Ý nghĩa bức tranh Lễ Truyền Tin của Titian

Thứ hai - 08/04/2024 23:18  645
Không có mô tả ảnh.Lễ Truyền Tin là một trong những tác phẩm thời kỳ sau của Titian, được cho là thực hiện vào khoảng giữa những năm 1560 và 1564. Bức tranh đặc biệt này miêu tả giai đoạn đầu tiên trong hành trình Chúa Giáng sinh khi Tổng lãnh thiên thần Gabriel báo tin cho Đức Mẹ Maria rằng bà sẽ trở thành Mẹ của Chúa Giê-su.

Màu sắc mà Titian sử dụng trong bức tranh làm nổi bật sự trọng đại của sự kiện. Một số nhà phê bình như Charles Hope "không thích màu sắc ảm đạm, dáng điệu cầu kỳ của Đức Trinh Nữ và cách sử dụng cử chỉ vụng về." Theo một quan điểm khác, phong cách đó lại nâng cao tính hiện thực của các nhân vật và khiến người xem gần như quên rằng họ không có thật.

Tổng lãnh thiên thần Gabriel được vẽ bằng các gam màu vàng, nâu và một chút sắc đỏ nơi viền áo choàng. Ngài khoanh tay trước ngực, thể hiện sự tôn kính đối với Mẹ Thiên Chúa. Dáng người uy nghiêm của ngài nhấn mạnh quyền năng với vai trò tổng lãnh thiên thần. Ngay cả đôi cánh, được sơn những màu tối, cũng không mang vẻ mong manh như thường thấy trong các tác phẩm khác.

Đức Mẹ Maria khoác áo màu đỏ máu và xanh lam, một tay đặt trên khăn trùm đầu, tay kia bám vào lan can như để tự nâng đỡ mình. Thái độ của bà toát lên sự bàng hoàng khi nhận được tin tức. Những vòm đá cẩm thạch ở hậu cảnh và sàn lát gạch kết nối tính chất thần thánh của sự kiện với thế giới vật chất thực tại. Titian làm mờ các đường viền của chủ thể với những màu sắc ấm áp.

Có lẽ điều còn cuốn hút hơn cả hai nhân vật chính là những gì đang xảy ra ngay phía trên họ. Ngay khi Đức Maria vén màn che để nghe những gì Tổng lãnh thiên thần nói, các tầng trời mở ra trong ánh sáng rực rỡ. Các thiên thần ở cả hai bên; một số hân hoan và những người khác cúi đầu tôn kính. Thông qua việc sử dụng màu sắc tươi sáng hơn, Titian thể hiện hình ảnh chú chim bồ câu tắm mình trong ánh sáng từ bầu trời.

Ánh sáng chiếu rọi Đức Mẹ Maria, từ đó nhấn mạnh vai trò của bà với tư cách là Người được chọn. Có kích thước 403 x 235 cm với khung đá cẩm thạch, vẻ uy nghi của bức tranh được tôn lên nhờ chính kích cỡ của nó. Tác phẩm “Lễ Truyền Tin" là một phần trong bộ ba tác phẩm nghệ thuật phục vụ bàn thờ chính của nhà thờ San Salvador ở Venice, do các thành viên của nhà thờ đặt hàng. Hai tác phẩm còn lại là “Chúa Hiển Dung” và “Chúa Chịu Đóng Đinh”, nhưng bức sau không được treo trong nhà nguyện.

Phong cách của Titian đã thay đổi khá nhiều khi ông vẽ tác phẩm “Lễ Truyền Tin” - dường như nó trở nên tự do và gần gũi hơn so với các tác phẩm trước đó của ông. Bức tranh cũng chứa chữ ký của Titian cùng dòng chữ "fecit, fecit" được dịch là "ông đã làm điều đó, ông đã làm điều đó". Đã có những suy đoán về ý nghĩa của cụm từ này; liệu nó có nhằm mục đích hướng đến những lời chỉ trích hay là để nhấn mạnh sự tráng lệ của bức tranh.

Titian sở hữu một tác phẩm “Lễ Truyền Tin” khác được vẽ vài thập kỷ trước đó. Tác phẩm này đơn giản hơn, khắc họa Tổng lãnh thiên thần Gabriel đang cầm một bông huệ, truyền tin cho một Đức Mẹ Maria đang quỳ gối.

So với tác phẩm sau này, tác phẩm này tĩnh lặng hơn, không có tiếng ca của các thiên thần, không có chim bồ câu hay ánh sáng bùng nổ. Bức tranh trước đó có thể được tìm thấy tại Scuola Grande di San Rocco. Họa sĩ Gerhard Richter cũng vẽ một “Lễ Truyền Tin” theo phong cách Titian. Ông lấy cảm hứng cho tác phẩm sau khi xem phiên bản trước đó của Titian.

Titian, tên khai sinh là Tiziano Vecelli, là một họa sĩ người Ý xuất thân từ Trường phái Venice nổi tiếng thế giới. Năm sinh của ông không rõ ràng nhưng được ước tính là vào khoảng sau năm 1482.

Ông có phong cách đa dạng, từ phông nền phong cảnh đến chân dung hay các chủ đề tôn giáo. Tiziano ảnh hưởng đến thời đại Phục hưng Ý bởi tài năng phối màu bậc thầy. Ngay cả khi phong cách của ông thay đổi theo năm tháng, tình yêu của ông dành cho màu sắc vẫn thể hiện rõ nét trong từng tác phẩm. Lúc mười hai tuổi hoặc hơn, Titian bắt đầu học việc tại một xưởng họa ở Venice.

Cùng với anh trai mình, ông khởi đầu ở xưởng vẽ của Gentille Bellini rồi chuyển sang xưởng của Giovanni Bellini. Các tác phẩm “Cuộc thăm viếng của Mary và Elizabeth” và “Madonna Di Ca’ Pesaro” được ghi nhận là một số tác phẩm đầu tiên của Titian.

Tiziano phát triển phong cách của mình một cách có chiều sâu trong suốt nhiều năm, chuyển từ thiên hướng Giorgionesque sang các tác phẩm phức tạp hơn. Sau khi Giorgione và Giovanni Bellini qua đời, Titian vẫn đứng đầu Trường phái Venice. Ông khẳng định tên tuổi của mình với tư cách bậc thầy hội họa thành Venice. Tác phẩm thành công nhất của ông là “Đức Mẹ Đồng Trinh lên Trời”, được thực hiện cho Vương cung thánh đường Santa Maria Gloriosa dei Frari. Bức tranh cuối cùng của ông là “Pieta”, đã được Palma il Giovane hoàn thành.

Tác giả: Duc Trung Vu, CSsR 

***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập218
  • Máy chủ tìm kiếm60
  • Khách viếng thăm158
  • Hôm nay0
  • Tháng hiện tại1,338,589
  • Tổng lượt truy cập71,371,398
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây