Giáo hội - Sứ giả của sự sống

Thứ hai - 08/01/2024 04:10  242
istockphoto 157375009 612x612Khát vọng bất tử và được sống mãi luôn thường tồn trong tâm thức và ước muốn của con người mọi thời đại. Ngay từ thuở hồng hoang, con người đã biết tự đặt câu hỏi về chính mình và tìm câu trả lời cho sự hiện hữu của mình. Có lẽ con người là sinh vật duy nhất suy tư về chính mình và tìm câu trả lời về chính mình. Cũng vậy, sâu thẳm nơi hữu thể mang tên “người”, giữa muôn vàn xung khắc, luôn vang vọng một khát vọng vô biên. Đó là khát vọng sống và sống mãi. Điều này cũng được thánh Công đồng Vaticano II khẳng định trong số 10 của Hiến chế Mục vụ về Giáo hội trong thế giới ngày nay khi trình bày về những vấn đề sâu xa của nhân loại: “Thật vậy, ngay chính trong con người chất chứa nhiều yếu tố xung khắc nhau. Một đàng, vì là thụ tạo, con người nhận thấy mình có nhiều giới hạn, nhưng đàng khác, lại cảm thấy mình có những khát vọng vô biên và được mời gọi vươn tới một cuộc sống cao cả hơn… Tuy nhiên, đối diện với cuộc tiến hóa hiện nay của thế giới, càng ngày càng có nhiều người nêu lên câu hỏi hoặc nhận thức lại cách sâu sắc mới mẻ về những vấn đề vô cùng căn bản như: con người là gì? Đâu là ý nghĩa của đau khổ, sự dữ, cái chết? Sao chúng vẫn tồn tại mặc dù đã có bao nhiêu tiến bộ? Những chiến thắng đạt được với một giá đắt như thế có ích gì không? Con người có thể đem lại gì cho xã hội và có thể trông đợi gì ở xã hội? Điều gì sẽ xảy ra tiếp theo sau cuộc sống trần gian này”[1] Như thế, bên cạnh những khắc khoải, những lo âu, con người vẫn không ngừng miệt mài tìm kiếm cũng như củng cố một cuộc sống thật sung túc và đầy đủ ngay trên thế giới. Đồng thời, nơi tâm hồn vẫn còn đó niềm hy vọng hướng tới một cuộc sống vĩnh cửu ngoài cuộc sống đời này, nơi mà con người không phải đau khổ và không phải chết…
  1. Con người, một huyền nhiệm.
“Con người là một “thực thể kì lạ-phân đôi và có hai mặt, có bộ mặt của Chúa và bộ mặt của nô lệ, thực thể tự do và thực thể nô lệ, mạnh và yếu, hợp nhất sự cao cả với sự hèn mọn, sự vĩnh hằng và sự nhất thời ở trong một tồn tại,”[2] nên có lẽ “thật không tốt khi có quá nhiều tự do. Thật không tốt khi có mọi thứ mình muốn.”[3] Bởi vì, với sự tự do đã bị tổn thương bởi tội, con người luôn bị giằng co, vò xé trong tư tưởng, lời nói cho tới hành vi để đưa ra sự quyết định, chọn lựa giữa hai thực tại thiện và ác, làm hay không làm, tự do hay nô lệ… Thật kì lạ khi ngay trong con người, luôn tồn tại hai thái cực, một mặt khắc khoải nhưng một mặt lại bất lực và buông xuôi. Để rồi, từ những khắc khoải khôn nguôi ấy, bên cạnh việc con người tiếp tục làm tất cả để có một cuộc sống thật sung túc và có thể duy trì sự hiện hữu thật lâu ở đời này, con người vẫn còn đó niềm tin vào một sự sống sau cái chết với linh hồn bất tử và hạnh phúc viên mãn. Thế nhưng, bên cạnh bao tâm hồn đặt trọn niềm tin vào linh hồn bất tử và cuộc sống mai hậu, thì với sự bất lực và mỏng manh của kiếp nhân sinh, vẫn còn đó những con người nhìn nhận hữu thể người cũng như vũ trụ thiên nhiên và Thượng đế với những tư tưởng bi quan, yếm thế, coi cuộc sống đơn thuần và chỉ là đi về với cái chết, để rồi chết là hết…

Tuy nhiên, dù tin hay không tin sự sống đời sau, con người vẫn luôn là một huyền nhiệm[4], một sinh vật phức tạp nhất, một sinh vậy ham muốn quyền lực nhất, một sinh vật biết yêu thương nhưng cũng là một sinh vật độc ác nhất, một hữu thể đáng yêu nhất nhưng lại cũng là một sinh vật đáng ghét nhất và đáng thương nhất… Để rồi từ những nghịch lý nơi chính mình, mỗi giây phút con người hiện hữu trên cuộc đời này là một cuộc trở về hay cuộc đi lên vẫn là một cái gì đó dày vò con người, khiến con người không ngừng chất vấn chính mình. Con người là một sinh vật yêu thương, muốn được yêu và biết yêu thương. Đó là điều không ai có thể phủ nhận và được diễn tả cách tuyệt vời trong lịch sử hiện hữu của mình cũng như trong mọi phương diện của đời sống hằng ngày với Thượng đế, với thế giới và đồng loại.

Có lẽ không ít lần trong cuộc đời, chúng ta, dù là những người đã tin và chân nhận Đức Giê-su Ki-tô là Thiên Chúa, Đấng Cứu Độ, đã và đang bước theo Ngài, thậm chí còn dạy người khác, đào tạo người khác thành những chứng nhân về Tin Mừng Cứu Độ, lại đã, đang hoặc sẽ trở thành kẻ vô cảm, độc ác tinh tế nhất, dửng dưng đến lạnh lùng trước những đau khổ, thiếu thốn của người khác... Cũng vậy, nhiều lúc, những người được coi là tông đồ và chứng nhân của Chúa, lại chỉ thích nói về sự bao dung, thích dạy về sự tha thứ, thích yêu cầu người này, kẻ nọ phải sống yêu thương, nhưng lại chẳng làm và sống tha thứ, bao dung như những gì chúng ta rao giảng. Hơn nữa, đôi khi, chúng ta còn thích làm tâm điểm của sự chú ý, muốn trở thành mạch truyền cảm hứng. Nhưng than ôi! đến khi cần sống bao dung, cần sự độ lượng, thứ tha và cần tình yêu thương chia sẻ, thì chúng ta lại chẳng còn một chút bao dung nào để trao ban. Thay vào đó, thậm chí là sự độc ác đến lạnh người, sự vô tâm đến khó tin và một sự vô cảm đến đang thương trước nỗi đau của đồng loại. Những khi đó, chúng ta chỉ là những thanh là phèng phèng (1Cr 13,1), những thùng rỗng kêu to, khiến hình ảnh của Đức Ki-tô và Giáo hội bị biến dạng và méo mó đến thê thảm…

Dẫu vậy, đó chỉ là một phần nhỏ của thế giới con người đầy phức tạp, cũng như chỉ là những hạt sạn trong đời sống Giáo hội và thế giới. Trong một bức tranh vẫn còn đó những vùng sáng tuyệt vời, nơi vẫn tràn ngập tình yêu diệu kì của Thiên Chúa. Bởi vì bên cạnh một số ít vô cảm, vẫn còn đó bao tâm hồn đầy bao dung, đầy yêu thương và tha thứ, vẫn tiếp tục và bền bỉ giang rộng bàn tay và mở rộng trái tim để yêu thương và chia sẻ niềm tin cũng như những cử chỉ tuyệt vời đến mọi người. Nhờ đó, con người vẫn là sinh vật đáng yêu nhất và tràn ngập khát vọng hòa bình cũng khát vọng sống mãnh liệt nhất. Cụ thể, khi ngày càng nhận thức sự “già đi” vì sự ô nhiễm lan tràn của vũ trụ thiên nhiên, con người đang ngày càng nỗ lực để bảo vệ và tái thiết môi trường băng những hành động cụ thể nơi các quốc gia, tổ chức quốc tế, tổ chức tôn giáo cho đến từng cá nhân, hầu mong gìn giữ hơi thở cho trái đất cũng như cho chính mình. Theo đó, con người đã dần ý thức vì một thế giới xanh, sạch, đẹp, một cuộc sống tốt đẹp hơn. Để được như thế, mỗi người hãy cùng nhau hành động ngay từ những việc nhỏ nhặt nhất và hành động mọi lúc mọi nơi.[5]

Để làm được điều đó, chính Đức thánh cha Phan-xi-cô đã nhấn mạnh: “điều quan trọng là phải phục hồi chiều kích chiêm ngắm, nghĩa là nhìn trái đất, thiên nhiên như một món quà chứ không phải là thứ để khai thác vì lợi ích của tôi. Khi chúng ta chiêm ngắm, chúng ta khám phá ra nơi người khác và trong tự nhiên một điều gì đó lớn hơn nhiều so với tính hữu ích của họ.” Vì với ngài “những ai đi theo con đường chiêm ngắm và chăm sóc thiên nhiên sẽ trở thành “người bảo vệ” của ngôi nhà chung, người bảo vệ của sự sống và hy vọng” Và cuối cùng ngài kêu gọi “chăm sóc và bảo vệ thiên nhiên là nhiệm vụ của mỗi con người. Mỗi người chúng ta có thể và phải trở thành một “người bảo vệ ngôi nhà chung”, có khả năng ca ngợi Thiên Chúa về các tạo vật của Người, có khả năng chiêm ngưỡng và bảo vệ chúng.”[6]

Cùng với đó, con người cũng luôn nỗ lực cộng tác để bảo vệ sự sống bằng những hành động cụ thể mà Giáo hội chính là ngọn cờ đầu trong lĩnh vực này. Thật vậy, Theo quan điểm của Giáo hội thì quyền sống là quyền cơ bản, tự nhiên của con người.“Mọi người đều có quyền cố hữu là được sống. Quyền này phải được pháp luật bảo vệ. Không ai có thể bị tước mạng sống một cách tuỳ tiện.” (Điều 6 Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị ICCPR).[7] Theo đó, Giáo hội luôn quan tâm và nhấn mạnh nhiệm vụ và sứ mạng của mình trong việc bảo vệ sự sống, nhất là của các thai nhi bằng những hành động cụ thể và đầy nhân văn, hầu góp một tiếng nói nhân đạo và tình yêu để giúp nhân loại bớt đi việc tàn sát, và giết hại, nhất là các thai nhi vô tội.

Mặc dù mọi nỗ lực của Giáo hội cũng như nhiều cố gắng của con người vẫn đang tiếp tục được thực hiện để gìn giữ hòa bình thế giới cũng như để phục vụ cho sự sống mong manh của con người trên thế giới này. Nhưng chúng ta đang sống trong một thế giới tất yếu có ngày cùng tận, một thế giới mà “sự say mê cuồng nhiệt với cuộc sống mà chúng ta nhìn thấy trên mọi lục địa ngày nay đã phát sinh một nền phản-văn hóa của sự chết, điều này càng trở thánh diện mạo chung của chúng ta… Không có một yếu tố miễn dịch cho linh hồn. Lý trí thực chứng không cung cấp cho cơ cấu linh hồn một sức mạnh về miễn nhiễm về luân lý; nó còn là sự phá hủy đối với hệ thống miễn dịch của linh hồn. Và do đó, dẫn tới việc đầu hàng cách bất lực đối với những lời hứa giả dối của cái chết xuất hiện trong vỏ bọc đời sống sung mãn…”[8] Vì thế, dưới cái nhìn của Ki-tô giáo, việc phục vụ sự sống không chỉ dừng lại cuộc sống chóng qua đời này, nhưng còn hướng tới một viễn cảnh cánh chung, nơi sự sống đích thực được ban cho con người, trong một Trời mới đất mới, nơi con người được hiệp thông trọn vẹn với Thiên Chúa trong sự sống và hạnh phúc muôn đời. Để đạt được hạnh phúc đó, con người vẫn phải chấp nhận và bước qua ngưỡng cửa cuối cùng là sự chết. Tuy nhiên, không phải với sự bi quan, cái nhìn của Giáo hội về sự chết dưới sự soi sáng của Lời Chúa là một mầu nhiệm mà nhờ đó và qua đó, con người mới có thể đi vào trong sự phục sinh trọn vẹn cùng với Đức Giê-su Ki-tô.
  1. Sự chết dưới nhãn quan Ki-tô giáo.
Trong lịch sử hiện hữu, có những giới hạn tưởng chừng không thể vượt qua, nhưng với sự vươn lên cùng với nỗ lực không ngừng nghỉ, con người đã và đang lao mình về phía trước, vượt qua những giới hạn, khám phá những quy luật, đạt tới hết đỉnh cao này tới đỉnh cao khác trong mọi lĩnh vực của hành trình tri thức và làm dày thêm, phong phú thêm kho tàng tri thức của nhân loại. Với bản tính ham sống, con người thậm chí nuôi ảo tưởng về sự toàn năng của mình, không ngừng mơ về một ngày sự hiện hữu của mình không còn bị đe dọa, không còn bị giới hạn bởi một quy luật bất khả thắng, một quy luật đặt giới hạn tuyệt đối cho sự hiện hữu của con người… đó chính là cái chết. Con người có thể làm đủ cách để kéo dài sự sống, nhưng cuối cùng vẫn phải đầu hàng và chấp nhận một quy luật nghiệt ngã mang tính định mệnh của kiếp nhân sinh, đó chính là con người là một sinh vật phải chết, con người được sinh ra là để đi đến với cái chết.[9] Đối diện với cái chết, con người có thế vui vẻ chấp nhận trong niềm tin, cũng có thể nổi loạn chạy trốn, những vẫn phải đón nhận nó dù trong sự tuyệt vọng, hay thản nhiên coi nó như một sự phi lý không thể chấp nhận… tất cả phụ thuộc vào niềm tin và thái độ của từng người. Nhưng sau tất cả, con người vẫn phải chết. Cái chết là điều được phân phát công bằng nhất cho con người không phân biệt họ là ai hay sống ở đâu, địa vị nào, giàu sang hay nghèo hèn, vĩ đại hay bé nhỏ… Cái chết chắc chắn sẽ viếng thăm tất cả mọi người nhưng đó lại là cuộc viếng thăm duy nhất, chỉ một lần duy nhất và chắc chắn nhất, một cuộc viếng thăm đầu tiên nhưng cũng là lần cuối cùng, người bạn gặp lần đầu những cũng là người bạn gặp lần cuối để chấm dứt sự hiện hữu của một hữu thể mang tên con người trên thế giới, dù họ là ai, bất cứ ai…[10]

Tất cả chúng ta đều sinh ra để phải chết, cũng như ai đó từng nói: “chúng ta đã bị kết án tử ngay từ lúc sinh ra”. Chúng ta đều đang đi về với cái chết… Điều khác biệt là cách chúng ta rời khỏi đời này và thời điểm chúng ta rời bỏ thế gian mà trở về với Chúa mà thôi. Con người không ngừng suy tư về sự hiện hữu của mình. Dù ngại ngùng cùng khiếp sợ, nhưng con người cũng không ngừng suy tư về cái chết của chính mình. Để rồi càng suy tư con người càng thấy mình hữu hạn, bất lực và phải chết. Thái độ của mỗi người, mỗi hệ tư tưởng và mỗi tôn giáo với cái chết có thể khác nhau, người bi quan thì sợ hãi, người tích cực thì đón nhận, người dửng dưng thì mặc kệ và cho là phi lý. Và những thái độ ấy dẫn tới thát độ sống của mỗi người, mỗi tôn giáo và cách nhìn nhận giá trị của sự sống và những công việc trên trần gian theo cách mà mình tin và sẽ đón nhận ngày cuối cùng của cuộc đời nơi dương thế. Con người là thế và cuộc đời vẫn vậy… Đức tin Công Giáo giáo xác tín vào linh hồn bất tử và sự phục sinh của thân xác cũng như sự sống đời đời nhờ Đấng Cứu độ duy nhất là Đức Giê-su Ki-tô. Từ đó, người Công giáo luôn nhìn cái chết với cái nhìn của đức tin và coi đó một bước chuyển tiếp để di vào sự sống đời sau, với sự thưởng phạt dựa trên những việc mà mình đã làm và sống trên trần gian. Chết không phải là hết và người ta sống ở đời này để tìm hạnh phúc đích thực mà chỉ có được nơi Thiên Chúa và nên trọn vẹn trong Nước Trời…

Niềm tin Ki-tô giáo xác tín rằng do hậu quả của tội lỗi, con người dường như đánh mất nơi mình tình trạng thánh thiện nguyên thủy để rồi trở nên một sinh vật thống trị, biến mình thành trung tâm nhưng thật yếu hèn, thật mong manh và phải chết. Theo thánh công đồng “Những kẻ tin cũng như những kẻ không tin đều có chung quan điểm là mọi vật trên địa cầu phải được quy hướng về con người như là trung tâm và đỉnh cao của vạn vật. Nhưng con người là gì? Con người đã và còn đang đưa ra nhiều quan niệm về chính mình, những quan niệm khác nhau và đôi khi trái ngược nhau, theo đó, thường khi, hoặc con người tự tôn vinh mình như một chuẩn mực tuyệt đối hoặc tự khinh bỉ đến độ tuyệt vọng, từ đó dẫn đến hoài nghi và lo lắng. Thông cảm sâu xa với những khó khăn này, Giáo Hội, vì nhận được mạc khải từ Thiên Chúa, có thể đem lại lời giải đáp cho thấy rõ thân phận đích thực của con người, giải bày những yếu hèn, đồng thời giúp nhận thức cách xác đáng phẩm giá và ơn gọi của con người.”[11] Nhờ đó, sự trần trụi giúp con người nhận ra sự bất lực yếu hèn của mình, để từ đó cùng nhau tái xây dựng một trật tự xã hội bền vững hơn, nhân bản hơn và đạo đức hơn. Tuy nhiên, dù nỗ lực đến đâu, cuối cùng con người vẫn phải chấp nhận bước qua cánh cửa cuối cùng của cuộc đời là cái chết, mội nỗi khắc khoải lớn luôn thường hằng và gặm nhấm thân phận con người.

Thật vậy, “thoạt nhìn ta thấy xã hội chúng ta ngày nay có những quan niệm mâu thuẫn lạ lùng về cái chết. Một mặt, họ coi đó là điều cấm kị, càng tránh nói hoặc nghĩ tới được chừng nào càng hay. Mặt khác ngược lại, có người lại tìm cách phô bày nó ra. Sự phô bày này hoàn toàn tương ứng với việc phá bỏ những làn ranh thẹn thùng trong mọi lĩnh vực cuộc sống khác… Nhưng nếu quan sát kĩ, có thể đó là một diễn tiến gồm hai giai đoạn, vốn quyện vào nhau nhiều chỗ, những vẫn có thể phân biệt được. Thế giới tư sản che giấu sự chết… khuynh hướng ém nhẹm cái chết được hỗ trợ cách hữu hiệu bởi cơ cấu tổ chức xã hội tân tiến ngày nay…. Tuy nhiên, song song với diễn tiến đó, có một thái độ của một thành phần ưu tú, họ không muốn tham dự vào cuộc chơi giấu giếm chung và nghĩ rằng họ sẽ thắng vượt sự vô nghĩa bằng cách trực tiếp đối diện với cái vô nghĩa đó. Song trái lại, một quan điểm thứ ba ngày càng trở nên phổ biến… đó là việc tầm thường hóa cái chết dựa trên nền tảng chủ nghĩa vật chất… Quan điểm này  chẳng khác gì thái độ cấm kị đối với cái chết của giới tư sản. Cả hai trường hợp người ta đều chặn lại cánh cửa đi vào siêu hình nơi cái chết… Tất cả những điều trên tạo hậu quả nghiêm trọng cho quan hệ của con người đối với chính mình và đối với thực tế cuộc sống nói chung… Cái giá phải trả cho việc xua đuổi nỗi sợ này quá cao. Khi nhân tính bị loại ra khỏi cái chết, thì đương nhiên cuộc sống cũng mất nhân tính. Khi bện và chết bị đẩy xuống hàng khả thi của kĩ thuật thì con người cũng bị đẩy xuống đó theo….”[12]

Tuy nhiên, Giáo hội, trên nền tảng Kinh Thánh, luôn nhìn nhận cái chết dưới lăng kính đức tin, như một mầu nhiệm mà con người không thế hiểu một cách thấu đáo và có thể giải quyết. Đó là cái ác cuối cùng và ghê sợ nhất mà con người không thể đánh bại tự sức mình ngoại trừ việc tặc lưỡi chấp nhận nó như một thực tại, để rồi hướng tới một sự sống cao cả hơn với linh hồn bất tử và cuộc sống bật diệt. Thật vậy, “trước cái chết, tính cách bí ẩn về thân phận con người đạt tới tột điểm. Con người không những bị hành hạ bởi những đau đớn và sự suy tàn nơi thân xác, mà hơn thế nữa, còn bị dày vò bởi nỗi lo sợ bị tiêu diệt đời đời. Theo bản năng tình cảm, con người có lý để ghê sợ cũng như phản kháng tình trạng hủy hoại hoàn toàn và sự kết thúc chung cuộc của bản thân. Mầm sống vĩnh cửu mà con người mang trong mình, vốn không thể chỉ giản lược vào vật chất, luôn vùng lên chống lại sự chết. Mọi cố gắng của kỹ thuật, dù rất hữu ích, cũng không thể làm nguôi được nỗi lo âu của con người: thật vậy, việc kéo dài tuổi thọ cho đời sống thể lý không thể thỏa mãn được nỗi khát vọng về một cuộc sống mai sau đã được in sâu trong lòng con người.

Trước cái chết, trong khi óc tưởng tượng của con người đành bất lực, thì Giáo Hội, được mạc khải chỉ bảo, quả quyết rằng con người được Thiên Chúa dựng nên để đạt tới cứu cánh hạnh phúc sau những khổ cực trần thế này. Hơn nữa, đức tin Ki-tô giáo còn dạy rằng: cái chết thể xác, điều mà con người đã có thể tránh nếu như không phạm tội; sẽ bị đánh bại khi con người nhờ Đấng Cứu Thế toàn năng và nhân ái mà được đón nhận lại ơn cứu rỗi, ơn đã bị đánh mất vì tội lỗi. Quả thật, Thiên Chúa đã và vẫn đang kêu gọi con người gắn bó trọn vẹn với Ngài trong sự thông hiệp đời đời vào sự sống thần linh bất khả hủy diệt. Chúa Ki-tô đã đem lại chiến thắng ấy khi giải thoát con người khỏi tử thần nhờ cái chết của Người và khi sống lại, Người đã đem lại sự sống cho con người.Như thế, đức tin, với những lý chứng vững chắc, đã đem lại lời giải đáp cho bất cứ ai khắc khoải ưu tư về số phận tương lai của mình, đồng thời, đức tin còn giúp con người có thể hiệp thông với những người thân yêu đã chết trong Đức Ki-tô, với niềm hy vọng rằng những người ấy đã nhận được sự sống đích thực bên cạnh Thiên Chúa.”[13]

Như thế, cái chết chính là trạm dừng chân cuối cùng của thân phận con người do hậu quả của tội lỗi. Thiên Chúa không muốn con người phải chết, Ngài yêu con người bằng một tình yêu muôn thuở và vĩnh cửu, mặc cho sự bội phản của con người. Bằng chứng sống động nhất là Ngài đã cho Con Một mình đến thế gian, để nên giống con người: một hữu thể vô biên đã chấp nhận trở thành một hữu thể hữu hạn, bất toàn sống như con người ngoại trừ tội lỗi, để rồi cùng chung sống, đồng cảm với kiếp nhân sinh. Cuối cùng, Đức Giê-su sau khi chấp nhận sống trọn kiếp người, Ngài cũng cảm nếm chặng cuối cùng của phận người, đó là cái chết. Một hữu thể lẽ ra không bao giờ phải chết, lại phải chấp nhận cái chết, một hữu thể tuyệt đối lại chấp nhận bị cái giới hạn của con người hủy diệt. Nhưng Ngài chịu chết bằng chính công cụ, bằng chính hình phạt đáng sợ nhất mà con người có thể nghĩ ra – Thập giá. Để rồi từ hình phạt ấy, Con Thiên Chúa đã đi đến tận cùng của thân phận con người, Ngài không chỉ chịu đau đớn tủi hổ về thể xác như một con người bình thường, nhưng như một tội nhân, một kẻ thủ ác ngang hàng với quân trộm cướp và lũ giết người, với một hình phạt đáng xấu hổ nhất, trần trụi nhất. Nếu Chúa Giê-su đến trần gian với hai bàn thay trắng và với thân thể trần trụi trong cái giá rét của đêm đông, thì Ngài cũng trở về cùng Chúa Cha không một mảnh vải che thân trong sự trần trụi, cùng nỗi thống khổ thẳm sâu của thân phận con người. Tuy nhiên, nếu hai tên trộm cướp bị đóng đinh vào cây thập giá “xứng với việc họ làm” thì Chúa giê-su chấp nhận hình phạt Ngài không đáng phải nhận, để chịu đau khổ, chịu sự sỉ nhục và chịu cái chết tức tưởi trên thập giá, nhưng trong một tinh thần hoàn toàn tự do, tự nguyện và với sự tha thứ. Để rồi, từ một biểu tượng của cái chết, thân xác của Con Thiên Chúa đã biến cây thập giá thành cây Thánh giá, biến biểu tượng của sự chết thành biểu tượng của sự sống. Hơn nữa, chính từ biểu tượng của cái chết, ơn cứu độ được lan tràn tới toàn thể nhân loại. Đức Giê-su đã kéo mọi tội lỗi nhân loại và đóng vào cây thập giá và xóa bỏ hết mọi lỗi lầm, làm cho ma quỷ và sự chết trở thành kẻ thua cuộc. Từ đó, sự sống mới được phát sinh.
  1. Giáo hội, sứ giả của sự sống.
Thật nghịch lý, khi nhìn vào cách con người hiện hữu và đối xử với nhau và với thế giới, chính con người lại giật mình nhận ra thân phận đáng thương và đáng sợ của mình, bởi sự độc ác đến khó hiểu của con người. Thật vậy, có lẽ trong những loài độc ác nhất và hung dữ nhất, nếu có một bảng xếp hạng, thì chắc chắn cái tên đứng đầu bảng xếp hạng đó không phải loài nào khác, mà là chính con người. Quan sát thế giới tự nhiên, dù vẫn còn đó bao bí ẩn, nhưng dường như những động vật chiến đấu và tàn sát nhau đều có nguyên nhân liên quan đến sự sống còn, có thể vì nhu cầu về lãnh thổ, về thức ăn hay về tình ái hoặc một số lý do nào đó cụ thể và có thể hiểu được. Thế nhưng, với con người thì hoàn toàn khác, con người có thể xung đột và tàn sát nhau bất kể lý do, thậm chí chẳng cần lý do… hiền cũng giết, ác cũng giết, tốt cũng giết, mạnh cũng giết, yếu cũng giết... Dường như sự kiêu ngạo đã khiến con người trở nên mất phương hướng, mất sự hòa hợp với tất cả, để rồi từ sự trần trụi của mình, sự xấu hổ lại khiến con người trở nên những kẻ đáng sợ hơn, dùng tất cả mọi thủ đoạn để che giấu đi sự xấu hổ đáng thương của mình, mà bằng chứng cụ thể là sự tàn phá thiên nhiên, tiêu diệt các loài thụ tọa và hủy diệt chính đồng lọa của mình bằng chiến tranh, bạo lực cùng bao thứ ghê rợn khác.

Đọc lại lịch sử hiện hữu của con người, qua những di chỉ và những tài liệu ít ỏi về khảo cổ, chúng ta không khỏi sởn gai ốc khi thấy con người chính là những có khả năng kẻ sáng tạo ra những hình phạt và những cách thức giết người ghê rợn nhất, tàn ác nhất, không chỉ giết một hay một số người mà hàng loạt, hạng triệu người... Với sự phát triển của khoa học kĩ thuật, con người tưởng như sẽ trở nên nhân bản hơn để cùng nhau tìm cách kìm hãm cơn khát máu của mình. Thế nhưng, con người lại càng nghĩ ra những trò tiêu khiển đáng sợ để làm khổ nhau. Họ sẵn sàng giết người trên diện rộng để gieo rắc chết chóc trên toàn cầu, khiến sự sợ hãi tràn ngập thế giới, kéo theo những đau đớn về cả tinh thần lẫn thể xác không ngừng tăng theo cấp số nhân. Thật không thể tin những thứ vũ khí có khả năng giết người hàng loạt có thể được con người sử dụng một cách vô tư để hành hạ và hủy hoại thiên nhiên và đồng loại; thật không thể không giật mình khi nhìn thấy một nhóm người vì quyền lợi hay ý thức hệ và tôn giáo của mình lại trở thành những kẻ khát máu bất chấp sự sống của nhiều người. Để rồi, hậu quả thật bi đát là con người ngày càng phải chịu nhiều hơn những cái chết thật đáng sợ và tiềm ẩn mỗi ngày.

Nói chung, dường như con người mang nơi mình một bản năng khát quyền lực và giết chóc. Con người sẵn sàng dùng quyền lực không chỉ để tiêu diệt các loài khác và thụ tạo khác để phục vụ cho nhu cầu nhiều khi thật thấp hèn của mình. Tệ hơn và ghê rợn hơn, biết bao lần trong lịch sử, con người dùng quyền lực để gây đau khổ, thậm chí tàn sát chính đồng loại bằng nhiều hình thức đến khó hiểu. Nếu các thú vật chỉ hạn chế trong các phương pháp để tranh đấu hay tiêu diệt nhau, thì con người lại trở thành một sinh vật tàn nhẫn một cách tinh vi nhất, đa dạng nhất, phức tạp nhất, nhưng cũng đáng sợ nhất. Con người nghĩ ra đủ cách, đủ mọi pương pháp để hành hạ nhau, để làm khổ nhau, để tàn phá thiên nhiên và để tiêu diệt mọi thứ. Từ những phong cách đáng sợ nhất đến những phương pháp tưởng chừng nhẹ nhàng nhất, nhưng chất chứa nơi đó là những thủ đoạn và những hình phạt man rợ nhất, đôi khi xen lẫn cả những tiếng cười khả ổ, thỏa mãn, bệnh hoạn trước cái chết của chính đồng loại…

Như thế, con người xứng đáng đứng đầu bảng xếp hạng của sự độc ác. Nhờ trí khôn nhưng là một trí khôn đã bị tổ thương, con người độc ác nhất bởi sự tinh vi và khôn lường trên vũ trụ này. Chính con người vừa là nạn nhân nhưng cũng chính là thủ phạm gây ra sự tàn phá và chết chóc kinh hoàng nhất, với một dã tâm khát máu và vô cảm nhất.

Thế nhưng, vì là một hữu thể phân đôi đến kì lạ, nên dù thế nào, dù tàn nhẫn ra sao, thế giới này và nhân loại này vẫn còn tồn tại và phát triển nhờ vẫn còn sót lại nơi hữu thể phức tạp nhất mang tên con người một chữ yêu và mầm thiện. Bên cạnh sự độc ác và tàn nhẫn của một số người, vẫn còn đó lòng bao dung sự tha thứ và tình yêu của bao tâm hồn vẫn thường tồn nơi mình niềm khao khát được sống hòa bình và hạnh phúc vời nhau và cùng nhau trên thế giới này. Chính nhờ tình yêu, dù chỉ như những đốm lửa ấy, mà nhân loại vẫn tiếp tục nhen nhúm liều thuốc tình yêu và sự bao dung để chữa lành và hàn gắn những tương quan đã và đang bị tổn thương. Nhờ đó, mà ngày cánh chung vẫn mãi là một bí ẩn và một điều gì đó thể hiện lòng kiên nhẫn của Thiên Chúa, Đấng vốn vì yêu và có lẽ chỉ cần còn tình yêu trên trái đất, Ngài sẽ không lỡ xuống tay với con người. Cộng tác vào kế hoạc yêu thương của Thiên Chúa như những cánh tay nối dài và những trợ tá đắc lực, vẫn còn đó bao tâm hồn nhiệt huyết, dù âm thầm hay công khai, vẫn đang tiếp tục sứ mạng gieo rắc và lan thỏa tình yêu bằng chính đôi tay, khối óc và cả trái tim của mình để phục vụ thế giới và nhân loại. Tron thế giới vẫn còn đó bao người vẫn bền bỉ chung tay để vun trồng cây sự sống và tưới bón bằng chính những gương lành, cùng những công việc bác ái yêu thương, để mầm thiện trong tâm hồn nhân loại được trổ sinh và tiếp tục tỏa sáng để đẩy lui bóng tối của sự chết và tội lỗi đang tàn phá thế giới và con người trong thế giới hôm nay.

Thật vậy, đứng trước một thực tại đầy phức tạp là con người và trong một thế giới tràn ngập bí ẩn và đầy xung khắc, Giáo hội vẫn mang nơi mình một sứ mạng là nên sứ giả của sự sống, Giáo hội luôn ý thức vai trò của mình trong việc gìn giữ ngọn lửa tình yêu mà Thiên Chúa đã trao tặng cho con người, nhất là nơi Con Một của Ngài. Nhờ đó, Giáo hội vẫn miệt mài thực thi sứ vụ tặng ban yêu thương, lan tỏa lòng thương xót đến cho con người trong thế giới hôm nay. Giáo hội qua Kinh Thánh và Giáo huấn của mình luôn nhìn nhận “việc đánh mất tương quan với Thiên Chúa và mất cảm thức về tình anh em phổ quát đã góp phần tạo nên cảm giác bị cô lập và lo lắng về tương lai… Tuy nhiên, trái tim của Ki-tô giáo là tình yêu Thiên Chúa dành cho mọi dân tộc và lòng mến của chúng ta cho người thân cận, nhất là những người gặp thiếu thốn…”[14]

Do đó, với xác tín “nơi nào có nguy hiểm, nơi đó cũng trổ sinh nguồn năng lượng cứu rỗi”[15], giữa một thế giới đầy nhiễu nhương, Giáo hội vẫn trở nên nguồn sống cho thế giới trong Đức Giê-su Ki-tô, Đấng “là đường, là sự thật và là sự sống”(Ga, 14,6). Nhờ đó, Giáo hội luôn kêu mời mọi thành phần ý thức trách nhiệm và bổn phận của mình trong sứ mạng bảo vệ sự sống và lan tỏa tình yêu. Cụ thể, mỗi người tiếp tục thực hiện việc “đùm bọc những phận người sống bên rìa xã hôi là mở rộng chân trời mới của chính chúng ta, bởi khi đó, ta sẽ có cái nhìn rộng mở hơn và rõ hơn từ mọi khía cạnh xã hội”[16] và nhờ đó mà những công việc của chúng ta cho Chúa và Giáo hội sẽ tiếp tục sinh hoa trái cũng như gớp phần làm cho thế giời và nhân loại mỗi ngày một bình an và nhân bản hơn…
  1. Thánh giá – Cây Sự Sống.
Nếu trong vườn địa đàng, khi mắt được mở ra và thấy mình trần truồng, con người như nhận ra chính sự thật về mình (St 3,7). Cũng vậy trên Thánh giá, trước sự trần trụi của Con Đấng Tối cao, nhân loại hay con người cũng nhận ra sự thật về Thiên Chúa, một Thiên Chúa yêu con người đến điên dại và tận cùng (x. Mt 27, 54). Một Thiên Chúa chấp nhận chết để con người được sống, chết để chiến thắng cái chết và sự ác, để làm cho con người trở nên thánh thiện và được trở lại tình trạng thánh thiện nguyên thủy. Đây quả là một nghịch lý, một huyền nhiệm mà chỉ được sáng tỏ trong ngày sau hết.

Thật lạ, thập giá từ một hình phạt đã trở thành Cây trường sinh mới, nơi con người có thể kín múc sự sống đích thực. Nếu nơi cây biết thiện biết ác khi xưa, con người nhận được nơi đó sự thật về chính mình, nhưng phải chấp nhận hình phạt đau đớn và bị đát nhất là đau khổ và cái chết do thái độ bất tín và kiêu ngạo của mình, cùng sự tham lam quyền lực muốn bằng Thiên Chúa. Thì nay, Chúa Giê-su đã dùng cây thập giá, qua cái chết và sự phục sinh của Ngài để minh chứng cho con người thấy rằng có sự sống đích thực sự sống vĩnh cửu. Sự sống ấy chỉ có được nơi Thiên Chúa và qua Thánh Giá, nơi Đức Ki-tô đã chấp nhận nằm trên đó, để sự sống và ơn cứu độ được phát sinh và tuôn trào cho tới tận cùng trái đất. Nếu con người nghe theo lời ma quỷ và phải chết thì nay, qua Thánh giá con người, nhờ lắng nghe và sống Lời của Con Thiên Chúa, sẽ đi qua Thánh giá và đến được vinh quang với ơn cứu độ bất diệt muôn đời.

Cũng vậy, nếu thập giá là biểu tượng cho cái chết, cho hình phạt cho sự sỉ nhục, thì Thánh giá đã được Chúa biến đổi thành biểu tượng cho sự sống và sự sống lại vinh quang. Nếu khi xưa Mô-sê giơ cao con rắn đồng một biểu tượng của sự chết, để con người được sống, thì nay Thiên Chúa lại dùng một biểu tượng của cái chết để thông ban sự sống cho nhân loại, sự sống vĩnh cửu chứ không phải sự sống rồi sẽ chết như xưa trong sa mạc. Đó quả là một đường lối sư phạm vô cùng lạ lùng và táo bạo của Thiên Chúa mà con người sẽ không bao giờ có thể hiểu hết đươc. Con người, một sinh vật chỉ biết dùng những phương tiện của sự chết để phục vụ và gây cái chết, thậm chí sử dụng cả những phương tiện phục vụ sự sống để đội lốt và gây ra cái chết. Trái lại, Thiên Chúa cho thấy đường lối của Ngài vượt xa mọi suy nghĩ phàm nhân. Ngài không chỉ sử dụng sự sống để phục vụ sự sống, nhưng còn dùng chính những thứ tưởng như biểu hiện cho cái chết để đem lại sự sống đích thực cho con người.

Giáo hội vẫn đang tiếp tục sứ mạng gieo rắc sự sống cho nhân loại. Dẫu rằng, có những lúc, với những con người bất toàn, Giáo hội và những con người trong Giáo hội cũng chẳng thể thoát khỏi những yếu tố con người, để rồi đã từng có những lúc dùng Thánh giá trở thành biểu tượng để gieo rắc chiến tranh, chia rẽ và sự chết cho con người. Tuy nhiên, vì là Giáo hội của Chúa nên khi nhận ra sai lầm, Giáo hội đã nhìn nhận và thay đổi, để trở lại với căn tính của mình, trở nên một Giáo hội của sự sống phát xuất từ cạnh sườn bị đâm thâu của Chúa Giê-su Ki-tô. Từ đó, Giáo Hội vẫn đồng hành với nhân loại như Đức Kitô vẫn đồng hành với các môn đệ trên đường Emmau cho đến tận cùng thời gian, thì Giáo Hội với sứ mạng của mình vẫn luôn đồng hành với con người qua mọi thời đại và luôn làm Ngôn sứ cho nhân loại này. Tuy nhiên, Giáo Hội cần phải nhìn lại chính mình để hiểu mình là ai và từ đó xác định sứ mệnh của mình trong thế giới ngày nay.[17

 

[1] Cf. Thánh Công đồng Vaticano II, Hiến chế Mục vụ về Giáo hội trong thế giới ngày nay, số 10
[2] Cf. N. Berdyaevev, Mục đích của Sáng tạo, Nxb Tri Thức, tr. 57
[3] Cf. Blaise Pascal, Suy Tưởng, Nxb Khoa Học Xã Hội, tr. 148
[4] G. Maxcel
[5] Cf. https://trungtamytequan11.medinet.gov.vn/suc-khoe-cho-moi-nguoi/bao-ve-moi-truong-cung-chinh-la-bao-ve-su-song-cua-chung-ta-c16195-66839.aspx
[6] Cf. https://www.vaticannews.va/vi/pope/news/2020-09/dtc-phanxico-tiep-kien-chung-laudato-si-thien-nhien-trai-dat.html
[7] Cf. https://www.tonggiaophanhanoi.org/bai-tham-luan-bao-ve-va-song-dung-pham-gia-con-nguoi/
[8] Cf. Joseph Ratzinger, Tuyển tập Ratzinger, Lieven Boeve và Gerard Mannion biên soạn, Nxb. Tôn Giáo, Cao Viết Huấn, CM dịch, tr. 146
[9] Martin Heidegger
[10] Cf. https://gpbuichu.org/news/bai-chia-se/dtc-benedicto-xvi-chi-mot-con-nguoi-13874.html
[11] Cf. Thánh Công đồng Vaticano II, Hiến chế Mục vụ về Giáo hội trong thế giới ngày nay, số 12
[12] Cf. Joseph Ratzinger, Biển Đức XVI, Chết và sự sống đời sau, Phạm Hồng Lam dịch, Nxb Tôn Giáo, tr. 95-98
[13] Cf. Thánh Công đồng Vaticano II, Hiến chế Mục vụ về Giáo hội trong thế giới ngày nay, số 18
[14] Cf. Đức Giáo hoàng Phan-xi-cô, hãy cùng ước nơ, Nxb Thế giới, Ysof dịch, tr. 165
[15] Cf. Ibid., tr. 175
[16] Cf. Ibid., tr. 175
[17] Cf. https://tgpsaigon.net/bai-viet/giao-hoi-cong-giao-dong-hanh-voi-the-gioi-hom-nay-41041

Tác giả: Nguyễn

***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập478
  • Máy chủ tìm kiếm20
  • Khách viếng thăm458
  • Hôm nay125,085
  • Tháng hiện tại244,572
  • Tổng lượt truy cập71,610,918
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây