Con đường nên thánh bằng tình yêu

Thứ sáu - 21/02/2020 23:51  1140
Chúa Nhật VII Thường niên A
Lv 19,1-2.17-18; 1Cr 3,16-23; Mt 5,38-48

download 4Bài Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay Chúa Giêsu dạy chúng ta con đường nên thánh bằng cách yêu thương kẻ thù. Tình yêu này đã được chuẩn bị từ trong Cựu Ước, khi Thiên Chúa cho biết Người là Đấng Thánh và đòi hỏi dân Người phải nên thánh bằng cách yêu thương người thân cận. Theo cách thế nhân loại, điều này có vẻ như không thể thực hiện được. Vì vậy, người Kitô hữu chấp nhận sự điên rồ cần thiết để sống theo đường lối khôn ngoan của Tin Mừng là yêu thương cả kẻ thù.

Quả thật, những gì chứa đựng trong lời dạy của Chúa Giêsu hôm nay: “Vậy anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5,48) đã được Thiên Chúa mạc khải trong sách Lêvi: “Các ngươi phải thánh thiện, vì Ta, ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của các ngươi, là Đấng Thánh” (Lv 19,2).

Sự hoàn thiện của Cha trên trời là sự hoàn thiện của tình yêu. Ngay Cựu ước đã hướng người Do thái theo nghĩa này, và một trong những điều kiện để nên thánh là không được ghét bỏ người anh em đồng bào của mình. Nếu có cớ nào đó gây ra mâu thuẫn với người anh em, thay vì nuôi dưỡng lòng ghen ghét, thì phải quở trách với ý sửa dạy để không mang tội thiếu trách nhiệm đối với người anh em mình (Lv 19,17; x. Ed 33,7-9; Mt 18,15). Sửa lỗi người anh em là cách bày tỏ tình thương đối với người đồng bào mình. Như thế, nên thánh đòi hỏi vừa phải tránh làm điều tiêu cực: không được trả thù và oán giận người anh em thuộc về dân Chúa (Lv 19,17); vừa phải chủ động làm điều tích cực: xem họ như người thân cận và yêu họ như yêu chính mình (Lv 19,18). Tuy nhiên, định hướng này vẫn còn giới hạn trong mối tương quan của những người cùng dân tộc. Còn Chúa Giêsu dạy chúng ta một mối tương quan trải rộng và thâm sâu hơn, đó là yêu thương cả kẻ thù thuộc mọi nguồn gốc và chủng tộc.

Nếu cách sống cũ cho phép người ta đối xử với nhau theo luật công bằng, có vay có trả, một đền một, lấy oán đền oán, thì cách sống mới đòi buộc người ta sống khoan dung ngay cả với người ác; không những không chống cự người ác hay sự xấu mà còn chấp nhận chịu thiệt thòi, lấy ân trả oán. Lối sống mới thôi thúc người ta sẵn sàng trao ban mà không tính toán hơn thiệt, cũng như không bao giờ từ chối bất cứ yêu cầu nào từ người khác. Nếu luật cũ xác định bạn thù rõ ràng và áp dụng nguyên tắc yêu bạn mà ghét thù, thì luật mới đòi buộc người ta yêu thương cả kẻ thù, thậm chí cầu nguyện cho những kẻ đối xử tệ với mình.

Lối sống theo luật mới đòi buộc những ai là con cái của cùng một Cha trên trời, Đấng tỏ lòng khoan dung với người tốt và kẻ xấu; Đấng đối xử nhân ái với người công chính lẫn kẻ bất lương. Nếu Thiên Chúa yêu thương và không phân biệt đối xử với bất kỳ ai, thì người môn đệ cũng được thôi thúc yêu thương cả những người không yêu mình và đối xử tốt với tất cả mọi người. Đó mới là lối sống mới để nên hoàn thiện như Cha trên trời là Đấng hoàn thiện.

Lời dạy của Chúa Giêsu yêu thương của con người với nhau hệ tại ở phẩm giá của con người, vốn được Thiên Chúa yêu thương chọn làm nghĩa tử, làm con cái cùng một Cha trên trời nhờ Đức Giêsu Kitô. Trong bài đọc 2, thánh Phaolô cho biết rằng tất cả các Kitô hữu đã được thánh hiến nhờ bí tích Rửa tội, được trở nên đền thờ của Chúa Thánh Thần, là nơi thánh Thiên Chúa ngự. Vì thế, nếu ai phá huỷ đền thờ Thiên Chúa bằng một lối sống không phù hợp, sẽ bị Thiên Chúa tiêu diệt (x. 1 Cr 3,17). Quả vậy, không ai được dựa vào sự khôn ngoan của mình, sự khôn ngoan theo thói đời, mà tự hào, vì tất cả mọi sự đều phát xuất từ Đức Kitô. Nhờ Người mà bất cứ điều gì, dù là cả thế gian này, dù sự sống hay sự chết, hiện tại hay tương lai, đều thuộc về những ai gắn bó mật thiết với Người. Gắn bó mật thiết với Đức Kitô, được thánh hiến nhờ ơn Chúa Thánh Thần để nên thánh và trở nên đền thờ của Thiên Chúa, là lý tưởng của cuộc đời người Kitô hữu.

Và như vậy, lời dạy “hãy yêu thương kẻ thù” của Chúa Giêsu chắc chắn bị người đời xem là một sự điên rồ, nhưng theo thánh Phaolô, đó là một sự khôn ngoan thật của Tin Mừng: “Nếu trong anh em có ai tự cho mình là khôn ngoan theo thói đời, thì hãy trở nên như điên rồ, để được khôn ngoan thật” (1Cr 3,18-19). Vì sự khôn ngoan đời này là sự điên rồ trước mặt Thiên Chúa; mặt khác, sự khôn ngoan của Thiên Chúa cao vời vợi hơn sự khôn ngoan của thế gian này. Tất cả các Kitô hữu đều được mời gọi nên thánh theo tinh thần Tin Mừng: yêu thương, tha thứ và bao dung với tất cả mọi người, dù họ là ai, tốt hay xấu, bạn hay thù. Đó là con đường nên thánh mới mà Chúa Giêsu mong mỏi các Kitô hữu thực thi trong cuộc sống hàng ngày.

Lạy Thiên Chúa là Cha rất nhân từ đã cho mặt trời mọc lên trên người lành cũng như kẻ dữ, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất lương.  Xin Chúa ban cho chúng con luôn nỗ lực nên thánh bằng việc chuyên chăm học hỏi và sống lời Chúa, siêng năng lãnh nhận các bí tích, và tích cực thực thi bác ái theo tinh thần Tin Mừng, để chúng con luôn xứng đáng là khí cụ bình an của Chúa giữa thế giới hôm nay. Amen.

Tác giả: Lm Gioan B. Vũ Quốc Đạt

***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập270
  • Máy chủ tìm kiếm22
  • Khách viếng thăm248
  • Hôm nay70,557
  • Tháng hiện tại1,119,247
  • Tổng lượt truy cập71,147,004
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây