Vào ngày lễ Ngũ Tuần khoảng năm 30, Chúa Giêsu đã thực hiện lời hứa ấy và trao ban đầy tràn Thánh Thần cho các môn đệ, và hôm nay, Ngài lại tiếp tục trao ban Thánh Thần cho mỗi chúng ta. Tuy nhiên, Chúa Thánh Thần là ai? từ đâu tới? làm gì? ảnh hưởng thế nào trong đời sống của các tín hữu?
Lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống
Cv 2,1-11; 1 Cr 12,3b-7.12-13; Ga 20, 19-23
Cách đây 50 ngày, chúng ta đã mừng lễ Chúa Giêsu sống lại, và Chúa Nhật (thứ Năm) tuần trước, chúng ta mừng lễ Chúa Giêsu lên trời. Trước khi rời xa các môn đệ, Chúa Giêsu đã nói “Các con sẽ nhận lấy một sức mạnh tức là quyền lực Thánh Thần; Người sẽ đến trên các con và các con sẽ là chứng nhân của Thầy tại Giêrusalem, trong toàn cõi Giu đê, Samari và cho đến tận cùng cõi đất” (Cv 1,8). Vào ngày lễ Ngũ Tuần khoảng năm 30, Chúa Giêsu đã thực hiện lời hứa ấy và trao ban đầy tràn Thánh Thần cho các môn đệ, và hôm nay, Ngài lại tiếp tục trao ban Thánh Thần cho mỗi chúng ta. Tuy nhiên, Chúa Thánh Thần là ai, Người từ đâu tới, Người làm gì, và ảnh hưởng thế nào trong đời sống của người tín hữu luôn là những câu hỏi được đặt ra cho mỗi người tín hữu chúng ta.
Trong kinh Tin Kính, Giáo Hội tuyên xưng rằng “Đức Chúa Thánh Thần là Thiên Chúa và là Đấng ban sự sống. Người bởi Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con mà ra. Người cùng được phụng thờ và tôn vinh cùng với Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con.” Như vậy, Chúa Thánh Thần chính là Ngôi Ba Thiên Chúa, phát xuất từ Chúa Cha và Chúa Con, cùng được phụng thờ và tôn vinh như Chúa Cha và Chúa Con. Vì là Thiên Chúa, đồng bản tính với Ngôi Cha và Ngôi Con, nên Người là Đấng vô hình. Không ai thấy Người bằng giác quan, nhưng có thể nhận ra Người qua những dấu chỉ và các tác động. Điều này chúng ta thấy được qua Lời Chúa hôm nay.
Bài Tin Mừng và bài đọc một giới thiệu cho chúng ta 4 hình ảnh nói về Chúa Thánh Thần Thánh Thần: gió (hơi thở), lưỡi và lửa. Trong tiếng Do Thái, “Ruah” có nghĩa là gió, không khí, hơi thở. Tiếng Việt dịch từ này là “Thần Khí”, “Thánh Khí”, “Thánh Thần”. Do đó, có thể nói Thánh Thần là gió, là hơi thở của Thiên Chúa. Theo bài Tin Mừng, sau khi hiện ra trao ban bình an, cho các môn đệ xem tay chân và cạnh sườn, sai các ông ra đi làm chứng nhân, Chúa Giêsu đã thổi hơi trao ban Thánh Thần cùng với quyền tha tội cho các ông “Người thổi hơi vào các ông và bảo: Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần.” Sách Cvtd cũng kể rằng “khi đến ngày lễ Ngũ Tuần, mọi người đang tề tựu ở một nơi, bỗng từ trời phát ra một tiếng động, như tiếng gió mạnh ùa vào đầy cả căn nhà… rồi ai nấy đều được tràn đầy ơn Thánh Thần” (Cv 2,1-4).
Trong cuộc nói chuyện với Nicôđêmô, Chúa Giêsu đã dùng hình ảnh gió, khí để nói về Chúa Thánh Thần “Gió muốn đâu thì thổi đến; ông nghe được tiếng gió, nhưng không biết gió từ đâu mà đến hay lại đi đâu. Kẻ sinh bởi Thần Khí cũng vậy” (Ga 3,8). Quả thật, chúng ta không thấy được gió và không khí bằng đôi mắt, nhưng gió và khí lại rất cần cho sự sống. Con người có thể nhịn ăn chừng hai tháng, nhịn uống khoảng hai tuần, nhưng không nhịn thở được mười phút. Chúa Thánh Thần là hơi thở của Chúa Giêsu Phục Sinh được thông ban cho Giáo Hội, để Giáo Hội sống chính sự sống của Chúa, đời sống làm con Thiên Chúa. Để tồn tại và phát triển, Giáo Hội không thể không có Thánh Thần. Người kitô hữu cũng không thế sống đức tin và làm cho đức tin sinh hoa kết trái nếu không có Chúa Thánh Thần.
Trong đời sống tự nhiên, con người không thể sống nếu không có lửa. Lửa có tác dụng tẩy uế, soi sáng, sưởi ấm, nấu nướng…. Trên bình diện thiêng liêng, Chúa Thánh Thần thanh luyện tội lỗi chúng ta, soi sáng cho ta biết chân lý, nung nấu trái tim chúng ta để yêu mến Thiên Chúa và tha nhân. Chúng ta còn nhớ, kèm theo việc thổi hơi trao ban Thánh Thần, Chúa Giêsu trao ngay quyền tha tội cho các môn đệ “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai thì người ấy được tha; anh em cầm tội ai thì người ấy bị cầm lại” (Ga 20,22-23). Giáo lý Công giáo cũng dạy chúng ta rằng khi lãnh nhận bí tích Rửa tội, chúng ta được tái sinh bởi nước và Thánh Thần trở nên con Thiên Chúa, được công chính hóa; khi lãnh nhận bí tích Hòa giải, chúng ta được Thánh Thần tẩy xóa mọi lỗi lầm để giao hòa cùng Thiên Chúa. Điều này được bài đọc một và hai làm sáng tỏ. Thánh Thần lấy hình lưỡi lửa đậu trên các tông đồ, liên kết họ thành một, để cùng tuyên xưng một đức tin và xây dựng Giáo Hội hiệp nhất trong những khác biệt.
Không những được ví như lửa, gió, hơi thở, Thánh Thần còn được nói đến như lưỡi “Rồi họ thấy xuất hiện những lưỡi lửa tản ra đậu xuống từng người một. Và ai nấy đều được tràn đầy ơn Thánh Thần, họ bắt đầu nói các thứ tiếng khác nhau, tùy theo khả năng Thánh Thần ban cho” (Cv 2,4). Lưỡi ám chỉ khả năng ăn nói. Khi diễn tả Thánh Thần như những lưởi lửa tản ra và đậu xuống trên từng người, tác giả sách Cv muốn nói rằng Chúa Thánh Thần ban cho các tông đồ ơn thượng trí hiểu biết các mầu nhiệm Thiên Chúa và khả năng ăn nói để các ông đủ khả năng hiểu biết và rao giảng Lời Chúa cho muôn dân. Theo bài đọc một, sau khi được trao ban Thánh Thần dưới hình lưỡi lửa, các tông đồ nói được nhiều thứ tiếng khác nhau để ca tụng những kỳ công của Thiên Chúa cho các dân tộc khác nhau về ngôn ngữ. Mọi người đều hiểu một cách dễ dàng những gì các tông đồ nói đến nỗi ai nấy đều kinh ngạc vì các tông đồ nói những thứ tiếng của họ.
Hôm nay, Chúa Thánh Thần, hơi thở của Chúa Giêsu Phục Sinh, đang hoạt động trong Giáo Hội và trong thâm sâu cõi lòng mỗi người. Người hiện diện để tái tạo mỗi tâm hồn, đổi mới mỗi con tim, đồng thời qui tụ mọi người nên một trong niềm tin vào Chúa Kitô là thủ lãnh, vào một Thiên Chúa là Cha của hết mọi người. Xin Chúa cho chúng ta nhận ra tặng phẩm cao quí mà Thiên Chúa đã ban là Thánh Thần qua các dấu chỉ, nhất là qua các bí tích để một khi đã nhận ra ân huệ Thiên Chúa ban, chúng ta biết cố gắng thực thi lòng biết ơn bằng cách làm cho các ân huệ của Chúa Thánh Thần sinh nhiều hoa trái trong cuộc đời, đặc biệt là hoa trái của lòng bác ái: bác ái thì không ghen tương, ganh tị, khoác lác ba hoa, hận thù, chơi xấu…, trái lại, bác ái là yêu thương, tha thứ, kiên nhẫn, chân thành, giúp đỡ, phục vụ…. Amen.