Chơi bập bênh khiêm nhường với Chúa
Thứ hai - 20/04/2020 00:31
1480
Tôi thích ngắm những em nhỏ vui chơi trong các giờ hoạt động ngoài trời. Nhìn các bé đơn sơ hồn nhiên vui cười, những muộn phiền tự nhiên tan biến hết. Trò chơi của các bé rất nhiều, nhưng tôi thích nhìn các bé chơi trò “Bập bênh”. Hai bé ngồi hai bên đối diện thay nhau lên lên xuống xuống. Có lúc tôi tưởng tượng rằng tôi và Chúa cùng chơi trò chơi này. Đang miên man theo dòng suy nghĩ ấy, chợt nhận ra có gì đó không ổn: khi cùng chơi với Chúa, lúc tôi được lên cao cũng là lúc Chúa bị hạ xuống. Ý nghĩ đó làm tôi tự hỏi liệu mình có đang quá mạo hiểm hay không? Bởi “Phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống, còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên” (Lc 14,11). Và khi tự đưa mình lên như thế, có phải là tôi đang kiêu ngạo hay không? Suy nghĩ thêm một chút, tôi nhận ra rằng trong cuộc sống, hai khái niệm “khiêm nhường” và “kiêu ngạo” tưởng như đối lập nhau hoàn toàn, nhưng đôi khi ranh giới giữa chúng lại rất khó phân biệt. Đức Hồng Y Phanxico Xavie Nguyễn Văn Thuận đã từng nói: “Khi người ta hạ con xuống chưa chắc con đã là khiêm nhường, khi con tự hạ mình xuống cũng chưa chắc con đã là khiêm nhường” .Vậy như thế nào mới là khiêm nhường thật? Theo tôi, khiêm nhường thật không nhất thiết phải là luôn phủ nhận mọi điều về mình, cả điều tốt hay lẫn điều dở. Nhưng là chấp nhận sự thật về chính mình: những tài năng mình được phú bẩm; những lầm lỗi yếu đuối mình mắc phải để có thể sống thật với con người của mình. Không tự cao tự đại nhưng cũng không tự ti. Giỏi không kiêu, kém không thất vọng. Luôn trân nhận con người thật của mình và không ngừng thăng tiến bản thân.
Nói đến đây, tôi mới nhận ra đôi khi chúng ta đã để nhân đức khiêm nhường bị lu mờ đi và tính kiêu ngạo nổi lên. Chẳng hạn, chúng ta là một người rất có tài, giao cho công việc gì cũng làm rất tốt, tính toán giỏi, mọi công việc từ khi làm tới lúc kết thúc đều hoàn hảo. Nhưng khi giao công việc đó cho người khác, chẳng những chúng ta không giúp đỡ, động viên, góp ý kiến mà còn chê bai, nói những lời có thể gây tổn thương cho người khác … Khi làm như thế có phải chúng ta đang bị tính kiêu ngạo thống trị không? Hay cái tôi quá lớn?
Trong Tin Mừng, Chúa Giêsu mời gọi: “Anh em hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường trong lòng” (Mt 11,29). Giả như bạn vẽ rất đẹp, hát hay, đàn giỏi,… được người ta khen thì hãy nói cám ơn và tự nhủ: “Tôi có là gì, thì cũng là ơn Thiên Chúa ban” (1Cr 15,10). Chúng ta cần nhìn nhận rằng nếu muốn tiến lên về mặt tâm linh thì càng phải khiêm nhường. Chỉ khi nào cái tôi nhỏ lại và thực sự mở ra thì Thiên Chúa mới đổ hồng ân của Ngài vào được. Theo tư tưởng của Thánh nữ Catarina, Ngài ví mình như chiếc bình đặt ngụp lặn trong dòng suối mát là Chúa Kitô thì sẽ không bao giờ bị vơi đi. Điều ấy nhắc nhở chúng ta: Hãy luôn khiêm tốn, nhận mình chỉ là ly nước vơi để Chúa đổ tràn ân sủng của Ngài.
Trong cuộc sống, chúng ta và Chúa vẫn thường chơi trò “Bập bênh”. Luật của trò chơi cả hai đều biết nhưng nhiều khi ta vẫn tự tôn mình lên bằng nhiều cách rất tinh vi, phải tinh ý lắm mới thấy trong giọng nói, cách cư xử… Những lúc như vậy là chúng ta đang hạ Chúa xuống vì: “Thiên Chúa được tôn vinh nơi các kẻ khiêm nhường” (Hc 3,8).
Chiến đấu để sống khiêm tốn là một cuộc chiến đấu suốt cả đời người. Sự kiêu căng có thể tiềm tàng dưới mọi hình thức. Không giống với những nết xấu khác, “vì các nết xấu thúc đẩy người ta làm việc xấu, còn tính kiêu ngạo lại xâm nhập vào cả việc tốt để làm cho việc tốt hư đi, chính điều tốt lại là chỗ thuận lợi cho loại vi khuẩn kiêu căng phát triển”.
Trong cuộc chiến đấu này, chúng ta rất cần ơn Chúa, bởi nếu không có Chúa ta chẳng làm gì được. Thiên Chúa thường giúp ta bằng một phương tiện đặc biệt và hữu hiệu. Ngài để một cái dằm nằm trong thân xác ta, như Ngài đã để một cái dằm nằm trong thân xác Phaolô (2Cr 12,7). Ta không biết cái dằm trong thân xác Phaolô là cái gì, nhưng cái dằm nơi ta thì có thể biết rõ. Đó là những tình huống tủi hổ phải chịu: là một khuyết điểm, một bệnh tật, sự yếu đuối bất lực ta mang trong mình, dù đã có lần xin Chúa cất nó đi. Cái dằm đó nhắc nhở ta phải “Tự khiêm tự hạ dưới bàn tay uy quyền của Thiên Chúa, để Người cất nhắc anh em khi đến thời Người đã định.” (1Pr 5,6-7).
Dạ Quỳnh ĐHY Phanxico Nguyễn Văn Thuận, Đường Hy Vọng, số 509 Tu luật Thánh Augustino, số 1