Đối thoại, con đường tìm thánh ý Chúa

Thứ ba - 18/08/2020 21:28  1024
communicationTrong thế giới hôm nay, đối thoại đang là phương thức thời thượng để giải quyết những vấn đề phức tạp trong đời thường, trong xã hội, giáo hội và thế giới. Trong hành trình tìm kiếm thánh ý Chúa để nên hoàn thiện, đối thoại là con đường tốt nhất cho mỗi người. Bằng con đường đối thoại trong đức tin và đức ái, mọi thách đố sẽ được hóa giải, mọi rạn nứt sẽ được chữa lành không chỉ bằng sức mạnh và sự khôn ngoan của con người nhưng bằng sức mạnh và sự khôn ngoan của Thần Khí Thiên Chúa.

Lịch sử cứu độ cho ta thấy, chính Thiên Chúa cũng đã đến với con người bằng con đường đối thoại, một sự đối thoại liên tục, tiệm tiến trong sự tôn trọng tự do và kiên trì: “Thuở xưa, nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các ngôn sứ, nhưng vào thời sau hết này, Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Thánh Tử” (Dt 1,1). Với chúng ta hôm nay, đối thoại là ngỏ lời, là nói với và nói cùng người khác, nói trong ý hướng ngay lành; nói để thể hiện tình bằng hữu, để cảm thông, để hiểu biết và cùng nhau xây dựng tình liên đới. Đối thoại như nhịp cầu nối liền giữa những nỗi niềm, khúc mắc, ưu tư, nguyện vọng... là tiếng nói của trái tim gởi đến một trái tim. Nhờ đối thoại chân thành mọi hiểu lầm, nghi kỵ, chống báng, hận thù, chia rẽ... được tẩy xóa để làm nên cộng đoàn yêu thương chân thật.

Trong đời sống tu trì, đối thoại huynh đệ giữ một vai trò rất quan trọng,  không chỉ để giải quyết những khó khăn, xung đột trong đời sống chung mà đối thoại chính là một cuộc phận định để tìm thánh ý Chúa. Chúa có thể biểu lộ ý của mình bằng nhiều cách: qua phán đoán của bề trên; qua những dấu chỉ tỏ tường, nhưng phần lớn qua những cuộc đối thoại trong đức tin và đức ái giữa các thành viên trong cộng đoàn, đặc biệt giữa bề trên và bề dưới. Bởi thế, trong cuộc đối thoại, các thành viên phải ý thức rằng đây là một buổi cầu nguyện, là lúc mà hai người “tụ họp” nhân danh Chúa, chứ không đơn thuần chỉ là một kiểu trao đổi vu vơ, giải trí, hay một cuộc chất vấn, lấy thông tin… Muốn vậy, hai người phải có một sự gần gũi, tin tưởng và tôn trọng lẫn nhau. Cả hai đều phải mang thiện chí là muốn biết và thực thi ý Chúa, chứ không tìm cách biện minh và bảo vệ ý mình. Nếu như mỗi bên đều đã có quyết định của riêng mình, họ đến gặp nhau với mục đích gì? Phải chăng chỉ để thuyết phục người kia làm theo ý mình? Nếu thế thì không còn là đối thoại nhưng chỉ còn là một cuộc đàm phán, thương lượng để đôi bên đều có lợi? Thái độ cởi mở, đơn thành, tin tưởng này rất cần thiết trong việc đối thoại đồng hành bởi mục đích của đồng hành thiêng liêng là tìm biết thánh ý Chúa, hướng dẫn và giúp đỡ nhau nên thánh. Do vậy, đối thoại càng cần thiết phải diễn ra dưới ánh nhìn và sự soi sáng của Thánh Linh. Việc đối thoại như thế không chỉ giúp tâm hồn bình an mà còn giúp mỗi người nhận ra khuynh hướng nội tâm, phân định Thần khí để được hướng dẫn nên thánh theo nét rất riêng của mỗi người.

Để cuộc đối thoại được diễn ra tốt đẹp rất cần đến sự soi dẫn của Chúa Thánh Thần. Chính Chúa Thánh Thần sẽ cho chúng ta thiện chí, giúp chúng ta mở lòng để sẵn sàng đón nhận mọi cái mới có thể xảy đến. Thực tế cho thấy, có rất nhiều sáng kiến, ý tưởng hay mà trước đó cả hai bên đều chưa có. Cũng có rất nhiều điều tốt đẹp mà Chúa sẽ gửi đến cho hai bên, vừa giúp họ có thêm ánh sáng để nhận định, vừa ban thêm sức mạnh giúp họ can đảm đón nhận điều được mời gọi và chu toàn trong sự nhiệt thành hăng hái. Sự đối thoại rất cần một sự tự do, kẻ nói người nghe, và sát thực tế. Cả hai đều được mời gọi chia sẻ suy nghĩ của mình. Khi người này nói thì người kia phải lắng nghe và đáp trả, chứ không phải giành nhau nói, hay lại “nhường” hết cho một người nói. Để tìm biết ý Chúa, sự thẳng thắn và bình tĩnh cũng là điều rất cần thiết. Bình tĩnh là một trạng thái để mình hoàn toàn tự do trước mọi thúc đẩy của Chúa, gạt bỏ hết mọi định kiến cá nhân để tìm thánh ý Chúa chứ không sống theo cảm tình, vị nể, sợ mất lòng người này người khác. Sự đối thoại như thế giúp bề dưới dễ dàng vâng phục, và vâng phục trong sự trưởng thành, trách nhiệm và tự nguyện hơn. Nó cũng giúp bề trên tránh thái độ độc tài, chủ quan nhưng trở nên sáng suốt hơn trong quyết định của mình. Nó cũng là cơ hội để hai bên hiểu biết và thông cảm cho nhau hơn. Đối thoại chân thành quả là một nét đẹp trong đời tu và là con đường hoàn hảo tìm kiếm thánh ý Chúa.

Đối thoại dù rất cần thiết, thế giới dẫu có đạt tới mức siêu phẳng: mọi người đều bình đẳng, bình quyền nhưng trong đối thoại, Bề trên vẫn là người đem ra quyết định sau cùng. Nếu cả hai cùng tìm được sự đồng thuận và giải pháp tốt nhất thì tuyệt vời. Nhưng giả như sau khi trao đổi, mỗi bên vẫn giữ nguyên ý của riêng mình, bề trên là người có tiếng nói cuối cùng, bề dưới phải tuân theo. Sự vâng phục thể hiện ở chỗ: khi cuộc đối thoại diễn ra, mình có quyền chia sẻ những gì mình muốn, nhưng không được đòi Bề Trên phải quyết định theo ý mình. Vì thế, khi bề trên đã quyết định thì mọi chuyện chấm dứt, bề dưới không nên tỏ ra khó chịu không tán thành với quyết định của Bề Trên. Ta cần tin rằng quyết định của bề trên sau cuộc đối thoại là ý Chúa, nên nếu quyết định ấy đối nghịch với ý mình thì ta hãy cầu xin ơn biết từ bỏ ý riêng để hoà hợp với ý Chúa, coi quyết định của Bề Trên là điều Chúa muốn mình thực hiện. Như thế mới là tuân phục thánh ý Chúa, một sự tuân phục đầy đủ tự do và trách nhiệm như Đức Giêsu: “Xin đừng theo ý con, một vâng ý Cha”. Chính sự vâng phục như thế mới làm nên phẩm giá của người sống vâng phục.

Lạy Chúa, Chúa chính là nguyên lý và cùng đích của mọi cuộc đối thoại. Chúa cũng là mẫu mực cho chúng con trong việc đối thoại. Xin cho chúng con luôn biết hướng về Chúa, lắng nghe tiếng Chúa và tìm biết ý Chúa hầu chúng con biết từ bỏ chính mình, từ bỏ ý mình, từ bỏ những định kiến cá nhân, những ước muốn chinh phục hầu chúng con có cái nhìn bao dung, biết lắng nghe trong khiêm tốn, nhẫn nại để có thể đón nhận thánh ý Chúa trong cuộc đời, nhờ việc đối thoại cởi mở và chân thành.

Tác giả: Hoan Vũ

***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập226
  • Máy chủ tìm kiếm9
  • Khách viếng thăm217
  • Hôm nay73,711
  • Tháng hiện tại672,661
  • Tổng lượt truy cập70,700,418
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây