Cần một tấm bằng hay tấm lòng ?

Thứ tư - 26/10/2016 19:18  1506
Bằng cấp là điều gì đó tiên quyết trong cuộc sống hiện đại này. Muốn có việc làm tốt, đỡ vất vả, lương cao người ta phải cố kiếm cho mình cái bằng càng cao càng tốt. Điều đó không có gì là xấu, vì như vậy sẽ thúc đẩy nền dân trí đi lên. Nhưng có nhiều người tìm kiếm tấm bằng với bất kỳ giá nào. Thế mới có việc nảy sinh ra chuyện buôn bán bằng giả. Dường như trong xã hội “vô cảm” này, ta có tấm bằng càng cao thì tấm lòng càng hẹp lại. Vậy cần một tấm bằng hay tấm lòng? Để tìm hiểu, ta xét một số lĩnh vực then chốt của xã hội.

Trước hết là lĩnh vực Y tế. Đây là một trong những nghề nghiệp được xã hội rất tôn trọng. Những người làm trong lĩnh vực này được gọi là thầy thuốc hay bác sĩ. Thường muốn được nhận vào ngành Y tế thì phải có bằng cấp cao và phải có cả năng lực nữa. Từ xa xưa, ông cha ta đã ví người thầy thuốc như mẹ hiền “lương y như từ mẫu”, nghĩa là rất coi trọng tấm lòng của người làm nghề Y. Nhưng khi tuyển chọn một bác sĩ, ít ai để ý đến đạo đức nghề nghiệp để tuyển chọn. Thế mới xảy ra những vụ kiểu “thẩm mỹ viện Cát Tường” và nhiều vụ bê bối khác liên quan đến ngành Y. Không thể phủ nhận tấm bằng trong lĩnh vực này là quan trọng vì cần phải có chuyên môn, kiến thức mới làm được nhưng cũng cần phải chú ý đến “tấm lòng”. Tấm bằng là cần thiết nhưng tấm lòng cũng không được bỏ qua.

Thứ đến là lĩnh vực Giáo dục, ngành cấp bằng cho những ngành khác. Những người làm trong ngành này được gọi là thầy giáo. Dân gian ta rất coi trọng người thầy “không thầy đố mày làm nên”; “Muốn sang thì bắc cầu kiều, muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy”. Người thầy giáo luôn được trọng vọng trong xã hội và là một nghề cao quý. Thời xưa, có nhiều người thầy khi qua đời được học trò đeo tang nhiều năm và thậm chí là thờ kính như trường hợp của Khổng Tử. Ngày nay, những người thầy đang giảm dần giá trị vì những bê bối liên quan đến ngành của mình. Chỉ vì đồng tiền nhiều người làm trong lĩnh vực này đã bán rẻ nhân cách, phẩm giá của một người thầy: nạn mua bán bằng, điểm tốt, hồ sơ tốt, tổ chức học thêm kiếm tiền.... Nếu như người thầy thuốc không có “tấm lòng” làm nguy hại mạng sống của một hay vài người thì người thầy giáo không có “tấm lòng” sẽ làm nguy hại đến cả một thế hệ học trò, một thế hệ trẻ.

Cuối cùng là lĩnh vực Chính trị, ngành lãnh đạo, ngành có tiền và quyền trong tay. Việc chạy bằng của những người hoạt động trong lĩnh vực này là không phải không có, báo chí đã khui ra nhiều vụ như vậy. Bằng cấp là điều cũng khá quan trọng trong lĩnh vực này vì người lãnh đạo thì phải là người có trình độ, tầm nhìn và biết đối nhân xử thế. Để có được những điều này, người ta phải học và bằng cấp là để minh chứng cho mọi người biết sự học đó. Nhưng “tấm lòng” của người lãnh đạo mới là điều đáng lưu tâm. Sống trong một xã hội vô cảm, lương tâm người lãnh đạo dường như bị “đóng băng”, không biết đồng cảm với những nỗi khổ, bất hạnh của người dân. Những vụ như Formosa, Boxit Tây Nguyên, Vinashin, hay các nhân tai, thiên tai đã nói lên một phần điều đó. Nếu như người làm trong nghề Giáo dục không có "tấm lòng" thì ảnh hưởng đến cả một thế hệ thì người hoạt động Chính trị không có "tấm lòng" sẽ ảnh hưởng đến cả một thể chế, một xã hội.

Như đã nói ở trên, sống trong xã hội hiện đại, tấm bằng là điều quan trọng, nhưng có lẽ quan trọng hơn và cần được đề cao hơn là tấm lòng. Chính tấm lòng đạo đức sẽ giúp con người là người hơn nếu không con người sẽ vô cảm, sẽ lạnh lùng chỉ biết đến làm việc, kiếm tiền và vơ vét lợi ích về cho bản thân như một cái máy. Đặc biệt, những người hoạt động trong lĩnh vực then chốt của xã hội như: Y tế, Giáo dục, Chính trị... cần ý thức điều đó. Như thế, xã hội loài người mới ngày một phát triển tốt đẹp và bền vững hơn.

Tác giả: Đình Phú

***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập240
  • Máy chủ tìm kiếm58
  • Khách viếng thăm182
  • Hôm nay70,214
  • Tháng hiện tại1,177,301
  • Tổng lượt truy cập71,205,058
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây