ĐTC Phanxico nhân kỉ niệm 150 phong thánh Anfonso

Thứ sáu - 09/04/2021 04:05  2128
anfonsoTHÔNG ĐIỆP CỦA ĐỨC GIÁO TÔNG FRANCESCO NHÂN KỶ NIỆM 150 NĂM TUYÊN PHONG
THÁNH ALFONSO MARIA DE LIGUORI LÀ TIẾN SỸ HỘI THÁNH

Kính gửi cha Michael Brehl (CSsR), Bề Trên Tổng Quyền dòng Chúa Cứu Thế rất thánh và Tổng Điều Hành học viện luân lý thánh Alfonso,

150 năm trước, ngày 23/03/1871, Đức Giáo Tông Pio IX đã tuyên phong thánh Alfonso Maria de Liguori là tiến sỹ Hội Thánh.

Sắc phong tiến sỹ cho thánh Alfonso đã trình bày cụ thể đóng góp của thánh nhân trong thần học luân lý và linh đạo. Thánh Alfonso đã chỉ ra con đường chắc chắn (dẫn đến ơn cứu độ) trong bối cảnh lộn xộn giữa những quan điểm trái chiều hoặc là quá hà khắc hoặc là quá phóng túng.

Thánh Alfonso Maria de Liguori là bổn mạng của các cha giải tội, bổn mạng các nhà luân lý và  là mẫu gương cho toàn Giáo Hội thi hành Sứ Vụ Thừa Sai. Dịp kỷ niệm 150 rất mừng vui này, sứ điệp của thánh nhân vẫn chỉ ra cách thế đầy hiệu quả để hướng dẫn lương tâm con người đón nhận Thiên Chúa, bởi vì «ơn cứu độ của Thiên Chúa ban cho chúng ta được biểu lộ qua lòng xót thương của Người » (EG 112).

Lắng nghe thực tại (cuộc sống)

Đề nghị thần học của thánh Alfonso xuất phát từ việc lắng nghe và đón nhận sự mỏng manh yếu của con người, nam cũng như nữ, nhất là những người bị bỏ rơi hơn cả trong đàng thiêng liêng. Thánh tiến sỹ vốn được đào tạo trong môi trường và não trạng luân lý hà khắc, nhưng ngài đã được hoán cải để trở nên khoan dung ngang qua việc lắng nghe thực tại cuộc sống.

Kinh nghiệm thừa sai trong những vùng ngoại ô, việc kiếm tìm những mảnh đời lang thang tất bạt và việc lắng nghe các hối nhân, việc thành lập và hướng dẫn Hội Dòng Chúa Cứu Thế rất thánh còn non trẻ, cũng như trách nhiệm Giám Mục của một Hội Thánh địa phương đã làm cho thánh Alfonso trở thành một người cha và một bậc thày về lòng xót thương, như chính ngài đã nói «thiên đàng của Thiên Chúa là trái tim con người».

Ơn hoán cải tiệm tiến hướng đến một mục vụ thừa sai rõ ràng, khả năng tiếp cận dân chúng, đồng hành với họ, chia sẻ cuộc sống với họ một cách cụ thể ngay giữa những thách thức và giới hạn, những việc đó đã giúp thánh nhân xét lại một cách không mệt mỏi những tư tưởng thần học và pháp lý mà ngài đã hấp thụ trong những năm được đào tạo. Dần dần, thánh Alfonso đã rời xa những quan điểm hà khắc cực đoan để hướng đến cách tiếp cận khoan dung, xót thương, linh động của Tin mừng.

Trong những tranh luận thần học, khi quy chiếu đến những lý chứng của thẩm quyền, thánh Alfonso không dừng ở những công thức lý thuyết của những nguyên tắc nhưng còn tìm kiếm những luận cứ từ chính cuộc sống. Làm trạng sư cho những người nhỏ bé thất thế, cho những người mỏng dòn yếu đuối và bị xã hội loại trừ, bảo vệ «quyền » của mọi người, đặc biệt quyền của những người nghèo khổ và bị bỏ rơi. Hành trình này đã đưa thánh nhân đi đến chọn lựa mang tính quyết định là giúp đỡ các lương tâm/con người làm điều thiện hảo, mặc dầu giữa trăm bề gian khó, ngõ hầu họ trung thành với ơn gọi nên thánh.

Vì thế thánh Alfonso «không thuộc trường phái phóng túng hay hà khắc. Ngài là con người thực tế trong chính ý nghĩa Kitô giáo» vì ngài đã hiểu rất rõ rằng nằm ngay trọng tâm của Tin Mừng là đời sống cộng đoàn và phục vụ cùng với tha nhân (EG, n. 177).

Việc loan báo Tin Mừng trong một xã hội biến đổi quá nhanh (như hiện nay) đòi hỏi sự lắng nghe từ thực tế, để giáo dục các lương tâm biết suy nghĩ trong những cách thế khác, trong sự dứt bỏ quá khứ (tội lỗi).

Mọi hoạt động mục vụ đều có gốc rễ trong việc gặp gỡ mang tính cứu độ với Thiên Chúa qua cuộc sống. Nó bắt nguồn từ việc lắng nghe cuộc sống và được nuôi dưỡng bởi một suy tư thần học hầu để từ đó có thể giải đáp cho những thắc mắc của con người và chỉ ra những phương thế hữu hiệu và hợp lý. Qua gương thánh Alfonso, tôi kêu mời các nhà thần học luân lý, các thừa sai và các cha giải tội bước vào tương quan sống động với những thành viên của dân Thiên Chúa, và hãy ngắm nhìn hiện thực cuộc sống từ góc độ của họ, để hiểu những khó khăn thực tế họ đang phải đối diện và giúp họ chữa lành các vết thương đau, bởi vì chỉ có tình huynh đệ đích thực «biết ngắm nhìn sự lớn lao thiêng thánh của tha nhân, biết khám phá Thiên Chúa nơi mỗi người, biết chịu đựng những sự tẻ nhạt trong cuộc sống chung ngang qua việc bám lấy tình yêu của Thiên Chúa, biết mở con tim cho tình yêu thần linh để tìm kiếm hạnh phúc cho người khác như việc tìm kiếm Đấng tốt lành của họ (EG, 92).

Trung thành với Tin Mừng, việc đào tạo luân lý Kito giáo được mời gọi hướng đến công bố, đào sâu và giảng dậy, hầu đưa ra một lời đáp lại Thiên Chúa, Đấng yêu mến và cứu độ chúng ta, ngang qua việc nhận ra Người nơi tha nhân và đi ra khỏi chính mình để tìm kiếm sự thiện hảo nơi mọi người (EG, n. 39). Thần học luân lý không thể chỉ suy tư dựa trên những nguyên lý, quy tắc, nhưng cần phải nhận trách nhiệm một cách tích cực đối với thực tế vốn vượt qua mọi ý tưởng (xem EG, 231). Đây là một sự ưu tiên (xem EG, nn. 34-39), bởi vì chỉ sự hiểu biết những nguyên lý lý thuyết, như chính thánh Alfonso đã cho thấy, thì không thể đủ để đồng hành và trợ giúp các lương tâm/con người trong việc biện phân điều thiện hảo để thi hành. Do đó, việc hiểu biết phải áp dụng vào thực hành ngang qua việc lắng nghe và đón nhận những người nhỏ bé thất thế, những người yếu đuối mỏng manh và những người bị xã hội loại bỏ.

Những lương tâm chín chắn cho một hội thánh/cộng đoàn trưởng thành

Nhờ gương sáng của thánh Alfonso Maria de Liguori, một nhà cách tân thần học luân lý, chúng ta được mời gọi đồng hành, trợ giúp những người đã lạc xa (cộng đoàn) hơn cả bằng những trợ giúp tinh thần để họ tiếp tục hướng đến ơn cứu độ. Căn cốt của Tin Mừng không đối lập với sự mỏng dòn của con người. Luôn luôn cần thiết tìm ra con đường giúp mọi con tim lại gần Thiên Chúa thay vì đẩy (họ) ra xa, như thánh Alfonso đã làm trong việc giảng dạy luân lý và linh đạo. Tất cả là vì «đa số người nghèo có một sự mở lòng đặc biệt với đức tin; họ cần Thiên Chúa và chúng ta không thể không cống hiến cho họ tình bạn, sự chúc lành, lời của Người, việc cử hành các bí tích và một hành trình lớn lên và trưởng thành trong đức tin. Chọn lựa ưu tiên của chúng ta vì người nghèo phải chủ yếu trở thành một sự chăm sóc tôn giáo đặc biệt và ưu tiên cho họ» (EG, 200).

Như thánh Alfonso, chúng ta được mời gọi lên đường gặp gỡ dân chúng xét như là cộng đoàn tông đồ theo chân Đấng Cứu Thế giữa những người bị bỏ rơi. Cuộc gặp gỡ này hướng đến những người thiếu sự trợ giúp thiêng liêng, giúp họ vượt qua những quan điểm luân lý cá nhân và cổ võ một luân lý chín chắn có khả năng chọn lựa sự thiện hảo đích thực. Khi hình thành nên những lương tâm sẵn sàng và biết xót thương, chúng ta sẽ có một Hội Thánh trưởng thành, có khả năng đáp ứng cho những mỏng manh xã hội trong tinh thần xây dựng, và hướng đến vương triều thiên quốc.

Việc gặp gỡ những người mỏng manh hơn cả như thế cho phép đánh bật «logic ‘đua tranh’và luật của kẻ mạnh. Đó là thứ luật vốn coi con người trong chính nó như món đồ để tiêu thụ, để sử dụng rồi vứt bỏ bằng cách cổ xúy văn hóa của loại trừ» (xem EG, n.53).

Trong những ngày này, những sự thách thức mà xã hội con người đang phải trải qua là không hề nhỏ: dịch bệnh và công việc trong thời hậu dịch bệnh, sự chăm sóc và bảo hiểm cho mọi người, việc bảo vệ sự sống con người, những thách thức từ trí tuệ nhân tạo, sự bảo vệ môi sinh, những đe dọa phản dân chủ…Thật khốn khổ cho chúng ta nếu trong sứ vụ rao giảng Tin Mừng, chúng ta tách biệt «tiếng kêu của những người nghèo khỏi tiếng kêu của trái đất».

Thánh Alfonso de Liguori, bậc thầy và bổn mạng của các nhà thần học luân lý và các cha giải tội, đã cống hiến những giải pháp tích tích cực mang tính xây dựng cho những thách thức trong thời của ngài ngang qua việc rao giảng bình dân, xây dựng một hệ thống thần học luân lý có khả năng chuyên chở những thúc bách của Tin Mừng và những sự mỏng dòn của con người.

Tôi kêu mời mọi người noi gương thánh tiến sỹ đảm nhận một cách nghiêm túc thần học luân lý trong đó tiếng kêu của Thiên Chúa hướng đến tất cả chúng ta rằng : «Em ngươi ở đâu ?» Người anh em bị tù tội của ngươi ở đâu ? Phải chăng ngươi đang giết anh em ngươi mỗi ngày trong các nhà máy hoạt động phi pháp, trong mạng lưới mua bán dâm, hay bắt các trẻ nhỏ đi ăn xin, những con người đó phải làm việc trong lậu thấu vì phải chăng họ không được hợp pháp hóa ? (EG, n.211).

Trước những diễn tiến trong quá khứ cũng như trong hiện tại, chúng ta thấy một cách cụ thể nguy cơ tuyệt đối hóa những quyền của kẻ mạnh, đang bỏ quên những con người thiếu thốn.

Việc đào tạo lương tâm hướng đến sự thiện hảo đem đến một mục tiêu không thể thiếu cho mọi kitô hữu. Đó là tạo ra không gian trong lương tâm-vốn là nơi vọng lên lời của Thiên Chúa- ngõ hầu con người có thể đặt mình trước sự biện phân cá nhân trong hoàn cảnh cụ thể của cuộc sống (xem AL, 37), đó là một bổn phận mang tính giáo dục. Hình ảnh người Samaritano nhân hậu (Lc 10,33-35), như tôi đã chỉ dẫn trong Fratelli tutti (Tất cả là anh em), hối thúc chúng ta trong chiều hướng này.

Thần học luân lý không phải sợ hãi hay ngại ngùng đón nhận tiếng kêu cứu của những người nhỏ bé thất thế trên mặt đất này. Phẩm giá của những người yếu đuối là một bổn phận luân lý mà người ta không thể loại bỏ hay tra vấn. Cần phải làm chứng rằng luật luôn luôn là sự liên đới gắn kết.

Tôi kêu mời mọi người, như thánh Alfonso đã làm, là hãy lên đường gặp gỡ những những người anh em yếu đuối mỏng dòn của chúng ta trong xã hội. Điều đó đòi hỏi phát triển một nền thần học luân lý và một thực hành mục vụ, có khả năng dấn thân vì lợi ích chung vốn có nền tảng trong việc công bố Kerygma. Việc rao giảng Kerygma đó bao hàm tiếng nói quyết định bảo vệ sự sống, hướng đến tạo thành và tình huynh đệ.

Trong dịp kỷ niệm trọng đại này, tôi khích lệ toàn hội dòng Chúa Cứu Thế rất thánh và học viện luân lý thánh Alfonso, một trung tâm đào tạo thần học và tông đồ, hướng đến sự đối thoại có tính cách xây dựng với những nhu cầu cấp bách phát sinh từ mọi nền văn hóa, để tìm kiếm những giải đáp tông đồ, luân lý và linh đạo bênh đỡ những người nghèo khổ, mỏng manh và biết rằng đối thoại là marturya.

Nguyện xin Thánh Alfonso Maria de Ligouri và Đức Trinh Nữ Maria Hằng Cứu Giúp luôn đồng hành cùng quý vị.
                                                      Roma, San Giovanni in Laterano, ngày 23 /03/2021
FRANCESCO
Ngô Đức Thiện chuyển dịch từ tiếng Ý

Nguồn tin: www.vatican.va

***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập327
  • Máy chủ tìm kiếm24
  • Khách viếng thăm303
  • Hôm nay36,234
  • Tháng hiện tại897,769
  • Tổng lượt truy cập69,957,643
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây