Thái độ của Chúa Giêsu và của con người

Thứ bảy - 27/03/2021 05:03  1625
CHÚA NHẬT LỄ LÁ
Is 50,4-7; Pl 2,6-11; Mc 14,1 - 15,47-66

palmsunday 58e280f35f9b58ef7e94e120Hôm nay là Chúa Nhật cuối cùng của Mùa Chay và sau đó, chúng ta cùng nhau bước vào Tuần Thánh, cao điểm của mùa chiến đấu thiêng liêng tìm lại chính mình và Thiên Chúa, cội nguồn của chúng ta. Hôm nay, Giáo Hội cho chúng ta nghe bài thương khó, nói lên sự đau khổ và cái chết của Chúa Giê-su, Chúa chúng ta. Nhờ cái chết này mà sự sống cho một nhân loại được mở ra.

1. Thái độ của Chúa Giêsu qua cuộc Thương Khó

Chúa Giê-su rất can đảm và sẵn sàng chấp nhận đau khổ vì Người biết đau khổ chỉ tạm thời, và phải qua đau khổ mới đạt tới vinh quang. Chính niềm tin vững mạnh nơi Chúa Cha sẽ cho Chúa Giê-su chiến thắng khải hoàn. Điều ấy được minh chứng bằng chính sự tiên báo của Chúa về Giu-đa: "Thầy bảo thật anh em, có người trong anh em sẽ nộp Thầy, mà lại là người đang cùng ăn với Thầy". Chúa Giêsu có thể chỉ rõ Giu-đa là người toan tính phản bội, hắn sẽ không thoát khỏi bàn tay của các tông đồ khác và Người sẽ thoát khỏi kế họach của hắn, nhưng Chúa Giêsu không tố cáo Giu-đa, mà cho hắn cơ hội trở lại.

Chúa Giê-su luôn vâng theo thánh ý Chúa Cha: Khi cầu nguyện trong vườn Cây Dầu, để đối diện với cuộc Thương Khó sắp tới, Người như chìm đắm trong cô đơn: Chúa Cha dường như ẩn mặt; các tông đồ nặng trĩu trong giấc ngủ. Chúa Giêsu cảm thấy hầu như tất cả đều bỏ mình. Tuy vậy, Người vẫn can đảm cầu nguyện: "Lạy Cha, xin cất chén này khỏi con. Nhưng đừng theo ý con, một xin theo ý Cha".

Chúa Giê-su luôn đứng về phía sự thật khi đương đầu với đau khổ và phản bội. Chúa Giêsu đối xử với Giu-đa rất tốt đẹp. Người biết rõ Giu-đa phản bội, nhưng vẫn không chửi mắng và cũng không tố cáo tội của ông cho các môn đệ khác biết; vì nếu họ biết, Giu-đa sẽ khó giữ được tính mạng. Tuy nhiên, Người phải nói cho Giu-đa biết, với hy vọng nhờ cách đối xử nhẹ nhàng, hắn sẽ ăn năn trở lại.

Chúa Giê-su luôn yêu thương và tha thứ: Đang khi sắp phải đương đầu với cuộc Thương Khó, Chúa Giêsu vẫn nhớ tới những người còn ở lại, nhất là các thế hệ tương lai. Đó là lý do Người thiết lập bí-tích Thánh Thể để tiếp tục ở lại và nuôi dưỡng linh hồn con người. Mỗi khi cử hành bí-tích Thánh Thể, con người được nhắc nhở hướng về tương lai, sẽ có ngày con người cùng được uống thứ rượu mới trong Nước Chúa với Đức Kitô. Dù biết trước tất cả tông đồ đều phản bội, Chúa Giê-su sẵn sàng tha thứ, hòa giải, và trao ban hy vọng cho các ông khi Người nói: “Đêm nay tất cả anh em sẽ vấp ngã vì Thầy. Vì có lời đã chép: Ta sẽ đánh người chăn chiên, và đàn chiên sẽ tan tác. Nhưng sau khi trỗi dậy, Thầy sẽ đến Galilee trước anh em”.

2. Sự ích kỷ, gian dối, và phản bội của con người

Khi Chúa Giêsu tiên đoán một người trong các ông sẽ phản bội, các môn đệ buồn rầu, và lần lượt hỏi Người: "Chẳng lẽ con sao?". Nhưng những gì xảy ra vẫn cứ xảy ra, đó là sự bỏ chạy của các tông đồ.

Không biết sức yếu đuối của mình, nên Phêrô thưa Chúa Giêsu: "Dầu tất cả có vấp ngã đi nữa, thì con cũng nhất định là không". Tất cả các môn đệ cũng đều nói như vậy. Chỉ có Thiên Chúa biết chắc chắn những gì sẽ xảy ra cho con người, con người không biết chắc chắn những gì sẽ xảy ra cho mình. Vì thế, con người phải tin những gì Thiên Chúa nói hơn những gì loài người hay chính mình nói.

Khi các binh lính bắt và trói Chúa Giêsu, bấy giờ các môn đệ bỏ Người mà chạy trốn hết. Họ sợ nếu ở lại, họ sẽ bị liên lụy và phải chịu thiệt thân. Thái độ của con người phải chăng luôn là sự chạy trốn?

Phêrô cũng trải qua cuộc thanh luyện đồng thời với Chúa Giêsu: Ông Phêrô theo Người xa xa, vào tận bên trong dinh Thượng Tế, và ngồi sưởi bên đống lửa với đám thuộc hạ. Hai cuộc tra vấn xảy ra đồng thời: khi Chúa Giêsu bị thẩm vấn cách công khai trong dinh, ông Phêrô bị thẩm vấn cách âm thầm ngoài dinh. Ba lần chối Chúa, Phêrô liền thốt lên những lời độc địa và thề rằng: "Tôi thề là không có biết người các ông nói đó!" Dù có phải thề độc, con người vẫn có thể quy hàng sự xấu.

Chúa Giê-su bị chính môn đệ bán rẻ với giá 30 đồng. Giá cả 30 đồng mà người ta ấn định cho Giu-đa là một giá rẻ mạt, chỉ bằng tiền chuộc của một nô lệ rẻ tiền. Con người đã lấy giá trị của nô lệ, làm tiêu chuẩn cho đời sống mình.

Giu-đa dùng cái hôn để làm dấu bán Thầy. Cái hôn thường được con người dùng để bày tỏ tình yêu với nhau; người Do-thái có thói quen hôn thầy của họ. Đàng này, Giu-đa lại dùng cái hôn để phản bội Thầy mình. Có lẽ Giu-đa nghĩ ông có thể qua mặt Chúa Giêsu. Con người vẫn cứ nghĩ và tìm mọi cách để qua mặt nhau, bất chấp mọi giá trị.

Mặc dù Giu-đa chỉ chối Chúa Giêsu một lần, sau đó biết hối hận mang tiền lại trả cho các thượng tế; nhưng điều khác biệt với Phêrô là Giu-đa không tin tưởng nơi lòng thương xót của Thiên Chúa, nên đã ra đi tự tử. Cuối cùng lòng thương xót của Thiên Chúa vẫn vượt qua tất cả, chỉ là con người không vượt qua được chính mình.

Chúng ta cùng bày tỏ lòng sám hối cách trọn vẹn để bước vào Tuần Thánh với Chúa Giêsu, ngõ hầu đón nhận được ơn tha thứ. Amen.

Tác giả: Lm. Giuse Đoàn Văn Tuân

***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập208
  • Máy chủ tìm kiếm53
  • Khách viếng thăm155
  • Hôm nay36,148
  • Tháng hiện tại883,770
  • Tổng lượt truy cập70,911,527
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây