GIÁO XỨ LẠC ĐẠO
1. VỊ TRÍ ĐỊA LÝ
Giáo xứ Lạc Đạo thuộc xã Nghĩa Lạc, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định: phía bắc giáp xã Nghĩa Sơn, phía tây giáp sông Đáy, phía đông giáp sông Ninh Cơ, phía nam giáp xã Nghĩa Hồng.
2. LỊCH SỬ HÌNH THÀNH
Từ hai con sông: sông Ninh Cơ và sông Đáy đã tạo nên một bãi bồi lấn dần ra biển. Truyền sử kể lại, có bà Vũ Thị Sỹ, vợ thứ của một vị quan đã đem những người con đến nơi đây để khai hoang lập ấp, sống chủ yếu bằng nghề chài lưới và trồng lúa nước.
Căn cứ theo sự kiện năm 1996, giáo xứ Lạc Đạo mừng năm thánh kỷ niệm 225 năm đón nhận Tin mừng và 125 năm xây dựng Thánh đường, ta có thể biết qua về lịch sử hình thành của giáo xứ.
Năm1771, thế hệ con cháu cụ Sỹ đã đón nhận Tin mừng. Từ đây, đất Lạc Đạo được hình thành và phát triển, được triều đình công nhận. Việc chuyển nhượng đất phía tây giáp sông Đáy cho người Quần Liêu, nay là xứ Đồng Liêu; phía bắc bán nhượng cho người Lác Phường giáp nhà thờ tới Trại Hàn, nay là họ Đồng An, Đồng Ninh. Với giao kèo ai vào ở đất Lạc Đạo phải là người Công giáo, nên toàn xã Nghĩa Lạc có dân số 100% Công giáo.
Khi thấy việc mua bán, trao đổi quỹ đất hết dần, người Lạc Đạo đã lấy phía tây làng làm hậu đồng và chôn cố Sỹ ở đó, giáp gianh Đồng Liêu để giữ đất và để ghi nhớ mảnh đất bãi bồi ven biển này.
Lạc Đạo ngày nay đáng kể nhất bởi Tháp chuông đã hơn 100 tuổi, trên tháp có đề câu đối: Lạc Đạo Trại Trung, Âm Vang Tại Ngoại (tạm hiểu: người Lạc Đạo âm thầm về vùng đất trung tâm giữa đất liền và biển khai hoang phục hóa trồng lúa nước). Hay câu: Lạc Đạo Thiện Ngôn, Lạc Hành Thiện Sự (tạm hiểu: người sống theo đạo, thì nói điều hay; người hành theo đạo, thì làm việc tốt).
Lạc Đạo được đón nhận Tin mừng từ năm 1771. Thành lập giáo họ trước năm 1871. Thánh bổn mạng là Trái Tim Chúa Giêsu, nhà thờ bằng gỗ rỡ bỏ năm 1968, tượng Trái Tim hiện vẫn còn tại giáo xứ. Nhà thờ Đức Mẹ Rosa xây dựng năm 1871 được trùng tu năm 1942 dưới sự hướng dẫn của cha Hà Đức Toán.
Gần 250 năm kể từ ngày đón nhận Tin mừng, giáo xứ Lạc Đạo cũng trải qua rất nhiều thăng trầm trong đời sống đức tin. Đời sống đạo của con dân Lạc Đạo có được như ngày nay là nhờ sự tận tâm của các cha xứ, cha quản nhiệm cùng các cha phó cũng như sự cộng tác tích cực của Ban thường vụ giáo xứ, giáo họ, các hội đoàn qua mọi thời.
Giáo xứ Lạc Đạo có 5401nhân danh (2014), gồm:
1. Họ Antôn
2. Họ Têrêsa
3. Họ Đức Mẹ Sinh Nhật
4. Họ Vinhsơn
5. Họ Nhà Xứ (5 dâu).
3. QUÝ CHA PHỤC VỤ GIÁO XỨ
Cha Luật, cha Mậu, cha Lượng, cha Die, cha Nhã, cha Chi, cha Triệu (1890- 1910), cha Thiệu (1910-1916), cha Huy (1920-1930), cha Mẫn, cha Uyên (1930-1938), cha Tòng, cha San (1938-1940), cha Hà Đức Toán (194-1948), cha Giuse Phạm Xuân Thu (1950-1954), cha Học, cha Lộc, cha Ngoạn, cha Thư (1956-1957), cha Đaminh Phạm Ngọc Giản (1957-1971), cha Phaolô Trần Đức Nhuận (1971-2006), cha Đaminh Phạm Kim Tiền cùng các cha phó Giuse Đỗ Văn Đường, cha Giuse Phạm Minh Quyết, cha Đaminh Phạm Minh Phan (2006-2010). Cha Đaminh Phạm Văn Dược, chánh xứ (quản hạt), từ 2010 đến nay.
4. CƠ CẤU TỔ CHỨC GIÁO XỨ & CÁC CÔNG TRÌNH TIÊU BIỂU
Ban thường vụ gồm: chánh trương, trùm chánh, trùm phó, thư ký, thủ quỹ.
Các hội đoàn: Huynh đoàn, Phạt tạ, Tông đồ, Con Đức Mẹ, Hiền mẫu, Gia trưởng, Giới trẻ, Thiếu Nhi Thánh Thể, Rosa, Chân kiệu, Hội trống; Kèn đồng; Bát âm; Ca đoàn, Lễ sinh, Chức việc....
Các công trình tiêu biểu:
- Năm 1927, cha Huy xây tháp chuông
- Năm 1997, cha cố Phaolô đã khởi công xây dựng Linh Đài Đức Mẹ
- Năm 2001, xây trung tâm mục vụ giáo xứ trong suốt 5 năm
- Năm 2012, trùng tu nhà thờ, và dự kiến đến tháng 11/2015 sẽ khánh thành
- Hiện nay, giáo xứ đang khởi công xây Nhà giáo lý và quy hoạch khuôn viên giáo xứ.