Chứng nhân phục sinh

Thứ bảy - 13/04/2024 17:19  920

CHÚA NHẬT II PHỤC SINH năm B
Cv 3,13-15. 17-19; 1Ga 2,1-5a; Lc 24,35-38


picture1 5Chúng ta được nghe kể lại rất nhiều kinh nghiệm gặp gỡ Chúa Phục Sinh. Có kinh nghiệm của Maria Madalena, Phêrô, Gioan, Giacôbê, hai môn đệ Emmaus, sau này có cả Phaolô… Mẫu số chung là ai gặp Chúa đều có sự biến đổi, đều lớn dần lên trong đức tin và niềm hy vọng, đều thắng vượt sợ hãi và lên đường loan báo Tin Vui của Chúa Phục Sinh.

Như vậy, việc gặp gỡ Đấng Phục Sinh không chỉ tăng cường niềm tin và hy vọng cho chúng ta, nhưng còn phải thúc đẩy chúng ta làm chứng cho Ngài. Dung mạo các vị chứng nhân phục sinh đầu tiên khích lệ chúng ta trong hành trình gặp gỡ Chúa Phục Sinh, nhận ra sự hiện diện sống động của Ngài và chia sẻ kinh nghiệm về Ngài.

Kể lại các chuyện đã xảy ra

Làm chứng không phải là đưa ra những lý luận sắc bén mà là chia sẻ những kinh nghiệm cụ thể. Hai môn đệ Emmaus đã làm chứng cho Chúa Phục Sinh qua việc “thuật lại các việc đã xảy ra dọc đường và hai ông đã nhận ra Người lúc bẻ bánh như thế nào”. Kinh nghiệm là điều gì đó đã xảy ra, đã cảm nhận, đã chứng kiến. Đó là một kinh nghiệm thật, gặp gỡ thật, biến đổi thật.

Thành thật mà nói, cách chúng ta “kể” về Chúa Phục Sinh nhiều khi còn mang tính sách vở và thuộc bài. Dĩ nhiên, những học hỏi, hiểu biết về Ngài là quan trọng, nhưng chưa đủ và cần phải được bổ sung bằng những kinh nghiệm thực tế. Kinh nghiệm gặp gỡ Chúa là điểm khác biệt căn bản giữa chứng nhân và thầy dạy.

Thầy đây, đừng sợ

Cuộc sống đầy những bóng ma làm cho con người sợ hãi. Có bóng ma của bệnh tật, nghèo đói, thất nghiệp, tai nạn, cô đơn… và cả bóng ma của ma quỷ nữa. Sự sợ hãi làm tê liệt cuộc sống, khiến con người thu mình lại và ngại xông pha. Chính các tông đồ cũng đang “đóng kín các cánh cửa vì sợ”. Ngay cả lúc gặp Chúa Phục Sinh họ vẫn chưa hết sợ!

Tuy nhiên, sự hiện diện của Chúa Phục Sinh sẽ xua tan nỗi sợ và ban bình an. Ngài mời gọi chúng ta “đừng sợ” vì có Ngài hiện diện uy quyền và gần gũi. Ngài rất uy quyền khi “hiện ra đứng giữa các ông”, nhưng cũng rất gần gũi thân thương khi hỏi xem có gì ăn không và ăn trước mặt các ông. Có người đếm được 365 câu “đừng sợ” trong Kinh Thánh, có lẽ mỗi ngày Chúa đều muốn nhắc lại điều đó với chúng ta: Đừng sợ, có Thầy đây, bình an cho anh em…

Các con là chứng nhân

Chúa Phục Sinh mời gọi chúng ta làm chứng cho Ngài. Cụ thể, Ngài kêu mời chúng ta hãy chứng minh sức mạnh của Đấng Phục Sinh qua việc thắng vượt sợ hãi, ngoan cố, ích kỷ và lười biếng. Để làm điều này, Chúa Phục Sinh đã huấn luyện các tông đồ bằng việc ban bình an cho họ, giúp họ am hiểu Kinh Thánh và kêu mời họ hối cải.
Trở thành chứng nhân phục sinh là cho thấy một sự hiện diện đầy bình an, niềm vui và sức sống. Không thể làm chứng cho Chúa Phục Sinh với gương mặt mùa chay! Vì thế, các tín hữu được mời gọi làm chứng qua sự hiện diện tích cực, năng động và tràn đầy năng lượng của mình. Hãy kể lại cho mọi người biết những điều kỳ diệu của Chúa Phục Sinh đang thực hiện trong chính cuộc sống của mình.
***
Tham gia vào đời sống cộng đoàn thật quan trọng. Chúng ta thấy các môn đệ Emmaus tìm lại được hướng đi nhờ cùng cộng đoàn tìm hiểu Kinh Thánh, cử hành Thánh Thể và thực thi sứ mạng làm chứng. Chúa Phục Sinh hiện diện sống động trong Giáo hội. Hiệp thông với Giáo hội, chúng ta sẽ được dưỡng nuôi bằng Lời Chúa và Thánh Thể, được Thánh Thần hướng dẫn, được bảo bọc và sai đi.

Một cách đặc biệt, mỗi Thánh lễ là một hành trình Emmaus: phụng vụ Lời Chúa, phụng vụ Thánh Thể và lời sai đi cuối lễ (x. GLHTCG số 1346-1347). Đó cũng là nguồn mạch và nền tảng cho sứ vụ loan báo Tin Mừng, vì “làm chứng nhân cho Đức Kitô là ‘làm chứng nhân về sự phục sinh của Người’ (Cv 1,22), là đã ăn, đã uống ‘với Người sau khi Người từ trong kẻ chết sống lại’ (Cv 10,41). Niềm hy vọng Kitô giáo về sự phục sinh được ghi dấu cách tuyệt đối bằng những cuộc gặp gỡ Đức Kitô phục sinh” (GLHTCG số 995).

Tác giả: Lm. Đaminh Trần Ngọc Đăng

***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập214
  • Máy chủ tìm kiếm81
  • Khách viếng thăm133
  • Hôm nay0
  • Tháng hiện tại1,338,589
  • Tổng lượt truy cập71,369,824
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây