GIÁO XỨ TRANG HẬU
1. VỊ TRÍ ĐỊA LÝ
Giáo xứ Trang Hậu thuộc thôn Trang Hậu, xã Nam Hải, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định.
2. LỊCH SỬ HÌNH THÀNH
Tương truyền rằng xưa có hai anh em lương dân đã tới đây khai hoang lập ấp, cần cù chịu khó làm ăn. Nhờ tính hiền lành đức độ và đời sống lương giáo hòa thuận thương yêu, họ xin gia nhập đạo. Thời gian sau số tín hữu tại vùng đất khai hoang này, cũng như người dân từ các địa phương khác đến nhập cư ngày càng gia tăng. Đến năm 1810, được sự giúp đỡ của bề trên, giáo hữu cùng nhau góp công của làm nhà thờ, và giáo họ Trang Hậu được thành lập, thuộc giáo xứ Thạch Bi.
Vì lợi ích cho giáo hữu và mục vụ số người ngày một đông. Năm 1938, Đức cha Đaminh Hồ Ngọc Cẩn lấy một số giáo họ Trang Tiền, Đông Bình, Đông Bảng… để thành lập giáo xứ mới lấy tên là giáo xứ Trang Hậu.
Giáo xứ Trang Hậu ngày nay gồm các giáo họ: 1. Giáo họ Trang Tiền,1870
2. Giáo họ Ngọc Tỉnh,1897
3. Giáo họ Đồng Bản, 1822
4. Giáo họ Đông Bình, 1869
5. Giáo họ Cựu Phúc, 1900
6. Giáo họ Bằng Trang, 1885
7. Giáo họ Cảnh Tài, 1880.
Từ khi thành lập, giáo xứ có 450 giáo hữu và hiện tại có 1.316 nhân danh. (2014). Giáo xứ nhận Đức Mẹ Mân Côi làm quan thầy. Trang Hậu là nguyên quán của 6 vị tôi tớ Chúa, hồ sơ án tích đang được giáo phận và Bộ Phong Thánh hoàn tất.
3. QUÝ CHA PHỤC VỤ GIÁO XỨ
Khi còn là giáo họ, Trang Hậu được các nhà Thừa sai coi sóc; khi thành giáo xứ có: cha Đaminh Trần Hữu Hiếu, cha Đaminh Trần Đình Cảnh.
Năm 1954, do biến cố lịch sử của đất nước, các cha tọa lạc ở giáo xứ Tương Nam và Trung Lao về quản nhiệm giáo xứ từ năm 1958 đến 2005 gồm: Cha Gioakim Nguyễn Đức Hinh, cha Vinhsơn Mai Ngọc Liễn, cha Phêrô Phạm Văn Cử (1958-1963), cha Giuse Lê Ngọc Hoàn (1963-2005).
Sau 50 năm không có cha ở trực tiếp, giáo xứ được đón cha chánh xứ Phêrô Trịnh Đình Trang (2005-2007), cha Giuse Nguyễn Văn Đàm (2007- 2012), cha Giuse Trần Văn Tiển: từ 2012 đến nay.
4. CƠ CẤU GIÁO XỨ & CÁC CÔNG TRÌNH TIÊU BIỂU
Ngay từ những ngày đầu thành lập, được sự giúp đỡ của bề trên, một ngôi nhà nguyện nhỏ đã được hình thành để có chỗ sinh hoạt và phụng tự. Năm 1902, khởi công xây dựng ngôi nhà thờ gỗ 9 gian với diện tích: chiều dài 35m, rộng 12m, cao 13m và tháp cao 25m.
Trải qua những năm tháng do chiến tranh tàn phá, ngôi nhà thờ bị xuống cấp, không bảo đảm cho cộng đoàn tham dự phụng vụ. Từ những hoàn cảnh khó khăn và thao thức của các đấng quản nhiệm, cũng như số giáo hữu trong giáo xứ ngày một thêm đông, ngôi thánh đường mới được khởi công xây dựng. Năm 2007, ngôi nhà thờ được hoàn thành với diện tích; chiều dài 52m; rộng 16m; cao 19m, và hai tháp chuông cao 36m.
Nhà trung tâm mục vụ với diện tích: dài 20m, rộng 10m, cao 10m, để đáp ứng cho những nhu cầu mục vụ của giáo xứ.
Đời sống đạo ngày một không ngừng được củng cố, thăng tiến và đi vào nề nếp là nhờ sự hy sinh, phục vụ, coi sóc của quý cha; sự cộng tác đắc lực của hội đồng mục vụ giáo xứ, các đoàn hội: Thiếu Nhi Thánh Thể, Gia trưởng, Con Đức Mẹ, Gia đình phạt tạ, Lòng Chúa thương xót, Hội kèn, Hội trống, Giới trẻ, Ca đoàn, Caritas, Bảo vệ sự sống, Huynh đoàn giáo dân Đaminh, cùng nhiều đoàn hội và ban ngành khác.