GIÁO XỨ ĐỀN THÁNH BÁO ĐÁP
1. VỊ TRÍ ĐỊA LÝ
Giáo xứ Báo Đáp thuộc thôn Báo Đáp, xã Hồng Quang, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định; nằm giữa hai tỉnh lộ 55 và 21, cách thành phố Nam Định 5 km về hướng đông nam; với diện tích là 1.954.804 m2.
2. LỊCH SỬ HÌNH THÀNH
Cái tên ‘Làng Hóp’ đã có từ xa xưa, đến năm 1763-Quý Mùi (thời Cảnh Hưng thứ 15) đổi thành Làng Báo Đáp cho đến ngày nay.
Năm 1706, Hạt Giống Tin Mừng đã được gieo trên mảnh đất này do cha chính Thập-Juan de Sta Cruz và Cha Lezzlio Cao. Lúc đó, một nhà nguyện nhỏ được dựng tạm ở xóm 10 hiện nay.
Cuối thế kỷ 18, thời vua Tự Đức cấm đạo, nhà thờ mang tước hiệu ‘Nhà Thờ Đức Bà Rosa Báo Đáp’; đến năm 1861 bị triệt phá hoàn toàn.
Năm 1902 (Nhâm Dần Thành Thái), cha Andres Kiên coi sóc giáo xứ, và chính ngài đã khởi sự xây dựng công trình nhà thờ Mình Thánh Báo Đáp.
Năm 1908 (Mậu Thân), Đức Cha Munagori Y Obineta Trung đặt viên đá đầu tiên xây dựng nhà thờ kính Mình Thánh - đến T8/1912 (Tân Hợi) công trình đã hoàn thành tốt đẹp.
Ngày 25/05/2008, Đức Cha Giuse Hoàng Văn Tiệm, Giám mục Giáo phận Bùi Chu ban sắc phong nhà thờ Báo Đáp lên Đền Thánh Thánh Thể.
Ngày 21/11/2010, vì nhà thờ cũ đã xuống cấp trầm trọng nên cha xứ Gioakim Nguyễn Văn Tường cùng toàn thể giáo xứ hạ giải và xây dựng nhà thờ mới với kiến trúc Gothic cổ kính, có cách điệu một chút so với nhà thờ cũ, được trang trí bằng các hình minh họa và hoa văn về Thánh Thể và các mầu nhiệm trong đạo Công giáo...
Nhà thờ mới có tổng diện tích 1.468m2: chiều dài 64 m, chiều rộng 22m, chiều rộng tay thánh giá 28m, chiều cao 22m, tháp cao 45m, tum cao 33m.
Ngày 26/06/2011, Đức Cha Giuse Hoàng Văn Tiệm đặt viên đá xây dựng Đền Thánh Thánh Thể mới.
Ngày 23/04/2015, Đức cha Tôma Vũ Đình Hiệu đã cắt băng khánh thành và cung hiến Đền Thánh Thánh Thể Báo Đáp.
Số giáo dân: Năm 1954 có 5.740 giáo dân. Sau biến cố di cư 1954, còn lại khoảng 2.320 giáo dân. Đến năm 1975, có 6.440 giáo dân. Hiện nay (2015), chỉ còn 3.562 giáo dân.
Giáo xứ Báo Đáp gồm có họ nhà xứ và 6 họ lẻ 1. Họ nhà xứ: Gồm có 4 khu và chia thành 8 giáp
2. Họ Kính Danh: Thôn Báo Đáp – xã Hồng Quang
3. Họ Phú Gia: Thuộc xã Nam Toàn
4. Họ Phú Hòa: Thuộc xã Nam Cường
5. Họ Gia Đông: thuộc xã Nam Cường
6. Họ Thự: Thuộc xã Hồng Quang
7. Họ Phú Lâm: Thuộc xã Hồng Quang
3. QUÝ CHA PHỤC VỤ GIÁO XỨ
1. Cha Juan de Sta Thập
2. Cha Raymundo Lezoni Cao
3. Cha Tommaso Sestri Tri
4. Cha Ven; cha Lượng; cha Duệ; cha Chu; cha Lý; cha Hòa; cha Đaminh Huy.
5. Từ năm 1859 – 1866: Cha Bỉnh; cha Phú; cha Tôma Dụ; cha Gioan Diễn; cha Đaminh Khanh; cha Đaminh Khoan; cha Đaminh Nghi; cha Đaminh Kiên.
6. Từ năm 1867 – 1902 : Cha Độ; cha Đức; cha Hiền; cha Chương; cha Thái; cha Điển; cha Triệu; cha Eugienio Andres Kiên: 1902 – 1937.
7. Cha Giuse Nguyễn Duy Khâm
8. Cha Vinhsơn Đoàn Tất Hội
9. Cha Giuse Phạm Đức Nguyên
10. Cha Đaminh Đỗ Ngọc Bích
11. Cha Giuse Phạm Quang Trị
12. Cha Đaminh Hoàng Thọ Khang: 1947– 1966
13. Cha Vinh Sơn Bùi Công Tam: 1967 – 2003
14. Cha Giuse Phạm Xuân Thi: 2003 – 2007
15. Cha Đaminh Nguyễn Văn Vàng: 2007 – 2009
16. Cha đương nhiệm Gioakim Nguyễn Văn Tường: 15.09.2009....
Các Cha phó qua các thời kỳ
Cha Đaminh Thận, cha Đaminh Cần, cha Đaminh Hiếu, cha Đaminh Phú, cha Gioan Baotixita Độ, cha Chương, cha Giuse Tạ Quang Khải, cha Giuse Trần Đình Nghi, cha Đaminh Duệ, cha Giuse Phạm Hữu Công, cha Giuse Nguyễn Chí Thuyên, cha Giuse Đinh Khắc Vịnh và cha Giuse Phan Trung Triệu.
4. CƠ CẤU GIÁO XỨ & CÁC CÔNG TRÌNH TIÊU BIỂU
Hội đồng Mục vụ giáo xứ gồm Ban thường vụ, Ban trùm các giáo họ - giáo khu, và Trưởng các đoàn hội.
Các công trình tiêu biểu: Đền Thánh Thánh Thể, Trung tâm Mục vụ, hai nhà giáo lý và một nhà tình thương do các dì dòng Mẹ Thăm Viếng đảm nhiệm. Ngoài ra, giáo xứ còn có Tu sở Dòng Con Đức Mẹ Thăm Viếng phục vụ những người nghèo khổ, cô đơn...