Tháng 04/2018

THÁNG 04 / 2018
 
SUY NIỆM 5 PHÚT MỖI NGÀY
Thứ Hai   02 09 16 23 30
Thứ Ba   03 10 17 24  
Thứ Tư   04 11 18 25  
Thứ Năm   05 12 19 26  
Thứ Sáu   06 13 20 27  
Thứ Bảy   07 14 21 28  
Chúa Nhật 01 08 15 22 29  

01/04/18 CHÚA NHẬT PHỤC SINH – B
MỪNG CHÚA SỐNG LẠI
Ga 20,1-9

 
TỪ “THẤY’ ĐẾN “TIN”
Ông Si-mon Phê-rô vào thẳng trong mộ, thấy những băng vải để ở đó, và khăn che đầu Đức Giê-su. Khăn này không để lẫn với các băng vải, nhưng cuốn lại, xếp riêng ra một nơi. Bấy giờ người môn đệ kia, kẻ đã tới mộ trước, cũng đi vào. Ông đã thấy và đã tin. (Ga 20,6-8)
Suy niệm: Những điều Gio-an thấy tại mộ Chúa vào buổi sáng ngày thứ nhất trong tuần hôm ấy được trình bày một cách rõ ràng, mạch lạc và chính xác chẳng khác nào một biên bản hiện trường: - việc Gio-an đến mộ nhưng nhường cho Phê-rô vào trước; - hiện trường ngôi mộ được bảo vệ nguyên vẹn  (khăn liệm và các giải băng vải được gấp xếp gọn ghẽ trong mộ…); - sự hiện diện của 2 nhân chứng (Phê-rô và Gio-an) tại ngôi mộ trống. Những điều Gio-an “thấy” chỉ là một ngôi mộ trống với những chứng tích còn lại. Và từ những điều trông thấy đó, Gio-an đã khẳng định ngắn gọn và chắc nịch: “Ông đã thấy và đã tin”.
Mời Bạn: Gio-an đã “thấy” chính những điều mà Phê-rô, Tô-ma hay các tông đồ khác cũng thấy, đó là ngôi mộ trống và tấm khăn liệm. Nhưng nhờ đó, Gio-an “thấy” được cả những “điều không thấy”: xác Chúa không còn trong mộ nữa. Từ “điều không thấy”, Gio-an đã tin: tin Đức Ki-tô đã sống lại. “Phúc cho ai đã không thấy mà tin”, phải chăng Đức Ki-tô phục sinh nói điều đó trước hết cho Gio-an ?
Chia sẻ: Từ sự kiện “mồ trống”, bạn lập luận để xác tín rằng niềm tin vào Đức Ki-tô phục sinh mà Gio-an và các tông đồ rao giảng cho chúng ta quả là xác thực.
Sống Lời Chúa: Bạn làm một cử chỉ (phủ phục trước Thánh Thể Chúa…) hoặc nói một lời nguyện vắn tắt để tuyên xưng niềm tin vào Đức Ki-tô phục sinh.
Cầu nguyện: Lạy Chúa con, lạy Thiên Chúa của con, con tin Chúa đã chết và đã sống lại để cứu chuộc con.

02/04/18 THỨ HAI TUẦN BÁT NHẬT PS
Mt 28,8-15

 
ALLÊLUIA! CHÚA ĐÃ PHỤC SINH
“Chị em đừng sợ! Về báo cho anh em của Thầy để họ đến Ga-li-lê. Họ sẽ được thấy Thầy ở đó.” (Mt 28,10)
Suy niệm: Sự kiện khủng khiếp của buổi chiều thứ Sáu vẫn còn in đậm nét trong tâm khảm của những môn đệ và các người phụ nữ đi theo Chúa Giê-su. Chưa hết khiếp sợ, giờ đây các phụ nữ ra mộ Chúa từ sáng sớm ngày đầu tuần lại phải một phen kinh hoàng khi chứng kiến những sự phi thường nơi mộ Ngài. Nhưng rồi chính Đức Ki-tô, Đấng Phục Sinh, đã xuất hiện trấn an họ đừng sợ. Ngài đã từng trấn an họ như thế khi họ ở trên thuyền gặp cơn sóng to gió lớn, khi Ngài đi trên mặt nước Biển Hồ mà đến với họ (Mt 14,24-27). Giờ đây cũng chính Ngài đã sống lại, hiện ra với họ và đem lại cho họ niềm vui và hy vọng. Niềm vui không dừng lại ở đó: họ mau mắn ra đi loan báo cho các “anh em của Thầy” để họ cũng được thấy Thầy.
Mời Bạn: Chúa Ki-tô đã phục sinh, Ngài vẫn đang sống và hiện diện trong cuộc đời chúng ta. Ngài mời gọi bạn đến với Ngài, để ở với Ngài, để được Ngài đồng hành trên hành trình đức tin nơi dương thế, tiến về cuộc đoàn tụ hạnh phúc vĩnh cửu trên Thiên quốc. Mời bạn đến với Đức Ki-tô để không còn sợ hãi, để hưởng trọn niềm vui có Chúa ở cùng.
Chia sẻ: Bạn có cảm nghiệm Chúa Ki-tô Phục Sinh hiện diện trong cuộc đời bạn không? Niềm vui Phục Sinh có giúp bạn vượt qua được những nỗi lo sợ trong cuộc sống hàng ngày không?
Sống Lời Chúa: Dành ít phút ở một mình hoặc trước Thánh Thể, chiêm ngắm và tâm sự với Chúa Ki-tô phục sinh để cảm nghiệm và xác tín Ngài đang hiện diện và ở với bạn.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Ki-tô Phục Sinh, xin ở lại với chúng con mọi ngày trong suốt cuộc đời chúng con.

03/04/18 THỨ BA TUẦN BÁT NHẬT PS
Ga 20,11-18

 
TIẾNG REO VUI TỪ NIỀM VÔ VỌNG
Tôi đã thấy Chúa”, và bà kể lại những điều Người đã nói với bà. (Ga 20,18b)
Suy niệm: Bà Ma-ri-a Ma-đa-lê-na đã khóc. Tiếng khóc của người phụ nữ trước ngôi mộ mới an táng bao giờ cũng thật não lòng và làm cho bất cứ ai nghe cũng phải xúc động. Bà khóc trong vô vọng. Lúc này, dù có cả đạo binh thiên thần xuất hiện, bà cũng chẳng quan tâm. Câu hỏi “sao bà khóc?” lại càng vô duyên trước nỗi đau tuyệt vọng của bà: Tôi khóc vì tôi khóc chứ còn vì sao nữa! Tất cả đã chấm hết khi tảng đá lấp kín cửa mộ. Và giờ đây, cả đến xác của Thầy cũng không còn nữa. Giữa cơn tuyệt vọng của bà, Chúa Giê-su hiện đến. Ngài gọi đúng tên bà, tiếng gọi đầy yêu thương. Chỉ có Thầy Giê-su mới gọi bà như thế, không thể nhầm lẫn được. Tiếng gọi đầy yêu thương của Thầy đã khiến tâm hồn tưởng đã chết của bà được sống lại. Bà đã khóc, những bây giờ, từ vực sâu vô vọng, bà đáp lại trong tiếng reo vui của tình yêu: “Ráp-bu-ni! Lạy Thầy!”
Mời Bạn: Bà Ma-ri-a đến mộ, với tâm tình thê lương bám víu lấy một Đức Giê-su đã chết. Thế nhưng, Chúa Giê-su đến tìm gặp bà. Lời của Ngài làm bà được sống lại trong niềm vui và hy vọng phục sinh. Còn bạn trong bế tắc của cuộc sống, bạn có đi tìm Chúa? Bạn đã làm gì để gặp tìm Chúa, để bạn có thể reo vui như bà Ma-ri-a: “Tôi đã thấy Chúa”?
Sống Lời Chúa: Đến với Chúa Ki-tô phục sinh nơi Bí tích Thánh Thể, và dành ít phút thinh lặng, lắng nghe lời Chúa nói trong tâm khảm của bạn
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa tìm chúng con và Chúa hằng đứng đó đợi chờ chúng con. Xin cho chúng con được “tỉnh ra như bà Ma-ri-a Ma-đa-lê-na là nhận ra Chúa yêu chúng con và luôn ở cùng chúng con.

04/04/18 THỨ TƯ TUẦN BÁT NHẬT PS
Lc 24,13-35

 
BƯỚC CHÂN ĐỒNG HÀNH
Đang lúc họ trò chuyện và bàn tán, thì chính Đức Giê-su tiến đến gần và cùng đi với họ. (Lc 24,15)
Suy niệm: “Có bạn đồng hành tốt trên đường khiến đường đi dường như ngắn hơn” (Izaak Walton). Người đó chia sẻ với ta niềm vui, nhọc mệt cũng như rủi ro, lo sợ trên đường. Hai môn đệ trên đường về làng Em-mau, trĩu nặng một tâm trạng buồn nản thất vọng, lo sợ, hoang mang. Họ không hiểu được tại sao Thầy mình lại phải chết trên thập giá, họ càng không thể tin lời những người phụ nữ là đã thấy Thầy sống lại. Chính lúc đó Chúa Giê-su đến gần và cùng đi với họ. Người hỏi các ông về điều đang làm các ông quan tâm rồi giải thích Lời Chúa cho các ông. Họ cảm thấy lòng mình được sưởi ấm lên. Khi mời Người ở lại và cùng ăn với họ, họ đã nhận ra Người chính là Đức Ki-tô khi Người bẻ bánh. Ngay lập tức họ quay trở lại Giê-ru-sa-lem gặp các môn đệ để chia sẻ tin mừng đã gặp được Chúa phục sinh. Đức Ki-tô phục sinh, bạn đồng hành của họ đã giúp họ vượt qua cơn thử thách.
Mời Bạn: Cùng sống ơn gọi ki-tô hữu, chúng ta để cùng đi với nhau trong cuộc hành trình đức tin. Gặp gỡ, trao đổi, chia sẻ Lời Chúa, thăm viếng nhau, v.v… là những bước chân đồng hành, là những sự trợ giúp thiêng liêng rất cần thiết, giúp ta trút bỏ cái tôi dửng dưng vô cảm để trở thành người biết thông cảm và gần gũi với anh chị em mình, nhất là với những người đang đau khổ và đang gặp khó khăn trong cuộc sống.
Sống Lời Chúa: Thăm viếng, lắng nghe và dùng “lời lẽ đức tin” an ủi một người bạn gặp hoàn cảnh khó khăn.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin cho con nhận ra Chúa vẫn hiện diện trong đời sống con và cho con biết cùng đi với anh chị em con trên đường về với Chúa.

05/04/18 THỨ NĂM TUẦN BÁT NHẬT PS
Lc 24,35-48

 
“NHỮNG BÓNG MA TRONG ĐỜI”!
Nhưng Người nói: “Sao lại hoảng hốt? Sao lòng anh em còn ngờ vực? Nhìn chân tay Thầy coi, chính Thầy đây mà! Cứ rờ xem, ma đâu có xương có thịt như anh em thấy Thầy có đây?” (Lc 24,38-39)
Suy niệm: Con người là một tạo vật bé nhỏ và yếu đuối trong một vũ trụ bao la, với biết bao sức mạnh khủng khiếp của thiên nhiên, của thú dữ, của súng đạn, của lòng người, của thần chết…. Những nỗi sợ hãi đó trở thành những “bóng ma” ám ảnh tâm trí hoặc đe dọa sự an toàn của cuộc sống. Người tông đồ, người tín hữu của Chúa cũng không thoát khỏi căn bệnh “sợ ma” đó. Tệ  hại nhất là “những bóng ma” đó đã làm lung lạc đức tin của họ, để rồi họ “lạc mất” Chúa, không còn nhớ Lời Chúa đã dạy, và không còn nhận ra sự hiện diện của Ngài trong cuộc đời. Đức Ki-tô quả quyết chính Ngài đã chết nhưng đã sống lại và luôn hiện diện và “ở cùng chúng ta mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,20).
Mời Bạn: Đức Ki-tô đã chết, nhưng Ngài đã sống lại như lời Ngài đã phán. Ngài đã chiến thắng tử thần – “bóng ma vĩ đại nhất”, để đem lại niềm tin, sự sống lại và sống dồi dào cho ta. Từ nay, nhờ Ngài, với Ngài và trong Ngài, ta sẽ không còn nỗi sợ hãi nào hết, nếu ta biết đặt đời ta trong sự quan phòng yêu thương của Ngài.
Chia sẻ: ĐGH Bê-nê-đi-tô XVI nói: “Thiên Chúa im lặng, không có nghĩa là Ngài vắng mặt.” Sự hiện diện và can thiệp của Chúa thể hiện theo một cung cách khác. Chỉ với đức tin trong sáng, ta mới có thể “sáng mắt” để nhận ra Ngài.
Sống Lời Chúa: Sốt sắng tham dự Thánh lễ trong tuần Bát Nhật này, để xin ơn đức tin.
Cầu nguyện: Hát: “Chúa chăn nuôi tôi, tôi còn thiếu gì? Chúa bảo vệ tôi, lẽ nào tôi còn sợ chi, còn sợ ai”.

06/04/18 THỨ SÁU TUẦN BÁT NHẬT PS
Ga 21,1-14

 
THÚ VỊ THAY ĐƯỢC Ở BÊN CHÚA!
Đức Giê-su nói: “Anh em đến mà ăn!” Không ai trong các môn đệ dám hỏi “Ông là ai?” vì các ông đã biết rằng đó là Chúa. Đức Giê-su đến cầm lấy bánh, trao cho các ông; rồi cá, Người cũng làm như vậy.” (Ga 21,12-13)
Suy niệm: Đức Giê-su đã chết; các tông đồ hoang mang như rắn mất đầu. Giờ đây tuy vẫn ở với nhau nhưng họ có nguy cơ “tụt hậu” để chỉ là một nhóm đồng nghiệp đánh cá với nhau. Thế thôi. Nay Đức Giê-su phục sinh đến với các môn đệ để khôi phục đời sống cộng đoàn đích thực nơi họ.
Mời Bạn: Thật giống hệt một kỳ trại hè trên bờ biển: - mật thư “Hãy thả lưới bên phải thuyền” được dịch ra là một mẻ cá lạ lùng; - kho tàng tìm được hoá ra không phải là dưới biển sâu mà là chính Thầy đang chờ đợi trên bờ; - ngon lành biết mấy, những con cá tươi rói nướng thơm lừng trên ngọn lửa hồng; mà cảm kích nhất là do chính Thầy nướng cho; - sau một đêm vất vả, còn gì thân tình hơn cảnh Thầy trò hàn huyên giữa tiếng sóng biển rì rào vào buổi sáng tinh mơ. Thật thú vị thay phút thư giãn bên Thầy!
Chia sẻ một kinh nghiệm của bạn sống kết hiệp thân tình với Chúa Giê-su Thánh Thể.
Sống Lời Chúa: Chiêm ngắm một vài nét của cộng đoàn môn đệ đang ở bên Chúa để cảm nghiệm và để sống: - cộng đoàn hiệp nhất: Các môn đệ nói với Phê-rô: “Chúng tôi cùng đi với ông”; - cộng đoàn lắng nghe lời ngôn sứ: Người môn đệ được Chúa thương mến nói: “Chúa đó!”; - cộng đoàn hiệp thông trong tiệc thánh: Đức Giê-su nói: “Anh em hãy đến mà ăn”.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, thật thú vị thay được sống bên Chúa. Thật hạnh phúc thay được sống thuộc về Chúa.

07/04/18 THỨ BẢY TUẦN BÁT NHẬT PS
Mc 16,9-15

 
NHƯNG HỌ KHÔNG TIN
Họ nghe bà nói Chúa sống lại và bà đã thấy Người, nhưng họ không tin. (Mc 16,11)
Suy niệm: Dù Thánh Kinh đã tiên báo, dù Chúa Giê-su cũng nhiều lần báo trước cho các môn đệ rằng Ngài sẽ chịu chết rồi sau ba ngày sẽ trỗi dậy, cái chết bi thảm của Chúa Ki-tô vẫn gây ra nơi các môn đệ Ngài một cú sốc nặng nề đến nỗi họ có say mê Ngài đến mấy cũng không thể bịa ra câu chuyện Thầy mình phá tung cửa mộ sống dậy. Ngay cả khi bà bà Ma-ri-a Mác-đa-la ra mộ từ sáng sớm chạy về báo tin đã thấy Chúa sống lại, họ cũng không tin. Chỉ khi chính họ, những người trong số môn đệ đã tận mắt gặp Ngài, đó là Phê-rô, là Gia-cô-bê, là hai môn đệ làng Em-mau, là Tô-ma, là nhóm Mười Hai, là các tông đồ, là hơn 500 anh em, lúc đó họ mới xác tín Ngài đã sống lại như lời đã báo trước (1Cr 15,4). Một khi đã xác tín, họ sẵn sàng đem cả mạng sống để bảo đảm lời chứng của mình là chứng thật: Chính Đức Giê-su đó, Thiên Chúa đã làm cho sống lại; về điều này, tất cả chúng tôi xin làm chứng” (Cv 2,32; 3,15).
Mời Bạn: Hiện tượng “mộ trống” đã là một bằng chứng khó nuốt đối với những ai muốn phủ nhận sự thật Đức Ki-tô đã chết và ngày thứ ba đã sống lại. Thế nhưng khi có những chứng nhân bất khuất như thế làm chứng, thì đó quả là một sự thật chắc chắn không còn nghi ngờ gì nữa: Chúa đã sống lại thật như lời Thánh Kinh.
Sống Lời Chúa: Noi gương các tông đồ làm chứng nhân của Chúa Phục Sinh bằng đời sống hằng ngày của mình.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, vô số người đã dám hy sinh cả cuộc sống để làm chứng Chúa đã Phục sinh. Xin cho con biết noi gương các ngài để vững bước trong niềm tin của mình. Amen.

08/04/18 CHÚA NHẬT TUẦN 2 PS – B
KÍNH LÒNG THƯƠNG XÓT CHÚA
Ga 20,19-31

 
DẤU VẾT RIÊNG CỦA MÔN ĐỆ
“Bình an cho anh em… Như Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em... Hãy nhận lấy Thánh Thần.” (Ga 20,19.21.22)
Suy niệm: Chúa Phục Sinh hiện đến, trao ba điều: bình an, sứ mạng, và Thánh Thần. Chúa Phục Sinh hiện diện bằng xương bằng thịt nhưng chỉ tạm thời thôi. Rồi Người sẽ về cùng Cha. Người vẫn tiếp tục hiện diện với các môn đệ ‘mọi ngày cho đến tận thế’, nhưng là trong Thánh Thần, bảo chứng của bình an và nguồn lực của sứ mạng. Từ đây, ‘dấu vết riêng’ ghi trong căn cước của người môn đệ Chúa Giê-su sẽ là sự hiện diện của Thánh Thần. Không thể trực tiếp thấy Thánh Thần nơi tôi, nhưng thế giới có thể thấy dấu vết của Ngài nơi sứ mạng của tôi và nơi sự bình an sâu thẳm (phát tiết thành niềm vui sâu thẳm) trong tâm hồn tôi, cho dẫu bao thăng trầm, bao nghịch cảnh.
Mời Bạn: ‘Dấu vết riêng’ của người môn đệ Chúa có nơi bạn không? Tôi có đang thi hành sứ mạng (bằng hình thức nào đó) không? Tôi có đang thật sự cảm nếm niềm bình an sâu xa không? Nói cách khác: tôi có đang sống trong Thánh Thần của Chúa Phục Sinh không?
Chia sẻ: Bạn đã từng cảm nghiệm được niềm bình an sâu xa mà ngay giữa hoàn cảnh đầy bất an và tăm tối chưa? Sự bình an đó có gắn liền với sứ mạng và với kinh nghiệm của bạn về Chúa Thánh Thần không?
Sống Lời Chúa: Chu toàn bổn phận hằng ngày của bạn theo sự hướng dẫn của Thánh Thần và với tâm hồn bình an để những Tô-ma của ngày nay thấy được và sờ được sự hiện diện sống động của Chúa Phục Sinh qua cuộc sống của bạn.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Thánh Thần, xin chiếm lĩnh trọn vẹn con người con, để con không bao giờ đánh mất bình an, và không bao giờ xa rời sứ mạng. Amen.

09/04/18 THỨ HAI TUẦN 2 PS
LỄ TRUYỀN TIN 
Lc 1,26-38

 
XIN VÂNG NHƯ MẸ
Sứ thần đáp: “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà, vì thế, Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa. Vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được.” (Lc 1,35.37)
Suy niệm: Đức Mẹ đã đáp lại lời mời gọi của Chúa cách quảng đại khi thưa lời “xin vâng”: “Này tôi là tôi tớ Chúa, tôi xin vâng như lời thiên thần truyền.” Lời thưa “vâng” ấy tưởng chừng dễ dàng như một hơi thở thoát ra từ môi miệng của Mẹ. Nhưng thực tế không phải thế. Không hề dễ dàng cho một thiếu nữ để hiểu “việc ấy sẽ xảy ra cách nào”; càng không dễ dàng cho Mẹ để giải thích cho người khác về việc mang thai một cách mầu nhiệm, nhất là giải thích cho thánh cả Giu-se, người mà Mẹ đã đính hôn mà chưa về chung sống (Mt 1,18). Và trong suốt cuộc đời còn lại của Mẹ, Mẹ vẫn trung thành với lời thưa vâng ấy, đến độ Mẹ sẵn lòng đi trọn con đường thập giá cùng với Đức Ki-tô.
Mời Bạn: “Xin vâng ý Chúa,” việc ấy không dễ dàng, ngay cả đối với Mẹ. Nhưng vì tin, vì yêu, Mẹ đã xin vâng trong suốt cuộc đời của Mẹ cho đến cả dưới chân thập giá Chúa Ki-tô. Mời bạn chiêm ngắm thái độ của Đức Mẹ luôn vâng phục trong đức tin, và mời bạn noi theo gương Đức Mẹ để thưa vâng với Chúa trong mọi biến cố của đời mình.
Chia sẻ: Biến cố nào bạn thấy khó đón nhận để thưa lời xin vâng nhất?
Sống Lời Chúa: Cầu nguyện với Lời Chúa để nội tâm hóa chính mình, hầu đủ sức thưa vâng trong mọi hoàn cảnh.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, con xin phó thác đời sống con cho Chúa, xin Chúa cho con noi gương Đức Mẹ thưa lời xin vâng trong những trái ý khổ đau, vì biết rằng qua những khổ đau đó, con mới đạt tới vinh quang phục sinh như Chúa.

10/04/18 THỨ BA TUẦN 2 PS
Ga 3,7b-12

 
ƠN TÁI SINH
“Các ông cần phải được sinh lại bởi ơn trên.” (Ga 3,7b)
Suy niệm: Trước khi trở thành con bướm, con sâu phải chui vào cái kén, hoá thành con nhộng; nhìn bề ngoài, nó dường như đã chết. Và nó còn phải tự mình nỗ lực đến mức kiệt sức, từ bỏ cái kén là tổ ấm an toàn của nó rồi mới hoá bướm được. Đó là qui luật của Tạo Hoá dành cho muôn loài. Còn con người có trí khôn, lại càng phải ý thức được định luật tất yếu đó: Cần phải có sức mạnh của Chúa để tái sinh mình trong ân sủng. Qui luật ấy, hôm nay Chúa Giê-su nhắc lại cho Ni-cô-đê-mô, nhưng thay vì đón nhận nó để sống vững vàng trong niềm tin, thì ông ngạc nhiên như điều không thể có và không thể chấp nhận. Chúa Giê-su khơi lại đức tin cho ông từ chính những kiến thức uyên bác của ông về Thánh Kinh: hình tượng con rắn đồng được treo lên trong sa mạc giải thích cho ông hiểu mầu nhiệm của việc tái sinh: phải tin vào Đấng đã vượt qua cái chết để tới được cõi sống: “Ai TIN vào Ngài thì được sống muôn đời”.
Mời Bạn: Hành động tin chính là biết nỗ lực lột bỏ được con người cũ của mình trong cái kén định kiến, cố hữu, và những thói quen không tốt, để mở lòng đón nhận ơn sủng Chúa. Với ơn tái sinh trong bí tích Thanh Tẩy, bạn hãy để cho Chúa tiếp tục tái sinh bạn mỗi ngày qua việc lắng nghe lời Chúa, tham dự Thánh Lễ và lãnh nhận các bí tích.
Chia sẻ: Đức tin không hành động là đức tin chết. Bạn hiểu và sống thế nào ?
Sống Lời Chúa: Tham dự Thánh lễ và lãnh nhận các bí tích với tất cả tấm lòng yêu mến để bạn được ơn biến đổi, chứ đừng làm theo thói quen.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin thực hiện trong con mỗi ngày ơn biến đổi thiêng liêng.

11/04/18 THỨ TƯ TUẦN 2 PS
Th. Sta-nít-la-ô, giám mục, tử đạo
Ga 3,16-21

 
ĐỨC GIÊ-SU, ĐẤNG CỨU ĐỘ
“Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời.” (Ga 3,16)
Suy niệm: Một khi không tin Chúa Giê-su là Đấng Cứu Độ duy nhất, người ta sẽ tin rằng mọi thứ người ta sở hữu sẽ cứu độ họ. Nhiều người nghĩ rằng tiền bạc của cải đầy đủ sẽ cứu độ họ. Có người cho rằng thế lực, sức khỏe sẽ đem lại sự an toàn vững bền và một thế giá sáng ngời. Nhưng, những thứ sở hữu đó thật mong manh như Chúa Giê-su cảnh báo: “Đồ ngốc! Nội đêm nay, người ta sẽ đòi lại mạng ngươi, thì những gì ngươi sắm sẵn đó sẽ về tay ai?” Kết quả sẽ ra sao nếu ta cứ bám vào bọt biển để bơi? Vì thế, Lời Chúa hôm nay quả thật là Tin Mừng cho chúng ta, vì Thiên Chúa Cha đã ban Con Một của Ngài là Chúa Giê-su để cứu độ chúng ta. Đức thánh cha Phanxicô giải thích rằng, Thiên Chúa không cứu độ chúng ta bằng tờ giấy hay bằng một sắc lệnh nào đó, nhưng bằng chính Con Một của Ngài. Trong Đấng Phục Sinh, Thiên Chúa phục hồi phẩm giá con người bị đánh mất vì tội lỗi và ban sự sống cho những ai đón nhận Đấng Phục Sinh. Thiên Chúa ban Đấng Cứu Độ duy nhất, đồng thời quả quyết, tin vào Chúa Giê-su là cách duy nhất lãnh nhận ơn cứu độ.
Mời Bạn: Bạn đang trông mong vào điều gì để cuộc đời bạn được bảo đảm? Gia đình bạn đang dựa vào điều gì để gia đình bạn được vững bền? Bạn đón nhận Con Một của Thiên Chúa thế nào?
Sống Lời Chúa: Qui tụ gia đình trước bàn thờ Chúa để cầu nguyện mỗi ngày.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa là Đấng Cứu Độ duy nhất của gia đình con, ngoài Chúa ra chúng con không tìm đâu được hạnh phúc. Xin cho gia đình con yêu Chúa hằng ngày.

12/04/18 THỨ NĂM TUẦN 2 PS
Ga 3,31-36

 
NÓI CHUYỆN TRÊN TRỜI
“Đấng từ trên cao mà đến thì ở trên mọi người; kẻ bởi đất mà ra thì thuộc về đất và nói những chuyện dưới đất.” (Ga 3,31)
Suy niệm: “Kẻ bởi đất mà ra thì nói những chuyện dưới đất”, và giả như có nói “những chuyện trên trời” thì cũng nói theo kiểu “những chuyện dưới đất”. Con người dù có ai thông thái khôn ngoan đến mấy đi nữa, khi nói về Thiên Chúa, cũng phải dùng ngôn ngữ loài người và những quan niệm của con người để phóng chiếu lên tới vô cùng, và giả định như thế là Thiên Chúa. Do đó, con người vẫn thường vô tình tạo ra những thần linh theo hình ảnh, sở thích của mình để rồi tôn thờ chính “những thần linh do tay mình làm ra”. Chỉ có Đấng từ trời xuống mới đủ khả năng, đủ thế giá để nói về những sự trên trời. Vì thế, nếu chúng ta muốn biết điều chi về Thiên Chúa, chúng ta chỉ có thể tìm biết từ chính Con Một của Người, Đấng từ trời mà xuống. Và nếu chúng ta muốn đến với Thiên Chúa, chúng ta cũng chỉ có thể đến qua Đức Giê-su Ki-tô, Đấng duy nhất đã chết, sống lại và lên trời. Quả thật, Đức Giê-su Ki-tô là “Đấng Cứu Độ Duy Nhất” của nhân loại.
Mời Bạn: Khi mọi lời nói của chúng ta đều bất cập trước mầu nhiệm vô biên của Thiên Chúa thì bạn vẫn còn một phương thế để đạt tới Thiên Chúa đó là dựa vào chính Lời Chúa và nhờ Thánh Thần hướng dẫn, để hiểu biết và đón nhận thánh ý Ngài.
Sống Lời Chúa: Trung thành đọc và suy gẫm Lời Chúa mỗi ngày.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin ban Thần Khí Đức Ki-tô trên chúng con, cho chúng con luôn say mê những sự trên trời để dùng những biết dùng của cải đời này mà đạt tới hạnh phúc vĩnh cửu đời sau.

13/04/18 THỨ SÁU TUẦN 2 PS
Th. Mác-ti-nô I, giáo hoàng, tử đạo
Ga 6,1-15

 
CHÚA TÍNH CHO
Đức Giê-su cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn, rồi phân phát cho những người ngồi đó. Cá nhỏ, Người cũng phân phát như vậy. (Ga 6,11)
Suy niệm: Tính toán theo kiểu con người rất thực tế và so đo hơn thiệt. Trước một số đông đến 5.000 người đàn ông, không kể đàn bà trẻ con, các môn đệ tính toán: “Có mua đến 200 quan tiền bánh cũng chẳng đủ cho mỗi người một chút.” Vả lại ở nơi núi đồi hoang vắng này, ai bán bánh mà mua? Chịu thua! Trong đám đông hôm đó có “một em bé có 5 chiếc bánh và 2 con cá, nhưng với ngần ấy người thì thấm vào đâu!” Bó tay! Thế nhưng “điều gì không thể đối với con người, lại là có thể đối với Thiên Chúa.” Đức Giê-su đã thực hiện những cử chỉ sẽ trở thành dấu hiệu riêng của Đức Ki-tô: Ngài cầm lấy bánh, và cá cũng thế, dâng lời tạ ơn và phân phát cho mọi người. Với 5 chiếc bánh và 2 con cá, Ngài đã cho đám đông, tính riêng đàn ông đã là 5.000 người, ăn no nê mà vẫn còn dư 12 thúng đầy!
Mời Bạn: Phép lạ ấy, ngày nay vẫn còn tiếp diễn nơi thánh lễ. Đức Giê-su vẫn hiện diện cách sống động trong các thánh lễ. Phép lạ nhân thừa bánh ngày xưa là dấu hiệu Chúa ban lương thực thiêng liêng là chính Mình Máu Người cho mọi Ki-tô hữu từ xưa cho đến nay và cho đến ngày tận thế. Thật kỳ diệu! Ai lãnh nhận Mình Máu Người lẽ nào không dâng lời tạ ơn?
Sống Lời Chúa: Siêng năng tham dự thánh lễ không chỉ Chúa Nhật và lễ trọng mà cả trong các ngày thường.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, vì yêu mà Chúa đã trao ban Mình Máu Chúa cho chúng con. Chúng con nguyện dâng Chúa cả thân mình và cuộc sống chúng con để đáp đền tình yêu Chúa.

14/04/18 THỨ BẢY TUẦN 2 PS
Ga 6,16-21

 
ĐỪNG SỢ!
Nhưng Người bảo các ông: “Chính Thầy đây, đừng sợ!” Họ định rước Người lên thuyền, nhưng ngay lúc ấy, thuyền đã đến nơi họ định tới. (Ga 6,20-21)
Suy niệm: Người ta sợ khi nhận ra sự an toàn, sự sống còn của mình bị đe doạ. Nỗi sợ đã tiềm ẩn trong tiếng khóc của đứa bé khi chào đời vì phải rời bỏ lòng mẹ ấm áp bình yên để sinh vào một thế giới xa lạ. Theo năm tháng của cuộc đời, nỗi sợ lớn lên dưới muôn hình vạn trạng. Nỗi sợ len lỏi trong tâm hồn con người: nhỏ sợ già, già sợ chết; nó gặm nhấm hạnh phúc của biết bao gia đình; nó bóp nghẹt sự phát triển của xã hội; và nó còn có thể làm nản lòng những kẻ tin và đóng khung cả bầu trời Giáo Hội. Quả thế, chỉ với một cơn gió mạnh, các tông đồ đã hoảng hốt đến nỗi quên hết phép lạ Thầy vừa mới làm. Chỉ với một cơn sóng to, bao lời dạy của Chúa đã trôi sông ra biển. Nỗi sợ đẩy các ông tới giới hạn của thân phận con người nhỏ bé tầm thường. Tuy nhiên, ngay khi các ông tuyệt vọng vì nhận ra sự bất lực của mình, Chúa Giê-su đã đến bên để vực dậy niềm tin của các ông: “Chính Thầy đây, đừng sợ.” Không những thế, ngay lập tức, Ngài còn đưa các ông đến nơi các ông định tới- đến bến bờ bình yên.
Mời Bạn: Con thuyền Giáo Hội vượt biển trần gian, có lúc êm ả lướt trôi dưới trời quang mây tạnh, cũng có tròng trành vì sóng to gió lớn. Thế nhưng, “đừng sợ”, vì dù thế nào đi nữa, Giáo Hội vẫn luôn có Chúa ở cùng: “Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,20). Ngài sẽ đưa Giáo Hội bến bờ hạnh phúc là Nước Trời.
Sống Lời Chúa: Thường xuyên tham dự thánh lễ cả trong ngày thường và rước Chúa để luôn được có Chúa ở cùng.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin ở lại với con. Có Chúa, con không lo sợ gì.

15/04/18 CHÚA NHẬT TUẦN 3 PS – B
Lc 24,35-48
 
NGỠ NGÀNG TRƯỚC ĐẤNG PHỤC SINH
Vì mừng quá, các ông vẫn chưa tin và còn đang ngỡ ngàng. (Lc 24,41)
Suy niệm: Để cứu độ con người, Thiên Chúa đã thực hiện những công trình kỳ diệu nơi Đức Giê-su Ki-tô – từ biến cố nhập thể, giáng sinh, cho đến việc Ngài rao giảng và chịu chết – tất cả những điều ấy thật kỳ diệu khiến chúng ta đi từ ngỡ ngàng này đến ngỡ ngàng khác. Thật vậy, Đức Mẹ đã ngỡ ngàng khi nghe lời sứ thần truyền tin Con Thiên Chúa nhập thể; các mục đồng ngỡ ngàng nhìn thấy trẻ thơ bọc trong khăn, nằm trong máng cỏ; dân chúng ngỡ ngàng trước lời giảng dạy khôn ngoan và các phép lạ Ngài làm. Nhưng vượt trên tất cả là sự ngỡ ngàng khi đứng trước Đấng Phục Sinh: Một cảm xúc pha trộn giữa mừng và sợ, giữa xác tín và kinh ngạc, đó là tâm trạng không thể diễn tả bằng lời của các môn đệ trước những đang diễn ra trước mắt: Đấng mà họ đã chứng kiến chết thảm trên thập giá, họ đã mai táng trong mộ, nay hiện diện bằng xương bằng thịt và nói với họ: “Chính Thầy đây mà!” Sự ngỡ ngàng ấy củng cố nơi họ một đức tin không lay chuyển và một lời chứng đầy xác tín: Chúa đã sống lại thật đúng như lời Kinh Thánh!
Mời Bạn: Hẳn bạn suy nghĩ: Tôi phải thấy Chúa Ki-tô phục sinh như các tông đồ, tôi mới có cảm nghiệm như các ngài! Mời bạn đến với Chúa Giê-su Thánh Thể, và dành thời gian tĩnh lặng chiêm ngắm Lời Chúa, bạn sẽ ngỡ ngàng nhận ra quả thực Chúa đang hiện diện trong tâm hồn bạn.
Sống Lời Chúa: Dành thời gian mỗi ngày để đọc và suy niệm Lời Chúa.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin giúp con biết nhận ra Chúa đang ở với con từng giây phút, và xin Chúa biến đổi con thành chứng nhân của Chúa.

16/04/18 THỨ HAI TUẦN 3 PS
Ga 6,22-29

 
HỒN AN XÁC MẠNH
“Các ông hãy ra công làm việc không phải vì lương thực mau hư nát, nhưng để có lương thực thường tồn đem lại phúc trường sinh.” (Ga 6,27)
Suy niệm: Dù ý thức hay không thì những hoạt động của chúng ta đều nhằm đến một tương lai tốt đẹp hơn: ăn uống, học hành, thể dục, tích lũy của cải... Điều tốt đẹp lý tưởng không chỉ là tiến lên từ chỗ “ăn no mặc ấm” đến chỗ “ăn ngon mặc đẹp,” mà phải là niềm hạnh phúc của con người một cách toàn vẹn, nghĩa là - như người ta thường nói - được cả hồn an xác mạnh. Nếu thân xác cần được cung cấp đầy đủ thức ăn thì linh hồn cũng cần được nuôi dưỡng như vậy. Thường thì người ta dễ nhận ra và lo lắng về sự tiều tụy của cơ thể, sự xuống cấp của nhan sắc hơn là sự èo uột của linh hồn! Và do đó dễ đi đến chỗ thiên lệch “được phần xác, nhếch nhác phần hồn.” Lời Chúa dạy chúng ta phải lo làm việc chăm lo cho phần xác nhưng không phải chỉ vì “của ăn mau hư nát” mà để thân xác cũng được thánh hóa và cùng với linh hồn hưởng phúc trường sinh.
Mời Bạn: Để có được của ăn nuôi sống linh hồn luôn đòi chúng ta có những hy sinh về mặt thể xác; chính những nỗ lực này làm cho chúng ta trở nên cao cả hơn. Cái chết của Đức Ki-tô là để chúng ta đạt được sự cao cả đó. Một Ki-tô hữu sống lè tè ‘sát đất’ luôn là hình ảnh bôi nhọ Đức Ki-tô vậy.
Chia sẻ: Nhận định xem những hoạt động nào chỉ phục vụ thân xác mà không bồi bổ cho tâm hồn.
Sống Lời Chúa: Từ bỏ một tật xấu gây cản trở cho việc trưởng thành tâm linh.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con khát khao những hoạt động đem lại lợi ích thiêng liêng để con dễ dàng từ chối những đam mê ti tiện ở đời này. Amen.

17/04/18 THỨ BA TUẦN 3 PS
Ga 6,30-35

 
BÁNH BỞI TRỜI: NHU YẾU PHẨM
“Tôi bảo thật các ông, không phải ông Mô-sê đã cho các ông ăn bánh bởi trời đâu, mà chính là Cha tôi đã cho các ông ăn bánh bởi trời.” (Ga 6,32)
Suy niệm: Thị trường hàng tiêu dùng Việt Nam hiện nay càng ngày càng phong phú về chủng loại, mẫu mã cũng như số lượng, đáp ứng được nhu cầu khách hàng. Thế nhưng những “nhu yếu phẩm” tinh thần vẫn còn khan hiếm cả về chất lượng cũng như số lượng. Điều đáng lo lắng hơn, sự khan hiếm về văn hoá này không được quan tâm, như thể chỉ cần phát triển kinh tế là đủ. Người Do Thái đòi hỏi Chúa làm phép lạ như Mô-sê. Quá bận tâm đến nhu cầu vật chất nên  họ lầm tưởng rằng thứ manna xưa có thể thoả mãn nhu cầu sâu kín của họ. Thế nhưng cơn đói đích thực của họ là cơn đói thiêng liêng mà chỉ có thứ bánh bởi trời đích thực mới có thể thoả mãn. Chúa Giê-su chỉ rõ cho họ: chính Chúa Cha nuôi sống họ chứ không phải Mô-sê và Bánh Bởi Trời đích thực là chính Thân Mình Ngài.
Mời Bạn: Phải chăng bạn lo toan quay quắt cho những nhu cầu vật chất hằng ngày thế nhưng bạn vẫn thấy trống rỗng, bất an? Đó là dấu hiệu cho thấy cần phải có thứ “nhu yếu phẩm” thiêng liêng để đáp ứng nhu cầu sâu xa của bạn, đó là kết hiệp với Thiên Chúa và lãnh nhận Thánh Thể, Bánh-Bởi-Trời. Vậy hôm nay, bạn quyết tâm phải làm gì cho nhu cầu ấy khi nghe Lời Chúa?
Chia sẻ cảm nghiệm về nỗi khao khát nhu cầu thiêng liêng nơi bạn.
Sống Lời Chúa: Khi trở ngại không dự được thánh lễ ngày thường, bạn ước ao rước Chúa cách thiêng liêng.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin làm cho niềm khao khát sống với Chúa nơi con được sống lại, để con luôn được thuộc trọn về Chúa.

18/04/18 THỨ TƯ TUẦN 3 PS
Ga 6,35-40

 
LỘ TRÌNH THIÊNG LIÊNG
Chúa Giê-su nói: “Ý của Cha tôi là tất cả những ai thấy người Con và tin vào người Con, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết.” (Ga 6,40)
Suy niệm: Các xe hơi đời mới hiện nay đều có gắn thiết bị định vị toàn cầu GPS nhận tín hiệu từ 21 vệ tinh bay chung quanh trái đất, nhờ đó tài xế biết đường nào ngắn nhất tới nơi mình định đến, đường nào một chiều, chỗ nào có thể kẹt xe, v.v… Chúa Giê-su đã tặng ban cho chúng ta một hệ thống định vị thiêng liêng khi Ngài mạc khải ý định của Chúa Cha là cứu rỗi “tất cả những ai thấy và tin” vào Chúa Con. Quả vậy, khi chiêm ngắm Đức Giê-su và đi theo lộ trình thập giá của Ngài, chúng ta không sợ bị lạc trong mê cung của những đam mê, cám dỗ; chúng ta cũng có thể cùng Ngài vượt qua được những hầm bẫy, những chướng ngại vật giăng mắc trên đường. Chỉ dẫn của Chúa Giê-su thật rõ ràng: mục tiêu nhắm tới là thực hiện ý Chúa Cha và lộ trình chính là con đường thập giá.
Mời Bạn: Để kiểm định lại chiếc xe cuộc đời của bạn, mời bạn xét xem mình có đang bị cuốn hút theo lối sống của chủ nghĩa tiêu thụ hay không, mà đặc điểm của nó là: - làm cho mình hưởng thụ thật nhiều mà quên chia sẻ và giúp tha nhân thăng tiến; - và hưởng thụ ở trần thế này đến độ quên điểm đến của mình là “sự sống muôn đời,” “sự sống lại trong ngày sau hết.” Mời bạn xét xem mình đã gắn kết với Chúa Giê-su và lộ trình thập giá của Ngài chưa.
Chia sẻ: Đâu là đặc điểm của lối sống kitô chống lại chủ nghĩa tiêu thụ?
Sống Lời Chúa: Xét mình về cách tiêu dùng của cải hằng ngày của mình, của gia đình hay cộng đoàn của mình.
Cầu nguyện: Đọc Kinh Lạy Cha.

19/04/18 THỨ NĂM TUẦN 3 PS
Ga 6,44-51

 
ĐỨC TIN - HỒNG ÂN - VÂNG PHỤC
“Chẳng ai đến với tôi được, nếu Chúa Cha là Đấng sai tôi, không lôi kéo người ấy, và tôi, tôi sẽ cho người ấy sống lại trong ngày sau hết.” (Ga 6,44)
Suy niệm: Đức tin không chỉ là sự đồng ý của trí tuệ con người trước những chân lý Thiên Chúa mạc khải, mà đó còn là hành động con người phó thác chính mình vào Thiên Chúa là Cha và gắn bó với Ngài luôn mãi, bởi họ nhận biết lòng yêu thương của Thiên Chúa dành cho, nhất là ưu ái ban cho con người đức tin. Như Chúa Giê-su đã nói, không ai đến được với Ngài, nếu Chúa Cha không lôi kéo họ, thì đức tin vào Chúa Giê-su là một hồng ân Thiên Chúa ban cho con người. Thánh Phao-lô đã khẳng định như thế: “Nhờ lòng tin mà anh em được cứu độ: đây không phải bởi sức anh em, mà là một ân huệ của Thiên Chúa” (Ep 2,8). Nói cách khác, đức tin đem lại ân huệ của Thiên Chúa, đón nhận đức tin là đón nhận ơn ban của Thiên Chúa. Như thế, đức tin đòi hỏi ta phải đáp đền ơn Chúa ban, làm phát sinh lòng vâng phục Thiên Chúa nơi chúng ta, vì vâng phục chính là kết quả của đức tin. Càng tin vào Thiên Chúa, ta càng vâng theo Lời Chúa dạy. Như vậy, đức tin, ân huệ và vâng phục không thể tách rời nhau.
Sống Lời Chúa: Trung thành đọc lời Chúa hằng ngày và thực hành lời Chúa.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, nhờ ơn Chúa thương ban, con nhận được đức tin và có niềm hy vọng vào Chúa trong những lúc nghi nan. Đức tin kéo con lên khỏi sầu buồn chất ngất, cho gia đình con thấy ánh sáng cuối đường hầm cuộc đời nghiệt ngã. Đức tin nâng vực con chỗi dậy sau những lần quỵ ngã. Đức tin cho con biết ngã nhào vào vòng tay yêu thương của Chúa mỗi khi mỏi gối chồn chân. Con cảm tạ ơn Chúa luôn mãi.

20/04/18 THỨ SÁU TUẦN 3 PS
Ga 6,52-59

 
LƯƠNG THỰC TRƯỜNG SINH
“Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì sẽ được sống muôn đời.” (Ga 6,54)
Suy niệm: Chàng Rô-bin-sơn trong câu chuyện “Trên Hoang Đảo” của Daniel Defoe đã lấy làm kinh tởm khi thấy người thổ dân moi tim kẻ thù để ăn. Nhưng đối với chàng thổ dân này thì “ăn gì bổ nấy”: ăn cá thì giỏi bơi lội, ăn tim người thì thêm dũng cảm. Chả trách gì mà người Do Thái bị “xốc” khi Chúa Giê-su tuyên bố Thịt Máu Chúa là của ăn nuôi sống con người. Đúng là có lãnh nhận chính Đấng là nguồn mạch sự sống thì mới có thể có sự sống đời đời nơi mình. Nhưng để có thể chấp nhận “ăn Thịt và uống Máu Chúa” - dù là dưới dạng Bánh và Rượu của bí tích - thì phải được ơn ban đức tin. Vì thế, cần có lòng tin mạnh mẽ, mới có thể nhận ra sự hiện diện thật sự của Ngài trong bí tích Thánh Thể. Và hơn nữa cần có lòng mến để có thể tiếp rước Ngài làm của ăn thiêng liêng nuôi sống linh hồn.
Mời Bạn: Mỗi lần bạn lên rước Chúa, bạn có cảm nhận Chúa Giê-su ở trong linh hồn bạn hay không? Bạn có tin rằng, bạn được Ngài yêu mến, bạn được ở trong Ngài hay không? Bạn nhớ rằng nhờ sự kết hợp mật thiết với Chúa Giê-su trong bí tích Thánh Thể, mà Ngài ở trong bạn như một người bạn thân tình và đầy yêu mến.
Sống Lời Chúa: Chuẩn bị tâm hồn trong sạch để có đủ điều kiện rước lễ mỗi khi đi tham dự Thánh lễ. Cầu nguyện với Chúa Giê-su cách thân tình, mỗi khi tiếp rước Ngài.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể, chúng con cảm tạ Chúa đã yêu thương lấy Mình Máu Chúa làm của ăn nuôi sống chúng con. Xin cho mọi người chúng con khi tiếp nhận sự sống thần linh của Chúa cũng biết hiệp nhất yêu thương để hy sinh và phục vụ lẫn nhau.

21/04/18 THỨ BẢY TUẦN 3 PS
Th. An-xen-mô, giám mục, tiến sĩ HT
Ga 6,51.60-69

 
CHÚA MINH CHỨNG NGÀI LÀ SỰ SỐNG
“Vậy nếu anh em thấy Con Người lên nơi đã ở trước kia thì sao?” (Ga 6,62)
Suy niệm: Quả thật Chúa Giê-su đã gặp khó khăn rất lớn khi muốn mạc khải Ngài là Bánh Hằng sống, Bánh từ trời xuống, là chính sự sống Chúa Cha gửi đến trần gian. Ngài minh chứng chân lý ấy bằng cách cho các môn đệ biết các ông sẽ chứng kiến Ngài lên trời, nơi từ đó Ngài đã đến trần gian. Sự kiện này thật sự đã xảy ra trước mắt các môn đệ đúng bốn mươi ngày sau khi Chúa phục sinh. Ngày xưa man-na từ trời rơi xuống trong hoang địa là vật thể, bây giờ không còn là một vật thể nữa, mà là một ngôi vị từ trời xuống, trở thành Bánh Hằng sống cho con người. Lời Chúa dạy về việc ăn, uống Thịt Máu Ngài tuy chướng tai, nhưng lại là Lời có khả năng ban sự sống đời đời. Lời Chúa dạy trong Kinh thánh tuy khó hiểu, khó giữ nhưng lại là Lời của sự thật.
Mời Bạn: Còn bạn thì sao? Chúa Giê-su hôm nay tiếp tục đặt vấn đề với bạn: “Còn anh em, anh em có muốn bỏ Thầy không?” Bạn có dám trả lời như thánh Phê-rô: “Bỏ Thầy, chúng con biết theo ai. Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời”? Chúng con đã tin rằng chính Thầy là Con Thiên Chúa nhập thể làm người, là Đấng cứu độ của thế giới.
Sống Lời Chúa: Lời và thân xác phục sinh của Đức Kitô làm nên tấm bánh hoàn hảo, tấm bánh không chỉ duy trì sự sống thể lý nhưng còn đem lại sự sống đời đời. Hãy tin vào giáo huấn của Đấng từ trời xuống thế, đã chết và đã sống lại.
Cầu nguyện: Mỗi khi rước lễ, bạn cầu nguyện với Chúa qua tâm tình của tông đồ Tô-ma: “Lạy Chúa, lạy Chúa con,” con thờ lạy Chúa. Amen.

22/04/18 CHÚA NHẬT TUẦN 4 PS – B
Chúa Chiên Lành
Ga 10,11-18

 
ĐI THEO VỊ MỤC TỬ NHÂN LÀNH
“Tôi là Mục tử nhân lành, tôi biết chiên của tôi, và chiên của tôi biết tôi.” (Ga 10,14)
Suy niệm: “Một người mục tử tốt lành thì luôn quan tâm đến sự phát triển riêng của mỗi người trong giáo xứ của mình” (S. Adelaja). Khuôn mẫu, mô hình cho người mục tử là Thầy mình, Đức Giê-su, Mục tử nhân lành. Vị Mục tử nhân lành ấy, vì lợi ích của đàn chiên, đã hủy mình ra không, từ bỏ tất cả uy quyền, vóc dáng của một vị Thiên Chúa khi nhập thể làm người. Rồi trong ba năm miệt mài rao giảng Tin Mừng, Ngài rảo khắp mọi thành phố, làng mạc, Ngài làm việc suốt ngày, Ngài cầu nguyện thâu đêm, Ngài quan tâm đến thiện ích của từng người, từ người bị gạt bên lề xã hội đến các môn đệ thân tín. Ngài chạnh lòng thương mỗi khi thấy dân chúng bơ vơ như đàn chiên không người chăn dắt, để rồi thay vì nghỉ ngơi, Ngài giảng dạy, chữa lành, cũng như có lúc ban lương thực cho họ. Đỉnh cao là dâng hiến mạng sống mình trên thập giá, và sau đó, sống lại, để thông ban cho đàn chiên sự sống sung mãn, hạnh phúc vĩnh cửu của Ngài.
Mời Bạn: Khi luôn sợ hãi và lo lắng, bạn đang sống như thể mình không tin rằng chúng ta có một vị Mục tử nhân lành luôn tỏ lòng nhân hậu với ta, một người chỉ nhằm dẫn ta đến những nơi tốt lành, một người bảo vệ, gìn giữ ta trong yêu thương. Bạn có tin mình có một vị Chúa chiên lành như vậy không?
Sống Lời Chúa: Tin tưởng Chúa Giê-su là Chúa Chiên Lành, tôi tập sự phó thác, tin tưởng nơi Ngài, để Ngài đưa dẫn tôi trên mọi nẻo đường cuộc đời.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, con an tâm vì có Chúa là Mục tử nhân lành luôn ở với con, đồng hành với con mọi ngày trong cuộc đời. Amen.

23/04/18 THỨ HAI TUẦN 4 PS
Th. A-đan-be-tô, giám mục, tử đạo 
Ga 10,1-10

 
NOI GƯƠNG MỤC TỬ NHÂN LÀNH
“Tôi chính là Mục tử nhân lành. Mục tử nhân lành hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên.” (Ga 10,11)
Suy niệm: Chúa Giê-su ví mình như người Mục tử nhân lành. Mục tử nhân lành khác với người chăn thuê, vì dám hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên. Tại sao người mục tử lại xả thân cho chiên như vậy? Đơn giản vì người ấy yêu thương chiên. Tình thương đã tạo nên mối tương quan mật thiết, gắn bó giữa chủ chiên và từng con chiên. Mục tử biết từng con chiên, gọi tên từng con một; còn chiên thì chỉ nghe tiếng của mục tử. Còn hình ảnh nào đẹp cho bằng hình ảnh người mục tử đi trước, chiên theo sau đến đồng cỏ. Rồi khi một con chiên lạc mất, người mục tử băng núi vượt đồi để đi tìm cho được con chiên lạc. Chúa Giê-su không chỉ là Mục tử nhân lành chăm sóc ta, Ngài còn là Cửa chuồng chiên, đưa ta đến với Thiên Chúa.
Mời Bạn: Bạn thật hạnh phúc vì được sống trong đoàn chiên của Chúa Giê-su, được Ngài biết đến bằng chính tên của bạn, được chăm sóc yêu thương, đặc biệt qua các bí tích, được Ngài đồng hành để đưa dẫn đến hạnh phúc muôn đời. Chúa Giê-su cũng muốn bạn trở thành một mục tử theo mẫu gương Ngài, để chia sẻ hạnh phúc ấy cho người thân, người lân cận. Bạn sẽ làm gì để thi hành sứ vụ cao quý này?
Sống Lời Chúa: Noi gương Mục Tử nhân lành, tôi quan tâm thăm viếng, an ủi, khuyên bảo và phục vụ những người bệnh tật, neo đơn, trẻ em đường phố, những người lầm lỡ…
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su là Mục tử nhân lành, cảm tạ Chúa đang đồng hành với con. Xin nâng đỡ và giúp con biết yêu thương phục vụ mọi người như Chúa đã yêu thương con. Amen.

24/04/18 THỨ BA TUẦN 4 PS
Th. Phi-đen Dich-ma-ring-gân, linh mục
Ga 10,22-30

 
VIỆC LÀM MINH CHỨNG
“Nếu ông là Đấng Ki-tô, thì xin nói công khai cho chúng tôi biết.” Đức Giê-su đáp: “Tôi đã nói với các ông rồi mà các ông không tin. Những việc tôi làm nhân danh Cha tôi, những việc đó làm chứng cho tôi.” (Ga 10,24-25)
Suy niệm: Trả lời cho viên sĩ quan cai ngục về nguồn gốc của mình, cha Kolbe dõng dạc nói: “Tôi là một linh mục Công Giáo”. Lời tuyên bố này được minh chứng bằng những việc bác ái ngài thực hiện trong tù, đặc biệt bằng hành động chết thay cho một người bạn tù đáng thương. Những hành vi bác ái ấy minh chứng cha Kolbe thuộc về Thiên Chúa và là môn đệ Chúa Giê-su. Chúa Giê-su luôn thể hiện nguồn gốc của mình thuộc về Chúa Cha, bằng lời giảng dạy và việc làm. Đời sống của Ngài khiến những người đương thời nhìn nhận nơi Ngài không có điều gì gian dối, là “người vô tội” và là “Con Thiên Chúa”. Việc của Ngài làm chứng minh nguồn gốc của Ngài.
Mời Bạn: Chúng ta là Ki-tô hữu, là những người được chọn để thuộc về Thiên Chúa. Trong khuôn viên nhà thờ quen thuộc, chúng ta dễ dàng để tuyên xưng như thế. Nhưng có những lúc rất ngại để nói mình là Ki-tô hữu, vì những việc chúng ta làm nghịch lại với nguồn gốc và ơn gọi của mình. Bạn sẽ nói thế nào về nguồn gốc Ki-tô hữu của bạn khi bạn không sống phù hợp với đức tin?
Chia sẻ: Người ta hãnh diện về vị trí, tài năng, nguồn gốc của họ. Tại sao bạn ngại ngùng nói về nguồn gốc Ki-tô hữu của bạn?
Sống Lời Chúa: Quyết tâm thực hiện Lời Chúa dạy qua một việc làm cụ thể.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su Phục Sinh, xin giúp con mạnh dạn sống Lời Chúa dạy, để con vui sướng khi tỏ dấu con thuộc về Chúa.

25/04/18 THỨ TƯ TUẦN 4 PS
Th. Mác-cô, tác giả sách Tin Mừng
Mc 16,15-20

 
KHÔNG THỂ BƯNG BÍT TIN MỪNG
Đức Giê-su hiện ra với Nhóm Mười Một và nói với các ông rằng: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo.” (Mc 16,15)
Suy niệm: Một khi đã là ‘tin mừng’ thì dù có cấm người ta vẫn cứ loan đi. Nhiều lần Chúa Giê-su chữa lành bệnh nhân và liền sau đó chỉ thị họ đừng nói cho ai biết; nhưng thông tin về việc Ngài chữa lành không thể bưng bít, bởi niềm vui được lành bệnh quá lớn, khiến những người được chữa lành không thể im lặng, mặc cho lời Chúa Giê-su dặn (x. Mc 1,40-45; 7,31-37...). Sau này, các Tông đồ cũng thế, mặc cho giới lãnh đạo tôn giáo Do-thái cấm đoán, đe dọa, bỏ tù, thậm chí là giết chết, các ngài vẫn không thôi loan báo về Chúa Ki-tô Phục sinh, bởi vì niềm vui được gặp Chúa phục sinh quá lớn: Không gì có thể ngăn cản các ngài ra đi làm chứng, dù phải trả giá bằng chính mạng sống của mình. Như thế chúng ta mới hiểu tâm trạng của thánh Phao-lô khi bảo rằng: “Khốn cho tôi, nếu tôi không rao giảng Tin Mừng” (1 Cr 6,16).
Mời Bạn: Để loan báo Tin Mừng, trước hết chúng ta cần gặp gỡ Đức Ki-tô phục sinh. Nếu không cảm nhận được niềm vui khi biết Ngài, và không tự hào về những giá trị Ngài mang đến, chúng ta chẳng có gì để mà loan báo!
Sống Lời Chúa: Hãy dành thời gian sống thân mật với Chúa Ki-tô, đặc biệt qua việc đọc và suy gẫm Lời Chúa, để có thể cảm nhận cách sâu sắc về Ngài, hầu ‘có cái’ để mà loan báo.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, không ai có thể loan báo Tin Mừng nếu trước đó không cảm nhận được niềm vui về Chúa. Xin cho con biết Chúa, hầu có thể say mê loan báo Tin Mừng, như thánh Mác-cô mà chúng con mừng lễ hôm nay. Amen.

26/04/18 THỨ NĂM TUẦN 4 PS
Ga 13,16-20

 
XIN CHO CON “NHỎ” HƠN THẦY
“Tôi tớ không lớn hơn chủ, kẻ được sai không lớn hơn người sai đi.” (Ga 12,16)
Suy niệm: Để lập cộng đoàn Emmau chuyên đón tiếp và nuôi dưỡng những người vô gia cư tại Pháp, cha Pierre đã chịu bao khổ nhục cay đắng. Khi được hỏi muốn ghi câu gì trên mộ của mình, cha trả lời: “Xin đề trên mộ tôi câu này: nơi yên nghỉ của một người đã cố gắng yêu thương.” Cuộc đời của cha chỉ muốn được hoạ lại lý tưởng yêu thương theo mẫu gương của Thầy mình là Đức Giê-su. Tin Mừng hôm nay kể tiếp việc Đức Giê-su “cúi xuống” rửa chân cho các môn đệ. Ngài muốn dạy cho ta sự cao trọng trong Nước Trời không do làm các việc vĩ mô to tát, nhưng do những nghĩa cử phục vụ bình thường, nhỏ bé trong cuộc sống. Con đường phục vụ, “cúi xuống,” hạ mình của ông Thầy cũng phải là con đường của các môn đệ.
Mời Bạn: Nhiều Ki-tô hữu hôm nay lại thực hiện Lời Chúa theo cung cách “lộn ngược”: mình quá cao trọng vì chức vụ này, chức thánh kia, nên không thể nào làm những việc phục vụ nhỏ nhặt, tầm thường! Trong xã hội cũng như các sinh hoạt của giáo xứ, dòng tu, lắm khi ta đùng đùng giận dữ và phản ứng chỉ vì cảm thấy không được coi trọng, không được đặt để vào chức vụ tương xứng với khả năng (theo chủ quan) của mình. Thế là bài học ông Thầy quỳ xuống rửa chân cho môn đệ mất tác dụng mà chỉ còn là một kỷ niệm đẹp của Tuần Thánh!
Sống Lời Chúa: Tôi sẽ tập sống sự cao trọng của Nước Trời qua việc hạ mình phục vụ những kẻ bé mọn quanh mình.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, chúng con thường thích được phục vụ hơn là quỳ gối phục vụ người khác. Xin ghi khắc hình ảnh Chúa cúi xuống, hạ mình rửa chân cho các môn đệ trong tâm trí chúng con. Amen.

27/04/18 THỨ SÁU TUẦN 4 PS
Ga 14,1-6

 
CON ĐƯỜNG MANG TÊN GIÊ-SU
“Không ai có thể đến được với Cha mà không qua Thầy.” (Ga 14,6)
Suy niệm: Con đường ngắn nhất và duy nhất, chắc chắn đưa ta đến với Thiên Chúa, đến hạnh phúc đời đời, là con đường mang tên Giê-su, con đường của sự thật và sự sống, vì “không ai có thể đến với Chúa Cha mà không qua Thầy.” Như thế, Chúa Giê-su khẳng định Ngài là con đường ai cũng phải đi theo để được dẫn vào Nước Trời, đến sự sống viên mãn. Nhưng oái oăm thay! Con đường này “chẳng mấy ai đi” vì đó là “con đường hẹp;” đang khi đa số thích bước đi trên con đường rộng thênh thang, nhưng có nguy cơ dẫn đến diệt vong. Chọn lựa bước đi trên con đường nào vẫn luôn là thách đố cho con người. Chỉ những ai cộng tác với ơn Chúa, biết nhìn xa thấy rộng mới đủ can đảm bước trên con đường mang tên Giê-su. Nhìn xa thấy rộng bao hàm việc tìm hiểu cuộc đời các thánh, nhìn lại lịch sử đời mình, nhất là qua những lần thất bại do “bỏ mồi bắt bóng.”
Mời Bạn: Bạn đang bước đi trên con đường nào để đạt được hạnh phúc viên mãn? Đích điểm và trung tâm của con đường ấy là bạn hay là Chúa Giê-su? Đi trên con đường Giê-su, bạn chắc chắn sẽ nghe Ngài nói với bạn: “Hãy vào hưởng hạnh phúc với chủ ngươi”.
Sống Lời Chúa: Tôi xác tín, ghi nhớ và nỗ lực thực hành Lời Chúa dạy hằng ngày: “Ai muốn theo Ta, hãy từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mỗi ngày mà theo” (Lc 9,22). 
Cầu nguyện: Hát hoặc đọc: “Xin chỉ cho con đường đi của Chúa. Xin dạy bảo con nước bước của Ngài. Xin hướng dẫn con đi trong chân lý. Xin dạy bảo con những điều cao quý vì Chúa là Đấng cứu độ con, là Đấng ngày đêm con cậy trông.” Amen.

28/04/18 THỨ BẢY TUẦN 4 PS
Th. Lu-y Ma-ri-a Gri-nhông Mông-pho, linh mục          
Ga 14,7-14

 
BIẾT – THẤY – tin
“Thưa Thầy, xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha, như thế là chúng con mãn nguyện.” (Ga 14,8)
Suy niệm: Đối với người Do Thái, Lề Luật là trung tâm và nguồn mạch của đời sống đạo, vì Luật là chuẩn mực để thi hành giao ước Thiên Chúa đã ký kết với Dân riêng Ngài. Đức Giê-su lại dạy các môn đệ đến với Thiên Chúa không còn phải qua Luật, mà là nơi một ngôi vị bằng xương bằng thịt là chính Ngài: “Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha.” Chúa Cha không còn tỏ mình ra một cách uy nghi như trong Cựu Ước, mà Ngài tỏ mình ra nơi con người của Chúa Con. Thế nhưng, “thấy - biết” Đức Giê-su chưa đủ, còn phải tin vào lời và việc Ngài làm. Từ nay, nơi chốn cho con người gặp gỡ Thiên Chúa, để đón nhận tình thương và lòng thương xót của Ngài chính là Đức Ki-tô. “Chỉ khi ta gặp được Thiên Chúa hằng sống trong Chúa Ki-tô, ta mới hiểu được sự sống là gì. Không có gì đẹp hơn là được nối kết lại, được ngạc nhiên sửng sốt bởi Phúc âm, bởi Chúa Ki-tô.” (Đức Bênêđitô XVI)
Mời Bạn: Để thấy, biết, tin vào Chúa Giê-su, bạn cần phải chuẩn bị trí tuệ và con tim. Trí tuệ để học hỏi, chiêm ngưỡng vẻ đẹp và tình thương của Chúa qua Lời Chúa, các Bí tích; còn con tim để yêu mến. Hãy là một Ki-tô thứ hai để là con đường đưa dẫn người khác đến với Sự thật và Sự sống, bằng cách tích cực dấn thân nơi môi trường, trong bậc sống của bạn!
Sống Lời Chúa: Hôm nay tôi cầu nguyện cho mình và một ai đó, được nhận biết tình thương của Chúa.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin tỏ cho con thấy Chúa vẫn luôn yêu thương và hiện diện trong cuộc sống này. Xin giúp con lan tỏa tình thương ấy cho những người xung quanh. Amen.

29/04/18 CHÚA NHẬT TUẦN 5 PS – B
Ga 15,1-8

 
SỐNG TRONG CHÚA
“Hãy ở lại trong Thầy như Thầy ở lại trong anh em.” (Ga 15,4)
Suy niệm: Có những kỷ vật chúng ta trân trọng gìn giữ là để nhớ về một người thân yêu đã ra đi hay đã xa cách. Dẫu chỉ là những vật dụng bình thường, nhỏ bé nhưng chúng lại có một sức mạnh lạ kỳ khiến chúng ta, nhờ những kỷ vật, luôn có thể hiện diện với nhau một cách sống động và sâu xa. Trong bữa Tiệc Ly, Chúa Giê-su đã trao ban chính Thân Mình Ngài làm kỷ vật. Ngài không chỉ ở bên cạnh và bên ngoài chúng ta như một món đồ nào đó, nhưng Ngào muốn hiện diện thực sự với chúng ta bằng cả con người của Ngài và tận trong cõi lòng của mỗi người, để chúng ta cũng được ở lại trong cõi lòng của Chúa. Ngài dùng hình ảnh “Thầy là cây nho, các con là cành” để nói với mỗi người chúng ta rằng nếu không ở trong Ngài chúng ta sẽ mau chóng hao mòn và lụi tàn. Ta được mời gọi siêng năng lãnh nhận bí tích Thánh Thể như một phương thế hiện thực hình ảnh thi vị ấy trong đời sống thường ngày của mình.
Mời Bạn: Kết quả của việc “sống trong Chúa” là chúng mình phải sinh nhiều hoa trái, những hoa trái tồn tại. Chẳng có hoa trái nào có thể tồn tại vĩnh viễn nếu không là hoa trái do ơn Chúa ban. Bạn làm gì để mình chứng rằng bạn đang sống trong Chúa nếu bạn không mang lại kết quả thiêng liêng?
Sống Lời Chúa: Bàn tiệc Lời Chúa và bàn tiệc Thánh Thể là điểm hẹn không thể thiếu trong đời sống đức tin của người tín hữu. Nỗ lực để đến dự tiệc của Chúa là điều thiết yếu cho đời sống.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa đã trao cho con nhựa sống từ chính Chúa. Xin cho con biết luôn sống kết hợp với Chúa mọi nơi, mọi lúc để con có thể trổ sinh hoa trái dồi dào cho Nước Trời. Amen.

30/04/18 THỨ HAI TUẦN 5 PS
Th. Piô V, giáo hoàng
Ga 14,21-26

 
LUẬT LÀ TÌNH YÊU
“Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy.” (Ga 14,23)
Suy niệm: Một người bạn nói với thánh Phanxicô Assisi rằng, anh không thể nào yêu mến Thiên Chúa và giữ giới răn của Chúa được. Khi hai người đang đi thì gặp một người hành khất vừa mù vừa què ngồi bên lề đường. Ngài dừng lại hỏi người hành khất: “Nếu tôi chữa cho anh thấy được và đi được thì anh có yêu mến tôi không?”. Người hành khất trả lời: “Dạ thưa, không những tôi hết lòng yêu mến ngài, mà tôi còn xin dâng hiến cả cuộc đời còn lại để phục vụ Ngài”. Thánh Phanxicô quay sang nói với người bạn: “Anh thấy không, người này chỉ thấy được và đi được còn hứa làm như thế, huống hồ là anh. Anh không những được Chúa dựng nên với tay chân mắt mũi lành lặn, Ngài còn chịu chết để cứu chuộc anh nữa, mà anh lại không yêu mến và sống theo lời dạy của Chúa sao?”
Mời Bạn: Khi yêu ai thì người ta đặt trọn niềm tin tưởng nơi người mình yêu và làm tất cả những điều người mình yêu mong muốn. Những việc làm đó không còn là gánh nặng nhưng là niềm vui, để biểu lộ tình yêu và làm cho tình yêu của mình được lớn lên. Thiên Chúa mong muốn con cái mình giữ luật của Ngài với tâm tình biết ơn và với lòng yêu mến như thế. Vì luật của Chúa trên hết là Tình Yêu.
Chia sẻ: Từ trước tới nay bạn đã giữ giới luật của Chúa với tâm tình nào? Miễn cưỡng hay vì tình yêu với Chúa?
Sống Lời Chúa: Thánh Phao-lô nói: “Yêu mến là chu toàn lề luật” (Rm 13,16).
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin cho con luôn biết yêu mến Lời Chúa dạy và vâng giữ Lời Ngài, vì đó là Lời mang lại sự sống và hạnh phúc đích thực cho con.
***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập69
  • Máy chủ tìm kiếm27
  • Khách viếng thăm42
  • Hôm nay17,086
  • Tháng hiện tại320,177
  • Tổng lượt truy cập76,028,443
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây