Thư gửi Chị, người nữ tu Việt Nam

Thứ hai - 12/03/2018 10:07  3421
Chị thân mến!
 
Thế là ngày Mồng 8 tháng 3 đã qua rồi, cái ngày mà mẹ em từng giải thích cho đứa em ngây ngô ngày xưa: “Đó là ngày phụ nữ bùng lên.” Thấm thoát cũng đã gần hai chục lần kỷ niệm từ khi em hỏi mẹ về điều đó. Cũng bao lần em chạy về mừng mẹ, mừng chị khi đến dịp này. Và hẳn cũng từng ấy lần em nhìn thấy những cảnh người phụ nữ khác trong ngày đặc biệt này: có người vui, có người rộn rã quà và hoa, nhưng cũng có những người thầm lặng, “không ai mừng thì mình mừng với nhau vậy”. Thế đấy, một câu mừng cho nhau là xong- ngày dành riêng cho hơn một nửa thế giới. Em biết rằng chị cũng vậy, cũng quần quật trong sứ vụ của mình, rồi ngày Quốc Tế Phụ Nữ ấy đến, nghe được câu chúc của chị em, rồi nó lại trôi qua. Lẳng lặng, không dư âm, không được trân quý...
 
00 00 khan dongChị biết không, hôm nay em mới đọc được thêm một bài báo viết về các chị đó, những người con gái của Thiên Chúa trong đặc sủng dâng hiến. Bài báo không phải là một lời ca ngợi, nhưng nó là một lời nói thật đến đau lòng. Đọc xong, em nghĩ đến các chị, những người âm thầm chịu đựng, sống đời khiêm hạ, và phục vụ. Nơi các chị còn mang lấy đặc tính của người phụ nữ Việt, luôn âm thầm, chịu thương chịu khó, chỉ mong cho người mình thương mến được hạnh phúc mà chẳng hé môi nửa lời về những thiệt thòi mà mình đã và đang chịu.
 
Bài báo đó mang một cái tên không mấy nhẹ nhàng: “Các Nữ Tu Bày Tỏ Tình Trạng Bị Bóc Lột Kinh Tế” trong trang tạp chí Vatican Magazine Exposé. Nội dung bài báo nói về hoàn cảnh của những nữ tu như chị, đang làm việc tại Trái Tim của Giáo Hội và nhiều nơi khác nữa, nhưng lại bị đối xử rất bất công. Họ phải phục vụ các vị chủ chăn trong những công việc nấu nướng, dọn dẹp, có khi là đi giảng, hay giúp trong các giáo xứ, mà chẳng có lấy được những đồng lương tương xứng. Khi nói về lương bổng trong phục vụ có vẻ hơi lạ lẫm với chị và với nhiều nữ tu khác chăng? Vì tiền lương cho việc phục vụ hầu như không có trong việc phục vụ giáo xứ ở Việt Nam. Hơn nữa, các chị đi phục vụ thì chỉ tâm niệm là dùng hết khả năng và sức lực của mình để phục vụ Giáo Hội của Chúa, chứ có khi nào nghĩ tới nhận lương từ đó đâu? Có khi một vài chị cũng nhận ra điều này và các chị đã không nói nhưng hẳn nhiều người cũng có thể hiểu được.
 
Em cũng thấy lạ như chị vậy đó, nhưng khi được đến một đất nước dân chủ về nhân quyền, dần dần em hiểu rõ hơn một chút về điều này. Nói đơn giản hơn, thì dường như các sơ chẳng được người ta mang tiền đến xin lễ, hay được ân nhân giúp đỡ thường xuyên hoặc là được nhà xứ trả lương cho. Ngược lại, các chị cũng có nhiều khoản chi cho cả hội dòng, chi phí sinh hoạt, nhu yếu phẩm, học tập, huấn luyện, etc… Vậy nên các chị cũng phải tìm cách để có thể có nguồn thu nhập cho những chi phí ấy. Có nhiều dòng đã gửi các nữ tu đi làm ở trường học, bệnh viện để vừa làm nhân chứng giữa đời thường cho Chúa, và cũng vừa để có thể nhận số lương đó về nuôi cả nhà dòng. Ở Việt Nam mình, em cũng thấy các Dòng nữ mở trường mẫu giáo để dạy các em nhỏ, vừa là cách rao giảng Tin Mừng, vừa được có thêm thu nhập cho cả tập thể. Em thấy Chúa cũng thương các chị nhiều, vì ở một đất nước không được tự do mở trường như Việt Nam, mà Chúa cũng có cách để giúp các chị được phép dạy lớp mẫu giáo.
 
Dẫu vậy, việc mở trường ấy đâu được nhiều và đâu có đủ cho các khoản cần chi phí . Các chị vừa phải kiếm nguồn thu, vừa sốt sắng lo phục vụ giáo xứ nữa. Em thấy rất nhiều việc trong giáo xứ các chị đều phải kiêm lấy, từ lau dọn nhà thờ, cắm hoa, tập hát ca đoàn, dạy giáo lý, hay ngay cả những chương trình lễ lớn của giáo xứ. Thậm chí cả việc nấu cơm, dọn nhà xứ, và có nhiều việc không tên mà các chị vẫn phải làm.
 
Thế mà dường như các chị không được quý chuộng bằng các cha như bài báo ấy nói. Kể ra thì em cũng thấy sự thật đau lòng đó: ở quê em, tuy là một giáo xứ nhỏ nhưng ngày lễ mừng tân linh mục, hay kỷ niệm 10 năm thụ phong, 25 năm ngân khánh linh mục,v.v… thì cả xứ làm lễ to lắm, đoàn rước linh đình, đi vòng quanh cả khuôn viên nhà thờ, tiệc cả mấy chục mâm luôn ý. Vậy mà, em đi dự lễ mừng khấn trọn đời, kim khánh 50 năm khấn dòng của các sơ thì dường như nó trái ngược rất nhiều. Em thấy chỉ như lễ ngày thường, còn chị nào gia đình có chút danh giá hơn thì có phần long trọng hơn là trang trí thêm nhiều hoa trên gian cung thánh mà thôi. Không đoàn rước, không dâng lễ vật như lễ lớn, không tiệc mừng, mà thay vào đó là sơ ấy lên đọc bài đọc của thánh lễ ngày hôm đó. Lễ xong, mọi người trở về với ngày sống thường nhật, thì sơ ấy chỉ được gia đình làm một vài mâm cơm mời anh chị em trong gia đình cùng chia vui. Chị biết không, có lần em còn bị nhầm lẫn lễ mừng kim khánh của một sơ với tiệc mừng thọ của ông bà cố của sơ, chỉ bởi vì gia đình muốn làm cho sơ vui hơn, nên cố ý gán hai sự kiện lại trong một ngày để tiệc lớn hơn một chút.
 
Trong chuyến đi chơi, em có cơ hội đến thăm một chủng viện tại một đất nước tự do. Ở đây, các Cha cũng có nhờ một số Sơ giúp cho chủng viện một số công việc. Nếu chị ở đây, chị còn thấy nhiều điều khác hơn em thấy. Các Sơ, các Cha, và các Thầy rất gần gũi: mọi người đều cùng nhau làm việc một cách vui vẻ, không hề có sự phân biệt, ai cũng đều có tiếng nói của mình. Giờ ăn thì tất cả mọi người đều ăn cùng nhau và các Sơ được ưu tiên tự do chọn bàn. Có Sơ kể, mỗi một ngày Sơ ngồi một bàn để được tiếp xúc hết với mọi người, và điều đặc biệt là Sơ cảm nhận được tình yêu của Thiên Chúa luôn hiện ở giữa vì mọi người không hề có một chút gì là xa cách. Khi ăn xong, các Cha, các Thầy, và các Sơ cùng nhau lau dọn, nhóm lau bàn, nhóm rửa chén bát cùng các Sơ, vui lắm Chị ạ.
 
Nhớ lại ngày trước, em cũng có lần đến thăm một chủng viện ở quê nhà. Nơi đây cũng có các nữ tu như các chị làm việc nhưng có nhiều điểm khác lắm chị ạ. Em thấy các nữ tu phải làm trong bếp, dọn dẹp từ a đến z, không hề thấy một ai giúp. Ah, không hoàn toàn thế, em cũng thấy có thầy xuống phụ giúp dọn bàn ăn mà thấy vẫn có gì khác lạ và xa cách. Có thầy nói, “Chị, em cần cái này.., cái này…., chị đị lấy cho em,” sao thầy không tự đi lấy mà phải nhờ Sơ- em tự hỏi ngay lúc đấy. Thầy là người xuống phụ giúp mà lại còn nhờ vả nhiều chuyện về công việc nữa thì…. Em còn thấy các nữ tu ấy khi nói chuyện với các cha, các thầy có chút gì đó khúm núm, có cấp bậc, và khoảng cách. Phải chăng văn hóa Khổng giáo ở Việt Nam còn ảnh hưởng nhiều tới nếp sống giữa vai trò của người nam và người nữ trong gia đình, xã hội, dòng tu, và cả Giáo hội- nghĩa là người phụ nữ chấp nhận điều này. Nhưng em thấy mọi người đang sống giữa một thế giới tự do, tự do về ngôn quyền và nhân quyền mà. Mọi người có thể lên tiếng về những hành động thiếu tôn trọng có liên quan tới nhân phẩm của một con người. Em hy vọng sau này sẽ có nhiều người nhờ học hỏi và cởi mở để sống công bằng, cũng như là tôn trọng lẫn nhau ở trong bất kỳ môi trường nào. 
 
Ngoài ra, em cũng được biết về tình cảnh của các chị khi đi giúp xứ. Các chị đã bỏ công sức và thời gian để giúp cha xứ dạy giáo lý, phụ giúp công việc nhà thờ như cắm hoa, dọn cung thánh,… đó là những công việc trong phục vụ- trong sứ mạng của người nữ tu. Nhưng khi các chị không làm vừa lòng cha xứ hay giáo dân thì bị khiển trách, kêu la. Em có nghe tới một vị linh mục ở một xứ kia, không hài lòng về cách các nữ tu làm việc giúp cho giáo xứ, cha ấy đã đưa hình tượng của các nữ tu đó nói trên bục giảng và thậm chí còn không cho các nữ tu ấy làm việc nữa.
 
Nhắc tới đây, để em kể chị nghe lại kỷ niệm hồi đầu em được gặp chị và các Sơ ở Trung Tâm Chăm Sóc Trẻ Em Tàn Tật & Mồ Côi. Trưa hôm đó em được ngồi cùng bàn ăn với các em thiểu năng, mà đúng ra em phải gọi là các cô các chú mới đúng, vì họ đã cao niên rồi. Lúc đó chị đã nhắc khéo cho tác phong của em trong bàn ăn qua việc nhắc chú bên cạnh. Chị biết không, lúc đó mặt em đỏ ửng như trái cà chua luôn, và cũng là bài học nhớ rất lâu. Câu chuyện này em cũng kể lại cho các anh em trong lớp khi về lại cộng đoàn, ai cũng cười ồ cả lên làm em ngượng lắm. Nhưng sau đó nó lại là kỷ niệm hay với em, và nó cũng hun đúc nên cung cách của em nữa. Nó hữu ích lắm. Kỷ niệm được sống với các cô chú bị thiểu năng ấy, và sự tận tâm của các chị nơi đó giờ này vẫn còn rõ ràng như trước mắt em vậy.
 
Dẫu em biết rằng những thiệt thòi của các chị đã có cội rễ từ nền văn hóa chịu ảnh hưởng nặng nề của Nho giáo, Khổng giáo và Đạo giáo của Việt Nam mình xưa kia, vốn coi trọng nam giới hơn là nữ giới. Bởi thế mà một vài tiếng nói bênh vực các chị cũng chẳng đem lại được thay đổi gì dù là nhỏ bé nhất, có khi lại mang đến tai họa cho những người đứng ra lên tiếng nữa. Em muốn dùng những lời tâm tình của em để cảm ơn các chị và ước mong nhiều người khác nữa: Giáo hội và xã hội nhận ra chân giá trị mà quý trọng các chị hơn. Trong Giáo hội, cũng có nhiều người muốn lên tiếng cho các chị, nhưng có những người khác lại lợi dụng những tiếng nói ấy để đả phá Giáo Hội. Thế nên tình cảnh của các chị chắc hẳn còn tái diễn ở nhiều nơi. Phần em, em chỉ ước có thêm nhiều người khác ý thức về cách hành xử của mình với các chị, để rồi có thể trân quý các chị hơn, và ước mong rằng Chúa Giêsu là Đấng Phu Quân của các chị sẽ bênh đỡ và chở che cho các chị-những người sống một đời thánh hiến.
 
Chị biết không, trong một cuộc tiếp kiến vào tháng 05 năm 2016, cùng với 900 bề trên các dòng và tu hội nữ- những người hình thành nên Liên Hiệp Các Bề Trên Tổng Quyền (The International Union of Superiors General), Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói với các nữ tu, “phải có lòng can đảm để nói không” khi bề trên của mình “đòi hỏi những gì thuộc về hầu hạ như một nô lệ hơn là phục vụ.” Ngài đã thấy cảnh những người nữ tu thực hiện những công việc nô lệ mà không phải là sự phục vụ.
 
Đức Thánh Cha nói thêm rằng: “Các nữ tu nên ở nơi đường phố, trong trường học, nơi các bệnh nhân, và người nghèo hơn là làm việc nhà cho một linh mục xứ. Ơn gọi của nữ tu ấy là phục vụ: phục vụ cho Giáo hội- nhưng không phải là nô lệ.” Khi một người nữ tu được đòi hỏi- phải làm một công việc hầu hạ như một người nô lệ, thì cuộc đời và phẩm giá của người đó đã bị hạ thấp. Chị có cảm nghiệm được rằng: những khi con người cảm thấy yêu thương và tử tế với nhau, điều đó không chỉ làm người khác cảm thấy được yêu thương và chăm sóc, mà còn giúp con người tìm được hạnh phúc và bình an nội tâm.
 
           
“Chấm này nối tiếp chấm kia, ngàn vạn chấm thành một đường dài.
            Phút này nối tiếp phút kia, muôn triệu phút thành một đời sống.
            Chấm mỗi chấm cho đúng, đường sẽ đẹp.
            Sống mỗi phút cho tốt, đời sẽ thánh.
            Đường hy vọng do mỗi chấm hy vọng.
            Đời hy vọng do mỗi phút hy vọng.”
(Đức Hồng y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận).
 
Têrêsa Phạm
***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập498
  • Máy chủ tìm kiếm31
  • Khách viếng thăm467
  • Hôm nay73,711
  • Tháng hiện tại681,362
  • Tổng lượt truy cập70,709,119
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây