GIÁO XỨ TÂN BƠN
1. VỊ TRÍ ĐỊA LÝ Tân Bơn nằm trên địa bàn xóm 12, xã Nghĩa Sơn, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định. Từ lộ tỉnh 55 đi vào khoảng 400m.
2. LỊCH SỬ HÌNH THÀNH
Tân Bơn, người ta quen gọi là mảnh đất mới, vì trước kia khu đất này là bãi bồi do phù sa sông Ninh (sông Lác), sông Đáy và cát biển bồi lên thành một bãi lớn, nhìn tổng thể giống như con cá Bơn. Các thầy địa lý gọi đó là Tân Bơn-con Bơn mới. Các bậc tiền bối thấy bãi bồi này có thể ở được nên từ huyện Nam Chân (Nam Trực, Trực Ninh ngày nay) đã đến đây khai khẩn lập ấp, dựng nhà. Phần đa các vị là bổn đạo gồm các dòng họ Nguyễn, Trần, Lê, Phan, Đỗ, Phạm, Vũ.
Để có nơi thờ phượng, quý cha và giáo dân đã xây dựng một thánh đường gọi là nhà thờ Tân Bơn, nhận Thánh Cả Giuse là quan thầy, lễ kính vào ngày 19/3.
Thủa ban đầu, Tân Bơn là giáo họ thuộc xứ Tân Lác (Tân Lý ngày nay). Đến năm 1868, cha Khang phân họ Quần Liêu và các họ bên tây sông Lác về xứ Lạc Đạo. Năm 1882, cha Hòa lại tách Quần Liêu thành một xứ riêng. Đến năm 1951, Đức cha Phêrô Phạm Ngọc Chi lấy họ Liêu Ngạn, Tân Bơn, Trại Hàn lập thành xứ mới, họ đầu xứ tọa lạc tại Liêu Ngạn.
Năm 1997, Đức cha Giuse vũ Duy Nhất nâng Tân Bơn lên hàng chuẩn xứ và chầu lượt thay giáo phận hàng năm vào dịp lễ quan thầy.
Năm 2008, Đức cha cố Giuse đã cho Tân Bơn được chính thức chầu thánh thể vào ngày Chúa Nhật.
Giáo dân: Khi thành lập số giáo dân ban đầu chỉ là 150 nhân danh. Cùng với thời gian phát triển, số giáo dân đã tăng lên rất nhiều, hiện nay có 2350 nhân danh.
Để đáp ứng nhu cầu mục vụ và được sự cho phép của bề trên, nhà thờ Tân Bơn được xây dựng năm 2004 với tổng diện tích là 730 m2.
3. QUÝ CHA PHỤC VỤ GIÁO XỨ
Cha Luật (1842-1866), cha Khang (1866-1868), cha Hòa (1868-1882), cha Đaminh Hoàng Sinh Huy (1882-1951), cha Đaminh Đỗ An Lộc (1951-1964), cha Đaminh Phạm Ngọc Đỉnh (1994-2004), cha Đaminh Nguyên Văn Thiện (2004-2005), cha Đaminh Hoàng Văn Kiểu (2005-2007), cha Vinhsơn Lê Văn Luật (2007-2011), cha Vinhsơn Vũ Thanh Tùng (2011-2014). Cha Phêrô Đinh Trung Hiếu, từ 2014 đến nay.
4. CƠ CẤU GIÁO XỨ VÀ CÁC CÔNG TRÌNH TIÊU BIỂU
HĐMVGX: Ban thường vụ giáo xứ, giáo họ & Các ban nghành, đoàn hội: Huynh đoàn Đaminh, Lòng Chúa Thương Xót, Bác ái, Gia trưởng, Tông đồ, Tiến Đức, Hội trống, Hội kèn, Hội trắc, Hội Áo đỏ, Hội Con Đức Mẹ, Hội Áo hồng, Hội Áo xanh, Giới trẻ, Ca đoàn, Giáo lý viên, Hội khấn, Lễ sinh. Tu sở dòng Đaminh phục vụ.
Các công trình tiêu biểu: Trung tâm mục vụ, Hai tượng đài Đức Mẹ và Thánh Giuse, Nhà giáo lý.