GIÁO XỨ AN LÃNG
1. VỊ TRÍ ĐỊA LÝ
Giáo xứ An Lãng thuộc thôn An Định, xã Trực Chính và một phần xã Phương Định, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định.
2. LỊCH SỬ HÌNH THÀNH
An Lãng là vùng đất có dân đến cư ngụ từ thế kỷ XV. Theo báo cáo của các cha dòng Tên tại Manila năm 1632 nhận định: tại An Lãng các ngài đã hoạt động truyền giáo khá thành công. Khi cha Đắc Lộ phải rời khỏi Đàng Ngoài năm 1630, thì năm 1632 tại An Lãng đã có người đón nhận Tin mừng.
Khoảng năm 1650, khi giáo hữu ngày càng trở nên đông, được sự giúp đỡ của các Thừa sai, họ cùng nhau đóng góp công của làm nhà thờ và giáo họ An Lãng được thành lập khoảng năm 1650. Ban đầu do các cha dòng Tên phục vụ, sau thuộc xứ Trung Lao và do các cha dòng Đaminh phục vụ.
Vì lợi ích cho giáo hữu ngày một đông, năm 1920 Đức cha Munagorri Trung lấy một số giáo họ An Lãng, Phú Ninh, Cổ Chất, Nhự Nương… để thành lập giáo xứ mới mang tên An Lãng, nhận tước hiệu Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời là quan thầy giáo xứ.
Giáo xứ An Lãng ngày nay gồm các giáo họ:
1. Giáo họ An Trung, 1835
2. Giáo họ Cổ Chất, 1867
3. Giáo họ Đức Bà
4. Giáo họ thánh Giuse, 1925
5. Giáo họ Nhự Nương, 1890
6. Giáo họ Phú Ninh, 1820
7. Giáo họ Trái Tim(Kính Danh), 1824
8. Giáo họ thánh Gioan Tẩy Giả, 1824
9. Giáo họ thánh Phêrô, 1865.
Từ khi thành lập, giáo xứ có khoảng 1.819 giáo hữu và hiện tại có 1.367 nhân danh (2014). An Lãng là nguyên quán của 5 vị tôi tớ Chúa, hồ sơ án tích đang được giáo phận và Bộ phong thánh lưu giữ.
3. QUÝ CHA PHỤC VỤ GIÁO XỨ
Cha Nhã, cha Tru, cha Thùy, cha Nghị, cha Thuận, cha Quyền, cha Đaminh Vượng (1924), cha Đaminh Tân (1924-1929), cha Phêrô Thông (1929-1932), cha Giuse Súy (1932-1934), Cha Phêrô Triệu (1934-1938), cha Đaminh Đốc (1938 - 1941).
- Cha Giuse Hoàng Sinh Huy, 1941-1945
- Cha Phêrô Trần Đức Tiến, 1945-1954
- Cha Gioankim Nguyễn Đức Hinh, 1954-1965
- Cha Phêrô Phạm Văn Cử, 1965-1986
- Cha Giuse Lê Ngọc Hoàn, 1986-1997
- Cha Đaminh Phạm Kim Tiền, 1997-2006
- Cha Phêrô Vũ Ngô Quý, 2006-2012
- Cha Giuse Phạm Văn Bảo, 2012-2014
- Cha Phaolô Nguyễn Văn Thuyên, từ 2014 đến nay.
4. CƠ CẤU GIÁO XỨ & CÁC CÔNG TRÌNH TIÊU BIỂU
Ngay từ những ngày đầu thành lập, được sự giúp đỡ của các nhà Thừa sai dòng Tên, một ngôi nhà nguyện nhỏ đã được hình thành để có chỗ sinh hoạt và phụng tự.
Trải qua năm tháng thăng trầm, tới năm 1910 giáo xứ bắt tay vào xây dựng ngôi thánh đường rộng lớn bằng gỗ, 9 gian theo kiến trúc Á Đông với diện tích: chiều dài 42m, chiều rộng 14m, chiều cao 8m, hai tháp chuông cao 15m.
Năm 2005, cha Đaminh Phạm Kim Tiền khởi công trung tu nhà thờ và hai tháp chuông. Năm 2006, ngài đã khởi công xây dựng ngôi nhà giáo lý.
Năm 2007, sau khi về tiếp quản giáo xứ, cha Phêrô Vũ Ngô Quý đã tu sửa nhà xứ và xây dựng tượng đài Thánh Máttinnô.
Sau gần 400 năm đón nhận Tin Mừng, với biết bao sóng gió, nhưng đời sống đạo của giáo xứ không ngừng được củng cố, thăng tiến và đi vào nề nếp là nhờ sự hy sinh, phục vụ của quý cha; sự cộng tác đắc lực của hội đồng mục vụ giáo xứ, các đoàn hội: Gia trưởng, Con Đức Mẹ, Hội kèn đồng, Hội trống, Thiếu Nhi Thánh Thể, Giáo lý viên, Huynh đoàn giáo dân Đaminh, cùng nhiều đoàn hội và ban ngành khác.