Làm chứng Đức Giêsu đã phục sinh

Thứ sáu - 12/04/2024 21:54  745
Chúa Nhật III Phục Sinh – Năm B
Cv 3,13-15.17-19; 1Ga 2,1-5a; Lc 24,35-48

2 1Chuyện kể rằng: Cách đây ít lâu, trong một cuộc hội thảo của giới trẻ về đề tài Truyền giáo cho các dân tộc”, nhiều bạn trẻ đề nghị phải sử dụng tối đa các phương tiện truyền thông tân tiến trong những năm cuối cùng của thế kỷ 21, gồm sách vở báo chí, phim ảnh có phẩm chất và hấp dẫn, để rao giảng Tin Mừng cho mọi tầng lớp và mọi lứa tuổi. Một số bạn trẻ đã nhấn mạnh đến công tác xã hội và bác ái. Một số bạn trẻ khác đi xa hơn bằng cách đề nghị Giáo hội chống lại những bất công xã hội, những chà đạp quyền con người, để xây dựng công lý và hoà hợp.

Trong lúc mọi người đang hăng hái đưa ra những chương trình to lớn và đề nghị những hoạt động vĩ đại, thì một thiếu nữ da mầu giơ tay xin phát biểu: “Tại Phi châu nghèo nàn và chậm tiến của chúng tôi, chúng tôi không gửi, hay đúng hơn không có khả năng gửi đến những làng chúng tôi muốn truyền giáo những sách vở, báo chí, phim ảnh, chúng tôi chỉ gửi đến đó chứng nhân một gia đình công giáo tốt, để dân làng thấy thế nào là đời sống Kitô giáo”.

Vâng, kính thưa cộng đoàn phụng vụ

Câu chuyện trên đây cũng phần nào diễn tả Lời Chúa ngày hôm nay,
khi Đức Giêsu đã hiện ra trước hết với Maria Madalena, rồi với hai môn đệ đi làng Emmau và với các tông đồ tại nhà Tiệc ly. Những lần hiện ra này là bằng chứng rõ ràng về sự kiện Ngài đã từ cõi chết sống lại. Chính nhóm Mười Một không tin Ngài sống lại, họ còn tưởng Đấng Phục sinh là một hồn ma. Đức Kitô đã phải để cho họ sờ tay chân Ngài và ăn một khúc cá nướng trước mặt họ để họ nhận ra Ngài. Mối quan tâm đầu tiên của thánh Luca là chứng tỏ rằng Đức Giêsu Phục sinh chính là người mà các Tông đồ đã biết trước, khi Ngài chịu đóng đinh. Thánh nhân nhấn mạnh rằng sự sống lại về mặt thể xác của Đức Giêsu là có thật, nhưng lại giải thích rõ ràng rằng sự sống lại của Ngài không phải là cuộc trở lại với đời sống trần thế. Đức Giêsu đã sống lại với sự sống mới ở bên ngoài cái chết.

Vì thế, tất cả niềm tin của người Kitô hữu dựa trên biến cố Phục sinh này. Các Tông đồ đã chứng kiến tận mắt, nên lời chứng của các ngài rất đáng tin. Đồng thời Chúa cũng trao cho các ông sứ mệnh rao giảng Tin mừng Phục sinh cho muôn dân, để họ sám hối và được ơn tha tội, bởi vì “Chính anh em là chứng nhân về những điều này” (Lc 24.48). Đức Kitô đã làm chứng về Ngài đã sống lại thật. Phêrô, Gioan, các Tông đồ và bao nhiêu người đã tin và đã làm chứng về Đức Kitô phục sinh. Còn chúng ta, nếu chúng ta vâng lệnh Đức Kitô truyền, chúng ta phải ra sức làm chứng về Ngài.

Trong sắc lệnh Tông đồ giáo dân của công đồng Vatican II, Hội thánh nhắc nhở cho các tín hữu nhiệm vụ làm tông đồ và làm chứng nhân bởi vì nhiệm vụ này phát xuất từ bí tích Thánh tẩy: “Hình thức đặc biệt của hoạt động tông đồ cá nhân là giúp giáo dân làm chứng bằng cả đời sống phát xuất từ đức tin, đức cậy, đức mến. Đó là dấu chỉ rất thích hợp trong thời đại chúng ta để biểu lộ Chúa Kitô sống động trong các tín hữu của Người. Cùng với việc tông đồ bằng lời nói mà trong một số hoàn cảnh lại rất cần thiết người giáo dân rao giảng Chúa Kitô cắt nghĩa và phổ biến giáo lý của Người tùy theo hoàn cảnh và tài năng của mỗi người, đồng thời họ cũng trung thành tuyên xưng giáo lý của Người nữa”.

Cho nên, làm chứng là nhận thực một sự kiện mà chính mình đã kinh qua hay đã kinh nghiệm. Hay nói cách khác, làm chứng là chứng nhận bằng lời nói hay bằng hành động một sự việc đã xẩy ra, một sự kiện có thật mà mình đã thấy, đã nghe, đã trải qua. Ở toà án, chứng nhân hay nhân chứng là người nói sự thật những điều mắt thấy tai nghe, và phải nói đúng sự thực như mình đã thấy. Chứng nhân càng có uy tín thì lời chứng của mình càng có giá trị, khiến người khác dễ bị thuyết phục. Ngược lại, những người không có uy tín thì khiến những lời nói của mình không có tính thuyết phục, đôi khi lại trở nên phản chứng.

Vâng, kính thưa cộng đoàn phụng vụ

Là người Ki-tô hữu, mỗi người chúng ta là những môn đệ của Đức Kitô, đều có trách nhiệm sống ơn gọi của mình như thế nào để có thể làm chứng cho Chúa trong mọi nơi, mọi hoàn cảnh. “Không ai có thể nhìn thấy Thiên Chúa, nhưng người Kitô hữu có bổn phận thể hiện dung mạo Thiên Chúa cho anh em chung quanh. Qua tình thương nhân từ của chúng ta, qua những việc tốt lành chúng ta làm, anh chị em chung quanh có thể hiểu được Thiên Chúa là Đấng tràn đầy tình thương nhân từ. Qua sự sẵn sàng tha thứ của chúng ta cho kẻ khác, anh em chung quanh cảm thấy được Thiên Chúa là Đấng hay tha thứ.

Xin cho mỗi người Ki-tô hữu chúng ta luôn biết kết hợp với Đức Kitô Phục Sinh, để chúng ta diễn tả chứng nhân bằng đời sống của một Đức Kitô Phục Sinh trong lời ăn, tiếng nói, trong cuộc sống hàng ngày của mỗi người chúng ta. Và cũng xin cho mỗi người chúng ta luôn hăng say lên đường loan báo một Đức Kitô Phục Sinh yêu thương, và tha thứ cho những người xúc phạm, cho những người giết hại mình, bằng chính đời sống Yêu Thương, phục vụ và tha thứ. Amen.

Tác giả: Nhóm Suy Niệm Bùi Chu

***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập165
  • Máy chủ tìm kiếm56
  • Khách viếng thăm109
  • Hôm nay49,273
  • Tháng hiện tại1,337,052
  • Tổng lượt truy cập71,364,809
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây