Thập giá và ngọn cờ - Qua đau khổ đến vinh quang

Thứ năm - 21/03/2024 05:10  914
Trong các cuộc chiến, hình ảnh lá cờ phấp phới tung bay thường là dấu hiệu cho thấy bên đó đã dành chiến thắng. Đàng khác, đâu đây trong các cuộc tiếp đón các nguyên thủ đến các quốc gia, khi đoàn xe tới đâu, chúng ta cũng thường thấy mọi người đứng hai bên đường, tay cầm cờ như một dấu chỉ để tung hô vị thượng khách ấy. Có thể nói, lá cờ  là biểu tượng của sự vinh quang.

Còn Thập giá? Vào thời Chúa Giêsu, thập giá là dụng cụ nhục hình dành cho các tội nhân. Thập giá là biểu tượng của sự thử thách, của nỗi khổ đau. Trong cuộc sống, dù muốn dù không, chúng ta vẫn gặp và chịu đựng nhiều thứ trái ý. Thật vậy, bị áp bức mà không làm gì được người kia thì đành phải chịu thua. Đó là “bị” vác thập giá, bị nhục nhã. Người Việt có câu: “Một sự nhịn, chín sự lành”. Nhưng người ta thường “nói đùa” là “một sự nhịn, chín sự… nhục”. Đàng khác Thập giá cũng chính là nhục hình mà Chúa Kitô đã phải chịu, và Ngài đã chết trên đó để cứu chuộc nhân lọai. Ngài đã bị nhục nhã ê chề, vì hình phạt đóng đinh vào Thập giá chỉ dành cho những tên tội phạm “khét tiếng”. Không chỉ là bị đóng đinh vào Thập giá mà Ngài còn bị lột trần. Vô cùng nhục nhã. Thậm chí các môn đệ chí thiết cũng tìm cách rời xa Ngài vì sợ bị liên lụy. Chúa Giêsu đã bị liệt ngang hàng với cỡ tội phạm nguy hiểm như Baraba hoặc Osama bin Laden. Có lẽ không còn sự nhục nhã nào hơn nữa!

 
z5266778696476 800a15b87f689140fcaf6c66e10fbf41

Hẳn là mỗi khi nhìn và nhớ lại những biến cố đau buồn trong cuộc đời, chúng ta sẽ thấy không biết có bao nhiêu biến cố mà ta phải cám ơn, vì nhờ chúng mà chúng ta đã thay đổi và lớn lên. Đây là một sự thật rất đơn giản mà nhiều người chưa từng nhận ra. Các biến cố may mắn làm cho cuộc sống trở nên vui tươi nhưng chưa hẳn đã giúp chúng ta khám phá ra mình, lớn lên và được tự do, mà được dành cho những sự việc, con người và tình huống từng làm chúng ta đau khổ. Mỗi biến cố đau buồn đều chứa đựng nơi mình một hạt giống cho chúng ta lớn lên và tự do. Nhận ra sự thất ấy, ta hãy quay về với cuộc đời mình và nhìn lại vài biến cố mà lâu nay bạn chưa bao giờ tri ân, ta sẽ biết mình có khả năng phát hiện ra nơi những biến cố ấy tiềm năng giúp mình tăng trưởng mà lâu nay ta chưa hề ý thức và vì thế chưa một lần nhìn đến.

Nhớ lại hè vừa qua, chẳng là chúng tôi được đến tĩnh tâm tại một địa điểm mà cuộc đời chưa từng đặt chân tới: Thành phố du lịch nổi tiếng của Việt Nam, nơi có bốn mùa trong một ngày, Đà Lạt. Tất cả háo hức mong chờ đến những ngày này để được đi vào cô tịch giữa một vùng trời và mảnh đất đáng sống.

Xe đưa chúng tôi lăn bánh và hành trình "vào sa mạc" bắt đầu. Được biết, nơi chúng tôi sẽ đến và ở lại với Chúa là một tu viện của quý Soeur. Chốn đây, có một cô bạn cùng quê đang tu học. Thầm nghĩ: "thế nào lúc kết thúc tĩnh tâm tôi cũng gặp lại được bạn ấy để chia sẻ những câu chuyện tuổi thơ, vì cũng lâu lắm rồi, hai người chưa có dịp gặp".

Tuy nhiên, chưa đến nơi thì điều chẳng lành đã tới. Tôi mở điện thoại nhận được những dòng tin nhắn của một người với nội dung: "Em cầu nguyện cho Chú B, bố của bạn V nhé, mất tích mấy hôm nay rồi!". Tôi ngỡ ngàng, lo lắng và cũng có chút bồn chồn. Lúc này, tôi ngổn ngang những câu hỏi rối bời: "Có nên báo cho bạn ấy không? Cho biết rồi, bạn ấy sẽ sống ra sao khi ở đây? Bề trên của bạn ấy sẽ nhìn nhận thế nào khi tôi là một người ngoài báo tin!?!"

Suy nghĩ một hồi, tôi quyết định im lặng.

Sáng hôm sau, sau giờ lễ, từ xa xa tôi thấy bạn ấy từ phòng của các sơ đi ra, mặt tái nhợt, mắt thâm cuồng vì tối hôm qua bề trên của bạn ấy đã báo tin, có lẽ cả đêm rồi bạn ấy không ngủ được. Đi ra, nhìn thấy tôi, bạn ấy bất ngờ vì sự hiện diện này. Nhưng giờ cũng còn đâu tâm trí để mà nói chuyện? Thôi thì cũng chào để ra đi với lời xin: "cầu nguyện cho bố mình nhé, mất tích rồi! Mình về Sài Gòn đây. Hi vọng không có chuyện gì tồi tệ!"

Tôi vội nén một tiếng thở dài, sau một hồi đắn đo, tôi quyết định tiễn bạn ấy ra xe và thầm mong mọi sự tốt đẹp sẽ đến với bạn ấy. Sau đó, tôi quay về với công việc bổn phận của mình.

Năm phút sau...

Bạn ấy lên xe, tôi nhận được hai cuộc gọi liên hồi của một Cha tại Sài Gòn. Thôi thì chuyện gì đến cũng sẽ phải đến. Bố bạn ấy đã qua đời 3 - 4 ngày rồi, nay mới tìm thấy xác. Tôi nghẹn ngào! Dừng lại một lúc trên đường, sau khi vội đọc cho bố bạn ấy một câu kinh, tôi nhấc máy gọi cho cô bạn nhưng không nói được gì cả vì quá sợ! Bạn ấy chắc cũng biết có điều gì chẳng lành nên gọi lại, gọi lại liên tục cho tôi. Lúc này, tôi lấy hết can đảm để nói lên sự thật.

Và... phản ứng đầu tiên của bạn ấy, đương nhiên rồi: Khóc... Và có lẽ, lúc ấy, như thể tất cả những gì phía trên bạn ấy sụp xuống. Khi ấy, tôi cảm thấy ân hận vì không nói cho bạn ấy biết sớm tin bố bạn ấy mất tích!

Đến Sài Gòn cũng là lúc trời nhóm em tối. Từ xa xa nhìn thấy một khoảng không phủ kín vành khăn tang. Còn bạn ấy, từ một thiếu nữ lúc nào cũng vui vẻ tươi cười, nay trở nên tiều tuỵ bên cạnh quan tài của bố mình. Tôi chỉ biết đứng nhìn trong lặng im. Tuy nhiên, trong khung cảnh tưởng như tuyệt vọng ấy, tôi thấy ánh lên nơi cô bạn niềm hi vọng niềm hi vọng vào đức Kitô phục sinh. Điều ấy được thể hiện rõ nơi ánh mắt và niềm hi vọng càng được thắp sáng hơn nữa có sự quan tâm của mọi người dù cho bố của bạn ra đi nơi đất khách quê người.

Và rồi, mọi sự cũng đã qua. Việc đưa thi hài về quê hương và thánh lễ an táng tất cả mọi công việc đã kết thúc, tôi đọc ra bài học thật đẹp.

Đứng trước cái chết đau đớn, tức tưởi của bố mình, có lẽ cô bạn không thể lý giải được, và Giáo lý Giáo hội Công giáo gọi nó là mầu nhiệm sự dữ. Giáo lý còn đưa ra lý do tạm chấp nhận: bắt nguồn từ chính tự do chọn lựa của con người[1], nhưng có sự việc khó có thể chấp nhận. Thánh Augustinô cũng đã từng thốt lên: “Tôi cố tìm xem do đâu mà có sự ác. Và tôi đã không tìm được câu giải đáp.” (Confessions 7: 7,11). Thánh Phaolô thì nhìn nhận: “Thật vậy, mầu nhiệm của sự gian ác đang hoành hành” (2 Tx 2,7). Vì chưa tìm được lý do chưa thỏa đáng, nên người ta thường có khuynh hướng đi tìm cho ra một “thủ phạm”; thế nên Thiên Chúa là người đầu tiên bị đưa lên ghế “bị cáo.” Phải chăng sự dữ mạnh hơn Thiên Chúa? Và nếu vậy thì Thiên Chúa có còn là Đấng Toàn Năng không? Nếu có, sao Người để cho đau khổ và sự dữ xảy ra? Đừng lo, Thiên Chúa sẽ vẽ thẳng bằng những nét cong!

Từ phương xa, tôi theo dõi lễ an táng của bố bạn ấy qua internet, tôi thấy chính cái chết ấy mở cõi lòng của rất nhiều người ra và trong đó có cả tôi, những người đang ảo tưởng rằng mình không phải chết. Cái chết ấy mở cõi lòng cũng rất nhiều người hầu ý thức về thân phận bụi tro của mình, để biết sống thọ thác mọi sự cho Chúa, để biết sống nơi hy vọng nơi cứu cánh cuối cùng là Chúa trong con người thật của mình, theo đúng cái "mình là". Cách riêng, hẳn là cái chết này sẽ hun đúc cho cô bạn được thêm vững mạnh, bởi vì dù trong hoàn cảnh đau khổ nhất, Thiên chúa vẫn luôn ở bên. Thiên Chúa không cất khỏi đau khổ nơi con người, nhưng Thiên Chúa luôn ở bên con người khi đau khổ.

Vậy đấy, cái chết ấy như một cuộc quy tụ của tất cả mọi người quê hương từ Bắc chí Nam, để mọi người trở về để cùng quây quần bên linh cữu và để cùng giúp đỡ gia đình như một sự liên đới với người đã khuất qua lời cầu nguyện[2], như một sự hiệp thông với người còn sống, để người ta thấy "Người ta cứ dấu này mà nhận biết anh em là môn đệ của thầy là anh em yêu thương nhau" (Ga 13,35).

Đời vẫn xoay vần như thế, giữa trăm sự nhớ thương, giữa triệu điều tiếc nuối, nhưng một khi ta biết nhìn lại ta sẽ khám phá ra Lòng Thương Xót của Thiên Chúa đưa ta đến vinh quang ngang qua sự đau khổ. Khi biết khám phá về những phút ban đầu để nhìn lại hẳn là ta sẽ ca lên lời Thánh vịnh:

Hãy tạ ơn Chúa vì Chúa nhân từ
Muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương (Tv 117,1).

Chân lý “qua đau khổ tới vinh quang” là bất biến. Trên con đường theo Chúa, chúng ta cũng sẽ gặp nhiều gian nan đau khổ, nhưng nếu kiên tâm và can đảm vượt qua, chúng ta sẽ chiến thắng cùng với Đức Giêsu và đạt được niềm vui bất diệt. Và niềm vui chỉ thật sâu sắc và trọn vẹn sau khi đã kinh qua những nỗi ưu phiền. Niềm vui cao quí nhất dành cho những ai theo Đức Giêsu chính là sau khi  trung tín vượt qua cuộc lữ hành trần thế, được gặp Đức Giêsu và hưởng niềm vui Phục sinh trong Nước Trời. Đó là niềm vui vĩnh hằng không ai có thể cướp mất được. Niềm vui mà thánh Phaolô từng nói: “Những đau khổ chúng ta chịu bây giờ sánh sao được với vinh quang mà Thiên Chúa sẽ mạc khải nơi chúng ta” (Rm 8,18). Một khi trải qua thập giá, cùng với Đức Kitô, chắc chắn chúng ta sẽ dương cao lá cờ khải hoàn trong vương quốc Tình yêu của Thiên Chúa.
 

[1] GLHTCG, Số 331
[2] Cầu nguyện cho người đã qua đời là một điều cần thiết vì:

A. Nhiều linh hồn chết trong ơn nghĩa với Chúa, nhưng vẫn đang còn chịu sự thanh luyện

Trong Vương quốc của Thiên Chúa hằng sống – thành Giê-ru-sa-lem trên trời, có những người công chính đã được nên hoàn thiện (Kh 21,27) nhờ được thanh luyện như “băng qua lửa” (1Cr 3, 15). Có nhiều tranh luận và những cuộc bút chiến về sự tồn tại của nơi thanh luyện “purgare” dành cho các linh hồn dù được ơn nghĩa với Chúa nhưng vẫn còn phải chịu những hình phạt bởi tội. Vào thế kỷ IV, thánh Ê-pi-pha-ni-ô chống lại tư tưởng của phái A-ri-ô, khi nhóm này chủ trương không có luyện ngục và cầu nguyện cho những người chết là vô ích. Vào thời Trung cổ, nhiều giáo phái từ chối tin vào sự tồn tại của luyện ngục, như lạc giáo Albigenses, Voudoir.

Giáo lý Hội thánh Công giáo, số 1030 viết:

Những người chết trong ân sủng và tình thân nghĩa của Thiên Chúa, nhưng chưa được thanh luyện hoàn toàn, thì tuy họ chắc chắn sẽ được cứu độ muôn đời, họ còn phải chịu thanh luyện sau khi chết, để đạt được sự thánh thiện cần thiết hầu tiến vào hưởng niềm vui thiên đàng.

Như thế, luyện ngục không phải là nơi chốn linh hồn bị luận phạt, là nơi Thiên Chúa diễn tả tình thương của mình dành cho con người, Người khao khát tẩy rửa các linh hồn để họ có thể thông hiệp trọn vẹn với Người trong Thiên Quốc. Hơn nữa, vì Thiên Chúa là tình yêu, nên lòng thương xót vô biên của Thiên Chúa còn lớn hơn sự phán xét công minh của Người. Sự chuyển cầu của những người còn sống có thể giúp các linh hồn đang chịu thanh luyện mau chóng đạt đến sự thánh thiện vẹn toàn.(Tông Huấn Giáo Lý Ân Xá, Indulgentiarum Doctrina, số 3).

B. Các linh hồn không thể tự cầu nguyện cho mình, mà chỉ còn cậy nhờ vào lời cầu nguyện của các tín hữu

Thánh vịnh 88 (lời than vãn “tối tăm” nhất trong các lời than vãn) là tiếng kêu van từ sâu tận của một tâm hồn đang thổn thức, não nề. “Lạy Chúa là Thiên Chúa cứu độ con, trước thánh nhan, đêm ngày con kêu cứu. Nguyện cho lời kinh vọng tới Ngài, xin lắng nghe tiếng lòng thổn thức”. Đây là lời than vãn của một người còn sống, một tâm hồn tuyệt vọng và “tràn ngập đau khổ”. Tuy nhiên khi thánh vịnh 88 cất lên, ta cảm giác như đang được nghe khúc ai ca của một kẻ đang nằm dưới mồ mả vì vịnh gia liên tục ví mạng sống của mình như “âm phủ gần kề”, thân xác mình như những tử thi khác bị “vùi trong mồ mả”, “bị Chúa quên đi” và “không được tay Ngài săn sóc”. Thật khổ sở, vịnh gia cảm thấy mình bị giam cầm trong vương quốc của kẻ chết, bị khóa chặt trong ngục tù Sheol và chỉ còn một mình trong bóng tối. Lời than vãn “tối tăm” ấy vô hình trung gợi lên những hình dung về trạng thái con người sau khi chết tuy rằng nó còn tương đối mơ hồ.

Trong Cựu Ước, cái chết cũng mang một viễn tượng buồn thảm, nó “thảm” như những gì vịnh gia đã cảm nhận. Các tổ phụ cho rằng người chết xuống âm ti, ở đó không có ánh sáng, những linh hồn phải sống một đời sống trì trệ, không thể ca ngợi Thiên Chúa. Điều này chúng ta cũng thấy rõ trong bài ca của vua Khít-ki-gia. “trong chốn tử vong, không người ca tụng Chúa, và trong nơi âm phủ, chẳng ai ngợi khen Ngài. Kẻ xuống mồ cũng dứt niềm trông cậy vào lòng Chúa tín trung.” (Is 38,18). Ngoài một đời sống trì trệ và đờ đẫn, các tổ phụ còn cho rằng người chết cũng không thể thực hiện ý định của trần gian và vịnh gia cũng nhắc đến điều này: “Đừng tin tưởng vào nơi hàng quyền thế […]. Họ tắt hơi thở là trở về cát bụi, dự định bao điều: ngày ấy tiêu tan.” (Tv 145). Chính Thiên Chúa đã dùng cánh tay của Người lấy lại hơi thở (sinh khí – ruah) là thứ làm cho con người sống (x. Sự Chết Đối Với Các Tổ Phụ, Để làm giàu kiến thức kinh thánh (Hà Nội: Tôn Giáo, 2012), tr.127). Khi con người xuống âm ti, họ không thể làm được gì cả, họ trông lên Chúa nhưng không thể van xin và ca tụng, họ bất lực trong một đời sống trì trệ, họ chỉ còn biết trông chờ vào tình thương của Thiên Chúa mà thôi.

Theo thánh Tôma Aquinô, những kẻ ở trong luyện ngục mặc dầu ở “trên” chúng ta do tính không thể phạm tội, nhưng vẫn ở tình trạng dưới chúng ta nếu chúng ta xem xét sự đau khổ mà họ phải chịu. Về phương diện này họ không ở trong tình trạng có thể cầu nguyện cho chúng ta, đúng hơn là chúng ta phải cầu nguyện cho họ (x.Summa Theologiae II, q.83, a.11).

C. Bản chất của Hội thánh là sự hiệp thông

Thánh Âu Tinh cho rằng, linh hồn của những người hiếu trung không bị tách ra khỏi Hội thánh của Thiên Chúa, vì vậy những lời cầu nguyện và việc làm của những người còn sống sẽ hữu ích với những người đã qua đời (x.Thành đô Thiên Chúa XX.9).

 Trong Kinh Tin Kính sau khi tuyên xưng “Hội Thánh hằng có ở khắp thế này” chúng ta tuyên xưng mầu nhiệm “các thánh thông công”. Thánh Tôma Aquinô cũng nói rằng, các tín hữu làm thành một thân thể duy nhất, nên điều thiện hảo của người này được truyền thông cho người khác. Vì vậy mà giữa các “tình trạng Hội thánh” có sự hiệp thông với nhau. Hội thánh lữ hành luôn tưởng nhớ đế Hội thánh đau khổ trong Thánh lễ, bằng lời cầu nguyện và những hy sinh bác ái để chuyển cầu cho họ. Tất cả chúng ta đều là con cái của Thiên Chúa và hợp thành một gia đình trong Đức Kitô, nên khi chúng ta hiệp thông với nhau trong đức mến hỗ tương và trong cùng một lời ngợi khen Chúa Ba Ngôi Chí Thánh, chúng ta sống phù hợp với ơn gọi thâm sâu của Hội Thánh (x.GLCG số 947, 958, 959).

Tác giả: Đức Hữu

***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập119
  • Máy chủ tìm kiếm28
  • Khách viếng thăm91
  • Hôm nay48,116
  • Tháng hiện tại1,140,673
  • Tổng lượt truy cập71,168,430
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây