt ngày” là sự miêu tả cần có trong nghiên cứu định lượng (quantative study). Vấn đề chỉ biến thành trở ngại khi nghiên cứu định tính (qualitative study) không đạt yêu cầu. Lúc bấy giờ, “… các anh đứng đây suốt ngày…”  trở thành “Sao các anh đứng đây suốt ngày…”; thậm chí còn là: “Sao các anh đứng đây suốt ngày không làm gì hết…”.

Người trong độ tuổi lao động, bất luận là ai trong hạn tuổi người trẻ, “… không làm gì hết…” hoặc không được làm gì hết chắc chắn – nhận ra hay không nhận ra “mặc cảm” này – đều mang vào mình một nỗi buồn.[3] Vấn đề sẽ trở thành bất hạnh nếu đó là quan niệm “hưởng nhàn” của một số người trẻ; và sẽ là thảm họa cho tương lai nếu đó là quan niệm “hưởng thụ” của quá nhiều người trẻ.[4] Thật vậy, cũng như các tông đồ, môn đệ, cũng như các mục tử, linh mục, tu sĩ…, quý chức hội đồng mục vụ giáo xứ – cách riêng các vị đặc trách về giới trẻ – đều được mời gọi chia sẻ trách nhiệm “Người trẻ và sứ mạng loan báo Tin Mừng”, ngay tại xứ đạo mình phục vụ. Đừng vô tình chỉ đứng đấy, ngồi đấy “suốt ngày” và “không làm gì hết…” với lý do: “… vì không ai mướn chúng tôi”.[5]

Vì không ai mướn chúng tôi
Khi xem lại trách nhiệm được ủy thác cho mình, xem lại bổn phận của mình, ta nên điều chỉnh chính mình trước. Cũng như các linh mục tháp tùng các bạn trẻ, với sự từng trải trong đời, với kinh nghiệm sống đạo, các vị ủy viên đặc trách về giới trẻ, người trẻ đừng đánh mất chính mình là người có lý tưởng, là người của sự thật, là người của tình yêu, là người của tự do, là người của cộng đoàn, là người dấn thân. Thật vậy, các thành viên đặc trách về giới trẻ, người trẻ trực thuộc ban thường vụ hội đồng mục vụ giáo xứ hãy “đi vào vườn nho…” để lao động, để cùng làm việc với người trẻ, cho người trẻ, vì hạnh phúc của chính những người trẻ và của chính mình. Bởi lẽ, Ông Chủ Vườn Nho sẽ trả lương theo lẽ công bằng; đừng để rơi vào bối cảnh “… vì không ai mướn chúng tôi”.

Nghĩa là, trong vườn nho của Chúa tại các xứ đạo, không ai được nêu lý do “… vì không ai mướn chúng tôi” để từ chối không dấn thân làm việc. Tích cực hơn, với nhiệm vụ đặc trách các lãnh vực chuyên môn để phục vụ giáo xứ, các vị chuyên trách các lãnh vực mục vụ hoặc ban mục vụ giáo xứ, tùy theo nhu cầu và hoàn cảnh thực tế của mỗi giáo xứ, hãy thường xuyên tự vấn: “Sao các anh đứng đây suốt ngày không làm gì hết...”. Cũng không đổ lỗi cho người khác. Đừng để “vụng múa chê đất lệch”. Các vị chuyên trách các lãnh vực mục vụ hãy đừng nói: “Vì không ai mướn chúng tôi”. Thật vậy, quý chức đừng để mình phải “ăn không ngồi rồi”.

Câu hỏi giúp thảo luận
  1. Theo bạn, các linh mục nói chung, linh mục chánh xứ nói riêng, nên làm gì để cổ võ tinh thần dấn thân phục vụ của mọi người, cách riêng của giới trẻ?
  2. Cũng vậy, các thành viên hội đồng, hội đoàn giáo xứ, các vị chuyên trách các lãnh vực mục vụ nên làm gì?
29-8-2018, GTHH

PHẦN HUẤN GIÁO

Phần I: GIÁO DÂN TRONG LÒNG HỘI THÁNH

GIÁO DÂN TRONG CHIỀU KÍCH NỘI TẠI CỦA HỘI THÁNH
  1. Tông Huấn ‘Người Tín Hữu Ki-tô Giáo Dân’ số 25 xác định rằng: “Tín hữu giáo dân tham gia vào đời sống Hội Thánh không chỉ qua việc thi hành các nhiệm vụ và ân điển của họ, mà còn qua nhiều đường lối khác nữa. Sự tham gia này tìm thấy trước hết lối diễn tả cần thiết trong đời sống và sứ mạng của Hội Thánh địa phương, qua đó Hội Thánh Chúa Ki-tô duy nhất, thánh thiện và công giáo thực sự hiện diện và hoạt động”. Thực ra Tông Huấn chỉ tái khẳng định những điều đã được xác quyết trong Hiến Chế về Hội Thánh (Lumen Gentum) của CĐ Va-ti-can II số 30 như sau: “Thực thế, các chủ chăn của Dân Thánh biết rõ giáo dân giúp ích rất nhiều cho toàn thể Hội Thánh. Các ngài biết rằng Chúa Ki-tô không đặt các ngài lên để một mình lãnh lấy tất cả sứ vụ cứu độ của Giáo Hội đối với thế giới; nhưng nhiệm vụ cao cả của các ngài là chăn dắt tín hữu và nhận biết các phận sự và đoàn sủng nơi họ, để mọi người cùng góp phần vào công cuộc chung, tùy theo cách thức của mình.” Những khẳng định trên là dựa trên những lời xác quyết quan trọng của thánh Tông Đồ  Phao-lô trong thư gởi giáo đoàn Ê-phê-sô (xem Ep 4:15-16).
 
  1. Giáo dân tham gia tích cực Giáo Hội Địa Phương trong nhãn quan một Hội Thánh Toàn Cầu.
Trước hết, như trình bày trong phần một của suy tư này, họ cần có một quan niệm rõ hơn về Hội Thánh nói chung, cách riêng tương quan của Hội Thánh địa phương với Hội thánh toàn cầu. ““Để có thể tham gia cách đầy đủ vào đời sống của Giáo Hội, tín hữu giáo dân tuyệt đối cần có một nhãn quan rõ ràng và chính xác về sự gắn kết căn bản giữa Hội Thánh địa phương cá biệt với Hội Thánh toàn cầu. Hội thánh cá biệt không phải là một mảnh của Hội Thánh toàn cầu, cũng không thể nói Hội Thánh toàn cầu là một thu gom các Hội Thánh địa phương hay cá biệt lại. Thực ra có một nối kết rất thật, bền chặt và thiết yếu hiệp nhất chúng lại, nhờ đó Hội Thánh toàn cầu hiện hữu và biểu lộ trong các Hội Thánh địa phương” (CFL 25). Do đó tín hữu giáo dân thể hiện việc họ thuộc về một Hội Thánh địa phương, đồng thời phát huy không ngừng tinh thần ‘Công Giáo’ của Chúa Ki-tô. Giáo dân quan tâm tới nhu cầu của Giáo Hội địa phương, nhưng đồng thời cũng hướng tới Đoàn Dân Thiên Chúa trên khắp hoàn cầu trong sự hiệp thông sâu xa. Điều đó có nghĩa là ngoài sự cộng tác ở cấp bậc giáo xứ, giáo phận, giáo dân còn góp phần cộng tác ở cập bậc quốc gia và quốc tế nữa.
  1. Sự tham gia của giáo dân vào sinh hoạt của Giáo Phận, Giáo Xứ
Sắc lệnh về Tông Đồ Giáo Dân của CĐ Va-ti-can II (Apostolicam Actuositatem) số 10 nói đến bổn phận và nghĩa vụ của giáo dân tham gia vào sinh hoạt của Giáo Hội Địa Phương  (Giáo Phận và Giáo Xứ) như sau: giáo dân mau mắn đáp lại lời mời của Đức Giám Mục giáo phận và của Linh Mục quản xứ tích cực góp phần vào công cuộc chung của giáo phận và giáo xứ. Cụ thể trong các công tác sau đây:
  • Trong mỗi giáo phận (và trong mức độ nào đó, cả trong mỗi giáo sứ, mỗi hạt và mỗi giáo khu) cần thiết lập Hội Đồng Cố Vấn “gồm các giáo sĩ, tu sĩ cùng cộng tác thích hợp với giáo dân để giúp cho hoạt động tông đồ của Giáo Hội hoặc trong việc rao truyền Phúc Âm và thánh hóa, hoặc trong các công cuộc từ thiện bác ái, xã hội hay các hoạt động khác” (xem AA 26).
  • Tại mỗi giáo phận Giám Mục thành lập Hội Đồng Mục Vụ (pastoral council), trong đó bên cạnh các giáo sĩ và tu sĩ, còn có các giáo dân nam nữ chọn lọc đại diện cho các thành phần Dân Chúa. Hội Đồng này đóng góp ý kiến hầu kiến tạo đường hướng mục vụ cho Giám Mục để ngài có thể điều hành giáo phận cách hiệu quả (xem Giáo Luật số 511-514). Giáo Luật 536 cũng tiên liệu việc thành lập Hội Đồng mục vụ cấp giáo xứ khi Giám mục và hội đồng linh mục xét thấy thích hợp cho các giáo xứ thuộc giáo phận mình. Hội đồng này sẽ được điều hành theo qui chế do Giám Mục ban hành.
  • Giáo Luật số 492-494 cũng tiên liệu việc thành lập Hội Đồng Kinh Tế (finance committee) cho mỗi địa phận, và GL 537 cũng tiên liệu cho mỗi giáo xứ. Cho dầu các hội đồng này mang tính tham khảo nhưng được coi là lãnh vực đóng góp chuyện môn (tài sản và tài chính) của Giáo Dân vào trong việc điều hành Giáo Hội ở mọi cấp.
  • Ngoài ra Giáo Luật 1983 cũng dự trù sự tham gia của giáo dân vào công nghị giáo phận và công đồng riêng thuộc giáo tỉnh, miền hay toàn quốc. Tuy nhiên, tại các công nghị này, giáo dân chỉ góp ý với tư cách là tư vấn mà thôi (xem CIC 443 đặc biệt triệt 4)
Các Giám mục, Linh mục, nhất là các cha sở phải cùng làm việc với giáo dân trong tinh thần hiệp tác, và quan tâm lo lắng cho giáo dân để họ có thể đóng góp tích cực phần chuyên biệt của mình vào sinh hoạt đa diện của Hội Thánh. Tóm lại vai trò của giáo dân mỗi ngày một trở nên quan trọng và thiết yếu trong Hội Thánh. Thượng Hội Đồng Giám Mục năm 1987 đã trình lên Đức Thánh Cha kiến nghị sau đây: các Hội Đồng Giám Mục nên tìm ra những phương thế thực tiễn nhất để tham khảo ý kiến của giáo dân nam cũng như nữ, đồng thời tạo điều kiện để họ cộng tác với hàng giáo phẩm. Làm như thế, người giáo dân sẽ cảm thấy một cách rõ ràng hơn mình là thành phần chính thức và tích cực của Hội Thánh, được diễm phúc chia sẻ gánh nặng chung của Giáo Hội tại địa phương, cũng như ở cấp quốc gia và quốc tế. (xem Kiên nghị 10).
  1. Trong tư cách cá nhân, mỗi tín hữu giáo dân cũng cần không ngừng gia tăng ý thức mình là phần tử tích cực của Hội Thánh. “Tín hữu giáo dân cùng với hàng giáo sĩ và các tu sĩ nam nữ, làm thành Đoàn Dân Chúa và Nhiệm Thể Đức Ki-tô. Tư cách là phần tử trong Hội Thánh của họ không thể xóa tính ‘độc đáo và bất khả thay thế của họ… Trên hết mỗi tín hữu giáo dân phải hoàn toàn ý thức mình là ‘phần tử của Hội Thánh’, được trao cho một trách vụ độc đáo người khác không thể làm được, tuy nhiên nó cần được chu toàn vì lợi ích của toàn thể (CFL 28).
Họ cũng có thể tham gia trong tư cách một nhóm. Thực vậy trong thời gian gần đây, hiện tượng các tín hữu giáo dân liên kết với nhau tạo nên các đoàn thể đúng là đã rất sinh động và nẩy nở; đúng là “sự hiệp thông của Hội Thánh, tuy đã thể hiện  nơi sự hiện diện và trong công việc của cá nhân, nhiều khi được diễn tả cách đặc biệt trong các tín hữu giáo dân hoạt động theo nhóm, có nghĩa là các sinh hoạt làm cùng người khác trong quá trình họ tham gia cách có trách nhiệm vào đời sống và sứ mạng của Hội Thánh" (CFL 29).

Trước hết Hội Thánh nhìn nhận Ki-tô hữu giáo dân có tự do thành lập các đoàn thể này trong Giáo Hội. Họ thật sự có quyền tự tại chứ không phải được giáo quyền cho phép; tuy nhiên Hội Thánh chỉ vạch ra một vài tiêu chí để nhận định và phối hợp các hoạt động này sao cho phù hợp với lợi ích chung của toàn thể Hội Thánh.
Câu hỏi gợi ý:
  1. Bạn có nghĩ là địa phương hay cá biệt hóa Giáo Hội có thể gây chia rẽ, và điều này có thể xảy ra ngay trong sinh hoạt của Hội Thánh tại địa phương bạn không?
  2. Ý thức tham gia vào sinh hoạt Hội Thánh của bạn, trong tư cách cá nhân hay hội đoàn, có gặp khó khăn nào không? Theo bạn nguyên nhân hệ tại ở điều gì?
  3.  
Lm Gioan Nguyễn Văn Ty

PHẦN MỤC VỤ
GIẢI NGHĨA ĐƯỢC TÌNH YÊU

Lời mở
Yêu là một trong các hành động thường ngày của con người, liên hệ mật thiết với sự sống: sống để yêu và yêu để sống. Tuy  nhiên, thực tế của đời sống hiện nay lại là một thảm trạng về tình yêu. Chỉ tính riêng ở Việt Nam đã có hàng triệu cuộc tình tan vỡ và hàng triệu bào thai bị phá bỏ mỗi năm, chưa kể hàng ngàn người bị giết hại, lừa bịp, tự tử và hàng chục triệu bệnh nhân tâm thần, chỉ vì con người không giải nghĩa được tình yêu và không biết yêu thương. Vì thế, chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu tình yêu là gì và phải yêu như thế nào mới đúng đắn và tốt đẹp.

1. Những người không giải nghĩa được tình yêu
Dù yêu là một từ được nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong ngày: yêu cha mẹ, yêu vợ con, yêu người tình, yêu bè bạn, yêu công việc, yêu khoa học, yêu tổ quốc, yêu đồng bào, yêu đất nước… nhưng thật khó định nghĩa tình yêu là gì nên cũng không thể xác định yêu như thế nào mới tốt đẹp. Nhà thơ Xuân Diệu đã viết bài Vì sao trong tập “Thơ Thơ”, sáng tác năm 1938, rằng:
"Làm sao cắt nghĩa được tình yêu,
Có nghĩa gì đâu một buổi chiều,
Nó chiếm hồn ta bằng nắng nhạt,
Bằng mây nhè nhẹ, gió hiu hiu".[6]

Ông cho rằng tình yêu là cái gì đó mờ ảo, mông lung, bàng bạc trong thiên nhiên cũng như trong lòng người, nhưng không thể giải thích và xác định được.

Điều này đã được minh chứng. Đó là trong hơn 4.000 trang sách khổ lớn của bộ Từ điển Bách khoa Việt Nam do hàng trăm giáo sư tiến sĩ của Hội đồng Quốc gia Chỉ đạo biên soạn và xuất bản năm 2005, người ta không tìm thấy mục từ “tình yêu”, mà chỉ có “tình bạn”, “tình cảm”, “tình dục”. Các người theo ý thức hệ duy vật không tin có tình yêu và cho rằng tình yêu là sản phẩm tưởng tượng của người theo chủ nghĩa duy tâm, vì các máy móc tiên tiến nhất của khoa học hiện đại cũng không tìm thấy một dấu vết nào của tình yêu trong trái tim hay bộ não của con người. Điều nực cười là trong khi các thầy cô dạy các học sinh lớp mẫu giáo, tiểu học phải “yêu tổ quốc, yêu đồng bào” trong 5 điều Bác Hồ dạy, thì học sinh và sinh viên lớp lớn lại được dạy rằng tình yêu chỉ là sản phẩm bịa đặt của thuyết duy tâm sai lạc.

Một số người khác tin rằng có tình yêu thật sự nhưng không biết tình yêu bắt nguồn từ đâu. Họ đồng hoá tình yêu với tình dục. Họ lầm tưởng tình yêu chỉ thôi thúc họ chiều theo những bản năng thấp kém thuộc về sinh lý con người nên họ đồng ý với thi hào Nguyễn Du, tác giả Truyện Kiều, rằng: “Tu là cỗi phúc, tình là dây oan”.[7]

Còn những người khác, biết rõ cội nguồn của tình yêu là Chúa Trời Đất, như thi sĩ Công giáo Hàn Mặc Tử đã giải thích cho Xuân Diệu và những ai không tin, qua bài Đà Lạt trăng mờ, rằng:
Ai hãy lặng thinh chớ nói nhiều
Để nghe dưới đáy nước hồ reo
Để nghe tơ liễu run trong gió
Và để nghe Trời giải nghĩa yêu.[8]

Kitô giáo nói rất rõ về tình yêu khác hẳn với tất cả các tôn giáo khác. Nhưng ít người tín hữu Kitô hiểu được ý nghĩa phong phú tuyệt vời và diễn tả được nó trong đời sống, nên họ vẫn chưa thuyết phục người khác theo đạo của mình. Cho đến nay, mới chỉ có 7% dân số Việt Nam theo đạo Công giáo và khoảng 2% theo đạo Tin Lành. Số tín hữu Kitô trên thế giới chiếm khoảng 20% dân số toàn cầu.

2. Đi tìm một định nghĩa tình yêu
Các văn sĩ, nhạc sĩ, ca sĩ, các nhà triết học, xã hội học, thần học… đều nói rất nhiều đến tình yêu, nhưng hầu hết đều hiểu đó là tình cảm yêu đương nam nữ và phân biệt tình yêu này với tình cha, tình mẹ, tình huynh đệ, tình quê hương, … . Thật ra, nếu trái tim là biểu tượng của tình yêu, thì mỗi người chúng ta chỉ có một trái tim để yêu thương tất cả các đối tượng đó! Vậy tình yêu thật sự là gì?

Mở cuốn Từ điển Tiếng Việt của Viện ngôn ngữ học, do Hoàng Phê chủ biên, chúng ta tìm được câu định nghĩa sau đây: "Tình yêu là tình cảm yêu mến, làm cho gắn bó mật thiết và có trách nhiệm với người, với vật", nghĩa thứ hai mới là "Tình cảm yêu đương giữa nam và nữ"[9]. Còn “yêu” là "có tình cảm dễ chịu khi tiếp xúc với một đối tượng nào đó, muốn gần gũi và thường sẵn sàng vì đối tượng đó mà hết lòng". Nghĩa thứ hai của “yêu” mới là "có tình cảm thắm thiết dành riêng cho một người khác giới nào đó, muốn sống chung và cùng nhau gắn bó cuộc đời. Yêu đồng nghĩa với thương “(x. sđd, tr.1492).

Các tôn giáo ít khi nói đến tình yêu, vì thường hiểu là tình cảm yêu đương nam nữ của con người bị bản năng sinh lý chi phối, nên thường bỏ qua và còn nhắc nhở các tín đồ, tu sĩ xa tránh hay kiêng cữ cho xứng đáng với thần linh.

Riêng ở Việt Nam, người tín hữu Công giáo có nguy cơ bị lầm lạc khi họ lẫn lộn "tình yêu" với "tình thương", bắt nguồn từ việc phiên dịch thiếu chính xác các bản văn Thánh Kinh, các lời kinh phụng vụ và các văn bản chính thức của Giáo Hội.

Do ảnh hưởng của xã hội và cả những người có tôn giáo đã đồng hoá tình yêu là tình dục, nên các dịch giả Công giáo đã dùng từ "tình thương" để dịch từ Agape của tiếng Hy Lạp, CaritasAmor của tiếng La Tinh hay Love của tiếng Anh. Tuy nhiên, tình thương khác với tình yêu. Tình thương, theo gốc tiếng La Tinh, là Misericordia và tiếng Anh là Mercy, không thể dùng lẫn lộn với từ "tình yêu" được, dù rằng "tình thương" bắt nguồn từ tình yêu. "Tình thương" được từ điển Tiếng Việt định nghĩa: "tình cảm thương yêu, chia sẻ và đùm bọc một cách thắm thiết"[10] và nó mang một ý nghĩa thương xót: "cảm thấy đau đớn, xót xa trong lòng trước một cảnh ngộ không may nào đó"[11].

Trong khoảng 20 năm gần đây, Giáo hội Công giáo cổ vũ phong trào "Lòng Chúa Thương Xót" nên người ta càng thích dùng từ tình thương thay cho tình yêu. Tuy nhiên, khi đồng hoá tình yêu là tình thương, người ta đã làm nghèo nội dung của tình yêu, vì con người có thể chia sẻ, quan tâm săn sóc người khác mà vẫn không yêu họ, như người vợ săn sóc người chồng đã phản bội mình. Đó là kiểu yêu nhau vì nghĩa chứ không phải vì tình. Hơn nữa, dùng từ như vậy có thể hiểu sai tình yêu theo nghĩa thần học, vì khi nói "tôi thương Thiên Chúa" thì ta không có ý nói: Thiên Chúa đang gặp một cảnh ngộ bất hạnh nào đó đáng cho ta động lòng thương xót đối với Ngài. Thiên Chúa có đầy đủ mọi sự, hoàn hảo và không cần đến lòng thương xót của ta![12]

Chỉ tiếc rằng Từ điển Công giáo do Hội đồng Giám mục Việt Nam xuất bản năm 2016 với 2022 mục từ lại không có mục từ “tình yêu” dù có từ “thương xót”.

3. Giải nghĩa được tình yêu
Tôn giáo nhắc nhiều đến tình yêu là Do Thái giáo. Người Do Thái hiểu biết và cảm nhận được tình yêu (2 Sbn 2,11) của Thiên Chúa Giavê mà họ thờ kính (x. Xh 20,6) nên họ cũng phải yêu mến đồng bào (x. Lv 19,18) và cả ngoại kiều (x. Đnl 10,19) bằng tình yêu chân thành như đối với Giavê (x. Đnl 6,5; 11,1). Các tác giả Thánh Kinh mô tả tình yêu vợ chồng  (x. 1V 11,1), tình bạn (x. 1Sm 18,1.3; 20,17), tình yêu đối với lề luật Chúa (x. Tv 119) với đền thờ Giêrusalem (x. Tv 122)… bằng một từ duy nhất: yêu để dẫn mọi người đến cội nguồn tình yêu là chính Thiên Chúa.

Tuy nhiên, chỉ Kitô giáo mới là tôn giáo duy nhất xác định được tình yêu là gì, phải yêu thương cụ thể như thế nào, tình yêu bắt nguồn từ đâu và dẫn con người đến đâu. Người Công giáo đã dựa trên giáo huấn về tình yêu này để xây dựng nền văn hoá đặc biệt của mình trong suốt 20 thế kỷ qua, kể từ lúc Đức Giêsu Kitô rao giảng Tin Mừng về tình yêu cứu độ của Thiên Chúa. Nền văn hoá này đã tác động mạnh mẽ đến các dân tộc ở các nước Âu Mỹ trong nhiều thế kỷ qua, cho đến đầu thế kỷ 21, khi nhiều người đặt tất cả niềm tin vào khoa học kỹ thuật và ít quan tâm đến những giá trị tinh thần, trong đó có tình yêu.

Tình yêu không bắt nguồn từ con người nhưng “bắt nguồn từ Thiên Chúa” (1Ga   4,7) “vì Thiên Chúa là tình yêu” (1Ga 4,8.16). Tình yêu vừa là bản thể vừa là bản chất của Thiên Chúa nên lúc nào Ngài cũng muốn chia sẻ tình cảm thắm thiết của mình cho muôn loài. Ngài đưa bản chất tình yêu vào trong muôn loài để chúng phản ánh tình yêu của Ngài khi yêu thương nhau.

Vì thế chúng ta hiểu được cấu trúc của vật chất khi những nguyên tử mang điện tích âm gắn bó với những chất mang điện tích dương để tạo ra chất mới là đứa con của mình, như Hydro gắn bó với Oxy sinh ra nước. Từ đó ta hiểu tại sao nắng nhạt, gió mây vuốt ve trên con người như Xuân Diệu, tại sao nước reo và tơ liễu như sợi tơ hồng nhắc nhở Hàn Mạc Tử về tình yêu muôn thuở giữa con người và Thiên Chúa, tại sao ngọn rau, tôm cá hy sinh sự sống cho ta trong bữa ăn hằng ngày.

Các loài có tinh thần như loài người và thiên thần vì được dựng nên giống với Thiên Chúa nên họ có tự do để yêu thương và cũng có tự do để từ chối Thiên Chúa tình yêu. Thật sự họ đã chối từ. Khi tự ý cắt đứt nguồn yêu thương nối kết mình với Thiên Chúa Tạo Hoá, họ đánh mất luôn cả nguồn sống vĩnh hằng và nguồn chân thiện mỹ. Con người vì thế phải đau khổ, xấu xí, gian ác và chết chóc.

Tuy nhiên, Thiên Chúa là tình yêu nên Ngài vẫn tiếp tục yêu thương vì Ngài không thể chối bỏ chính mình. Ngài ý thức về trách nhiệm với mọi loài thụ tạo của mình nên đã sai Con Một Ngài là Ngôi Lời Thiên Chúa xuống thế gian, trở thành người là Đức Giêsu Kitô để cứu độ tất cả. Đức Giêsu vì thế chính là tình yêu cụ thể của Thiên Chúa. Ngài dạy cho ta biết Thiên Chúa yêu thương muôn loài như thế nào và ta phải yêu thương như thế nào. Người nói: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 13,34; 15,12).

Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI đã giải thích rất rõ về tình yêu trong thông điệp “Thiên Chúa là Tình yêu” (Deus est Caritas), năm 2005;  Công Đồng Vaticanô II đã nhắc đến tình yêu trong tất cả các văn kiện của mình hàng trăm lần; sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo trưng dẫn 101 lần; sách Tóm lược Học Thuyết Xã hội Công giáo trình bày 129 lần và sách Docat nhắc đến 72 lần trong 328 câu. Những số thống kê này cho ta hiểu ý nghĩa phong phú và tầm quan trọng của tình yêu trong đời sống tín hữu Kitô như thế nào để chúng ta giải được nghĩa tình yêu cho chính mình.

Lời kết
Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II nói: “Con người không thể sống thiếu tình yêu. Nếu tình yêu không được tỏ bày cho con người, nếu con người không tìm gặp tình yêu, nếu con người không thể cảm nghiệm và tiếp nhận tình yêu, nếu con người không tham dự mật thiết vào tình yêu, thì con người vẫn là một hữu thể không hiểu nổi chính mình[13].

Câu hỏi gợi ý
1. Bạn nghĩ tình yêu là gì?
2. Tình yêu chân thật có những đặc tính nào?

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn

 

[1] Chủ đề “Người trẻ và sứ mạng loan báo Tin Mừng” đã được trình bày thành sáu đề tài rất súc tích: Với trải nghiệm thiêng liêng, linh mục tháp tùng các bạn trẻ (1) “Đừng đánh mất chính mình là người có lý tưởng” (x. Ga 2,35-39); (2) “Đừng đánh mất chính mình là người của sự thật” (x. Ga 6,51-64,66-69); (3) “Đừng đánh mất chính mình là người của tình yêu” (x. Ga 13,1-15); (4) “Đừng đánh mất chính mình là người của tự do” (x. Ga 19,25-37); (5) “Đừng đánh mất chính mình là người của cộng đoàn” (x. Ga 21,1-14); (6) “Đừng đánh mất chính mình là người dấn thân” (x. Ga 1,1-11).
[2] X. Ta, Thần học mục vụ... (TP. HCM: Nxb. Tôn Giáo, 2015), 754-5.
[3] X. UNDP, Human Development Report 2007/2008.
[5] Mt 20,7.
[6] X. Xuân Diệu (1916-1985), tên thật là Ngô Xuân Diệu, nhà thơ tiêu biểu của phong trào thơ mới. Ông nổi tiếng với các bài thơ về tình yêu. (Internet, ngày 15/3/2016, Hội thảo Khoa học “Xuân Diệu với văn hoá dân tộc”).
[7] X. Đây là câu 2658 trong Truyện Kiều. Sư Giác Duyên nói với Thuý Kiều: “Sư rằng phúc hoạ đạo trời, Cỗi nguồn cũng ở lòng người mà ra. Có trời mà cũng tại ta, Tu là cỗi phúc tình là dây oan”.
[8] X. Hàn Mạc Tử (1912-1940) tên thật là Phêrô Nguyễn Trọng Trí, sáng tác được 213 bài thơ. Các câu thơ này ở trong tập Đau Thương (Thơ Điên), sáng tác năm 1937. Ông bị bệnh phong cùi, chết ở Quy Nhơn.
[9] X. Vietlex, Trung tâm Từ điển học, Từ điển Tiếng Việt, 2013, NXB Đà Nẵng, mục từ "Tình yêu", tr.1284.
[10] X. Sđd., tr.1283.
[11] X. Sđd., tr.1256, mục từ "Thương" và tr.1237, mục từ "Thương xót".
[12] X. Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, Cẩm nang Tân Phúc Âm hoá, NXB Tôn Giáo, 2015, tr.136-137.
[13] X. Thông điệp Redemptor Hominis (1979), số 10; Docat, NXB Tôn Giáo, 2017, tr. 28.
***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập287
  • Máy chủ tìm kiếm36
  • Khách viếng thăm251
  • Hôm nay35,816
  • Tháng hiện tại896,177
  • Tổng lượt truy cập78,899,628
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây