Tháng 11/2017

THÁNG 11 / 2017
 
SUY NIỆM 5 PHÚT MỖI NGÀY
Thứ Hai   06 13 20 27
Thứ Ba   07 14 21 28
Thứ Tư 01 08 15 22 29
Thứ Năm 02 09 16 23 30
Thứ Sáu 03 10 17 24  
Thứ Bảy 04 11 18 25  
Chúa Nhật 05 12 19 26  


01/11/17 THỨ TƯ ĐẦU THÁNG TUẦN 30 TN
Các Thánh Nam Nữ
Mt 5,1-12a

 
ĐỘI HÌNH CỦA THẦY GIÊ-SU
“Phúc thay ai khát khao nên người công chính, vì họ sẽ được Thiên Chúa cho thoả lòng.” (Mt 5,6)
Suy niệm: Trong lịch sử bóng đá, người ta đã áp dụng nhiều đội hình chiến thuật khác nhau, trước khi đạt đến đội hình quen thuộc của bóng đá hiện đại. Huấn luyện viên Giê-su thì khác, từ 2000 năm nay, Ngài chỉ sử dụng một đội hình cho mọi trận đấu của cầu thủ Nước Trời. Đội hình ấy là 3-3-1-1. Ba mối phúc đầu tiên giúp ta có cái nhìn lạc quan về tâm hồn nghèo khó, hiền lành, sầu khổ; chúng trở thành sức mạnh tinh thần cho ta khi đương đầu với những nghịch cảnh. Ba mối phúc tiếp theo có giá trị nền tảng mời gọi ta hướng đến: Thiên Chúa (khát khao sự công chính), tha nhân (xót thương người) và bản thân (tâm hồn trong sạch). Mối phúc thứ bảy, người môn đệ mang sứ mạng hoà giải để biến thế giới thành một đại gia đình của Thiên Chúa. Cuối cùng, qua mối phúc thứ tám, người môn đệ sẽ đạt đến tuyệt đỉnh của đời sống khi được đồng hoá với Thầy mình.
Mời Bạn: Mừng Lễ Các Thánh Nam Nữ, bạn được mời gọi bước đi trên “con đường nội tâm: có khả năng lắng nghe và nhận thấy, dù chỉ là dấu chỉ nhỏ nhất do Thiên Chúa gởi vào trần gian và những gì có thể phá tan những trói buộc của các thói quen” (Đức Bênêđitô XVI, Đức Giê-su thành Na-da-rét).
Chia sẻ: Tôi đang đứng ở vị trí nào trong đội hình: 3-3-1-1 của Thầy Giê-su trên sân cỏ trần gian, để tiến đến khung thành Nước Trời?
Sống Lời Chúa: Chú ý thực hành một trong Tám Mối Phúc Thật.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, cảm tạ Chúa đã mời gọi chúng con vào Hội Thánh. Vì lời các Thánh chuyển cầu, xin giúp chúng con được nên thánh. Amen.    

02/11/17 THỨ NĂM ĐẦU THÁNG TUẦN 30 TN
Cầu Cho Các Đẳng Linh Hồn
Lc 23,33.39-43

 
BÀI HỌC TỪ TÊN TRỘM
“Tôi bảo  thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên thiên đàng.” (Lc 23,43)
Suy niệm: Trên thập giá, Chúa Giê-su còn tiếp tục chịu một trong hai tên trộm sỉ nhục: “Ông không phải là Đấng Ki-tô sao? Hãy tự cứu mình và cả chúng tôi với!” Chúa không đáp lại lời nào. Có lẽ với tên trộm này, tất cả vấn đề chỉ là mau xuống khỏi cây thập giá, nhưng với Chúa Giê-su, Ngài muốn dẫn ta đi xa hơn nhiều. Khi hứa ban thưởng Nước Trời cho người trộm lành, Chúa cho anh thấy Ngài là Đấng Cứu Thế có thể đưa con người không phải xuống khỏi thập giá, nhưng đi vào đời sống vĩnh cửu với Ngài. Người trộm lành nhìn nhận mình đáng chịu phạt vì tội lỗi, và bày tỏ lòng tin vào Chúa, một người “không làm gì xấu” mà lại gánh chịu khổ hình như vậy. Anh đã nhận lãnh phần thưởng trọng hậu dành cho người có niềm tin và lòng sám hối hoán cải.
Mời Bạn: Cũng từ cây thập giá và cùng kề bên Chúa Giê-su, nhưng hai số phận khác nhau. Người trộm lành đã dạy cho ta một bí quyết quan trọng: sám hối là con đường nhanh nhất để ơn cứu độ của Chúa đến với mình. Nhờ lòng sám hối, thập giá trở thành điểm gặp gỡ giữa ta với Đấng Cứu Độ, để Ngài dẫn ta vào Vương Quốc của Ngài.
Chia sẻ: Khi gặp đau khổ thử thách, đức tin của tôi có bị giao động không? Tôi đã oán trách Thiên Chúa hay thêm tin tưởng, phó thác, yêu mến Ngài?
Sống Lời Chúa: Tôi đón nhận Thánh Giá mỗi ngày với tâm tình khiêm tốn, và hiến dâng những đau khổ trong đời sống để đền tội mình và nhân loại.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa đã ban thưởng Nước Trời cho kẻ trộm có lòng thống hối. Xin ban cho chúng con lòng thống hối chân thành, để đáng hưởng nhờ lòng Chúa xót thương. Amen.

03/11/17 THỨ SÁU ĐẦU THÁNG TUẦN 30 TN
Th. Mác-ti-nô Po-rét, tu sĩ
Lc 14,1-6

 
LUẬT CỦA LÒNG THƯƠNG XÓT
Chúa Giê-su nói với họ: “Ai trong các ông có đứa con trai, hoặc có con bò sa xuống giếng, lại không kéo nó lên ngay, dù là ngày Sa-bát?” (Lc 14,5)
Suy niệm: Khi đất nước lâm cơn nguy biến, ảnh hưởng đến sự tồn vong của quốc gia, chính phủ phải ban bố tình trạng khẩn cấp, tạm ngưng mọi hoạt động thông thường, tập trung vào những việc thiết yếu nhất nhằm ổn định lại tình hình. Để giải thích việc Ngài sắp làm là chữa bệnh cho người phù thũng, Chúa Giê-su dẫn chứng trong thực tế khi gặp sự cố khẩn cấp như đứa con trai, hoặc con bò rơi xuống hố trong ngày Sa-bát, người ta đã thực hiện ngay việc cấp cứu dù đó là ngày lễ nghỉ theo luật buộc. Trước tình trạng khẩn cấp là những nỗi thống khổ của tha nhân, lòng thương xót của Chúa chính là tiêu chuẩn nhận định và là động cơ hành động chứ không phải là việc giữ luật một cách máy móc và vụ hình thức.
Mời Bạn: Dưới chế độ Tân Ước, luật giữ ngày Sa-bát đã được vượt qua để trở thành Ngày Thứ Nhất trong tuần, Ngày Của Chúa (Chúa Nhật), Ngày Chúa Giê-su phục sinh. Để không biến việc giữ ngày Chúa Nhật thành cứng nhắc, vô hồn, Hội Thánh cũng mời gọi chúng ta thánh hóa ngày ấy bằng cách tham dự thánh lễ sốt sắng, nghỉ việc phần xác để học hỏi Lời Chúa, có thời gian sống thân mật với gia đình và làm việc bác ái.
Sống Lời Chúa: Sắp xếp lại thời giờ của mình và gia đình để có thể cử hành ngày Chúa Nhật một cách thực sự đúng nghĩa.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su Phục sinh, xin cho con biết dùng thời giờ Chúa thương ban để con đem niềm vui, sự bình an cho anh em con. Xin cho con biết quảng đại phục vụ như Chúa đã làm vì yêu thương con. Amen.

04/11/17 THỨ BẢY ĐẦU THÁNG TUẦN 30 TN
Th. Ca-rô-lô Bô-rô-mê-ô, giám mục
Lc 14,1.7-14

 
NHÂN VẬT QUAN TRỌNG
“Phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên.” (Lc 14,14)
Suy niệm: Trong các hội nghị, đám tiệc, người ta rất chú trọng đến việc xếp chỗ ngồi, trong đó không thể thiếu những ghế đặc biệt gọi là ghế VIP: ghế dành cho những nhân vật quan trọng (Very Important Person), những người có chức vị cao, có vai trò quan trọng trong tổ chức, những nhân vật danh tiếng trong xã hội. Thế nhưng, càng ngày càng có nhiều người được gán cho danh hiệu VIP này: ngôi sao ca nhạc, bóng đá, các đại gia… Ngoài ra, còn có những VIP tự xưng, tự tạo cho mình danh hiệu ấy bằng cách chơi xe sang, xây biệt phủ, sắm hàng hiệu đắt tiền. Thiên Chúa lại có một cách khác xếp chỗ cho thực khách trong bữa tiệc của Ngài: “Ai tôn mình lên, sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên.”
Mời Bạn: Thời nào người ta cũng thích người khiêm nhường hơn người kiêu ngạo. Chúa cũng thế. Mẹ Ma-ri-a là khuôn mẫu tuyệt vời về đức khiêm nhường. Mẹ chân nhận mình chỉ là nữ tỳ của Chúa và được Chúa nâng lên làm Mẹ Đức Giê-su và muôn đời Mẹ được khen là người diễm phúc nhất. Chúng ta cũng hãy để cho Chúa sắp xếp chỗ của mình trong bữa tiệc Nước Trời, vì đó là chỗ tốt nhất Chúa dành cho chúng ta.
Sống Lời Chúa: Suy gẫm lời sách Huấn Ca 3,17-18: “Con ơi, hãy hoàn thành việc của con cách nhũn nhặn, con sẽ được mến yêu hơn người hào phóng. Càng làm lớn, con càng phải tự hạ, như thế con sẽ làm đẹp lòng Đức Chúa.”
Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa yêu thích người khiêm nhường. Xin nhắc nhở chúng con nhìn nhận sự thật về mình như Đức Ma-ri-a và chân nhận sự yếu hèn mỏng manh của chúng con.

05/11/17 CHÚA NHẬT TUẦN 31 TN – A
Mt 23,1-12

 
THẬT VÀ GIẢ
“Tất cả những gì họ nói, anh em hãy làm, hãy giữ, còn những việc họ làm, thì đừng có làm theo, vì họ nói mà không làm.” (Mt 23,3)
Suy niệm: David Copperfield, nhà ảo thuật thiên tài, đã làm biết bao khán giả phải rởn tóc gáy với màn ảo thuật cưa đôi người ghê rợn, mặc dù ai cũng biết sự thật không phải thế. Trong cuộc sống đời thường cũng có biết bao tình huống mà thật-giả, giả-thật không biết dựa vào đâu mà phân định: Có những điều thấy vậy, nghe nói vậy mà không phải vậy. Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giê-su cảnh báo dân chúng và các môn đệ phải coi chừng thói giả hình nơi những người Pha-ri-sêu. Thay vì “ngôn hành như nhất” thì lời nói và việc làm của đối nghịch nhau như nước với lửa. Chúa Giê-su dạy hãy làm điều họ nói nhưng đừng làm theo điều họ làm. Làm điều họ nói vì đó là Lời, là Thập Giới, là con đường để nên hoàn thiện. Thế nhưng, đừng học theo việc làm của họ vì những điều họ làm không thể hiện ý muốn của Thiên Chúa mà chỉ là ý riêng của họ, theo cách có lợi cho chính họ.
Mời Bạn: Người môn đệ của Chúa không chỉ biết phân định để nhận ra thói giả hình như thế mà còn phải tỉnh thức để chính mình không rơi vào cám dỗ sống giả dối, khiến cuộc sống của mình biến chất thành một “trò ảo thuật” không hơn không kém.
Chia sẻ: Bạn nghĩ gì khi nghe Đức Thành Cha Phanxicô nói: Một kẻ sống giả dối có thể hủy hoại cả một cộng đồng và làm tổn thương Giáo Hội?
Sống Lời Chúa: Tâm niệm: “Có thì nói có, không thì nói không” (Mt 5,37).
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin giữ chúng con khỏi thói giả hình, và giúp chúng con can đảm bước đi trong sự thật, để “Sự Thật giải phóng chúng con”. Amen.

06/11/17 THỨ HAI TUẦN 31 TN
Lc 14,12-14

 
VỊ CHÚA NGHÈO
“Khi ông đãi tiệc, hãy mời những người nghèo khó, tàn tật, què quặt, đui mù. Họ không có gì đáp lễ, và như thế, ông mới thật có phúc: vì ông sẽ được đáp lễ trong ngày các kẻ lành sống lại.” (Lc 14,13-14)
Suy niệm: Chúa Giê-su, vị Chúa nghèo. Ngài dành vị trí ưu tiên cho những người nghèo. Ngài chọn cung cách sống nghèo. Ngài làm bạn với người nghèo và ăn uống với người nghèo. Ngài rao giảng Tin Mừng cho người nghèo: Người sai tôi đi loan báo Tin Mừng cho người nghèo khó. Những ai có tâm hồn nghèo khó thì đón nhận được niềm vui Tin mừng của Ngài. Hôm nay, Đức Ki-tô loan báo cho chúng ta niềm vui của Tin Mừng: hãy làm bạn đồng bàn với người nghèo khổ, những người không có gì đáp lễ để Chúa đáp đền cho chúng ta trong ngày sau hết, ngày kẻ chết sống lại; như thế, chúng ta mới thật là có phúc.
Mời Bạn: Hôm nay khai mạc hội nghị APEC: Diễn đàn hợp tác kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương, tại Đà Nẵng. Việc quan tâm phát triển kinh tế cũng cần thu hẹp hố ngăn cách giàu nghèo. Bởi người nghèo thường luôn bị lãng quên và bỏ rơi. Người nghèo xung quanh bạn. Chính bạn có thể cũng là người nghèo. Bạn nghèo về mặt thiêng liêng, và có thể bạn cũng bỏ quên cả chính bạn. Chúa Giê-su đến tìm kiếm những người bị bỏ rơi, đó là những người nghèo, tàn tật, đui mù. Chúa Giê-su thiết lập Giáo hội. Ngài muốn Giáo hội thể hiện dung mạo nghèo khó của Ngài. Sống trong Giáo hội, Ngài cũng muốn bạn như thế!
Chia sẻ: Bạn đã thao thức thế nào khi nhìn thấy những người nghèo xung quanh bạn?
Sống Lời Chúa: Hôm nay, trích một phần tiền chi tiêu để giúp người nghèo.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin cho con yêu mến những người nghèo. Amen.

07/11/17 THỨ BA TUẦN 31 TN
Lc 14,12-14

 
KHÔNG MONG ĐÁP LỄ
“Họ không có gì đáp lễ, và như thế, ông mới thật có phúc.” (Lc 14,14)
Suy niệm: Cố linh mục Vũ Khởi Phụng, DCCT, kể chuyện một nhóm bạn trẻ Hà Nội đã sửa kinh Cầu Chịu Nạn truyền thống thành: “Chúa Giêsu thương hết người ế”“Chúa Giêsu thấy thế thì mừng.” Sở dĩ các bạn trẻ này dám “cả gan” như vậy, vì họ đã thuê hai căn gác bên bờ sông Hồng để đón tiếp các thanh thiếu niên bụi đời, xì ke, hay bị bệnh AIDS; họ tự nguyện trở thành người ế để chăm sóc các người bất hạnh, mà xét cho cùng, cũng là một dạng người ế khác trong xã hội. Đức Giê-su hẳn phải “thấy thế thì mừng,” vì Ngài dạy ta vượt lên tâm lý bình thường: óc tính toán hay việc đáp lễ phải có trong giao tiếp với người khác. Ngài mời ta ra khỏi thế giới giao tế quen thuộc “có qua có lại mới toại lòng nhau” để bước vào thế giới của những con người khốn cùng, và nhờ vậy, bàn tiệc cuộc đời sẽ tốt đẹp hơn.
Mời Bạn: Cung cách “bánh ú đi, bánh dì lại,” hay “hòn đất ném đi, hòn chì ném lại,” đã ăn sâu vào nếp nghĩ và lối sống của bạn. Làm môn đệ Đức Giê-su chẳng dễ dàng gì, vì bị đòi hỏi nhiều, nhất là phải vượt lên lối ứng xử tự nhiên, để sống tinh thần siêu nhiên. Tuy nhiên, ơn Ngài ban đủ cho bạn.
Chia sẻ: Bạn có thấy hiện nay có những người nghèo bị gạt qua bên lề xã hội không? Họ có ở trong ưu tư của bạn không?
Sống Lời Chúa: Khơi dậy tinh thần phục vụ vô vị lợi trong gia đình, đoàn thể, bằng cách quan tâm và giúp đỡ cụ thể những người bất hạnh quanh bạn.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, làm môn đệ Chúa là chấp nhận bị đòi hỏi hơi nhiều! Vì yêu Chúa, chúng con sẵn sàng chấp nhận. Xin giúp chúng con sống tinh thần vô vị lợi Chúa dạy.

08/11/17 THỨ TƯ TUẦN 31 TN
Lc 14,15-24

 
ƯU TIÊN BỮA TIỆC NƯỚC TRỜI
“Phúc thay ai được dự tiệc trong nước Thiên Chúa.” (Lc 14,15)
Suy niệm: “Tôi mới mua một thửa đất... tôi mới tậu năm cặp bò... tôi mới cưới vợ...” Mới nghe qua, có vẻ như ba lý do xin kiếu đều hợp lý, bởi vì không ai xin kiếu để đi ăn trộm ăn cướp cả! Thế nhưng, suy cho cùng thì tất cả quá nghiêng về hạnh phúc trần tục của bản thân, đến nỗi xao lãng, phớt lờ trước hạnh phúc Nước Trời. Những công việc của cuộc sống trên đây không quá cấp bách đến nỗi phải được ưu tiên làm ngay, để người ta có thể từ chối lời mời ưu ái của Thiên Chúa. Ta ghi nhớ hai bài học sau đây: (1) quá bon chen, mê mải với công ăn việc làm có thể kéo ta xa Chúa; (2) cắm đầu cắm cổ hưởng thụ cũng làm ta mất Chúa, quên mất hạnh phúc Nước Trời. Chúa Giêsu nhắc ta đâu là giá trị ưu tiên: “được cả thế giới mà phải thiệt mất mạng sống, thì nào có lợi gì?” (Mt 17,26)
Mời Bạn: Ngày sống của bạn xoay quanh công ăn việc làm, giao tiếp, kinh nguyện, thư giãn, vui chơi… Bạn sống thế nào để, qua những công việc đời thường ấy, bạn thể hiện lời kinh vẫn đọc mỗi ngày Chúa Nhật “kính mến một Đức Chúa Trời trên hết mọi sự” (Kinh 10 Điều Răn).
Chia sẻ: Những bận tâm cho cuộc sống trần thế có dễ làm bạn xao lãng cùng đích của đời người không?
Sống Lời Chúa: “Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, rồi tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho” (Mt 6,33).
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin giúp con luôn nhớ đến cùng đích của đời người, để con biết dành ưu tiên trước hết cho Nước Trời và sự công chính, rồi mới đến các giá trị trần thế khác. Amen.

09/11/17 THỨ NĂM TUẦN 31 TN
Cung Hiến Đền Thờ La-tê-ra-nô
Ga 2,13-22

 
TÔN TRỌNG ĐỀN THỜ THÂN XÁC
“Các ông cứ phá hủy Đền Thờ này đi; nội ba ngày, tôi sẽ xây dựng lại… Nhưng Đền Thờ Đức Giê-su muốn nói ở đây là chính thân thể Người.” (Ga 2,19.21)
Suy niệm: Bao người đã kinh ngạc, thán phục, và thích thú khi chiêm ngưỡng kiến trúc và vẻ đẹp của Thánh Đường Gio-an La-tê-ra-nô, được mệnh danh là “Mẹ và đầu của mọi nhà thờ trong thành phố và trên thế giới.” Là người tín hữu, ai không cảm thấy thích thú, sung sướng, khi được vào trong ngôi thánh đường đẹp đẽ, nguy nga như vậy. Tuy nhiên, thánh đường ấy vẫn là vật chất, và dù đã tồn tại từ thế kỷ thứ tư, một ngày kia, cũng sẽ bị tiêu tan. Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giê-su nói đến một ngôi Đền Thờ không bằng gạch đá, cũng chẳng bị hủy hoại. Đó chính là thân thể của Người, một thân thể phục sinh nay trở thành Đền Thờ sống động, nơi gặp gỡ giữa Thiên Chúa và con người.
Mời Bạn: Thánh Phao-lô khẳng định thân xác của con người là Đền Thờ của Chúa Thánh Thần. Vì vậy, chúng ta phải biết tôn trọng thân xác của bản thân, và thân xác người khác nữa. Điều này không dễ chút nào trong một xã hội hưởng thụ, đề cao việc chiều chuộng thân xác, coi thân xác như phương tiện để thoả mãn tính dục. Còn bạn thì sao?
Chia sẻ: Cho một vài ví dụ cụ thể về việc tôn trọng thân xác người khác.
Sống Lời Chúa:Anh em lại chẳng biết rằng thân xác anh em là Đền Thờ của Thánh Thần sao? Mà Thánh Thần đang ngự trong anh em là Thánh Thần chính Thiên Chúa đã ban cho anh em” (1Cr 6,19).
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin giúp con biết quý trọng thân xác Chúa ban cho, để con luôn biết tự trọng và biết tôn trọng anh em con. Amen.

10/11/17 THỨ SÁU TUẦN 31 TN
Th. Lê-ô Cả, giáo hoàng, tiến sĩ Hội Thánh
Lc 6,1-8

 
HÃY NGHĨ ĐẾN CÙNG ĐÍCH
“Con cái đời này khôn khéo hơn con cái sự sáng khi xử sự với người đồng loại.”  (Lc 16,8)
Suy niệm: Thấy triết gia Diogène cắm lều dựng bảng rao bán sự khôn ngoan ở giữa chợ thành phố Athens (Hy Lạp), một người sai đầy tớ cầm tiền ra mua. Cầm tiền trong tay, triết gia bảo: “Anh hãy về đọc lại cho chủ nghe câu này: “Trong tất cả mọi sự, hãy nghĩ đến cùng đích.” Người quản lý bất lương mới thuộc một phần bài học khôn ngoan, vì chỉ nghĩ đến giai đoạn sắp đến của cuộc đời mình. Anh khôn khéo dùng thời gian quản lý hiện tại để lo cho cuộc sống tương lai, khi cuộc sống ấy sắp rơi vào bế tắc. Thế nhưng, anh quên mất kết cục cuộc đời của anh sẽ thế nào khi anh luôn sử dụng những mánh khóe gian xảo như vậy với đồng loại của mình.
Mời Bạn: Con người ngày nay trong công việc kinh doanh buôn bán thường tỏ ra mau mắn, khôn khéo, và đầy sáng kiến. Thế nhưng, với những công việc thiêng liêng như kinh nguyện, thánh lễ, hy sinh, thì lơ là, chậm chạp, thiếu sự đầu tư. Nếu chăm chú đầu tư cho đời sống tinh thần như cho công ăn việc làm, cuộc đời bạn đã tốt đẹp biết bao!
Chia sẻ: Người Ki-tô hữu tin rằng quê hương thật của chúng ta ở trên trời. Bạn có thường nghĩ đến cùng đích đời mình không?
Sống Lời Chúa: Tập nghĩ đến cùng đích của đời mình trong mọi công việc, để có những quyết định khôn ngoan, những chọn lựa xứng hợp.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin ban cho chúng con ơn khôn ngoan, biết nhớ đến cùng đích của đời người trong mọi chọn lựa của mình. Xin cũng giúp chúng con biết sử dụng tốt đẹp những gì Chúa ban cho, để xây dựng Nước Trời ngay trong môi trường chúng con đang sống. Amen.

11/11/16 thứ bảy tuần 31 tn
Th. Mác-ti-nô, giám mục
Lc 16,9-15

 
tiền của phục vụ con người
“Thầy bảo cho anh em biết: hãy dùng tiền của bất chính mà tạo lấy bạn bè, phòng khi hết tiền bạc, họ sẽ đón rước anh em vào nơi ở vĩnh cửu.” (Lc 16,9)
Suy niệm: Hằng năm, một số nước đang phát triển trình làng những con số GDP (Tổng sản phẩm nội địa) thật hấp dẫn, 6%, 7% và hơn nữa. Tăng trưởng kinh tế là điều đáng mừng. Tuy nhiên, nhiều nhà nghiên cứu cảnh báo rằng những lợi ích kinh tế không thể bù đắp những thiệt hại môi trường, do sự phát triển vội vàng gây ra. Không tiền của nào có thể cất hết những tai họa từ một con sông bị ô nhiễm nặng! Sự thiệt hại càng trầm trọng hơn khi chỉ vì lợi ích kinh tế, mà người ta phớt lờ tình liên đới giữa con người với nhau và xem nhẹ các giá trị đạo đức. Đối với Chúa Giê-su, tiền của dùng để “tạo lấy bạn bè.” Kinh tế phải phục vụ con người và tình người, chứ không ngược lại. Trong hoàn cảnh mục tiêu kinh tế được đặt lên như cùng đích đời người hiện nay, Lời Chúa càng phải thúc bách con người đặt lại thứ tự các giá trị cho cân xứng, trả lại cho con người vị trí xứng hợp, như ý định của Thiên Chúa khi tạo dựng họ.
Mời Bạn: Dù cũng bị cám dỗ nóng lòng kiếm tiền và tiêu tiền, nhưng chúng ta không thể chấp nhận những mánh khoé gian xảo và bất công trong việc kiếm tiền và tiêu tiền của xã hội hôm nay. Thật đáng mừng vì đó là dấu hiệu cho thấy hạt giống Lời Chúa đang gặp đất tốt! Xin bạn cứ để hạt giống ấy nẩy nở và làm thay đổi đời sống bạn.
Chia sẻ: Bạn thử đặt thứ tự ưu tiên giữa tiền bạc và con người, và giải thích lý do cho chọn lựa của bạn.
Sống Lời Chúa: Cám ơn Chúa đã tạo dựng con người giống hình ảnh Chúa và cứu chuộc, nuôi dưỡng con người.
Cầu nguyện: Hát: Kinh Hòa Bình.

12/11/17 CHÚA NHẬT TUẦN 32 TN – A
Mt 25,1-13

 
SỰ KHÔN NGOAN CỦA NGƯỜI MÔN ĐỆ CHÚA KI-TÔ
“Các cô dại mang đèn mà không mang dầu theo. Còn các cô khôn thì vừa mang đèn vừa mang chai dầu theo.” (Mt 25,3-4)
Suy niệm: Chúa Giê-su diễn tả cuộc hội ngộ cánh chung như cuộc hẹn của các trinh nữ đi đón vị Lang Quân là chính Ngài. Thế nhưng trong cuộc hẹn này, kẻ được gặp, người lại không! Yếu tố quyết định để gặp được Chàng Rể Giê-su chính là thái độ sống của mỗi người. Các cô được gọi là khôn, vì họ biết dự trữ dầu để giữ đèn sáng mãi. Thế nên cho dù Lang Quân có chậm đến, các cô vẫn sẵn sàng dầu đèn để đến gặp Ngài. Đấy là cái khôn của người môn đệ Ki-tô. Bởi vì cùng đích cuộc đời của mỗi chúng ta đều là được gặp Đức Lang Quân Giê-su. Đây là Chân lý không thay đổi, nên “chúng ta không thể thay đổi cuộc đời, mà chỉ có thể thay đổi được thái độ của ta đối với cuộc đời mà thôi”. (Thánh Tê-rê-sa A-vi-la).
Mời Bạn: Tháng cuối năm Phụng vụ, Giáo Hội mời chúng ta suy nghĩ về đích điểm đời mình, để biết thay đổi đời hiện tại. Chẳng ai có thể sống thay bạn, nghĩ thay bạn, hành động thay bạn… vì mỗi người có vị trí không thể thay thế và phải chịu trách nhiệm về chính cuộc đời mình. Đó là chất dầu được chiết xuất từ chất sống của mỗi người trong từng ngày sống, bằng cách quảng đại, dấn thân thực thi công bằng, sự thật, khiêm tốn, an hoà, yêu thương, tha thứ… Bạn đừng đi lại vết xe cũ của các cô khờ, để rồi bị lỡ bữa tiệc hạnh phúc vĩnh cửu với Chàng Rể Giê-su.
Chia sẻ: Để được sự khôn ngoan của môn đệ Ki-tô, chất dầu ban phải tích luỹ, dự trữ là gì ?
Sống Lời Chúa: Quyết tâm làm một việc tốt mỗi ngày.
Cầu nguyện: Đọc kinh Sáng Soi.

13/11/17 THỨ HAI TUẦN 32 TN
Lc 17, 1-6

 
THA THỨ THEO GƯƠNG CHÚA
“Dù nó xúc phạm đến anh một ngày đến bảy lần rồi trở lại nói với anh: “Tôi hối hận, thì anh cũng phải tha cho nó.” (Lc 17,4)
Suy niệm: Léon Tolstoi, văn hào Nga, kể chuyện một người hành khất đến xin  đại gia nọ bố thí. Ông này không cho gì cả mà còn lấy đá ném vào người kẻ ăn xin. Ông ăn xin nhặt hòn đá cất giữ chờ ngày ném trả lại. Nhiều năm sau, nhà phú hộ phạm pháp, bị tịch biên tài sản và vào tù. Kẻ xin ăn theo chân đoàn áp tải cầm đá toan ném vào tù nhân để rửa nhục. Tuy nhiên, khi thấy kẻ thù tay bị cùm, gương mặt thì tiều tụy, ông thả hòn đá xuống đất tự nhủ: “Tại sao bao nhiêu năm qua, ta lại mang nặng hòn đá kia? Con người này, giờ đây chỉ là một kẻ khốn khổ như ta.” Khi phạm tội, chúng ta ném đá Thiên Chúa. Nhưng Ngài không cất giữ những hòn đá xúc phạm kia. Nơi Chúa Giê-su, Thiên Chúa tha thứ cho kẻ có tội thật lòng ăn năn. Ngài dạy chúng ta cũng noi gương Ngài tha thứ cho kẻ xúc phạm chúng ta. Sự tha thứ Chúa đòi hỏi là tha không giới hạn. Hễ người anh em cần tha thứ là chúng ta sẵn sàng để tha cho họ.
Mời Bạn: Vì nuôi thù tích oán, người hành khất kia vừa đói ăn phần xác vừa nghèo đi về tinh thần. Nếu không tha thứ cho anh em, hòn đá căm hờn, thù oán làm cho tâm hồn ta nặng nề, bất an, không còn chỗ để yêu thương. Mối thù hận như vi khuẩn độc hại đục ruỗng, huỷ hoại nhân cách của ta, tiêu huỷ những năng lực và cơ hội ơn phúc Chúa ban để phục vụ tha nhân.
Sống Lời Chúa: Khi có người xúc phạm đến tôi và tôi thấy khó lòng tha thứ cho họ, tôi nhìn lên Thập giá Chúa và cầu xin cho tôi theo gương Chúa tha thứ cho anh em mình.
Cầu nguyện: Hát ‘Kinh Hòa Bình’.

14/11/17 THỨ BA TUẦN 32 TN
Lc  17,7-10

 
LÀ ĐẦY TỚ VÔ DỤNG CỦA CHÚA
“Chẳng lẽ ông chủ lại biết ơn đầy tớ vì nó đã làm theo lệnh truyền sao?” (Lc 17,9)
Suy niệm: Socrates, một trong những ông tổ của triết học, thâu tóm mọi tri thức quan trọng nhất trong cuộc sống vào một nguyên tắc: “Hãy biết mình.” Trên bình diện thiêng liêng, xác định được chỗ đứng của mình trong mọi mối tương quan là nền tảng vững chắc trên hành trình ơn gọi làm con người và làm con Chúa. Tôi là ai trước mặt Chúa và tha nhân? Một khi đã nhìn nhận Chúa là Chủ, là Đấng sáng tạo và điều khiển cả vũ trụ này, thì tôi chỉ là đầy tớ của Ngài, được giao phó công việc quản lý công trình của Ngài. Đã là đầy tớ thì bổn phận của tôi là làm theo Ý Chúa chứ không theo ý mình. Đầy tớ làm hết sức mình vì để cứu độ tôi, Chúa cần có sự cộng tác của tôi; nhưng người đầy tớ cũng thật khiêm tốn vì ý Chúa vẫn thể hiện mà không cần có tôi (Th. Âu-tinh). Ý thức tôi chỉ là “đầy tớ vô dụng”, để: - không nản chí khi thất bại hay bị chê bai, và không tự mãn khi thành công hay được khen ngợi; - không ganh tị với người khác, nhưng vui trong phận mình và sẵn sàng làm những công việc nhỏ bé thấp hèn nhất; - phụng sự Chúa hết mình với tinh thần quảng đại, vô vị lợi.
Mời Bạn: Tinh thần thế tục đang ngày càng xâm nhập đời sống đạo. Thay vì để “đời vào Đạo” như thế, người Ki-tô phải biết đem “Đạo vào đời”, như thánh Phao-lô kêu gọi: “giữa một thế hệ gian tà sa đọa, anh em phải chiếu sáng như những vì sao trên vòm trời” (Pl 2,15). Đó chính là công việc mà phải “người đầy tớ vô dụng của Chúa” phải thực hiện.
Sống Lời Chúa: Quyết tâm thực hiện những lời cầu trong kinh Lạy Cha.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, con chỉ là đầy tớ vô dụng của Chúa. Xin cho thánh ý Chúa được thể hiện nơi con.

15/11/17 THỨ TƯ TUẦN 32 TN
Th. An-be-tô Cả, giám mục, tiến sĩ HT
Lc 17,11-19

 
HAI NHỊP CỦA LÒNG BIẾT ƠN
“Thế thì chín người kia đâu?” (Lc 17,17)
Suy niệm: Tháng 2 năm 2006, tờ Thời Báo San Francisco đưa tin một nhóm cứu hộ đã cật lực nhiều giờ để cứu con cá voi mắc lưới trên biển. Thoát chết, sau khi bơi lượn nhiều vòng bày tỏ niềm vui, nó quay lại “nựng” từng người thợ lặn, đẩy nhẹ nhẹ quanh người họ. Chàng trai trực tiếp cắt sợi dây ở miệng cá voi nói mắt nó cứ nhìn theo anh mãi. Mạng sống của chín người phong cũng bị cột chặt vào tấm lưới phong cùi. Thế nhưng, sau được gỡ khỏi, họ quên trở lại bày tỏ tâm tình cơ bản của kẻ thọ ơn. Não trạng coi mình đương nhiên được hưởng, vì là Dân Chúa chọn, đã tạo ra mẫu số chung “ăn cháo đá bát” này. Ngạn ngữ Pháp nói lòng biết ơn là “trí nhớ của con tim”. Người Samari này trở lại cám ơn Đức Giê-su vì quả tim anh cảm nhận việc Ngài làm cho anh không phải là chuyện đương nhiên mà là ân huệ lớn lao mà tình yêu Chúa dành cho anh.
Mời Bạn: Con cá voi dạy cho bạn hai nhịp phải làm khi nhận một ân huệ: (1) cảm nếm hạnh phúc của ân huệ đem lại (bơi lượn nhiều vòng); (2) bày tỏ tâm tình tạ ơn cách cụ thể (“nựng” từng người). Thiếu một trong hai nhịp này, bạn chưa có “trí nhớ của con tim.”
Chia sẻ: Bạn nghĩ sao về nhận định của thánh I-nha-xi-ô: “Lòng vô ơn là sự lạnh lùng với những món quà và hồng ân nhận được. Nó là nguyên do và khởi đầu của tội lỗi và mọi điều tồi tệ”?
Sống Lời Chúa: Xét xem tôi thường tỏ ra vô ơn với ai và thực hiện một cử chỉ cụ thể với người đó để tỏ lòng biết ơn.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, chúng con thường kêu xin hơn là bày tỏ lòng tri ân mỗi khi cầu nguyện. Xin giúp chúng con nhớ rằng mọi sự là hồng ân, để chúng con luôn sống trong tâm tình biết ơn sâu xa với Chúa và người khác.

16/11/17 THỨ NĂM TUẦN 32 TN
Th. Ma-ga-ri-ta Tô-cách-lan, trinh nữ
Lc 17,20-25

 
NƯỚC THIÊN CHÚA TRONG TA
“Triều đại Thiên Chúa không đến như một điều có thể quan sát được… vì triều đại Thiên Chúa đang ở giữa các ông.” (Lc 17,20-21)
Suy niệm: Nước Thiên Chúa không thuộc về thế gian này nên cũng không thể xác định nó ở nơi này hay nơi khác giới hạn trong không gian và thời gian. Dù vậy, cũng có thể tìm thấy Nước Thiên Chúa ở một số “nơi”: - nơi tâm hồn con người, khi họ có Chúa Ki-tô ngự trị, đặc biệt khi  họ kết hiệp với Thánh Thể Ngài; - trong cuộc sống của họ khi họ thực thi Lời Chúa, khi họ sống tinh thần “Tám Mối Phúc Thật”; - như thế Nước Thiên Chúa còn ngự trị trong tâm hồn những người nghèo khó, khiêm tốn, nhỏ bé và trong sạch: “Vì Nước Trời là của họ” (Mt 5,3). Những lúc đó, và ở những “nơi” đó, người ta cảm nghiệm được sự hiện diện của Nước Thiên Chúa ngay ở thế gian này.
Mời Bạn: Mỗi khi đọc kinh Lạy Cha, bạn xin cho “Nước Cha trị đến, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời” (Mt 6,10). Nước Ngài chỉ có thể đến với sự đồng ý của bạn: “Này Ta đứng trước cửa và gõ, ai nghe tiếng Ta và mở cửa, thì Ta sẽ vào nhà người ấy.” (Kh 3,20). Hãy mở cửa tâm hồn bạn để Chúa ngự vào, lúc đó, dù bạn đến bất cứ nơi đâu, làm bất cứ việc gì theo ý Ngài muốn, Nước Chúa sẽ luôn ngự trị trong thế gian này. Như thế bạn sẽ cảm nghiệm trước sự hạnh phúc bình an và niềm vui viên mãn của thiên đàng.
Sống Lời Chúa: Đọc và suy niệm Kinh Lạy Cha.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, con xin dâng chính mình làm của lễ sống động, đẹp lòng Chúa, xin ngự trị trong tâm hồn con và hướng dẫn con sống theo thánh ý Chúa, hầu Nước Chúa được lan rộng đến cho mọi người. Amen.

17/11/11 THỨ SÁU TUẦN 32 TN
Th. Ê-li-sa-bét Hung-ga-ri
Lc 17,26-37

 
NGÀY CỦA CON NGƯỜI
“Cũng như thời ông Nô-ê, sự việc đã xảy ra cách nào, thì trong những ngày của Con Người, sự việc cũng xảy ra như vậy.” (Lc 21,34)
Suy niệm:Người ta ăn uống, cưới vợ lấy chồng, mua bán, trồng trọt, xây cất.” Những việc ấy có gì xấu? Thưa, chúng trở thành xấu khi người ta làm những việc ấy theo thói quen, để cuộc đời trôi qua cách nhạt nhẽo, và sống ích kỷ chỉ nghĩ đến mình, cuộc sống lúc ấy trở nên tầm thường xoàng xĩnh, không có sức sống, cũng chẳng có lòng yêu thương. Mỗi người chỉ có một cuộc đời để sống. Do đó, ta không được phép ngủ quên, nhưng phải sống từng ngày cho ra sống. Hình ảnh hai người phụ nữ đang xay cối, một được đem đi (được cứu rỗi), một bị để lại (bị loại trừ) cho thấy hai số phận khác nhau trong cuộc đời: người này thành công, kẻ khác thất bại.
Mời Bạn: Bí quyết để sống thành công là sống giây phút hiện tại và công việc đang làm (hic et nunc - ở đây và lúc này) với tất cả lòng yêu mến Chúa và tha nhân. Ví dụ: lúc này và ở đây, tôi đang dành cho Chúa 5 phút, vậy tôi hãy cố gắng sống 5 phút này thật trọn vẹn với tâm tình yêu mến.
Chia sẻ: Vấn đề không phải là cuộc sống của bạn như thế nào (giàu - nghèo, thành công - thất bại, hạnh phúc - bất hạnh...), nhưng là cách bạn sống cuộc sống ấy (sống hết mình, sống có ý nghĩa, sống cho Chúa và tha nhân).
Sống Lời Chúa: Đừng quá lo cho tương lai, hãy sống trọn vẹn giây phút hiện tại, như lời Chúa dạy: “Ngày mai, mai sẽ lo, ngày nào có cái lo của ngày ấy.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin giúp con chuẩn bị Nước Trời mai sau, bằng cách chu toàn những việc hiện tại. Xin giúp con tỉnh thức luôn, để không bị đánh thức cách bất ngờ. Amen.

18/11/17 THỨ BẢY TUẦN 32 TN
Cung hiến Đền Thờ thánh Phê-rô và Phao-lô
Lc 18,1-8

 
CẦU NGUYỆN ĐÊM NGÀY
“Chẳng lẽ Thiên Chúa lại không minh xét cho những kẻ Người đã tuyển chọn, ngày đêm hằng kêu cứu với Người sao? Lẽ nào Người bắt họ chờ đợi mãi.” (Lc 18,7)
Suy niệm: Khi dạy các môn đệ cầu nguyện, Chúa Giê-su luôn khuyên nhủ họ hướng về Chúa Cha, chứ không chỉ cầu xin với Thiên Chúa cách chung chung. Như vậy, khi cầu nguyện, con người sống tình con thảo với Cha mình là Thiên Chúa, Đấng lắng nghe con người như người cha đang ghé tai với con cái. Thế nhưng, thông thường khi cầu nguyện, đặc biệt trong trường hợp gặp đau khổ, người ta xem mình là trung tâm, và chất vấn tại sao Thiên Chúa không để ý đến tôi, tại sao những người chung quanh không giúp đỡ tôi. Một cách nào đó người ta đã biến những người chung quanh, và cả Thiên Chúa, thành những người phục dịch họ. Thật vậy, nếu không sống mối tương quan Cha-con với Thiên Chúa, con người thật khó thấu hiểu và chấp nhận những cách hành xử của Thiên Chúa với mình. Chính trong mối tương quan này, con người nhận ra Thiên Chúa là Cha, luôn ban cho con cái những điều thiện hảo.
Mời Bạn: Chúng mình thường cầu xin nhưng thiếu kiên trì, bởi không thấy kết quả như ý muốn. Đừng quên rằng, Đấng chúng mình cầu xin là Cha.
Chia sẻ: Chia sẻ những cảm nghiệm bạn có về sự đáp trả của Thiên Chúa đối với lời bạn cầu xin.
Sống Lời Chúa: Dùng từ “Cha” để cầu nguyện với Chúa như Chúa Giê-su dạy.
Cầu nguyện: Lạy Cha, xin cho con biết bền bỉ nài xin Cha những điều cần thiết cho cuộc sống của con và mọi người, nhưng cũng xin cho con nhạy bén nhận ra những điều Cha ban cho con tốt hơn những gì con van nài. Amen.

19/11/17 CHÚA NHẬT TUẦN 33 TN – A
Kính Trọng Thể Các Thánh Tử Đạo Việt Nam               
Mt 25,14-30

 
NIỀM VUI CỦA THIÊN CHÚA
“Hãy vào mà hưởng niềm vui của chủ anh.” (Mt 25,21)
Suy niệm: 1/ Ông chủ trong dụ ngôn là hình ảnh của Thiên Chúa. Ngài giao cho mỗi người một phận vụ và không đòi hỏi ai quá sức mình. Ngài không coi trọng người được giao năm yến hơn người được giao một yến. Tài sản Ngài có bao nhiêu, Ngài giao tất cả. Hết sức tin tưởng, Ngài lên đường đi xa. 2/ Có vẻ như cái lỗi lớn nhất của người đầy tớ thứ ba là không làm việc, không sinh lời. Xét kỹ hơn, nguyên nhân sâu xa chi phối những hành động này là anh ta đã có một hình ảnh méo mó về Thiên Chúa: đối với anh, ông chủ là một người hà khắc, đòi hỏi, gặt chỗ không gieo, thu nơi không vãi. Anh sợ hãi chứ không yêu mến. 3/ Ngày tính sổ, Thiên Chúa – ông chủ – xuất hiện như một người Cha: vui mừng thấy vốn đã sinh lời. Nhưng… Ngài không giữ lại cho mình, mà giao hết cả vốn lẫn lãi cho người biết làm việc; ai sinh lời Ngài lại ban thêm. Niềm vui của Thiên Chúa, đó là thấy rằng chúng ta đã làm việc và sinh lời cho chính chúng ta.
Mời Bạn: Những gì bạn đang có chính là những yến bạc mà Thiên Chúa giao cho bạn để sinh lời. Đối với bạn Thiên Chúa là ai, là ông chủ hà khắc hay là Người Cha yêu thương?
Chia sẻ: Có phải rằng Thiên Chúa đã bất công khi lấy yến bạc của người đầy tớ thứ ba mà giao cho người có mười yến không? Nếu người này sinh lời, đâu là lời khen mà anh sẽ nhận được?
Sống Lời Chúa: Chu toàn bổn phận của ngày hôm nay.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin ban thêm cho con lòng tin tưởng và yêu mến, đừng để con nhìn xuôi ngó ngược, phân bì với người khác, nhưng hết lòng hết sức thi hành phận vụ Chúa đã giao.

20/11/17 THỨ HAI TUẦN 33 TN
Lc 18,35-43

 
SỨC MẠNH CỦA LÒNG TIN
“Lòng tin của anh đã cứu chữa anh.” (Lc 18,42)
Suy niệm: Những lần bị “đột xuất cúp điện”, chúng ta cảm thấy khó chịu, bực bội, công việc như chậm lại và đôi khi có tâm trạng sợ hãi, hụt hẫng vì bóng đêm… Nhân cảm giác này lên gấp bội để cảm nghiệm tâm trạng người mù hành khất trong Tin Mừng. Nếu ánh sáng ngọn nến là điều cần thiết để đẩy lùi bóng đêm thì việc Chúa Giê-su đi qua thành Giê-ri-khô hôm nay là cả một bầu trời ánh sáng. Vì thế vừa nghe tin Chúa Giê-su đi ngang qua, anh mù đã vội kêu lên “Lạy ông Giê-su, xin dủ lòng thương tôi!”
Mời Bạn: Đến với người mù, Chúa Giê-su không dùng quyền năng để phán:“ Ta sẽ cho anh sáng mắt” hay “Ta sẽ chữa lành cho anh” nhưng là “Lòng Tin của anh đã cứu chữa anh” và lập tức anh đã được nhìn thấy. Bạn thân mến! Bóng đêm của thế gian này không thiếu nơi những bất công, tội lỗi, đau khổ, hiểu lầm, chống đối, bệnh tật… Chúng ta có tuyệt đối tin tưởng vào Chúa qua đời sống cầu nguyện không? Có cầu nguyện dù trong bất cứ hoàn cảnh nào không? Hay chúng ta chỉ đến với Chúa một cách vụ lợi để tìm kiếm sự bình an tạm thời và sau đó là những suy tính, hoạch định của riêng mình?
Chia sẻ: Bạn thường làm gì khi gặp những đau khổ trong cuộc sống? Hãy chia sẻ những kinh nghiệm về đời sống cầu nguyện của bạn.
Sống Lời Chúa: Năng tâm niệm “Tin là chấp nhận Chúa Giê-su vô điều kiên và quyết tâm sống chết với Ngài” (Đường Hy Vọng).
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, như các Tông đồ ngày xưa, con muốn thưa lên cùng Chúa với tất cả lòng yêu mến và khát khao: “Lạy Thầy, xin ban thêm lòng tin cho con.” Amen.

21/11/17 THỨ BA TUẦN 33 TN
Đức Mẹ dâng mình 
Mt 12,46-50

 
THUỘC TRỌN VỀ CHÚA
“Phàm ai thi hành ý muốn của Cha tôi, Đấng ngự trên trời, người ấy là anh chị em tôi, là mẹ tôi.” (Mt 12,50)
Suy niệm: Ngay thời tuổi thơ, Đức Ma-ri-a đã muốn thuộc trọn về Chúa qua hành vi dâng mình trong Đền thờ. Hành vi tốt đẹp ấy là khởi đầu, khai mào cho những tiếng Xin vâng sau này, ước ao thánh ý Chúa được thể hiện trong mọi khoảnh khắc của cuộc đời. Danh là Mẹ Thiên Chúa, Mẹ nhân loại, nhưng Đức Ma-ri-a lại muốn sống như phận của một nữ tỳ, vâng theo ý Chúa để phục vụ Ngài và con người. Cũng vậy, ai noi theo mẫu mực Xin vâng của Mẹ thì cũng được coi như anh em, chị em với Đức Giê-su, là con cái của Mẹ. Các thánh và các người tốt lành đã đi con đường này, con đường Xin vâng theo thánh ý Chúa. Tuy mỗi người một vẻ nhưng tựu trung đều muốn thuộc trọn về Thiên Chúa, Đấng là nguồn vui và hạnh phúc đích thực của con người.
Mời Bạn: Giữa hai ý: ý Chúa muốn và ý riêng của mình, khi hai ý này đối chọi với nhau, bạn thường chọn ý nào? Noi gương Đức Mẹ trong ngày lễ hôm nay, bạn hãy luôn quyết tâm chọn và thực hiện ý Chúa muốn mỗi ngày.
Sống Lời Chúa: “Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui,” niềm vui đó là để cho “ý Chúa được thể hiện” trong đời sống của tôi. Đó chính nghệ thuật làm cho cuộc sống của tôi tròn đầy ý nghĩa.
Cầu nguyện: Lạy Mẹ Ma-ri-a, xin Mẹ cầu bầu đặc biệt cho hàng linh mục, tu sĩ biết dâng mình cho Chúa hằng ngày qua việc thuận theo ý Chúa trên hết mọi sự; và cho đoàn tín hữu thể hiện lòng mến yêu Mẹ bằng hành vi biết “dâng mọi việc mình mơ ước nài xin…” để “bồi thường phạt tạ” rất thánh Trái Tim Chúa Giê-su, Con yêu dấu của Mẹ. Amen.

22/11/17 THỨ TƯ TUẦN 33 TN
Th. Xê-xi-li-a, trinh nữ, tử đạo
Lc 19,11-28

 
YẾN BẠC CHÚA TRAO
“Thưa ngài, yến bạc của ngài đã sinh lợi được mười yến.” Ông bảo người ấy: “Khá lắm, hỡi đầy tớ tài giỏi!” (Lc 19,17)
Suy niệm: Đôi khi người Ki-tô bị phê phán là những kẻ lười biếng, chỉ mơ tưởng thiên đàng mà không lo xây dựng cho cuộc sống trần thế này. Tin Mừng hôm nay mời gọi chúng ta có một cái nhìn thấu đáo. Qua dụ ngôn yến bạc, Đức Giê-su sánh ví giống như ông chủ ban cho mỗi người một số yến bạc khác nhau rồi trẩy đi phương xa, Thiên Chúa cũng ban cho con người những khả năng khác nhau để cai quản vũ trụ là công trình Ngài tạo dựng, làm cho nó ngày càng xinh đẹp, và đem lại thiện ích cho con người. Những ai sinh lợi yến bạc khả năng Chúa ban, thì Chúa ban thưởng: “Khá lắm, hỡi đầy tớ tài giỏi. Còn kẻ biếng nhác, thì Ngài sẽ phạt: “còn ai không có, thì ngay cái nó đang có cũng sẽ bị lấy đi.” Như thế, người Ki-tô hữu không phải là kẻ ngồi không mơ tưởng thiên đàng, mà phải tích cực xây dựng thế giới trần gian này ngày càng tốt đẹp như lòng Chúa mong muốn.
Mời Bạn: Thời gian, sức khỏe, trí tuệ... là những yến bạc Chúa trao cho bạn. Kết thúc năm phụng vụ, bạn tổng kết để xem yến bạc Ngài trao, bạn sinh lợi thế nào? Bạn dành thời gian để đem hạnh phúc cho vợ, cho chồng, để giáo dục đức tin của con cái, hay để chè chén say sưa, cờ bạc cá độ, se sua ăn diện? Câu hỏi ấy chỉ có bạn mới có thể trả lời với Chúa mà thôi.
Sống Lời Chúa: Hôm nay, tôi dành thời gian để mang niềm vui cho từng thành viên trong gia đình mình.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, chúng con cám ơn Chúa đã ban cho chúng con thời gian, sức khỏe, trí tuệ. Xin cho chúng con dùng yến bạc Chúa trao để làm vinh danh Chúa. Amen.

23/11/17 THỨ NĂM TUẦN 33 TN
Th. Clê-men-tê I, giáo hoàng, tử đạo
Lc 19,41-44

 
NHẬN BIẾT ƠN CHÚA
“Vì ngươi đã không nhận biết thời giờ ngươi được Thiên Chúa viếng thăm.” (Lc 19,44)
Suy niệm: Có câu chuyện vui kể một người đàn ông đang vất vả gom củi trong rừng. Ông than vãn: Cuộc sống cơ cực quá, thật quá sức chịu đựng, ước gì tôi chết quách cho rồi. Dứt lời, thần chết xuất hiện trước mặt ông, hỏi: Ta có thể giúp gì cho ông? Thấy thần chết ông hoảng sợ quá, lắp bắp: Ngài có thể giúp đặt bó củi này lên vai tôi được không? Có một thực tế, đôi khi chúng ta than vãn cuộc đời này lầm than đau khổ nhưng vẫn muốn sống, bởi vì cuộc sống là quà tặng. Thế nhưng, có thể chúng ta đã sống ích kỉ và vô ơn, để không nhận ra tất cả những gì mình có như sự sống, tài năng, gia đình, các mối quan hệ… đều được ban cho vì tình yêu. Thiên Chúa vẫn luôn hiện diện và yêu thương chúng ta qua từng biến cố, trong từng phút giây của cuộc đời.
Mời Bạn: Trong xã hội vô thần và thực dụng, việc nhìn nhận Thiên Chúa Nhập Thể thực sự là thử thách. Biết nhận ra Ơn Chúa trong mọi biến cố của cuộc đời, trong hạnh phúc và cả khổ đau, để luôn sống tâm tình biết ơn và phó thác cuộc đời mình nơi Chúa là thái độ sống đúng đắn của người Ki-tô hữu. Bằng cái nhìn đức tin, chúng ta sẽ nhận ra Chúa vẫn đang hiện diện và hoạt động trong thế giới này, vì yêu thương và để cứu độ chúng ta.
Sống Lời Chúa: “Anh em hãy tạ ơn trong mọi hoàn cảnh, vì đó là điều Thiên Chúa muốn trong Đức Giê-su Ki-tô” (1Tx 5,18).
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin cho con luôn nhớ mình chỉ là tạo vật nhỏ bé và vô dụng, để con luôn biết sống tâm tình tạ ơn Chúa, vì mỗi giây phút sống là hồng ân lớn lao cho chúng con. Amen.

24/11/2017 THỨ SÁU TUẦN 33 TN
Các Thánh Tử Đạo Việt Nam
Lc 21,5-19

 
TẤT CẢ VÌ VINH DANH CHÚA
“Vì danh Thầy, anh em sẽ bị mọi người thù ghét. Nhưng dù một sợi tóc trên đầu anh em cũng không bị mất đâu.” (Lc 21,17-18)
Suy niệm: Quan niệm ‘theo đạo là bỏ ông bỏ bà' vẫn ám ảnh trong não trạng anh chị em đồng bào Việt Nam, dù cho Giáo Hội đã và đang nỗ lực hội nhập văn hóa, làm cho đức tin gần gũi hơn với bản sắc của dân tộc. Đây chỉ là một trong những cái cớ khiến những tín hữu Chúa bị 'người đời thù ghét'. Suốt chiều dài lịch sử Hội Thánh, người Ki-tô hữu đã phải chịu những hiểu lầm hoặc nghi kỵ ác ý. Cũng vậy, trong 400 năm Tin Mừng có mặt trên đất nước chúng ta, ở giai đoạn nào người môn đệ Chúa Ki-tô cũng bị ghét bỏ, đến độ rất nhiều tín hữu đã phải chịu cảnh thịt nát xương tan. Bị đau đớn đến cùng cực, Các Thánh Tử Đạo Việt Nam đã làm sáng hình ảnh của Thầy Giê-su, chấp nhận cực hình để diễn tả tình yêu: lấy 'ơn đền oán' nhằm hóa giải mọi hận thù.
Mời Bạn: Là con cháu Các Thánh Tử Đạo Việt Nam, bạn và tôi cũng sẽ phải đối diện với những hiểu lầm, hận thù, ghen ghét. Dưới bất cứ hoàn cảnh nào, chúng ta cũng được mời gọi sống trung thành với đức tin, lấy lòng khoan dung diễn tả tình yêu của Thầy Chí Thánh. Không sống tinh thần độ lượng thì làm sao có thể chấp nhận đổ máu được?
Sống Lời Chúa: Sống hiền hoà vui tươi trong những lúc gặp điều trái ý, đó là sống tinh thần tử đạo trong thời đại mới.
Cầu nguyện: Lạy các Thánh Tử Đạo Việt Nam, chúng con cảm phục mẫu gương can đảm, trung thành, khoan dung của các ngài. Xin cầu cho chúng con là con cháu biết noi gương các ngài trong mọi nghịch cảnh, để luôn làm vinh danh Thiên Chúa. Amen.

25/11/17 THỨ BẢY TUẦN 33 TN
Th. Ca-ta-ri-na A-lê-xan-ri-a, trinh nữ, tử đạo                
Lc 20,27-40

 
TÔI TIN XÁC NGÀY SAU SỐNG LẠI
“Quả thật, họ không thể chết nữa, vì được ngang hàng với các thiên thần. Họ là con cái Thiên Chúa, vì là con cái sự sống lại.” (Lc 20,36)
Suy niệm: Hạt giống gieo vào lòng đất, mục nát đi rồi nảy mầm, vươn lên khỏi mặt đất, trổ sinh cành lá và đơm bông kết trái. Sự chuyển hoá của sự sống nơi cây cỏ từ trạng thái này sang trạng thái khác thật là kỳ diệu. Thân xác con người cũng vậy, sự sống thể lý hôm nay và sự sống phục sinh mai sau là cả một mầu nhiệm diệu kỳ. Không ai biết được thân xác phục sinh của mình sẽ thế nào, nhưng chắc chắn là trong Đức Ki-tô và như Đức Ki-tô. “Trong Đức Giê-su Ki-tô, chính Thiên Chúa đã mặc lấy xác phàm, để cứu chuộc loài người. Thiên Chúa cũng không chỉ cứu linh hồn con người, nhưng Người cứu toàn bộ con người có hồn và xác” (Youcat 153).
Mời bạn: Ngày lãnh nhận Bí tích Thánh Tẩy, bạn được gọi là con cái Thiên Chúa, bạn bắt đầu một sự sống mới. Sau khi chết, sự sống mới ấy vẫn tiếp tục và đạt đến mức viên mãn, dĩ nhiên, nếu bạn hoàn tất cuộc sống của mình trong niềm tin nơi Chúa và bình an với mọi người. Thánh Phao-lô quả quyết rằng: “Chúng ta có sống là sống cho Chúa, mà có chết cũng là chết cho Chúa. Vậy, dù sống dù chết, chúng ta vẫn thuộc về Chúa” (Rm 14,8).
Chia sẻ: Niềm tin vào sự sống lại “đụng chạm” đến phương cách sống đạo và chứng nhân của tôi như thế nào?
Sống Lời Chúa: Từ hôm nay và lúc này, tôi sống tử tế hơn trong vai trò Kitô hữu và bậc sống của mình.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, cái chết sẽ không tách lìa con với Chúa, nhưng đó sẽ là cuộc gặp gỡ đầy yêu thương. Xin giúp con sống với niềm xác tín và chuẩn bị thật tốt cho cuộc gặp gỡ này. Amen.
 

26/11/17 CHÚA NHẬT TUẦN 34 TN
Chúa Ki-tô Vua Vũ Trụ
Mt 25,31-46

 
CON ĐƯỜNG YÊU THƯƠNG
“Còn những người công chính ra đi để hưởng sự sống muôn đời.” (Mt 25,46)
Suy niệm: Kết thúc Năm Phụng Vụ, Giáo Hội mừng lễ Chúa Ki-tô Vua, Vua các vua, Chúa các chúa. Tại sao? Vì, Chúa Giê-su là Đấng trung gian duy nhất giao hòa giữa trời với đất. Ngài đã nhập thể để rao truyền Tin Mừng cứu độ. Chính Ngài là Đấng cứu độ duy nhất. Ngài mở lối dẫn chúng ta vào hưởng niềm vui hạnh phúc trên Trời. Con đường Chúa đi là con đường yêu thương bằng khổ giá. Muốn lãnh nhận ơn cứu độ, chúng ta phải dõi theo lối bước của Ngài. Đức yêu thương của Đức Giê-su được thể hiện qua sự giúp đỡ, chia sẻ, thăm viếng và sống tình bác ái của chúng ta đến với mọi người. Qua dụ ngôn hôm nay, Chúa Giê-su khẳng định con đường đức ái là con đường tuyệt hảo dẫn vào Quê Trời. Chiên và dê, thiên đàng và hỏa ngục là hình ảnh tượng trưng người tốt kẻ xấu. Và tiêu chí duy nhất để Chúa phán xét và thưởng phạt đó là những việc làm bác ái vị tha.
Mời Bạn hãy nỗ lực từng ngày để nên trọn lành và vào Thiên đàng nhờ làm theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần trong Đức Ki-tô: yêu thương thay cho ghen ghét, tha thứ thay cho hận thù, hy sinh thay cho ích kỷ, hiệp nhất thay cho chia rẽ…
Sống Lời Chúa: Hãy rộng mở trái tim, và đôi tay yêu thương để đến thăm viếng, chia sẻ và đỡ nâng những người nghèo khổ bên ta.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin Chúa khơi dậy lòng yêu thương nơi tâm trí con, để con sẵn sàng chia sẻ những gì con có cho anh chị em con. Con xin cảm tạ Chúa Ki-tô là Vua Vũ Trụ, là Vua của lòng con. Amen.

27/11/17 THỨ HAI TUẦN 34 TN
Lc 21,1-4

 
PHẨM CHẤT QUÝ HƠN SỐ LƯỢNG
“Bà góa nghèo này đã bỏ nhiều hơn ai hết. ” (Lc 21,3)
Suy niệm: Tục ngữ có câu: “quí hồ tinh bất quí hồ đa,” nghĩa là phẩm chất quý hơn số lượng. “Tinh” vẫn đáng tôn trọng, còn “đa” thì còn tùy thuộc “đa” như thế nào, ví dụ như cũng có lời rằng “đa ngôn đa quá!” Nói cách khác, loài người vẫn muốn “tinh” hơn “đa” huống hồ Thiên Chúa. Hơn nữa, Chúa thấu suốt lòng dạ con người nên cái gì “tinh” Ngài biết cả; và cái gì “đa” Ngài cũng thấy nó tốt hay xấu, phát xuất từ động cơ nào, có chính đáng hay không. Dù bà goá mà Tin Mừng kể lại hôm nay dâng cúng số tiền ít ỏi nhất, nhưng trước mặt Chúa, bà lại bỏ nhiều nhất, vì tấm lòng vàng của bà, bà đã bỏ tất cả những gì bà có hôm ấy, còn ngày mai đối với bà “hãy để ngày mai lo.” Trong đời sống hằng ngày, ta vẫn thường quan tâm đến phẩm chất đồ vật, thích “tốt gỗ hơn tốt nước sơn.” Trước mặt Thiên Chúa, giá trị của một con người không hệ tại ở công việc ta cho Chúa, hay cho người khác, nhiều hay ít mà là ta đã làm với tâm tình nào, với ý hướng nào.
Mời Bạn: Bạn đã và đang cống hiến nhiều thứ quý giá cho Chúa, cho cộng đoàn, vợ chồng, cha mẹ, con cái, hội đoàn… Bạn làm tất cả những điều ấy với ý hướng gì, vì yêu mến, vì thiện ích của người khác, vì Nước Trời hay vì lợi ích cá nhân của bạn?
Sống Lời Chúa: Mỗi ngày tôi loan báo “niềm vui Tin Mừng”  bằng việc cho đi một thứ gì đó, có thể là vật chất hay tinh thần, thời giờ hay của cải để đem lại niềm vui và hạnh phúc cho tha nhân.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin dạy con đừng tiếc gì với Chúa, cũng như không tiếc xót gì trước nhu cầu chính đáng của người anh em. Nếu có tiếc, thì hãy hối tiếc vì những phung phí của mình.

28/11/17 THỨ BA TUẦN 34 TN
Lc 21,5-11

 
NHÌN NHẬN THIÊN CHÚA LÀ VẺ ĐẸP VÀ CÙNG ĐÍCH MỌI SỰ
“Những gì anh em đang chiêm ngưỡng đó sẽ có ngày bị tàn phá hết, không còn tảng đá nào trên tảng đá nào.” (Lc 21,6)
Suy niệm: Các nhà thiên văn học dự đoán năm 2017 này sẽ có “siêu trăng” xuất hiện vào tối ngày 3/12; hay “mưa sao băng đẹp” mê hồn vào đêm 13/12, mà họ gọi là “Vua của mọi cơn mưa sao băng!” Nhiều người sẽ ngóng trông và mong chờ hiện tượng thiên nhiên kỳ thú này. Thật vậy, con người thường thích ngắm nhìn những điều lạ và trầm trồ khen nó nhưng dường như lại lãng quên Đấng Tạo Hóa làm ra điều đó. Hơn 2000 năm trước, dân Do Thái thời Chúa Giê-su cũng tấm tắc khen về đền thờ lộng lẫy, nguy nga với kiến trúc đẹp cùng những đồ dùng thờ phượng tinh xảo. Nhưng Chúa cảnh báo Giê-ru-sa-lem “sẽ bị tàn phá hết, không còn tảng đá nào trên tảng đá nào” “ngươi đã không nhận biết thời giờ ngươi được Thiên Chúa viếng thăm” (Lc 19,44).
Mời Bạn: Thiên Chúa mới là vĩnh cửu, và giúp con người đạt tới cuộc sống thường hằng. Còn những thụ tạo của Ngài, dù có xinh đẹp và vững bền đến mấy một ngày nào đó sẽ không còn hiện hữu, tức là biến mất khỏi trần gian này. Mời bạn chiêm ngắm những kỳ công Thiên Chúa đã tạo dựng để nhận ra Ngài là vẻ đẹp viên mãn và là cùng đích mọi sự, và nhờ đó chúng ta luôn biết tôn vinh và ngợi khen Ngài.
Sống Lời Chúa: Chiêm ngắm những thụ tạo của Thiên Chúa để khám phá vẻ đẹp và sự kỳ diệu Ngài đã đặt nơi chúng và ngợi khen tôn vinh Ngài.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa dạy con luôn tỉnh thức, cầu nguyện vì cuộc sống hôm nay có sức mê hoặc con, làm con không nhìn nhận Thiên Chúa là vẻ đẹp viên mãn và là cùng đích mọi sự. Amen.

29/11/17 THỨ TƯ TUẦN 34 TN
Ga 21,12-19

 
MỐI LỢI ĐÍCH THỰC
“Người ta sẽ tra tay bắt bớ, ức hiếp và nộp các con đến các hội đường và ngục tù…” (Lc 21,12)
Suy niệm: Chúa Giê-su hứa ban cho các môn đệ sự bình an, không phải “bình an theo kiểu thế gian” (Ga 14,27), mà là sự bình an giữa những “bắt bớ và ngược đãi,” giữa những thù ghét và kể cả cái chết vì danh Đức Ki-tô. Các thánh tử đạo ngày xưa, và các tín hữu ngày nay, điển hình là các Ki-tô hữu đang sống ở một số nước Hồi giáo phải chịu hiểm nguy, bách hại, tù đày, thậm chí cái chết chỉ vì mang danh nghĩa là môn đệ Chúa Giê-su. Sức mạnh nào đã giúp họ vượt qua quyền lực ghê gớm của vua quan, sự độc dữ của súng đạn, gươm giáo, nếu không phải là tin rằng có Chúa đồng hành với mình, ban ơn giúp sức để mình vượt qua sự dữ? Hơn nữa, họ xác tín rằng mình đang đánh đổi sự sống mau qua để lấy sự sống vĩnh hằng, vì “được cả thế giới mà thiệt mất mạng sống, thì nào có lợi gì?” (Mt 16,26).
Mời Bạn: Hãy bước theo Thầy Giê-su một cách triệt để; hãy là môn đệ Chúa Ki-tô đúng với danh nghĩa cao quý ấy. Là môn đệ của Đấng là đường, là sự thật và là sự sống, bạn cũng phải đứng về phía sự sống, sự thật, bác ái, công bằng, nhân phẩm… và đó là cách làm chứng cho Ngài trong thời đại hôm nay.
Sống Lời Chúa: Tôi tập sống theo gương thánh Phao-lô: coi tất cả là đồ bỏ, là rác rưởi, trước mối lợi tuyệt vời là Đức Ki-tô, là Tin Mừng của Ngài.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, con vẫn chuộng cái dễ dãi, chóng qua hơn là sự khó khăn, khổ cực. Xin cho con nghiệm ra rằng thú vui dễ dãi chỉ giải quyết cái nhu cầu tạm thời, và dư âm là nỗi buồn dai dẳng; còn niềm vui trong Chúa sẽ đem đến an bình thực sự, một niềm vui sâu xa bền lâu. Amen.

30/11/17 THỨ NĂM TUẦN 34 TN
Th. An-rê, tông đồ
Mt 4,18-22

 
LÀ CẦU NỐI CỦA CHÚA
“Các anh hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá.” (Mt 4,19)
Suy niệm: Antonio Mancuso là thị trưởng trẻ nhất của Ý lúc mới 27 tuổi. Một tháng sau Đại hội giới trẻ năm 2000, anh lặng lẽ từ giã thành phố Ficarra xinh đẹp, đến tu tại một tu viện. Anh cho biết mình cảm thấy ơn gọi linh mục từ ngày còn là một cậu bé giúp lễ, đã suy nghĩ bao năm và các bài thuyết giảng của Đức Gioan-Phaolô II tại Đại hội đã giúp anh đi đến quyết định ấy. Trước Antonio nhiều thế kỷ, chàng trai trẻ An-rê cũng đã từ giã con thuyền, cha mẹ, bạn bè để đi theo tiếng gọi của Thầy Giê-su. Trong vai trò môn đệ, anh là cầu nối đưa người khác đến gặp Đức Giê-su: đầu tiên là Phê-rô, anh mình, rồi em bé có năm chiếc bánh và hai con cá, cuối cùng là dẫn những người Hy lạp đến gặp Thầy mình.
Mời Bạn: Cầu nối quan trọng lắm, vì giúp cho người không biết Chúa đến gặp Ngài. Muốn làm cầu nối thì phải tích cực trong lối sống đạo, lối suy tư, phải quan tâm đến những người chưa biết Chúa, và trên hết, phải có lòng khát khao muốn Chúa được nhận biết, yêu mến, thờ phượng. Bạn đã có lòng khao khát cao quý ấy chưa?
Sống Lời Chúa: Noi gương thánh An-rê, tôi sẽ là cầu nối giới thiệu Đức Giê-su cho một người bạn, một người thân, hay một người láng giềng bằng lối ứng xử thân thiện, vui tươi, nâng đỡ, chia sẻ…
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, hẳn Chúa đã rất vui khi được thánh An-rê giới thiệu người khác đến với Chúa. Xin cho con cũng biết noi theo gương ngài, làm đẹp lòng Chúa, bằng cách trở thành cầu nối, đưa những anh em, chị em quanh con đến với Chúa. Amen.
 
***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập100
  • Máy chủ tìm kiếm48
  • Khách viếng thăm52
  • Hôm nay16,149
  • Tháng hiện tại594,815
  • Tổng lượt truy cập80,996,955
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây