Tìm hiểu về địa danh Trà Lũ, Phú Nhai...

Thứ hai - 16/12/2024 01:13  1250
Trước đây, trong bài “Hương kinh Trà Lũ”, chúng tôi có viết rằng:

“Trà Lũ hôm nay đã khác tên
Còn chăng duyên dáng thuở nguyên tuyền
Hương kinh trong gió còn không nhỉ
Một nét đẹp xưa, nét đẹp ngoan?”

Nhưng mới đây, trong chính sách “sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của tỉnh Nam Định, giai đoạn 2023-2025”, đã lấy lại địa danh Trà Lũ qua việc thành lập xã Trà Lũ[1]. Nhân dịp này, chúng ta cùng điểm lại một vài sự kiện liên quan đến địa danh Trà Lũ và Phú Nhai, để hiểu rõ hơn về lịch sử của vùng đất này.


1. Làng Trà Lũ
 
Làng Trà Lũ xưa được thành lập từ lâu đời dưới thời Lê sơ (khoảng cuối thế kỷ XV)[2], thuộc vùng đất khai hoang lấn biển vùng Giao Thủy, trấn Sơn Nam Hạ, do người từ làng Kim Lũ (hoặc Phượng Lũ) đến lập nghiệp[3]. Chữ Trà bởi “Trà Giang” (sông Trà), chữ Lũ là một phần tên quê gốc. Làng này xưa kia gồm ba thôn: Trung, Bắc, Đông.

Cần phân biệt làng Trà Lũ với tổng Trà Lũ gồm 8 làng (xã/phường): Trà Lũ, Lạc Nghiệp, Vạn Lộc, Trà Khê, Quần Cống, Hoành Vực, Chuỳ Trà, phường thủy cơ Trà Lũ. Đầu thế kỷ XX đổi tên xã Hoành Vực thành xã Thọ Vực; xã Chuỳ Trà thành xã Thanh Trà (sau lại đổi Thanh Trà thành Thanh Khê); xã Quần Cống thành xã Thiên Thiện; chia xã Trà Lũ làm Trà Lũ Đông, Trà Lũ Đoài, Trà Lũ Bắc, Trà Lũ Trung và lấy trại Nam Điền thuộc xã Trà Lũ Trung lập thành xã Nam Điền. Bỏ phường thủy cơ Trà Lũ)[4].

Sau nhiều biến chuyển, vào những năm 50 của thế kỷ trước, làng Trà Lũ (thuộc tổng Trà Lũ) hợp với làng Phú Nhai (thuộc tổng Phú Nhai) và được chia ra thành ba xã: Xuân Bắc, Xuân Phương và Xuân Trung[5]. Tháng 9 năm 2024 vừa qua, ba xã trên lại gộp thành xã Trà Lũ, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định[6].

 
pn1

2. Làng Phú Nhai

Làng Phú Nhai trước là vụng thuyền chài nằm giữa ba thôn của làng Trà Lũ: Trà Lũ Trung, Trà Lũ Đông, Trà Lũ Bắc, do người Thủy Nhai cắm mốc, sau đến khai khẩn, bồi lập và định cư thành làng Phú Nhai, thuộc tổng Thủy Nhai (gồm 13 làng/xã/phường: Thủy Nhai, Trung Lễ, Hạ Linh, Trung Linh, An Cư, Phú Đường, Phú Nhai, Lục Thủy, Thượng Miêu, Nhật Hy, Bùi Chu, Hoành Quán, phường thủy cơ An Cư).
 
pn2

Mãi sau này làng Phú Nhai mới sát nhập vào làng Trà Lũ, vì nếu để riêng sẽ tạo một địa thế rất phức tạp như câu ca dao:

“Ba thôn Trà Lũ bò ra ngoài
Một thôn Phú Nhai, nhai vào giữa”[7].

Cũng có thời điểm các người theo Đạo Công Giáo trong xã Trà Lũ gộp thành một đơn vị tòng nhân có tên là thôn Trà Lũ Đoài (Trà Đoài). Một vài mốc thời gian về Phú Nhai như sau:

- 1533: Vụng thuyền chài, thuộc người Thủy Nhai;
- trước1926: làng Thủy Nhai (Hạ Thôn);
- 1926: xã Phú Nhai, thuộc tổng Thủy Nhai;
- 1940: xã đầu của tổng mới Phú Nhai;
- 1948: gộp với Trà Lũ tạo thành một xã mới (Trà Phú);
- 1952: trực thuộc xã Xuân Phương (1952);
- 2024: trực thuộc xã Trà Lũ.

3. 
Giáo xứ Phú Nhai

Giáo xứ Phú Nhai được thành lập quãng thế kỷ XVIII. Trước đó, Nhà Chung (Sở Cha Chính) tọa lạc tại Bắc Tỉnh. Năm 1886, mới xây nhà thờ Phú Nhai đầu tiên. Năm 1916, giáo xứ Phú Nhai gồm 10 họ đến từ 5 xã (làng): Nhà Xứ, Bắc Tỉnh, Thất Sự, Đức Bà, Thôn Đông, Kính Danh, Thánh Giuse, Vạn Lộc, Nam Điền và An Cư[8].
 
pn3

Hiện nay, ba giáo họ đã tách thành xứ riêng: Vạn Lộc (1935), Kính Danh (1977) và Nam Điền (1995); giáo họ An Cư đã mất, một phần giáo họ Thôn Đông tách thành họ Thánh Tâm (1926). Như vậy, giáo xứ Phú Nhai hiện có giáo họ Nhà Xứ và 6 giáo họ: Bắc Tỉnh, Thất Sự, Đức Bà, Thôn Đông, Thánh Giuse và Thánh Tâm.

Tuy nhiên, chúng ta phải ghi nhận vị trí rất đặc biệt của Phú Nhai, nơi có Tiểu Vương Cung Thánh Đường dâng kính và tri ân Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, nơi là quê hương của 6 Thánh Tử Đạo, hàng trăm chứng nhân tử đạo, 6 giám mục và trăm linh mục, tu sĩ, tới mức dân gian có câu: “Cha Phú Nhai như khoai Ba Hàng (Chợ Chùa)”. Đồng hương Phú Nhai ở khắp nơi, như Thức Hóa, Đại Đồng, Phú Thọ, Phú Hương, Phú Hóa, Phú Ninh…; miền nam có Tân Mai, Dốc Mơ… và hải ngoại nữa, không đếm xuể!

4. 
Đền thánh Phú Nhai

Đền thánh Phú Nhai được xây dựng để thực hiện lời hứa của Đức Cha Thánh Berrio-Choa Valentino Vinh và Cha Chính Emmanuel Ranio Hòa khi khấn dâng Địa Phận Trung (Bùi Chu và Thái Bình ngày nay) cho Đức Mẹ Vô Nhiễm giữa cơn bách hại đạo gay gắt và khốc liệt của nhà Nguyễn (1858)[9].

Ngôi đền thánh hiện nay là nhà thờ thứ tư được xây dựng năm 1930, hoàn thành năm 1933 (sau khi các ngôi đền thánh khác xây năm 1866, 1881, 1916, lần lượt bị hạ giải hoặc bị bão làm đổ). Đền thánh có tổng diện tích 2160 m2, dài 80m, rộng 27m, cao 30m, tháp cao 44m. Trên hai tháp có 4 quả chuông đúc từ Pháp nặng, 2000kg, 1200kg, 600kg và 100 kg.

 
pn4

Ngày 07/12/1933 Đức Cha Muñagori Trung xức dầu thánh hiến trọng thể thành Đền Thánh dâng kính Đức Mẹ Vô Nhiềm Nguyên Tội, với sự hiện diện của Đức Khâm Sứ Tòa Thánh Columban Dreyer, nhiều Giám mục người Pháp và Tây Ban Nha, nhiều linh mục, tu sĩ và khoảng 40 ngàn tín hữu.

Ngày 12/08/2008, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI đã nâng Đền thánh Phú Nhai thành Tiểu Vương Cung Thánh Đường Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội (Phú Nhai). Đền thánh Phú Nhai trở thành Vương cung Thánh đường thứ ba của Việt Nam, sau Đức Bà (Sài Gòn), La Vang (Huế) và trước Sở Kiện (Hà Nội)[10].

Như vậy, việc một số tác giả ghi chữ Phú Nhai chua sau Trà Lũ (ví dụ: “… Trà Lũ (Phú Nhai)...” sẽ rất dễ gây hiểu lầm hai địa danh là một. Thực ra, giữa hai địa danh có sự dị biệt.

Hiểu theo địa lý Công giáo, Phú Nhai hiện là giáo xứ bao trùm các họ đạo trên gần hết xã Trà Lũ (vì Kính Danh đã tách riêng thành giáo xứ năm 1977). Tuy nhiên, lui về quá khứ, mãi cho đến năm 1873, Phú Nhai mới trở thành họ đầu xứ và Sở Cha Chính mới chuyển từ Bắc Tỉnh về Phú Nhai.

Hiểu theo địa lý hành chính, ngày nay (09/2024), Phú Nhai là một thôn/làng nằm trong xã Trà Lũ. Nếu tính lùi về năm 1533 thì Phú Nhai mới chỉ là một vụng thuyền chài, sau mới thành lập làng Thủy Nhai (Hạ Thôn), rồi thành xã Phú Nhai (1926) thuộc tổng Thủy Nhai (trong khi xã Trà Lũ thuộc tổng Trà Lũ). Năm 1940, Phú Nhai thành xã đầu tổng mới Phú Nhai (1940), sau mới hợp làm một với Trà Lũ tạo thành một xã mới (Trà Phú, 1948), sau này thuộc xã Xuân Phương (1952) và mới đây lại trở về thuộc xã Trà Lũ (2024).

Nhân tiện, chúng tôi nghĩ rằng giáo xứ Ấp Lũ (vốn do người Trà Lũ xuống lập ấp) có giai đoạn đổi tên thành Trà Lũ cũng đã gây hiểu lầm cho một số người rằng đây chính là địa danh Trà Lũ xưa được ghi trong Khâm định Việt sử Thông giám cương mục! Thiết nghĩ nên giữ lại tên Ấp Lũ hoặc nếu muốn thì đổi thành Tân Trà hoặc Tân Trà Lũ…

 
Trà Lũ hôm nay sống lại tên
Vẫn đẹp duyên xưa nét nguyên tuyền
Hương kinh sốt mến nuôi hồn sống
Để mãi xanh màu cây đức tin…
 
Mừng lễ Mẹ Vô Nhiễm, 08-12-2024
 

[2] Có thể dự đoán khoảng niên hiệu Hồng Đức - 1470, triều Lê Thánh Tông qua đôi câu đối còn lưu trong Từ đường (nhà thờ họ Phan Tộc) có ghi:
"Hồng Đức niên gian bồi đức thụ.
Trà Giang lạc thổ triệu nhân cơ"
(Năm Hồng Đức vun trồng lên phúc đức
Đất sông Trà tốt đẹp hạnh phúc dựng cơ đồ)
[3] Theo gia phả Họ Trần xã Xuân Trung và sách Trà Lũ xã chí thì vốn dân Trà Lũ di cư từ làng Lủ (Lũ) (Có tài liệu ghi rằng từ xã Phượng Lủ, phủ Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên, nay là xã Kim Thi, tỉnh Hưng Yên. Cũng có giả thiết khác từ làng Lủ xã Kim Lũ, tổng Khương Đình, huyện Thanh Trì, phủ Thường Tín nay là phường Đại Kim - Hoàng Mai - Hà Nội) khai phá đầu tiên vào giữa thế kỷ XV, lấy một phần tên làng cũ đặt cho đất mới là Trà Lũ.
Theo Phan tộc thế phả có đoạn:
"Bản chi ta ngoại thành Hà Nội
Phượng Lũ là xã cội quê hương
Thủy tổ Chính Niệm đường đường
Về ngay Trà Lũ Xuân Trường định cư".
Những vị tổ mở đất còn để lại di huấn cho con cháu câu ca dao về sự việc này, nhắc nhở con cháu không quên quê gốc:
"Chữ Kim đổi lấy chữ Trà
Còn một chữ Lũ để mà làm ghi."
Theo ông Đỗ Hữu Trác, gốc Kim Lũ có cơ sở hơn, vì ba lý do: (1) Tra cứu lịch sử thì không thấy có làng Phượng Lũ; (2) Nếu ở Ân Thi có làng Lủ (Lũ) thật, thì vùng đất ấy rộng mênh mông, sao dân lại phải đi khai hoang lập ấp? (3)Vào thời Hồng Đức, có chính sách chiêu dân ở  gần Kinh Thành (đất chật người đông) đi khai hoang ở vùng Sơn Nam Hạ.
X. Đinh Thị Thùy Hiên, Nguồn sử liệu về làng Trà Lũ (Nam Định) trước năm 1945, Luận văn ThS. 2006, Lịch sử (60), tr. 22.58; Trần Mỹ Giống, “Trà Lũ xã chí – Nguồn tư liệu quý về lịch sử, văn hóa làng”, Trần Mỹ Giống Blog, http://tranmygiong.blogspot.com/2020/04/tra-lu-xa-chi-nguon-tu-lieu-quy-ve-lich.html
[5] Riêng xóm (trại) Nam Điền (lập năm 1820) đã tách khỏi Trà Lũ, thành lập xã Nam Điền năm 1890.
[7] Theo ông Đỗ Hữu Trác, nguyên văn câu ca xưa của các cụ chơi chữ ở vùng quê từ thời Thành thái là: “Trà Lũ ba thôn Nhai vào giữa / Quần Anh ba xã Xá ra ngoài”. Ý nói về câu chuyện thôn Phú Nhai nằm trong lòng ba thôn Trà Lũ và làng Nghĩa Xá (Xuân Ninh) lại bị đẩy ra ngoài phạm vi ba xã Quần Anh, ghép vào huyện Xuân Trường khi lập huyện Hải Hậu 1889.
[8] X. Cha Chính Trinh (Manuel Moreno), Sử ký Địa phận Trung, Phú Nhai Đường 1916, tr. 133.
[9] X. Cha Chính Trinh, Idem, tr. 85-86.
[10] X. V. Đinh Minh Thỏa, “Đền thánh Đức Mẹ Vô Nhiễm Phú Nhai, giáo phận Bùi Chu, được nâng lên hàng Vương cung Thánh đường”, Dân Chúa Mỹ Châu, http://danchuausa.net/print.php?id=giao-hoi-viet-nam/den-thanh-duc-me-vo-nhiem-phu-nhai-giao-phan-bui-chu-duoc-nang-len-hang-vuong-cung-thanh-duong/

Tác giả: Lm. Đaminh Trần Ngọc Đăng

***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập92
  • Máy chủ tìm kiếm56
  • Khách viếng thăm36
  • Hôm nay52,445
  • Tháng hiện tại862,005
  • Tổng lượt truy cập80,093,843
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây