Người Tôi Trung của Thiên Chúa  

Thứ sáu - 14/09/2018 19:48  1967
CHÚA NHẬT XXIV THƯỜNG NIÊN B
Is 50,5-9a; Gc 2,14-18; Mc 8,27-35

images 2Các bài đọc trong thánh lễ hôm nay cho chúng ta thấy Đức Giêsu là Người Tôi Trung được Thiên Chúa sai đến thực hiện sứ mạng cứu thế, qua đó mời gọi chúng ta trở nên những môn đệ đích thực của Đức Giêsu: từ bỏ ý riêng để sống theo ý Chúa, vác thập giá là những đau khổ cuộc đời mà bước theo Chúa, thể hiện đức tin bằng những hành động bác ái cụ thể trong đời sống của mình.

Quả vậy, trước hết ngôn sứ Isaia đã phác hoạ những phẩm chất của người Tôi Trung: chấp nhận để Thiên Chúa can thiệp vào cuộc đời mình hầu thi hành sứ vụ được Thiên Chúa trao phó, một sứ vụ tiềm ẩn nhiều đau khổ, thử thách. Dù bị địch thủ chống đối và đe dọa, người Tôi Trung vẫn giữ được lòng trung thành với Thiên Chúa và đón nhận tất cả những gì xảy đến trong đời mình với tâm tình phó thác hoàn toàn trong tay Thiên Chúa mà chẳng hề kêu ca hay phản kháng (c. 5b), chỉ với một xác tín cơ bản và sâu xa rằng “có Đức Chúa là Chúa Thượng phù trợ tôi” (Is 50,7). Dù bị tố cáo, kiện tụng, người Tôi Trung không hề lo sợ vì xác tín rằng công lý hoàn toàn nằm trong tay Thiên Chúa. Một khi được Thiên Chúa, Đấng luôn ở kề bên, kể là công chính thì người Tôi Trung không sợ bất cứ người nào kiện tụng gì nữa: “Này, có Đức Chúa là Chúa Thượng phù trợ tôi, ai còn dám kết tội?” (Is 50,9).

Người Tôi Trung được tiên tri Isaia miêu tả là hình ảnh tiên báo về Đức Kitô, Đấng Cứu Thế muôn dân trông đợi, như trong đoạn Tin Mừng hôm nay thánh Máccô thuật lại rằng trước khi hành trình đi vào Giêrusalem để thực hiện sứ vụ cứu thế, Đức Giêsu muốn biết dân chúng nghĩ Ngài là ai, và Ngài đã hỏi các môn đệ: "Thiên hạ bảo Thầy là ai?" Các ông trả lời rằng: "Người thì bảo là Gioan Tẩy Giả, kẻ bảo là Eliah, có người lại nói Thầy là một trong các tiên tri." Ngài quay lại nhìn các ông, trịnh trọng hỏi: "Còn các con thì sao ? Các con bảo Thầy là ai?" Ngài đặt vấn đề như thế là có ý để cho các môn đệ có cái nhìn chính xác hơn về vai trò và sứ vụ cứu thế của Ngài. Ngài cũng muốn cho tất cả những người tin theo Ngài ở các thế hệ sau này biết rõ về sứ vụ của Ngài và của họ nơi trần gian.

Câu trả lời của Phêrô, đại diện cho các môn đệ: “Thầy là Đấng Kitô” (8,29), cho thấy nhận thức của các ông không giống với nhận thức của đám đông dân chúng. Trong mắt các ông, Chúa Giêsu không phải là Gioan Tẩy Giả, cũng không phải là Êlia hay một ngôn sứ nào đó, tức là những người được xem như sứ giả của Thiên Chúa đến để loan báo về một Đấng Mêsia sẽ đến. Lời tuyên tín của Phêrô xác quyết rằng Chúa Giêsu chính là Đấng Mêsia được Thiên Chúa sai đến. Đây thật là lời tuyên xưng chính xác về vai trò thật sự của Chúa Giêsu.

Tuy nhiên, phản ứng của Phêrô sau khi nghe Chúa Giêsu hé lộ sứ mạng thật sự của Đấng Mêsia, cho thấy lúc này các môn đệ chưa hiểu đúng về vai trò của Đấng Kitô (8,31). Các ông chỉ nhận thức và chờ đợi một Đấng Mêsia mang tính chính trị, đến để giải phóng dân tộc và giành lại nền độc lập từ tay ngoại bang. Đấng Kitô phải là Đấng dùng quyền năng để khuất phục kẻ thù và mang lại sự tự do và thịnh vượng cho dân tộc. Cho nên, Phêrô đã can ngăn Người thực hiện sứ mạng (8,32), hành động này gợi nhớ lại hình ảnh cám dỗ của Satan (1,12), kẻ cám dỗ Đức Giêsu đi vào con đường khác với thánh ý của Thiên Chúa dành cho Người. Do đó, ông đã bị quở trách: "Satan, lui lại đằng sau Thầy" (8,32). Rồi Đức Giêsu vạch ra đường lối mà các môn đệ của Ngài phải theo: "Ai muốn theo Ta, hãy từ bỏ mình, vác thập giá mà theo Ta. Vì ai muốn giữ mạng sống mình thì sẽ mất, nhưng ai liều mất mạng sống vì Ta, và vì Phúc Âm, thì sẽ giữ được mạng sống mình." (8,34-35). Chỉ sau khi Đức Giêsu sống lại và trao ban Thánh Thần, các ông mới xác tín vào Đức Kitô là Đấng được Thiên Chúa xức dầu, được sai đi để thi hành thánh ý Chúa Cha, trong đó có cả việc chấp nhận đau khổ và cái chết để cứu chuộc nhân loại.

Ngày nay người ta nói rất nhiều về Đức Kitô, nhưng được bao nhiêu người thực sự biết Ngài, sống theo tinh thần của Ngài và đi theo con đường Ngài đã đi? Hôm nay Đức Kitô cũng nhìn mỗi người chúng ta và hỏi: "Phần con, con nghĩ Thầy là ai?" Chúng ta phải trả lời câu hỏi ấy bằng chính đời sống đức tin của mình, như thư Giacôbê xác quyết: "Đức tin mà không có hành động là đức tin chết. Quả vậy, một đời sống đức tin thiếu việc thực hành bác ái đối với tha nhân, thì đức tin đó chẳng có ích gì cả và bị coi như đức tin chết. Đức tin đó không thể mang lại ơn cứu độ cho chúng ta. Trái lại, một đức tin có hành động ở đây là việc bác ái yêu thương, nhất là đối với những người nghèo khổ, kém may mắn.

Lạy Chúa là Cha rất nhân từ, Chúa đã sai Con Một yêu dấu là Đức Giêsu đã đến trong thế gian và trải qua nhiều đau khổ để thực hiện chương trình cứu độ nhân loại. Xin Chúa ban dồi dào ơn lành giúp chúng con luôn biết từ bỏ mình, vác thập giá đời mình mà bước theo Đức Giêsu Kitô. Qua đó, chúng con biết diễn tả đức tin bằng một đức ái sống động, luôn nhạy bén cảm thông và quảng đại chia sẻ với những người đau khổ ở chung quanh. Amen.

Tác giả: Lm GB. Vũ Quốc Đạt

***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập529
  • Máy chủ tìm kiếm35
  • Khách viếng thăm494
  • Hôm nay127,116
  • Tháng hiện tại259,722
  • Tổng lượt truy cập71,626,068
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây